Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Kể từ buổi tối tôi đi trốn, hôm nay mới có dịp đứng rất gần chị Hòa, như thế này. Má chị đỏ ửng, có thể vì chị đã vội vã quá, lúc đến suýt va vào tôi, nhưng cũng có thể vì lẽ khác. Tôi chợt nhớ, trong buổi tối phát súng năm trước: chị cứ nán lại ngoài vườn, mà không vào nhà, thấy tôi bị hỏi cung. Có thể chị đã kịp nhìn, thấy tôi hoàn toàn trần truồng, khi bác Mẫn giật tung cửa buồng tắm. Có thể, bây giờ chị vẫn còn nhớ, bởi vì, bây giờ chị lại vội vã ra đi, không để tôi kịp cám ơn. Tôi cũng vội vã ra ngõ, rồi ra phố. Tôi phóng xe vun vút, qua các ngã tư. Có gì xảy ra rồi. Tôi cứ chờ mãi. Cái gì xảy đến, thì đến rất nhanh, trở tay không kịp. Tôi gò cổ đạp. Nội thành láo nháo xe cộ, láo nháo nam nữ đi phố, láo nháo gió đông bắc. Nhưng buổi sáng vẫn iên tĩnh. Phố vẫn iên tĩnh. Giao thông láo nháo, nhưng thành phố vẫn iên tĩnh. Thành phố buổi sáng thứ năm, láo nháo gió, láo nháo cột đèn, láo nháo nữ bộ hành, nam bộ hành, láo nháo ngã tư, ôtô, tàu điện, láo nháo phố và tôi.

Tháng năm 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi làm việc, chủ iếu trong văn phòng, ngay bên cạnh buồng lưu trữ tài liệu. Tôi rất tâm đắc, với một câu nổi tiếng, không nhớ ai đã nói: “Chiến tranh rèn luyện con người”, nhưng chiến tranh còn cứu vớt con người nữa.

Nếu tôi còn nhớ, phần cuối vụ án 11 năm trước đã diễn biến rất nhanh. Đêm thứ ba, hoặc, rạng ngày thứ tư, xác Tình Bốp được đưa đi, để bác sĩ khám nghiệm ngay. Kết quả cho biết, Tình Bốp đã bị tiêm acônitin, vào khoảng 7 giờ tối. Hai nốt kim còn trên hai bả vai. Đồng chí Trần B quay về trụ sở, để nhận tin, trong lúc vắng mặt, qua một đồng chí phụ trách điện đài. Đồng chí Trần B có vẻ hài lòng. Lúc đó khoảng 1 giờ 20. Đồng chí Trần B cho chuẩn bị xe, và bảo tôi: “Anh đi ngủ đi. Từ giờ đến sáng, nghe chừng hết chuyện rồi. 5 giờ sáng, tôi và anh, đi có việc”. Nói rồi, cả hai chúng tôi đi ngủ. Tôi dậy lúc 5 giờ, đã thấy, đồng chí Trần B ngồi hút thuốc, tóc vẫn còn ướt, có lẽ vừa tắm nước lạnh xong. Đồng chí Trần B vận bộ comlê xám, đội mũ phớt xám. Đồng chí bảo tôi, vận đồng phục, đeo phù hiệu và mang theo súng. Tôi nhắc: “Còn lệnh bắt?” Đồng chí Trần B vỗ vào túi áo, và nói: “Iên trí”. Vừa lúc có điện thoại. Đồng chí sang phòng bên, trả lời, 10 phút sau, quay lại bảo tôi: “Đi!” Lúc đó khoảng 5 giờ 30. Chúng tôi lên, một chiếc xe du lịch, có thêm một chị công an vận đồng phục, với một chiếc máy con. Tôi đoán là máy định vị. Đồng chí Trần B hút thuốc. Đồng chí cho biết kết quả bước đầu, của việc mở khóa mật mã. Nét chữ trên mùi soa, chính là bút tích của Tình Bốp. Đây là bản danh sách mật, của một ổ mười ba thành viên tình báo. Trong danh sách có địa chỉ, của lão Khang, Tình Bốp, và các cô gái xinh đẹp, mà chúng tôi đã biết, đa số. Đến Nhọn-cằm và A13 là hai tên cầm đầu, thì không một thông tin nào. Vụ án mạng được kết luận, là vụ thủ tiêu đầu mối. Thủ phạm chỉ có thể, là Nhọn-cằm và A13. Nhưng hai nhân vật này, là ai, ở dâu, chúng tôi không biết. Đồng chí Trần B trao đổi, với đồng chí lái xe một lúc. Sau đó xe chạy thong thả. Hai bên đường là đồng ruộng, công trường, nhà máy, nhà ở, nhà ga đang xây dựng, và bầu trời xanh buổi sáng. Đến Văn Điển, xe rẽ sang đường Hà Đông. Chị điện đài bắt đầu làm việc. Lúc đó hình như, 6 giờ kém 2 phút. Trước mặt chúng tôi, khoảng 100 mét, là một chiếc tacxi đen. Chị điện đài khẽ gật đầu, với đồng chí Trần B. Đồng chí Trần B nói: “Chuẩn bị!” Thế là chiếc xe du lịch rú ga, lao nhanh, còi kêu inh ỏi để xin vượt. Khoảng cách với tacxi nhỏ dần, khoảng 50 mét rồi 30 mét, rồi 20 mét. Trên tacxi thấy lố nhố dăm bảy đứa trẻ, ăn vận theo kiểu nông thôn. Chiếc tacxi đen không cho vượt, mà ngược lại tăng số, phóng nhanh hơn. Lũ trẻ bên trong reo hò, ầm ĩ. Tôi nghĩ: có lẽ Hắn biết, nên Hắn bỏ chạy. Đến một quãng đường rộng, chiếc du lịch bất ngờ tăng tốc, còi vẫn kêu inh ỏi. Hai chiếc xe chạy ngang nhau sèn sẹt, phải vài cây số loanh quanh như thế, lúc trên đường nhựa, lúc trên đường đất, tưởng đã chạm vào nhau. Cuối cùng chiếc du lịch vượt lên trước: chỉ non tay một chút, có lẽ đã bị tacxi cho xuống ruộng, hoặc vào gốc cây bên đường. Đến lượt tacxi bấm còi đòi vượt. Trước mặt chúng tôi xa xa, là một quãng đường hẹp. Chiếc du lịch bất ngờ rú ga, phóng lên, như tên bắn, bỏ rơi tacxi một quãng dài, rồi đột ngột phanh lại. Toàn bộ mọi động tác diễn ra, quá chính xác và nhanh gọn: chiếc du lịch xoay 90° nằm chắn ngang đường. Tôi nhảy xuống rút súng, và huýt còi. Đồng chí Trần B cũng nhảy xuống. Chiếc tacxi đen bị bất ngờ, tiến không được, quay đầu cũng không được, vì đường quá hẹp, đành phải phanh lại. Thấy tôi và đồng chí Trần B, Hắn nói: “Tưởng ai. Các anh đi đâu, mà sớm thế? Tôi không cho xe các anh vượt, để cho bọn trẻ này giải trí. Không ngờ là hai anh. Tôi xin lỗi, xin chịu phạt”. Đồng chí Trần B nói: “Có thế thôi à?” Lũ trẻ nông thôn đổ xuống, xúm quanh nhìn ngó chúng tôi. Đồng chí Trần B đưa Hắn xem đoạn băng moóc, mà chị điện đài mới ghi được. Đồng chí nói: “Cái gì đây?” Hắn im bặt, mặt tái xanh tái xám. Đồng chí Trần B ra lệnh: “Lật thùng xe lên!” Hắn im lặng làm theo, trông đờ đẫn, như thằng mất hồn. Dưới nắp thùng, lộ ra một chiếc đài nhỏ, có dây điện nối ngầm với đinamô. Theo cách bố trí này, Hắn có thể vừa lái tacxi, vừa đánh điện đài liên lạc. Hắn khôn ngoan cho lũ trẻ lên tacxi, để che mắt dân làng. Trưa hôm qua, Hắn đến gặp cô Hoa, lúc cô đang ngồi, một mình trong hiệu càphê. Lúc đến, cũng bất chợt, như lần gặp 3 tháng trước. Cũng để mua một bao thuốc lá, rồi lại để quên, một vỏ bao rỗng. Hắn đi khỏi, người của chúng tôi tiếp cận cô Hoa, để lấy cung. Chiều thứ ba, Hắn đã một lần liên lạc với cấp trên bằng điện đài, để hẹn lại vào 6 giờ sáng thứ tư, hôm nay. Khoảng 7 giờ sáng thứ tư, Hắn bị bắt. Chúng tôi chụp ảnh Hắn, cùng với bộ điện đài. Đồng chí Trần B hỏi: “Thế nào, có cần lệnh bắt không?” Hắn không nói gì, chỉ đưa cả hai tay ra, nhận coòng.

Một ngày bên ngoài thời gian. Nhật kí tiếp tục: có cái gì xảy ra thật. Anh Thái cho gọi tôi lên gấp, để nhận diện một kẻ nào đó, có liên quan đến tôi. Tôi đến trụ sở đặc biệt của bộ nội vụ, theo địa chỉ chị Hòa cho. Trụ sở ở một số nhà riêng lẻ, bên ngoài không ghi gì cả. Tôi vào phòng đợi. Địa chỉ này iên tĩnh. Iên tĩnh như không có gì xảy ra. Tôi thấy ông Khang đi ra. Nhưng không ra phố. Ông đi ra từ cửa này, để vào một cửa khác, có hai người đi kèm hai bên. Ông Khang tỏ vẻ không trông thấy tôi, làm tôi chỉ muốn tặng một quả đấm, vào giữa cái chỗ được gọi là mặt. Tôi thấy mặt ông Khang hôm nay nhẵn thìn thịt, như cái mông đít. Sau ông Khang, là các cô gái, cô nọ chờ cô kia ra hẳn, mới vào. Các cô cũng đi ra, từ cửa này, rồi vào một cửa khác, có hai người đi kèm hai bên. Các cô không ra phố hệt như ông Khang. Cô nào cũng bôi phấn hồng rất xinh. Tôi ngắm từng cô một, bởi vì các cô cứ lần lượt ra vào trước mặt tôi, như biểu diễn văn nghệ. Tôi thích nhưng không biết, các cô có tham gia vào bi kịch của tôi. Tôi không hỏi, bởi vì chả cô nào nhìn tôi cả. Các cô cùng ngồi đợi trong phòng đợi, không nói câu nào, cũng không nhìn nhau. Các cô đi hết, đến lượt tôi vào. Tôi thấy căn phòng rộng, mà chỉ kê một cái bàn. Anh Trần B đứng tựa vai, vào khung cửa sổ. Anh Thái ngồi trên ghế cao bên cạnh bàn. Kẻ bị bắt ngồi trên ghế thấp, nhưng chơ vơ giữa phòng. Tôi nhận ra ngay thằng nhọn cằm. Anh Thái hỏi nó: “Có biết ai đây không?” Thằng nhọn cằm nói, rất hiền lành, làm tôi ngạc nhiên không ít. Nó nói: “Dưỡng”, giản dị như thể nó muốn gọi tôi, như thể gọi một người thân. Anh Thái hỏi tôi: “Có đúng hắn không?” Tôi đáp: “Đúng”. Rồi tôi im. Thế là xong. Rất ngắn gọn. Anh Trần B bấm chuông. Hai anh công an vào. Hóa ra tôi là người cuối cùng. Anh Trần B nói: “Có thể giải hắn đi được. Nhưng nên gỡ mặt hắn ra, cho anh Dưỡng xem thêm lần nữa”. Tôi nghe mà không hiểu gì. Một anh công an tiến đến, bên thằng nhọn cằm, anh kéo mạnh, thế là một miếng cằm rơi xuống đất. Nhưng không chảy máu. Thằng nhọn cằm cũng không lộ vẻ đau đớn. Anh công an tiếp tục gỡ mặt cho nó, anh đứng xoay lưng, cho nên tôi không được xem, anh gỡ như thế nào. Cuối cùng, anh công an đứng lùi sang một bên, như để giới thiệu sản phẩm của mình. Tức thì trước mặt tôi, hiện ra nham nham nhở nhở, thánh kinh ôi, cái mặt của ông Phúc. Đúng là ông Phúc. Ông không nhìn tôi. Mặt ông nham nhở, phấn màu, bột màu, sáp màu. Ông chủ của tôi chính là thằng nhọn cằm. Kinh nghiệm trinh thám bao nhiêu năm của tôi, đúng là chưa đi đến đâu thật. Ông Phúc có lần bảo tôi còn non choẹt, cũng phải. Nhưng không hiểu sao, chỉ vài phút sau, bỗng dưng tôi lại thấy, thấp thoáng, sau những vệt sáp màu, là ông Phúc số 1 của những ngày tôi mới đến làm ở hãng xe Phi Mã. Ông Phúc tốt bụng hay mời tôi uống rượu và dạy tôi lái xe. Ông Phúc số 1 lúc này đang ngồi trước tôi. Lúc sắp bị dẫn đi, ông bỗng nhìn tôi như muốn nói cái gì. Rồi ông nói, như thể với riêng tôi. Ông nói: “Những gì tôi khai, có nhiều chỗ không đúng sự thật. Tôi bị ép cung nên phải nhận như thế. Tôi không giết Tình Bốp. Tôi không giết người bao giờ. Tôi xin lỗi anh”. Hai anh công an vội giải ông Phúc đi, tôi vẫn còn đứng sững sờ. Anh Trần B nhìn tôi cười, chắc anh thấy tôi ngốc nghếch nên cười. Anh mời tôi ngồi, nhưng không phải vào chỗ của thằng nhọn cằm. Tôi được ngồi trên chiếc ghế cao, cùng bàn với anh Thái. Anh mời tôi hút thuốc. Anh nói: “Biệt hiệu của hắn là Nhọn-cằm. Biệt hiệu của hắn cũng là AI3. Hắn là sĩ quan Phòng Nhì cài lại”. Rồi anh cám ơn tôi, về những đóng góp nhất định của tôi, với cơ quan anh. Tôi không hiểu, đã đóng góp gì. Toàn những mẹo trinh thám, ba lăng nhăng, vô tiền khoáng hậu. Cho nên tôi lúng búng không ra câu nào. Rồi tôi đỏ mặt, ngồi im. Anh Trần B nói: “Cái gì đã qua, đã qua. Anh không nên nghĩ, về quá khứ, về hôm qua, và cả hôm nay nữa. Anh đang thích nghề lái ôtô. Anh Thái sẽ giới thiệu anh, với xưởng ôtô Hòa Bình, ở ngay trong nội thành Hà Nội. Anh đi làm rất tiện. Giờ chúng tôi có chút quà mọn, tặng anh chị”. Nói rồi anh Trần B lấy từ ngăn kéo ra, một bọc nhỏ, bảo là thuốc bổ, và một giấy ra vào bệnh viện đặc biệt. Với giấy này, tôi có thể vào thăm Cốm, bất cứ lúc nào tôi muốn, 3 giờ đêm cũng được, 12 giờ trưa cũng được. Tôi ấp úng cám ơn. Tôi mang theo gói quà và giấy ra vào bệnh viện. Tôi về. Ra đến phố, tôi đứng lại, vì tự dưng, tôi chảy nước mắt. Phố vắng mênh mông và iên tĩnh lắm: nơi đây thời gian đã một lần đi qua. Tôi dắt xe dọc theo phố, tôi lấy tay chùi mắt. Tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi khóc một mình.

Tác giả: