Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

5 giờ 00. Gà gáy te te trong xóm. Ngoài phố gà cũng gáy. Tôi mệt. Sọ tôi làm việc, suốt một đêm trắng đến chán phèèè, mà không ra cái gì, chỉ thấy một mớ lộn xộn, những toan tính u ám. Tôi nằm nghe tiếng động buổi sớm, ngoài phố. Phát súng mới 7 giờ 3 phút tối qua, mà sao tự dưng câu chuyện xa lắc. Xa lắc nhưng không theo kiểu xong-rồi của hôm qua, mà ngược lại, đây là câu chuyện của hôm nay, của ngày mai, ngày kia, ngày kìa, của ngày kìa nữa, của một ngày xa lắc, xa hơn cả tương lai. Trời rạng sáng rồi, chỉ còn một cách, là tự nói với mình như thế này. Tôi nói: “Iên trí. Rồi đâu có đó. Tốt nhất là dậy, mà rửa mặt. Tốt nhất là dậy, mà uống càphê. Như thể để bắt đầu một ngày bình thường”.

Buổi sáng. Tôi rửa mặt xong, định ra vườn. Tôi định ra vườn, biết đâu nhặt được cái gì, còn vương lại, của tối qua. Nhưng trên ngưỡng cửa đã thấy bác Mẫn lúi húi trong vườn nhà tôi, từ lúc nào rồi. Tôi lại quay vào buồng ngồi. Em Cốm vẫn ngủ. Tôi lấy thuốc ra hút. Và đun nước bằng bếp điện, Cốm mở mắt, chớp chớp. Tôi nói: “Ngủ nữa đi. Mới 5 giờ 10”. Nhưng Cốm không ngủ nữa. Cốm, như tôi nhớ, lúc này ăn mặc như đầm. Cốm bắt tôi quay mặt đi để vận quần áo, cho giống gái ta. Cốm thẹn, và cứ mỗi lúc thẹn Cốm lại có đôi đồng tiền lũm má. Cốm mặc quần áo xong, vừa thấy bác Mẫn ngoài vườn, đã te te chạy ra luôn với bác. Tôi cản không kịp. Nom qua cửa sổ, Cốm với bác Mẫn cứ như hai bố con, đang làm vườn sớm. Tôi định can họ, nhưng ngài ngại lại thôi. Công an và những tay chuyên môn, lát nữa đến, sẽ chỉ còn lại một hiện trường bị hỏng. Dù sao, ông Trung trố và chị Hòa cũng đã soi đèn, khám khu vườn từ đêm qua, cuối cùng nhặt được một cái cúc ao véttông đàn ông, và một cái bút chì bi. Tôi pha càphê. Bác Mẫn và em Cốm không nhặt được gì thêm. Bác vào nhà báo tôi: “Đúng 8 giờ sáng hôm nay, anh lên đồn công an, để trên ấy hỏi”. Tôi vâng. Bác Mẫn nói: “Anh nghĩ xem trong đám bạn bè, thân sơ và người quen, có ai thù hiềm gì anh không?” Tôi nói: “Không”. Trong bụng mừng thầm, bác đã không đóng đinh vào mỗi một mình tôi. Bác Mẫn nói: “Nếu anh nhặt được vật gì ngoài vườn, dù rất nhỏ, anh phải nộp chúng tôi ngay. Như vậy có lợi cho anh. Ngược lại anh mà ỉm đi không nộp, hoặc nộp chậm, sẽ coi như anh phạm tội bao che, cho thủ phạm. Anh hiểu chưa?” Bác nhìn tôi lạnh lùng. Tôi vừa mới mừng thầm, đã bị làm khó chịu. Nói xong, bác Mẫn quay ra.

Anh công an hỏi cung tôi chỉ trạc 26 tuổi. Anh này người gầy, vẻ sắc sảo. Bên cạnh có một anh công an nữa, nhỏ bé hơn, vẻ mặt quan trọng, sẵn sàng bút giấy để ghi. Phòng hỏi cung trần trụi, có độc một cái bàn, và ba cái ghế, hai cao, một thấp, tất cả đều bằng gỗ. Hai anh công an ngồi một đầu bàn, trên hai chiếc ghế cao. Tôi ngồi xa ra, trên chiếc ghế đẩu thấp bé, đặt trơ trọi giữa phòng. Tôi ngồi, hai tay trên hai đầu gối, lưng thẳng đuỗn. Không nhìn thấy mặt bàn, vì ghế của tôi thấp quá. Chỉ thấy mỗi đầu và ngực hai anh công an nhô lên trên bàn. Tôi phải nhìn lên, còn hai anh thì luôn phải nhìn xuống tôi, trong suốt buổi lấy cung. Lúc đầu, tôi không dám nhìn lên, tôi nhìn sàn ximăng lạnh. Anh 26 nhìn tôi một lúc lâu, rồi lạnh lùng hỏi, tôi tên gì. Bao nhiêu tuổi. Bố làm gì. Mẹ làm gì. Tôi đáp rành rọt. Bạn bè thân nhất là ai. Tôi khai tên Tình Bốp và Đoành. Ai nữa. Tôi khai thêm Chắt và Ngỡi. Học trường nào. Lớp mấy. Tôi khai trường đệ thất. Đi ngụy trong trường hợp nào. Tôi khai lúc ấy, địch động viên dữ, mẹ tôi chạy lễ thằng Macxen, cho tôi được đi lính gần nhà, nó cho tôi vào ôtô ba tháng, rồi vào tàu bò. Anh công an hỏi, tổng cộng mấy tháng. Tôi nói 11 tháng, tôi học ôtô, rồi tàu bò, ra đơn vị 4 tháng nữa, thì tiếp quản. Nhưng ở đơn vị nào. Tôi khai số đơn vị. Tôi khai tên thằng chỉ huy. Anh này hỏi đi trận mấy lần. Tôi khai một lần, về mạn Tứ Hiệp. Anh hỏi có giết chóc hãm hiếp không. Tôi khai ở trong cái tàu bò, tôi bắn lung tung, vào bờ, vào bụi, không biết có vào ai không. Hãm hiếp không, nhưng quan hệ đơn thuần nam nữ, và dục vọng, thì có vài lần. Sợ họ chê ít, tôi khai thêm tôi thường xuyên đi nhà đèn đỏ, và đi xem thoát i vũ. Tôi cũng khai, tôi có rất nhiều tên gọi, tôi là thằng-dằn-di, thằng nhọọ, thằng-bị-ngờ, thằng tàu bò, thằng cao bồi dở với một tiểu sử dằn di. Nhiều thằng ở trong tôi, nên không biết lúc nào, tôi là thằng nào. Anh công an hỏi có quan hệ gì với đế quốc. Tôi khai không. Quan hệ với miền Nam. Không. Sau đó còn thêm rất nhiều câu trả lời, không, không. Sau đó là im lặng. Phòng hỏi cung lạnh tanh. Anh 26 nhìn tôi rất lâu. Tôi nhìn sân ximăng lạnh. Sau đó, anh 26 nói: “ Giờ vào mục chính. Anh hãy kể lại, đầu đuôi câu chuyện phát súng tối qua. Chúng tôi chỉ iêu cầu anh kể, đúng sự thật. Anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, về lời khai của anh”. Tôi gật đầu.

Tôi kể: buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, là 14 sự kiện cách nhau một giờ, liên tục. Tôi kể từ 5 đến 6 giờ: tôi, càphê và thuốc lá. Từ 6 đến 7 giờ: chuẩn bị cho chương trình câu nhái. Từ 7 đến 8 giờ: tôi ra phố. Từ 8 đến 9 giờ: chuẩn bị cần câu, cần dài để câu ếch, cần ngắn để câu nhái. Từ 9 đến 10 giờ: tôi thêm ảnh cho cuốn albom. Từ 10 đến 11 giờ: ngắm albom và cửa sổ. Từ 11 đến 12 giờ: tôi ăn cơm. Từ 12 đến 1 giờ, rồi đến 2 giờ, rồi đến 3 giờ: rúc mắt vào truyện trinh thám. Từ 3 đến 4 giờ: tôi suy nghĩ về chiến tranh và hòa bình. Từ 4 đến 5 giờ: đọc và ngắm cửa sổ. Từ 5 đến 6 giờ: tôi và truyện trinh thám. Từ 6 đến 7 giờ kém 5: cô nữ Giettapô xâm chiếm anh lính thủy người Mĩ. 7 giờ kém 5: tôi xuống buồng tắm. 7 giờ 3 phút: súng nổ, tôi vẫn trong buồng tắm. Như vậy tôi không bắn phát súng. Kể xong, tôi hồi hộp chờ. Tôi làm mặt vô tội. Anh 26 hỏi tiếp: “Nếu anh không bắn, thì ai bắn?” Tôi nói: “Tôi đoán là biệt kích, gặp dịp thì bắn, để gây rối loạn”. Anh 26 hỏi tiếp: “Anh có thù riêng với ai không?” Tôi đáp: “Không”. Anh 26 lại hỏi: “Anh có nghi ai không?” Tôi đáp: “Không”. Anh 26 nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lời khai của anh. Anh có thể về. Sau này chúng tôi sẽ gặp lại anh. Về phần anh, nếu thấy hiện tưọng gì, dính dáng đến phát súng này, anh nên đến gặp, và cho chúng tôi biết kịp thời. Đề nghị anh kí vào đây”. Tôi nói: “Vâng”.

Tôi ra khỏi đồn công an lúc 10 giờ. Trời rét nhưng tôi không rét. Tôi bước, những bước dài và huýt sáo tuýt tuýt. Không có gì ghê gớm xảy ra, như tôi chờ đợi. Tôi vừa làm rơi đi một trái núi lo lắng, vốn đè nặng lên tôi từ đêm qua. Tôi nhìn phố xá đang bày ra, theo bước chân, nhiều nhà cửa ren rét, nhiều cây to một nửa trụi lá, những đám mây thấp, rất nhiều xe cộ bình thường và nhiều vỉa hè vắng. Thinh thoảng có một nữ mùa rét rất diện, đi ngược lại tôi. Thế nào nhỉ. Tôi tự nhủ. Công an cộng sản hóa ra cũng kín đáo: họ bên ngoài đứng đắn, không để lộ bên trong nghĩ gì. Vậy là họ cao thủ. Nhưng dù sao, buổi sáng này đã để lại trong tôi một kết luận lạc quan, lạc quan đến mức tự dưng, tôi muốn đến gặp Tình Bốp ngay lập tức. Tôi tạt qua đường, qua dòng xe cộ láo nháo và còn kịp ngắm, đó đây, xanh, đỏ, những nữ mùa rét. Nhà Tình Bốp ngỏ cổng. Tôi lên thẳng gác. Tôi gọi: “Bốp! Bốp!”, để xem nó ở đâu. Cửa mở hé, tôi ẩy cửa rồi thò đầu vào. Tôi lại gọi: “Bốp! Bốp!” Tôi nhìn thấp thoáng, trong buồng tắm bên phải có một bóng nữ, i như trong thánh kinh, đang pênhoa phong phanh. Tôi nhận ngay ra Lily, không thể nào lầm. Tôi bước hẳn vào trong buồng tắm và đóng cửa lại. Buồng tắm rất rộng, hôm nay ấm áp đẹp lộng lẫy. Lily bước ra từ làn hơi nước, tươi tắn vừa tắm xong. Mỗi bước chân Lily lại làm vạt áo pênhoa dập dềnh như biển.

Tháng bảy 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ tư hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem tím, có nhật kí, và bản sao nhật kí. Mặt trời tháng bảy rất nóng, để tôi đuổi theo những nguyên lí thời gian, để mùa hè đừng dừng lại. Hóa ra tôi và Dưỡng cùng bị ám ảnh, bởi cùng một đường tuyến tính cổ điển, của thời gian. Hiện tại, là một cái chớp mắt ngắn ngủi, nhưng nhiều í nghĩa, và nặng nề làm sao. Hiện tại, là một dấu chấm lẻ loi, vứt đi không được. Có một lần Dưỡng nói với tôi: rằng nếu không đập phá thời gian trong nhật kí, anh sẽ đập phá những bức tường gạch ngoài phố, những bông hoa ngoài vườn hoa, và những chai rượu trong quán rượu. Một ngày mùa xuân 1955, anh gặp liền nhau ba vụ khó chịu: lúc đầu là cãi nhau với vợ, sau đó bị Lily bỏ rơi, và sau đó nữa, bị khu phố gọi đi họp tối. Ba sự kiện nối nhau, không để thừa một khoảng cách. Tối hôm ấy, ông Trung trố trên diễn đàn khu phố có làm một bài ám chỉ một anh lái tàu bò, không chịu cải tạo và tu tỉnh, một anh tàu bò đầu óc dâm ô và đồi trụy, và một anh nữa cũng lái tàu bò, nhưng đạo đức kém, cho nên cứ vài ngày lại đè vợ ra, mà chụp ảnh cởi truồng. Cả ba anh này, ông Trung trố kết luận trước đám đông, đều có những hành động bất chính và khả nghi. Ông Trung kêu gọi khu phố cảnh giác với họ. Đêm ấy, Dưỡng về nhà, để làm lại một đêm không ngủ, một đêm thách thức văn học cùng văn phạm và một đêm, đánh đập nhật kí.

Xuân 1955

Buổi chiều. Nhật kí tiếp tục: tôi chờ tin công an coòng tay thủ phạm của phát súng, mà không có. Mọi thăm dò rụt rè khác của tôi cũng vô hiệu quả. Buổi sáng. Kết luận tạm thời: thằng biệt kích này có lẽ đã giải nghệ, cùng nhiều thằng ném gạch vào nhà dân, lúc nửa trăng, nửa đèn khác. Phố xóm dần dần êm ả lại.

Buổi chiều. Theo thông tin của Tình Bốp, anh công an 26 đã hỏi cung tôi, buổi sáng 8 giờ hôm ấy, vốn là một tình báo viên nội thành rất uy tín. Anh 26 phụ trách khu vực lúc nhúc ngụy quân, gái điếm và lưu manh này. Anh 26 tên là Thái.

Buổi sáng. Theo thông tin của Ngỡi, anh Thái chưa làm gì, mà nhiều thằng đã xanh mắt, nhiều thằng còn tự dưng ra đầu thú. Tuy vậy, không thấy anh Thái quay lại hồ sơ của tôi. Vụ phát súng vậy là bị treo, lơ lửng không thời hạn. Nhưng thành kiến của khu phố với tôi ngày càng nặng nề. Tôi gọi thời gian này là những ngày chua loét và những chủ nhật mắm thối, những tuần lễ khắm và những buổi sáng đi-cũng-dở-ở-cũng-không-xong.

Tác giả: