Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tôi đi tìm Đoành. Nó đang ngồi hàng phở Ngỡi. Hàng phở lúc này vắng khách. Hàng dựng bằng phên nứa. Sau lưng là cái sân đất. Sau sân, là nhà Ngỡi. Sau nhà, là chuồng lợn và vườn chuối. Trong vườn chuối, Ngỡi tay cầm roi tre, đang đuổi theo bọn trẻ con, miệng kêu: “Laxiết! Chúng mày không biết giờ này, là giờ gì à? Đi ngủ! Đi ngủ!” Vợ Ngỡi nằm trong nhà, cũng thét lên: “Chúng mày vào đây nhanh. Giờ laxiết rồi! Đứa nào không laxiết, bố đánh mẹ không bênh. Vào ngay, vào laxiết, cho bố mày thích”. Tôi với Đoành nhìn nhau, vì nghe thấy, tiếng Pháp tiếng Việt lạ quá. Đoành nói với tôi: “8 giờ sáng, tao sang Tình Bốp làm tâm lí như đã bàn, chả ăn thua gì. Nó toàn cười nhạt. Nó bảo, trò trinh thám còn lạ gì. Và có vẻ bình tĩnh. Tao bắt đầu nản rồi”. Tôi nói: “Phải lâu dài. Tao ngược lại, thấy he hé tí ánh sáng. Để tối sang, mày nằm nhà chờ tao”. Vừa lúc ấy Ngỡi ra, tay vẫn còn cái roi tre, miệng toe toét. Ngỡi nói: “Hai anh ạ, phải dạy trẻ thế mới được. Mỗi ngày phải bồi dưỡng, cho bọn chúng một giấc laxiết. Mẹ nó cũng thế, lười ngủ là chết. Bác sĩ nói, ngủ bổ hơn ăn”. Đoành nói: “Cho nên, mày nhường cho vợ con ngủ, còn mày ăn phải không? Đúng là đức hi sinh thật. Ngỡi nói: “Hai anh đừng bỉ đàn em. Bây giờ em có cửa hàng, đàng hoàng. Bàn kê hai chiếc to, một chiếc nhỏ không kê ghế dài. Ban tối điện thắp sáng trưng, ơn nhờ khu phố, đàn em làm ăn khấm khá. Vợ con, bồi dưỡng ăn có, bồi dưỡng ngủ có. Tiêu chuẩn mỗi đứa trẻ mỗi ngày một bát phở năm. Muốn ăn lúc nào thì ăn. Sáu đưa sáu bát. Mẹ nó thì không hạn chế, nhưng hà tiện nên chỉ dám gặm xương. Hai anh đừng đánh giá em như trước. Thật mà, em không phải là thằng ăn hết phần vợ phần con”. Nói đoạn, Ngỡi tươi cười ngồi vào bàn với Đoành. Tôi nói thêm vài câu, rồi chuồn. Đoành ở lại.

1 giờ chiều một ngày dễ nhớ, tôi xông thẳng lên gác dựng Tình Bốp dậy. Nó đang buồn. Tôi nói: “Cho tao mượn máy ảnh. Mai trả”. Tình Bốp nói: “Ngồi đây đã. Uống ở đâu về thế?” Tôi nói: “Với Phúc-gian, ông chủ, ông Phúc. Giờ tao về đã. Đưa máy cho tao. Mai rỗi, tao sang mày”. Tình Bốp nói: “Tao đang có chuyện. Lily lên tàu, đi Hải Phòng một mình, bây giờ mới biết. Tao nhờ người tìm khắp miền Nam, không thấy Lily đâu”. Không hiểu, Tình Bốp muốn trách gì tôi, nhưng tôi thấy quặn lòng. Nhưng tôi đang vội. Tôi cầm máy ảnh, phóng qua ngã tư. Tôi về.

Ngày thứ ba dễ nhớ, tôi đến trước chỗ chôn kỉ vật của Lily. Rồi nằm rạp xuống đất, nhòm vào đấy. Tôi đếm hai hàng đá hoa từ chân giường, và thò tay vào rờ. Chỗ chôn vẫn i nguyên. Tôi đóng cửa ra vào, cửa sổ, rồi bật điện ngày. Bây giờ là 1 giờ 30 chiều mùa đông, tôi cởi áo dạ trước gương. Bóng tôi mặt chỗ đỏ, chỗ trắng, là cái mặt đang hả rượu. Sọ tôi nói: “Đào kỉ vật lên, đếch là cái gì thì tẽn tò”. Tôi mặc kệ. Gỡ xong hai miếng đá hoa, tôi đào đất bằng dao rựa, mũi dao chạm cái hộp sắt. Tôi bới đất xung quanh. Rồi bất chợt dừng lại, nghe ngóng. Bóng tôi im. Buồng tôi im. Ngoài vườn là tiếng lá lả tả. Rét luồn qua khe cửa vào nhà, thấm qua tường vào nhà, nhưng tôi không rét. Đúng 2 giờ chiều, tôi mang hộp sắt lên. Hộp sắt là cái hộp bánh bicqui, nhưng cốm đã ăn hết bánh. Tôi phủi sạch đất. Tôi lấp đất, còn một khoảng trống trong hố, tôi đặt hai viên gạch hoa, vào chỗ cũ. Rồi quét nhà, lau sàn, chỗ dưới chân giường, lau cả cái hộp bicqui. Lau xong là 2 giờ 15. Tôi dọn sạch mặt bàn, rồi chiếu cả ba ngọn đèn vào. Tôi nhìn gói kỉ vật. Kỉ vật nằm, trong ba lần nilông, trong hộp bicqui vẫn còn thuốc sát trùng tôi rắc, từ lúc ấy mùa hè. Lily đi vào mùa hè. Bây giờ là mùa đông. Mới có vài tháng, mà xa lắc, bởi vì i như trong thánh kinh, kỉ niệm bao giờ cũng xa lắc. Tôi nhìn mặt bàn, lúc này sáng trưng. Gói kỉ vật sặc mùi kỉ niệm, sặc mùi quyển lịch hết hạn, mùi nhớ, mùi năm ngoái, mùi mùa hè năm ngoái. Bóng tôi trong gương chợt buồn. Tôi nhầm. Mùa hè vừa đi qua, mà ngỡ như đã một năm. Sọ tôi nói: “Lãng mạn”. Rồi sọ bỏ đi, chơi một mình. Tôi ngồi lại với bóng, trong đống kỉ niệm. Hai đứa chơi với nhau. Nom bóng lãng mạn quá, mặt như con bú dù. Tôi nhớ, đêm trước khi Lily đi, Lily đòi được bế lên gác. Tôi biết Lily không bao giờ cởi giày, nên để mặc Lily hất chân, giày văng vào đâu, vào lọ hoa hay cánh tủ, cũng được. Đêm ấy, giày văng lên tận trần nhà. Lúc rơi, vào ngay giữa bàn, vỡ mất hai cái cốc. Nhưng Lily vui sướng lắm. Quần áo bao giờ cũng làm vướng víu, nên Lily đòi tôi lúc đầu dùng răng, sau đó dùng tay mà xé nhỏ, thành từng mảnh vụn. Lúc đầu xé, thì lộ ra một bờ vai. Sau đó là một bên ngực. Sau đó nữa là một chút trắng trắng, hồng hồng, chẳng biết là cái gì, ở đâu. Xé một lúc, thì lộ ra cây thập ác ngực mùa nực. Xé nữa thì lộ cánh tay. Xé nữa thì lộ rốn, Lily bảo phải nhỏ ba giọt rượu vào, cho đầy, nhưng không được uống. Đến chiếc quần Quan Âm thì Lily bảo tôi ngồi im, mà xem Lily xé. Tôi đã dùng răng cắn thủng được một lỗ, Lily tiếp tục làm rộng ra, bằng mười ngón tay trắng. Rồi Lily xé quần, để tôi xem ở đâu đôi đầu gối trắng, ở đâu đôi đùi trắng, rồi ở đâu toàn bộ đôi chân không tất. Lily không mặc xilip, cho nên xé xong cái quần, thì cũng chẳng còn gì mà xé nữa. Toàn bộ sàn nhà phủ đầy vải, vụn lả tả như xác pháo năm màu. Thế là Lily đòi được đưa đi tắm, nhưng tôi cứ để nguyên quần, nguyên áo, mà nhảy vào bồn tắm cùng Lily, để tha hồ Lily nhét bọt xà phòng vào hai túi quần tôi, làm tôi chẳng thể quên được. Thế rồi nước cứ chảy tràn, khắp sàn buồng tắm bởi vì Lily quên tắt vòi nước. Bọt xà phòng do đó nổi phập phồng từ buồng tắm, ra tận ngoài hành lang. Lúc sực nhớ, tôi muốn khóa vòi nước nhưng Lily lại cho cả hai tay, vào túi quần tôi để tìm bong bóng xà phòng, làm tôi chẳng khóa được vòi nước, làm tôi chẳng thể quên được. Lúc ấy, là 2 giờ 30, buổi sáng mùa hè. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, bây giờ cũng là 2 giờ 30 nhưng là buổi chiều. Bây giờ tôi ngồi, với đông kỉ vật của Lily. Đồng hồ tictăc. Là những tictăc mùa đông. Tôi nhớ, anh Trần B dặn, không được đốt cháy kỉ vật. Thế là tôi dấp nước, vào chiếc quần của Lily. Tôi giữ chặt bằng bốn ngón tay, mỗi bên hai ngón, đúng vào cái chun quần. Rồi giơ lên trước mặt, như phơi quần áo. Tôi chờ. Không thây chiếc quần lót biến màu, chỉ thấy Lily đang bước ra từ đám hơi nước mùa hè. Mỗi bước đi của Lily dập dềnh như biên. Lily tìm cái quần lót, nhưng không thấy, tôi đã nhanh tay hơn Lily, đã giấu kĩ vào túi quần tôi rồi. Lily phải đi, không quần lót Lily vẫn đi, đúng vào lúc 2 giờ 40 phút. 2 giờ 40 phút, tôi lại cất trả chiếc quần lót, còn ẩm nước, vào gói ni lông. Tôi lấy từ đấy ra chiếc mùi soa trắng. Tôi trải lên bàn. Chiếc mùi soa nằm, như con bướm trắng khổng lồ sãi cánh. Chiếc mùi soa đầy mùi li biệt, của năm ngoái. Thế là tôi lại lẫn lộn thời gian, lần nữa. Tôi đuổi theo chiếc mùi soa trên sân ga, mới mùa hè vừa rồi, mà vẫn ngỡ là mùa hè năm ngoái. Tôi lại nhớ anh Trần B dặn, không được dấp nước vào kỉ vật. Thế là tôi dấp nước, lên chiếc mùi soa, con bướm li biệt. Bóng tôi trong gương nghển cổ nhìn mặt bàn lúc này sáng rực. Là ánh sáng của ba ngọn đèn, cùng chiếu vào. Tôi vớ chiếc máy ảnh, chắc tôi hấp tấp lắm. Có những hàng mật mã, hiện dần trên chiếc mùi soa. Tôi kêu, trời ơi. Tôi bấm máy lia lịa, tôi bấm hết cả cuộn phim, vẫn còn thời gian, tôi lấy giấy, tôi chép nhanh bản mật mã lên giấy, cho chắc ăn. Lúc ấy là 4 giờ chiều, thứ ba năm 1955.

Tháng hai 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Công việc của tôi lúc nào cũng nhiều, danh sách những đối tượng nghi ngờ, ngày một dài. Hồi ấy, khu vực tôi phụ trách phức tạp, tôi làm không xuể, cho nên đồng chí Trần B đuợc bộ phái xuống, chỉ đạo trực tiếp và mở rộng diện tích điều tra, qua nhiêu khu phố. Đồng chí Trần B vui tính, trời nóng trời rét sáng nào cũng tắm nước lã, đang làm việc, cũng vào buồng tắm, để giội vài gáo lên đầu, cho tỉnh táo. Đồng chí Trần B cho tôi biêt một số việc quan trọng. Theo nhận định của bộ phận chuyên môn: một ổ tình báo lớn đang hoạt động trong thành phố, theo tính cách trường kì mai phục, đặc điểm là sử dụng nhiều phụ nữ nhan sắc, để dụ dỗ cán bộ, moi tin tức và đánh cắp tài liệu. Hồ sơ về ổ tình báo dày hàng chồng giấy. Mạng lưới những người cộng tác của công an rất rộng. Họ là những chị đan len, trên các vỉa hè, dưới các cột đèn đêm, đầu các ngõ, trước cửa các số nhà. Họ là những em bé chơi loanh quanh phố. Là các bà nội trợ, các bà hàng nước, các thợ cắt tóc vỉa hè, các anh đạp xiclô. Họ có mặt khắp nơi. Lắm lúc tôi nghĩ, nên cho bọn gián điệp sừng sỏ Mĩ đến, tham quan miền Bắc, và mạng lưới toàn-dân-cảnh-giác của chúng tôi, để bọn chúng phát ghen, mà bỏ nghề tìm việc khác. Nói vui vậy, không phải vụ nào chúng tôi cũng phá được, nhanh gọn. Nhưng tôi sẵn sàng im lặng, theo dõi một đối tượng nghi vấn, 10 năm, 20 năm, để chứng minh giả thuyêt. Nhọn-cằm là ai? Ở đâu? Chúng tôi vẫn chưa có trả lời. Chúng tôi theo dõi, những cô Hoa, cô X, cô Tám, cô Y, cô Lựu, là những cô gái có liên quan tới Nhọn-cằm, và là nhân viên của Macxen cài lại. Nhưng các đầu mối cứ lần đến lão Khang và Nhọn-cằm, thì tắc tị. Chúng tôi không biết gì nhiều hơn cô Hoa, cô chỉ gặp Nhọn-cằm vài lần để lấy chỉ thị và lấy tiền, rồi không biết Nhọn-cằm đã đi đâu, trong thành phố láo nháo. Cô Hoa, nếu không gặp Nhọn-cằm, sẽ chờ lúc vắng chồng, viết mật mã bằng chất hóa học, lên một trang trong quyển sách cũ, rồi kí tên Cô-Bé-Mắt-Tít nhỏ xíu ngoài bìa, rồi bí mật ném vào hòm thư nhà lão Khang. Cô chỉ biết mỗi thế thôi. Chúng tôi cũng không biết gì, nhiều hơn lão Khang. Buổi sáng, lão Khang mở hòm thư, nếu thấy một quyển sách cũ, nếu ngoài bìa có kí tên Cô-Bé-Mắt-Tít, lão hiểu ngay công việc của lão, là để quyển sách sang một bên. Lão không cần biết bên trong sách có gì đặc biệt. Cô-Bé-Mắt-Tít lão cũng không biết, là cô gái Hà Nội nào. Công việc của lão sau đó, là trương lên cửa, cái bảng đen rao vặt. Nếu đọc kĩ, thế nào cũng thấy dòng chữ phấn vàng: cần-mua-sách-cũ, giữa bao nhiêu dòng chữ các màu khác. Thế là lão xong việc. Một lúc bất ngờ nào đấy, Nhọn-cằm sẽ xuất hiện bất chợt, ngay trước mặt lão, chỉ làm hiệu chứ không nói gì, Nhọn-cằm trả tiền cho quyển sách, rồi biến mất qua cổng sau. Tất nhiên lão không biết, Nhọn-cằm là ai, ở đâu. Tuần trước, chúng tôi bí mật gọi lão, đến một địa chỉ bí mật, để gặp tôi và đồng chí Trần B. Lão vừa nhận được tin, đã run rẩy, chắc không phải do hiệu sách lạnh. Trên đường đến chỗ hẹn, lão vừa đi vừa run, trong chiếc áo dạ xù xì. Đến khi vào trong phòng ấm, lão vẫn run. Ngồi trước chúng tôi, lão tiếp tục run. Lão uống nước chè nóng mà không hết run. Đồng chí Trần B im lặng, bày lên bàn một số ảnh, do trinh sát bí mật chụp được. Trong ảnh, có cô Hoa, cô X, cô Lựu, các cô đang ném sách vào hòm thư nhà lão. Có ảnh lão Khang đứng bên hòm thư, tay ôm quyển sách. Có cả ảnh chụp những bản mật mã, bằng mực hóa học, bên trong sách. Tôi phụ trách khu vực nhà lão, song tôi không biết tất cả những tài liệu này, và cũng không hiểu trinh sát đã chụp chúng như thế nào, từ lúc nào. Nói chung, các bộ phận bên tôi hành động độc lập. Trông lão Khang xem ảnh, thật tội nghiệp. Lão khai ngay không chần chừ: lão là hòm thư của Nhọn-cằm, nhưng chỉ phụ trách thư đến. Còn thư đi, lão không hề biết. Lão nói: “Tôi biết, tôi có tội. Tôi chờ giờ phút bị bắt này, từ lâu rồi. Vì hoàn cảnh xô đẩy, thực bụng tôi không muốn. Mấy lần định ra đầu thú, nhưng tôi sợ bị trả thù, tôi sợ bị bắt đi tù”. Nói xong, lão vẫn còn run. Đồng chí trần B hỏi: “Bây giờ ông muốn thế nào? Ông hoạt động phản quốc. Ông muốn nhà nước tha bổng à?” Lão Khang nói: “Tôi chỉ xin các anh giảm tội. Các anh giảm tù, cho năm nào tháng nào, tôi đội ơn các anh năm ấy tháng ấy”. Đồng chí Trần B nói: “Chúng tôi nói để ông biết. Ông có thể chuộc tội. Lập công đến đâu, tội giảm đến đấy. Công to có thể xóa tội”. Lão Khang mừng quá, nhưng vẫn run. Chúng tôi bảo lão về, lão không chịu về, vì sợ bị thủ tiêu. Đồng chí Trần B phải vạch kế hoạch cụ thể cho lão. Đồng chí nói: “Bây giờ, ông ra phố chơi. Đi xem xinê, đi ăn, cho khỏe. Sau đó, cứ bình thường như cũ. Trong bụng, phải căm thù địch, nhưng đừng lộ vẻ gì. Đối với ta, phải thật. Nếu trá hàng, hai mang, thì đừng trách chúng tôi”. Lão Khang ra về, vừa đi vừa run. Cuộc gặp này có trước ngày cậu Dưỡng bị mưu sát hụt, hình như ngày thứ bảy. Chúng tôi cùng nhau xem xét sự việc, đồng chí Trần B nói: “Có lẽ sắp ra”. Nghi ngờ của tôi về lão Khang, thế là được chứng minh, nhưng tôi gạt lão ra khỏi diện nguy hiểm. Chỉ còn trơ lại lão Phúc.

Tác giả: