Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Buổi chiều. Tôi không nhớ đã nhìn thấy ở đâu, một bức họa đường tuyến tính của thời gian, như thế này: hai đầu của đường tuyến tính, chạy cả về hai phía vô định, và biến mất. Hóa ra quá khứ và tương lai chiếm hết cả chiều dài thời gian, hiện tại chẳng là cái gì, chỉ là một cái chớp mắt, chỉ là một phần rất nhỏ, của cái chớp mắt. Tôi đã làm một thử nghiệm, tôi chớp mắt, thế là tôi đang ở thời hiện tại, chớp mắt cái nữa, hiện tại đã thành quá khứ. Tôi làm thêm một thử nghiệm nữa, tôi vẽ hiện tại, bằng một dấu chấm bé nhỏ, nhưng bên ngoài đường tuyến tính thời gian. Hiện tại của tôi thế là tồn tại vĩnh viễn, chẳng thuộc về đâu cả, chẳng phụ thuộc quá khứ lẫn tương lai. Chiều nay, một buổi chiều tháng mười nắng nhóe, tôi cùng Cốm đến thăm mẹ. Tôi nói: “Vợ chồng con đến chúc Tết mẹ”. Mẹ tôi cười, rồi nói: “À thế là mày trốn ngay ở nhà. Tao ngỡ mày ra Lai Thụ”. Mẹ tôi đem cam xã Đoài ra. Cốm bổ cam. Mẹ tôi nói: “Bây giờ con ở lại, phải làm ăn tu tỉnh”. Tôi vâng. Tôi ăn cam. Mẹ tôi bảo ở lại ăn cơm. Tôi rủ mẹ đi ăn tiệm. Mẹ tôi nói: “Phải hà tiện con ạ. Tiêu thế, tiền núi cũng hết”. Mẹ tôi cũng mắng Cốm: “Chồng là cái giỏ, vợ là cái hom. Kiếm được mười, hãy tiêu một, còn chín thì để dành. Hạng đàn bà, cứ nghễu nghện nay cao lâu, mai cao lầu, tôi không ưa”. Cốm nói: “Tại nhà con bảo, hôm nay là ngày Tết, nên mời mẹ đi ăn tiệm. Con bảo mua gà làm cơm mời mẹ, nhà con không nghe”. Mẹ tôi nói: “Thôi vợ chồng cô đừng thơ mộng. Còn 4 tháng nữa mới Tết. Vui là vui trong bụng, việc gì phải ra tiệm. Hóa ra tự đánh lừa, hóa ra đánh lừa Tết, để mà ăn à?” Tôi nói: “Sao mẹ hà tiện thế?” Mẹ tôi nói: “Khốn, nhưng tôi quen lam lũ tần tiện từ bé rồi”.

Tôi và Cốm ra phố. Thử nghiệm của tôi về thời gian, là xáo trộn lại các tờ lịch, để lúc nào tôi muốn mùa đông, là có mùa đông, để lúc nào cũng hiện tại. Lúc nào cũng không quá khứ, không cả ngày mai. Tôi và Cốm đi bộ, cho đến lúc thằng Đoành gọi to, giữa phố. Đoành gọi: “Dưỡng! Dưỡng!” và chạy đến nói: “Ông anh bà chị diện thế. Nom rùng rợn lắm. Mãi mới nhận ra”. Tôi nói: “Có đi chén với vợ chồng này thì đi”. Đoành nói: “Mời à?” Tôi nói: “Mời”. Đoành nói: “Ông anh cao thượng”. Thế là chúng tôi kéo nhau vào Mĩ Kinh. Tôi gọi các món biển. Đoành nói: “Thật rùng rợn”. Hai thằng uống. Tôi giao hẹn, hôm nay uống tử tế nhé. Vì sợ thằng Đoành say, say thì thế nào nó cũng trộn lẫn rượu với mắm tôm, với ớt cay, với nước mắt, với đủ mọi thứ trong đời, để làm món côctay. Bên cạnh, Cốm ăn rụt rè. Tôi hỏi Đoành: “Mày trốn ở đâu?” Đoành nói: “Ở nhà Lí Hà”. Tôi hỏi: “Lí Hà là nhân tình Bảo Đại à?” Đoành nói: “Chứ còn Lí Hà nào. Rùng rợn không ngờ nhé. Em ấy thắp nến, bốn đầu giường, ngay giữa ban ngày, rồi ngựa chạy ra chạy. Nhoong ếp là một thằng Hồng Kông, là một thằng Xicagô, là một oẳn thoằn loằn. Em ấy kể Bảo Đại trông thế mà thộn, chỉ được mỗi trò, là trò liếm”. Cốm không hiểu gì, nên cau mày. Tôi rót thêm rượu. Tôi hỏi: “Mày biết Tình Bốp rúc đâu không?” Đoành nói: “Nó rúc với tao”. Tôi hỏi: “Ở nhà Lí Hà à?” Nó đáp: “Không, nhà Macxen”. Tôi hỏi: “Thế là thế nào?” Nó nói: “Còn thế nào nữa. Lúc ấy tao đang bí chỗ rúc. Tao ra phố 8 giờ tối, đi cầu may, không ngờ gặp Tình Bốp. Nó kéo luôn tao vào nhà Macxen. Tao mới vừa ở đấy ra xong”. Tôi hỏi: “Thế Tình Bốp đâu?” Đoành nói: “Không biết. Khi tỉnh dậy, đã không thấy nó. Nhà cửa tanh bành. Tất cả cuốn gói từ lúc nào. Tao say quá. Tao đi khắp buồng này qua buồng khác. Cả nhà lạnh tanh. Tao sợ tao cũng chuồn luôn”. Tôi lại hỏi: “Thế sao mày bảo, mày rúc ở nhà Lí Hà?” Nó nói: “Tại tao cứ ao ước thế nên mới phát ra đằng mồm”. Tôi cười và uống thêm nữa. Cốm không hiểu gì, nên cau mày. I như trong thánh kinh: xung quanh bàn, là những cái mồm, cử động bóng mỡ. I như trong thánh kinh: kẻ hạnh phúc vốn thích ăn uống, cho nên tôi ngắm các cô gái, đang hạnh phúc bên bàn. Và cũng i như trong thánh kinh: các cô có những cái mồm, của loài mèo, của hoa nhài, của huê nhài. Cốm bên cạnh, có hai cái môi chậm chạp, nên mồm cứ như một nụ hoa. Đoành nói: “Suốt tuần qua tao rợn quá. Chỗ tao rúc quả thần tiên, không tổ quỉ nào bằng. Tranh cổ điển vẽ sai cả. Đáng lí quỉ phải vẽ là tiên, tiên ngược lại là quỉ. Thế mới phải cái lí ở đời”. Tôi nói: “Nhà Macxen mà”. Đoành tròn mắt hỏi: “Nhà Macxen nào? Mày tưởng tao ở nhà thằng Macxen thật à? Mày ngây thơ thật. Sống trên thế giới dối trá, toàn dối trá, mà mày vẫn ngây thơ. Tao không rúc nhà Lí Hà. Cũng không ở nhà Tình Bốp. Không ở nhà Macxen. Mày biết ở đâu không nhỉ?” Rồi nó nói dối: “Rúc ở một hầm rượu to, quanh co lắm. Không cần mặc quần áo, 3 ngày, liền 3 đêm. Tỉnh thì uống, cho say. Say thì uống, cho tỉnh”. Tôi nhìn mồm nó, chỉ mình tôi nhìn thôi, vì Cốm hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện. Cốm không hiểu gì, nên cau mày, và đôi má ửng hồng vì thẹn. Tôi nhìn Cốm. Thấy Cốm đẹp. Vì tóc ngắn cỡn, để lộ toàn bộ cổ và gáy, toàn bộ đôi tai không đeo khuyên tai, để lộ luôn toàn bộ khuôn mặt tòn tõn, kiểu gái quê ra phố. Cốm kín đáo nháy mắt, tỏ í muốn về. Tôi cũng muốn về, vì có một dự định, cho tối nay. Thế là, tôi và Cốm đi xe đôi về. Trên xiclô tôi rất nghiêm túc. Khi nào tôi nghiêm túc, là trong sọ có một dự định không nghiêm túc. Mặt mũi nghiêm túc, để không bị người đi phố bắt quả tang, giữa một í nghĩ hủi. Trên xiclô tôi tự nhủ lát nữa, khi về đến nhà, sẽ chụp ảnh miêu tả chân thực Cốm, mấy pô.

Tháng bảy 1965. Chị Trinh kể: tên em là Trinh. Em là vợ anh Dưỡng, nhưng nhà em cứ gọi em là Cốm. Dạo lấy chồng, em mới 17, mọi người gọi đùa, là cô dâu Cốm chanh, nhân đó có cái tên Cốm. Nhà em tính tếu nhưng cũng đứng đắn, không phải là người không biết nghĩ. Nhà em bị ảnh hưởng truyện trinh thám, ảnh hưởng quân đội đế quốc, và lối sống cao bồi Mĩ, nhất là trong 14 tháng đi lính tàu bò. Trước ngày tiếp quản, nhà em lo không đi Nam mà ở lại, thì chính phủ bắt tội. Chị Hòa bày cách cho em, để thuyết phục nhà em, ra nộp súng đầu thú. Ở xóm em thân nhất với chị Hòa, có điều gì trong gia đình, không than thở được với ai, em đều kể hết với chị.

Tháng bảy 1965. Chị Hòa kể: tôi là nhân viên, ban bảo vệ khu phố. Hôm ấy chính xác một ngày tháng mười, năm 1954. Tôi đang nấu cám lợn, 5 phút trước khi nồi cám sôi, cô Trinh chạy sang, hai mắt đỏ hoe. Cô xuống bếp ngồi, với tôi. Tôi hỏi: “Vợ chồng cãi nhau à?” Cô Trinh nói: “Không”. Biểu hiện này không bình thường, tôi mới gặng thêm: “Thế thì tại sao? Mắt đỏ hoe chứng tỏ vừa mới khóc, đấy thôi?” Cô Trinh nói: “Nhà em chụp ảnh em”. Tôi hỏi thật thà: “Cô này trẻ con. Chụp ảnh thì việc gì phải khóc”. Cô Trinh nói: “Chụp ấy cơ… nhà em chụp ảnh… quân đế quốc”. Tôi nghĩ, Dưỡng chụp ảnh Tây rút chạy nên bị rầy rà, nhưng không phải. Tôi gặng mãi cô Trinh mới kể, chính xác hơn: “Nhà em say rượu, đè em ra, lột hết quần áo… bắt chụp ảnh. Em không chịu, nhà em trói em lại, và nhét mùi soa vào mồm”. Cô làm tôi xấu hổ đỏ cả mặt. Tôi được khu phố phân, làm công tác tề ngụy, cho nên dù câu chuyện của họ phức tạp, dù nhiều chi tiết làm tôi xấu hổ, tôi vẫn phải đi sâu. Sau đó, nhận xét của tôi là: cô Trinh xinh xắn ngoan nết, dớ phải thằng chồng tàu bò quá tệ. Sau đó, cô Trinh kể lại hết mọi chuyện ngày hôm ấy: buổi sáng Dưỡng đánh người ngoài phố, buổi chiều hai vợ chồng lên thăm mẹ, buổi tối hai vợ chồng gặp thằng Đoành, rồi cả ba kéo nhau vào Mĩ Kinh, buổi đêm hai vợ chồng đi xe đôi về. Lắm lúc, cô Trinh ngập ngừng kể, để tôi phải khuyên khích, nhẹ nhàng: “Trinh cứ kể đi, kể cho đúng. Ở đây chỉ có hai chị em mình, thân tình với nhau thôi mà”. Thế là cô Trinh thuật lại tí mỉ chuyện bữa ăn: Đoành nói dối 5 lần, Đoành nói thật 2 lần. Dưỡng uống 5 cốc rượu, cô Trinh cau mày 3 lần, cô Trinh nháy mắt kín đáo 1 lần. Tôi chú í một điểm: là thằng Tình Bốp kéo Đoành đi trốn. Thằng Macxen là trùm Phòng Nhì Pháp, tại sao lại đến trốn lính Pháp ở nhà nó? Tôi nói, chính xác thế này: “Thấy chưa, cô phải chú í hơn. 35 ngày trước Tình Bốp đã rủ chồng cô đến trốn tại nhà thằng Macxen, chồng cô không nghe. Sau đó nó rủ cậu Đoành. Tôi thấy lởn vởn bóng thằng Macxen, trong câu chuyện của mấy cậu này, như thế không phải là điềm lành đâu cô ạ. Cô phải chú í. Bọn địch tìm tay chân trong đám bất hảo, và ngụy quân ngụy quyền. Cô cảnh giác, là để giữ chồng cô khỏi sa vào bẫy của chúng”. Cô Trinh nói: “Hễ có gì khác í, em sẽ tìm chị ngay”. Tôi bèn bày cách cho cô, bí mật như thế nào: dù có tình nghi, vẫn phải cười nói vui vẻ, bề ngoài làm vẻ ngờ nghệch, nhưng không để bất cứ việc gì lọt qua mắt được. Phải để í cả những chi tiết nhỏ nhất. Có khi chỉ từ một câu nói, một thái độ khác thường, hoặc một cái gì rất tầm thường, mà có thể tìm ra manh mối thằng địch. Như vậy là, hành động vừa bảo vệ miền Bắc, vừa bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Buổi tối. Nhật kí tiếp tục: tôi tỉnh rượu, người rã rời và miệng đắng. Tôi tự pha cho mình một cốc nước chanh vại. Em Cốm đang làm cơm dưới bếp. Tôi nhớ tới những pô ảnh chụp Cốm, khỏa thân lúc nãy, liền quây một góc buồng ngủ, làm buồng tôi. Tôi bắt buộc phải chơi ảnh tại gia, vì nếu không rửa lấy, chụp lấy, không thể có được những pô ảnh thật sự hủi, như tôi thích. Tôi làm ảnh trong buồng tối một lúc, thì Cốm gọi tôi ra ăn cơm. Ngó ra thấy mặt Cốm sưng sỉa, tôi nói: “Để cơm đấy đã. Người văn minh gọi ảnh này là ảnh nghệ thuật đấy”. Cốm nói: “Này, tôi đã mách chị Hòa rồi. Bận sau mà còn giở trò, anh đừng có trách”. Tôi cười: chị Hòa thế nào cũng xấu hổ đỏ mặt. Tôi nói: “Thế chị Hòa có muốn xem ảnh nghệ thuật không?” Cốm xông đến đấm vào ngực tôi. Cốm nói: “Đểu. Đểu vừa chứ”. Tôi nắm lấy tay Cốm. Tay nhỏ, như nõn hoa huệ. Tôi tự nhủ, làm thế nào để lúc nào cũng hiện tại, như thế này, ngày nào cũng mồng một Tết, như thế này. Hiện tại, như cái kim đồng hồ, muốn vặn đâu, kim theo đấy. Gỡ ruột đồng hồ ra, kim dừng lại, như thế này. Dấu chấm, nằm ngoài đường tuyến tính của thời gian, làm thế nào để cứ một mình mãi.

Tác giả: