Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tôi lặng thinh, bởi vì tôi không thích nói chuyện người khác, bởi vì dù chỉ nói thật, củng là nói xấu. Nhưng tình bạn thời nay, như Tình Bốp nói, có lẽ khác rồi tình bạn thời thực dân, có lẽ đúng như vậy. Tôi nhìn vào gương để tìm bóng tôi, như thường lệ, nhưng chỉ thấy một anh Thái đang nhìn tôi, chăm chú. Tôi tặc lưỡi, rồi nói: “Đêm qua tôi cũng soi lại quá khứ. Thằng nhọn cằm, đúng là trước kia tôi chưa bao giờ gặp. Nhưng về Tình Bốp, tôi có nhớ được một chi tiết”. Nói rồi, tôi im. Tôi nhìn anh Thái trong gương. Sau lưng anh Thái, là cửa sổ. Sau cửa sổ, là mưa. Lúc ấy là 9 giờ 20, buổi sáng.

Anh Thái từ trong gương, nhìn tôi chăm chú. Anh Thái trong gương nói: “Anh kể đi”. Thế là tôi nói chậm rãi, như thế này: “Mùa đông 1952, một buổi tối say, Tình Bốp đến rủ tôi. Nó nói đi tống tiền. Tôi không đi. Tôi chia tay nó, ở ngã tư Hàng Lược. Cách tôi hai cột đèn có hai bóng đen, đang chờ nó. Rồi ba đứa đi cùng nhau. Một tối say khác, Tình Bốp khoe với tôi đống nữ trang nó kiếm được, từ vụ tống tiền, buổi tối hôm ấy. Tôi hỏi tống tiền nhà ai, nó nhất định không nói. Tôi bảo nhiều tiền thế tôi cũng muốn đi. Tôi đợi, mà không thấy nó rủ. Tôi thấy nó rất nhiều tiền, tiêu không cần đếm”. Tôi lại im.

Anh Thái lại nói: “Anh kể đi”. Tôi nói: “Đại khái toàn nhũng chuyện như thế. Toàn lụn vụn lặt vặt”. Anh Thái nói: “Anh đừng ngại tôi hiểu lầm. Tôi không hiểu lầm. Chi tiết anh vừa kể, không vu vơ tí nào. Ngược lại, tôi được thêm nhiều giả thuyết mới. Vả lại, nếu là chuyện vu vơ, cũng là mình nói chuyện chơi kia mà. Tôi cần hiểu, bản chất con người và sự việc, chứ không cần thêm nghi, thêm ngờ. Nếu có nghi ngờ, cũng chỉ là giả thiết. Giả dụ, khi tôi nói giả thuyết, có phải là nghi ngờ không? Không, giả thuyết là khoa học. Anh đừng ngại, dù anh vì lí do này nọ, bị xô đẩy tôi chỗ đã làm cái gì đó khó nói, anh cũng nên kể. Anh cũng có thể đặt giả thiết, trên cơ sở sự việc, nếu anh muốn. Chuyện về trước, tôi nói để anh iên tâm, bên tôi xếp cả vào mục khoan hồng. Tôi rất muốn hiểu anh thêm. Tôi rất muốn biết, các giả thuyết khác của anh. Tôi muốn anh vô tội”.

Tôi vẫn im. Tôi còn băn khoăn chưa xong, giữa hai khái niệm: giả thuyết và giả thiết. Trong lúc nói anh Thái vẫn nhìn tôi chăm chú. Thực ra, cũng nhiều lúc anh nhìn ra chỗ khác, để tôi lại phải bối rối, tìm mắt anh trong nhiều lần như vậy. Nhiều lúc, muốn xem mưa, tôi cũng phải nhìn vào gương, để thấy bóng anh in rõ nét, trên ô vuông loang lổ mưa. Anh Thái nói: “Tôi muốn anh vô tội. Anh nói đi”.

Thế là tôi lại nói. Như thế này: “Cùng mùa đông 1952, một tối tôi sang nhà Tình Bốp, uống rượu. Nó nói với tôi, về sức mạnh đồng tiền, về các phép kiếm tiền không vốn, của đàn ông và đàn bà. Nó bảo, nó biết một phép ngon lành hơn nhàn hạ hơn, nhưng lại kém nguy hiểm hơn đi tống tiền. Nó chỉ luôn cho tôi, phép kiếm tiền mới. Nó nói, rất dễ, thằng Macxen nhờ nó tìm hiểu, xem ai là Việt minh, ai chứa Việt minh, ai có họ hàng với Việt minh, để báo cho nó. Mỗi lần, nó kiếm hàng vạn. Tôi bảo, thế là làm chỉ điểm. Nó nói, đừng xét nét danh từ, chỉ cần xem được trả bao nhiêu. Không ai biết việc nó làm”. Tôi im. Tôi muốn im, không kể nữa. Anh Thái vẫn chờ và nhìn tôi chăm chú, không tỏ thái độ gì. Tôi lại nói: ‘Tình Bốp lí luận thế này. Thiên hạ thuần giết nhau cả. Thằng Mĩ giết ối người, thằng Mĩ giàu, cho nên giết được nhiều quốc gia. Nhưng thằng Mĩ giết người lộ liễu. Tình Bốp, nó còn khôn hơn Mĩ, vì nó hại người không tang chứng. Đến khi Việt minh về tiếp quản, nó đã kiếm được cả hũ bạc đầy. Nó bảo tôi, nó sẽ làm ăn lương thiện, nó cứ rút bạc ra ăn dần, vài đời không hết”.

Tôi lại im. Tôi không muốn kể nữa. Năm 1952 ấy, tôi chưa viết nhật ký. Nếu có nhật ký, lời tôi kể sẽ chính xác hơn. Nếu có nhật kí, có thể các chi tiết sẽ không thực sự là như thế. Vì vậy, tôi ngồi im. Anh Thái nhìn tôi, không tỏ thái độ gì, nhất là không ngạc nhiên. Anh Thái nói: “Anh uống nước đi”. Tôi không uống nước. Tôi nói: “Tình Bốp rủ tôi làm chung. Tôi nói không làm thằng phản quốc, không giết người, tôi từ chối. Tôi còn bảo, khi Việt minh về, tôi sẽ tố giác, nếu nó không chia tiền cho tôi. Không dè, Tình Bốp dọa lại tôi, rằng nó biết, tôi cặp kè với Lily, nó biết tôi và Lily cùng nhau làm chỉ điểm, cho Macxen. Tôi mà tố giác nó, nó cũng sẽ tố giác tôi. Câu chuyện hôm ấy coi như xí xóa”. Tôi im. Anh Thái vẫn không nói gì. Tôi chỉ thấy, anh nhắm mắt lại vài giây ngắn, như thể tôi đã lỡ kể cái gì đấy, làm anh không hài lòng. Nhưng nét mặt anh vẫn không thay đổi. Tôi vội nói: “Ấy là Tình Bốp bịa ra, để dọa tôi”. Rồi lặp lại: “Nó bịa trắng trợn ra như thế”. Anh Thái hỏi: “Còn Lily?” Tôi nói: “Tôi với Lily thuần xác thịt. Có một đôi lần năm 1952, Lily gợi chuyện tôi, về một số người, tôi chỉ đáp vớ vẩn cho qua chuyện” Anh Thái hỏi: “Anh đáp vớ vẩn như thế nào? Anh còn nhớ không?” Tôi nói: “Lily có hỏi tôi về bác Mẫn. Tôi nói, bác Mẫn nghèo lắm, một vợ bốn con. Nhà bác như cái ổ chuột, chỉ kê vừa một cái giường. Nồi niêu, bát đĩa, thúng mủng, đút gầm giường. Ban đêm cả nhà chia nhau ngủ, trên giường, dưới đất. Bác Mẫn thật thà, chắt phác, chi lo kiếm ăn cũng hết ngày”. Anh Thái hỏi: “Tình Bốp dọa anh tại sao anh sợ?” Tôi không biết trả lời thế nào.

Tôi im. Rồi tôi nói: “Tôi không biết. Tất cả nhưng chuyện khả nghi, tôi mới nhớ lại đêm qua, chỉ có thế thôi”. Anh Thái hỏi: “Còn Lily, anh có quan hệ từ 5 năm, anh là người cuối cùng gặp Lily?” Tôi nói: ‘Tôi đưa Lily ra ga, tôi mua vé tặng Lily đi Hải Phòng. Trước kia, đúng là tôi và Lily thuần xác thịt. Nhưng 3 ngày cuối cùng với Lily có xác thịt, có cả nhớ, có cả buồn nữa”. Tôi lại im. Anh Thái có vẻ hiểu. Anh không hỏi gặng thêm. Tôi đứng dậy, pha ấm trà mới, vì ấm trà cũ không nóng không nguội không thể uống được. Anh Thái hỏi: “Những điều anh vừa nói, về Lily – thằng nhọn cằm – Tình Bốp, nếu khai ra giấy, nếu viết ra, anh có thấy vướng mắc gì không?” Tôi im. Rồi tôi nói: “Không”. Anh Thái nói: “Tờ thú của anh, anh giữ lại, không cần thiết nữa. Tôi sẽ làm việc với ban bảo vệ khu phố. Anh làm cho tôi tờ khai, về ba người: Lily – thằng nhọn cằm – Tình Bốp. Để anh tự vệ, một cách chính đáng, và tích cực nhất. Tất cả cảnh giác của anh hiện nay, anh nên chĩa về phía địch, phía tai họa. Anh cũng đừng quên, sự cộng tác của anh với chúng tôi, sẽ đưa anh về, vị trí một người lao động tốt”. Tôi nói: “Vâng, tôi hiểu”. Anh Thái nói: “Anh viết tờ khai xong, đưa thẳng cho tôi. Không đưa cho bất cứ ai khác. Anh nên giữ bí mật. Tuyệt đối không một người thứ ba nào biết. Để bảo đảm an toàn cho anh. Bao giờ anh có thể đưa tôi tờ khai?” Tôi nói: “Mai… 10 giờ sáng, tôi mang lên đồn”. Anh Thái nói: “10 giờ sáng ngày kia. Không vội. Tôi sẽ tạt qua đây lấy. Anh cố nhớ lại mọi chi tiết. Nếu về sau, anh có nhớ được bất cứ gì, anh viết thư cho tôi, để bổ sung thêm”. Tôi nói: “Vâng”. Anh Thái nói: “Còn một điểm cuối cùng. Khi nào anh cần sự giúp đỡ của chúng tôi, anh cứ iêu cầu. Chúng tôi sẽ cố gắng, trong phạm vi có thể của chúng tôi. Bao giờ chúng tôi cũng sẵn sàng cộng tác, với tất cả mọi người, trên hướng tích cực”.

Tối thứ bảy

Tối hôm nay thứ bảy, tôi đến hãng xe Phi Mã. Hãng xe ở vào một địa điểm buồn cười. Mặt trước trông ra phố H, phố H đông người, rầm rập xe cộ. Mặt trước, một bên hiệu sách cũ, một bên cổng gara sơn xanh đậm, suốt ngày khóa im ỉm, chỉ mở rộng khi có xe ra vào. Trên cổng có cái bảng, đề chữ Hãng Xe Phi Mã, có vẽ một con nghẽo bay, đã bong sơn. Mặt hậu hãng xe ăn về phố K, phố K vắng tanh, có cổng gỗ cài then. Mặt ngang, về phía tay mặt, ăn vào một ngõ cụt, cũng có tí cổng gỗ. Dạo ông Phúc còn nhiều xe, gara chứa không hết, xe đi về thường xuyên đậu đây ngõ cụt. Tóm lại, số nhà này có ba cổng, có hai chủ. Ông Phúc chủ hãng xe ở trên gác. Dưới nhà là ông Khang chủ hiệu sách cũ. Hai nhà chung nhau sân, bếp, nhà vệ sinh, ở dưới đất. Tôi đến hôm nay một tối thứ bảy.

Tôi tìm số nhà. Cổng gara khóa, hiệu sách mở như thường lệ. Trong gara có chiếc tacxi đen. Trong hiệu sách có sách cũ, và ông chủ sách cũ. Ông này lúc tôi vào đang giấu mặt, sau một quyển truyện. Tôi chỉ nhìn được tí chỏm đầu hói, tí lông mày rậm của ông, và tí kính gọng vàng. Tôi nói: “Xin lỗi. Tôi muốn hỏi ông Phúc”. Lâu lâu ông chủ sách mới ngẩng đầu lên. Có vẻ bị phá đám, giữa mẩu chuyện hay. Có vẻ không bằng lòng, vì tôi đến không phải để mua sách. Tôi đứng cách ông xa ba mét Tôi ngửi tướng mặt ông ta, chỉ thấy chất đớp hít, chất xác thịt, tráng thêm bên ngoài tí men trí thức rẻ tiền. Ông nhìn tôi không nói gì. Tôi nhắc lại: “Tôi muốn hỏi ông Phúc”. Ông nói: “Ààà. Ồng Phúc ở trên gác”. Thấy sau hiệu sách có cái hành lang đen, tôi định vào. Ông nói: “Ấy, không đi lối ấy, nhà nào đi cổng nhà nấy. Cổng nhà ông Phúc ở phía ngõ ngang, bên phải”. Tôi nói: “Vâng” rồi quay ra. Tôi nhận xét hai ông có vẻ không thân thiết nhau. Tôi vào ngõ bên phải, là ngõ cụt.

Tôi kéo chuông, gắn trên chiếc cổng gỗ. Chuông kêu rèè, có lẽ làm bằng sắt tây. Tôi chợt nhớ, đến anh sinh viên người Nga, cũng kéo cái chuông cũ, trên cổng nhà mụ cầm đồ. Nhưng tôi không có í định giết ai. Tôi đến xin việc. Tự dưng tôi hồi hộp. Tôi thấy đèn bật sáng trong sân và tiếng dép loẹt quẹt. Cổng mở hé, trước mặt tôi lấp ló cũng một mụ già. Giống hệt cuốn trinh thám Nga. Tôi càng hồi hộp. Mụ già ngoại năm mươi, thoáng trông như con cáo loắt choắt, trông kĩ hơn lại giống như con me tây già, tóc hoa râm, gầy hom hem. Mụ mặc áo lụa, viền đăng ten. Quần lụa trắng, cũng đăng ten. Mụ nhìn tôi, rồi cất giọng: “ Anh hỏi ai?” Tôi định bỏ về. Nhưng lại nói: “Tôi hỏi ông Phúc. Ông Phúc hẹn với mẹ tôi”. Mụ nói luôn: “Ààà tưởng ai. Anh đến xin việc hả? Anh là con trai bà giáo hả? Vào đây”. Tôi vào. Bà ra hiệu tôi đi trước, bà theo sau. Tôi đi đến đâu, bà tắt điện đằng sau, đến đấy. Hành lang. Cầu thang. Tôi nhìn xung quanh rất nhanh, qua những cánh cửa trên gác, cửa nào cũng mờ và sáng đèn, thấy đồ đạc nửa tây, nửa tầu. Những đivăng. Câu đối. Két sắt. Tủ lạnh. Độc bình. Đôn sứ. Tủ chè. Giá sách. Mụ già dẫn tôi vào một buồng con. Mụ nói: “Anh đợi ở đây, một chút. Nhà tôi đang họp”. Rồi mụ đi ra, chân loẹt quẹt dép dừa. Buồng đợi tôi ngồi nhỏ bé, xuềnh xoàng một cái giường sắt, một cái bàn sắt, hai cái ghế cũng bằng sắt. Trên bàn có ấm chén nằm úp. Có lọ hoa không hoa. Có cái gạt tàn, cũng bằng sắt. Chắc là nơi tiếp khách hạng xoàng. Bởi vì phía bên kia hành lang, là phòng tiếp khách rất lớn, đang lố nhố bóng người. Qua chiếc cửa mở, tôi thấy khói thuốc, thấy cả vài bóng công an, vận đồng phục kaki vàng. Tôi nghĩ, có lẽ họ đang họp bảo vệ khu phố. Thấy công an, tôi chỉ muốn về. Nhưng tôi không về, tôi châm thuốc hút. Không khí nhà này tôi không thích, i như trong thánh kinh, tôi không thích không khí nhà giàu. Không có nghĩa tôi thích nghèo. Nhưng cái không khí nhà giàu làm khó ngửi. Ở dây, có mùi nhạt, mùi xác chết, có không khí bất lương. Tôi chỉ muốn về. Vừa hay ông Phúc vào.

Tác giả: