Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Ngày số 4. Tôi dậy lúc 4 giờ sáng. Cửa sổ vẫn đầy mưa bụi. Đèn vẫn để suốt đêm. Cốc tách bừa bộn. Thằng Đoành ngủ lăn trên sàn, ngáy ầm ầm. Tôi dọn lại bàn ghế, chai cốc, rồi khênh thằng Đoành lên giường. Tôi rũ chăn, đắp cho nó. Nó mở mắt, trắng dã nhìn tôi, rồi lại nhắm mắt. Rớt dãi chảy quanh mép. Tôi tắt đèn, rồi lẳng lặng đi ra.

Ngoài phố mưa bụi. Tàu điện lanh canh, chuyến sớm nhất. Mặt trời còn chưa mọc. Phố còn tôi. Lác đác vài người, đi làm sớm. Trời se lạnh. Cuộc nói chuyện đêm qua làm tôi thấy khoan khoái. Thằng Đoành đúng là thằng vui nhộn. Tôi phục nhất, là nó đóng kịch, và nói dối giỏi. Nó dối trá, nhưng vô hại. Có nó, bản đồ đời cũng vui hơn. Tuy vậy, tôi hơi lạ, tại sao công an cho nó hát, ở rạp xinê. Ắt nó phải có công gì với công an chứ. Tôi nghĩ không ra, nên chẹẹc lưỡi kệ nó. Tôi nghĩ, nó không phải loại người hại bạn. Nó không ưa Tình Bốp. Nó biết cái gì đó, nhưng không nói ra. Tôi nghĩ vơ vẩn như thế, được một lúc, thì đến ngã tư mưa bụi. Tôi rẽ vào ngõ. Người đi làm, mỗi lúc một đông thêm. Họ đi, ngược về phía tôi. Phố xóm vẫn còn tối.

Tôi về nhà, thấy Cốm đi rồi. Nhưng không phải đi làm. Quần áo, Cốm mang đi. Gói tư trang, Cốm mang đi. Nhà lạnh, như nhà mồ. Lạnh tự dưng. Có lẽ, Cốm về Mọc, quê mẹ. Có lẽ, Cốm lên chỗ mẹ tôi. Sọ tôi cũng lạnh. Đồng hồ dạ quang trên tay, chỉ 4 giờ 30. Điện buồng tôi đèn bật, trắng nhợt. Còn chưa biết làm gì, thì có tiếng chân người, ngoài sân. Tôi chạy ra, gặp thằng Chắt. Nó dắt chiếc xe đạp, lọc cọc. Nó nói: “Tao phải đi làm ngay. Tao có việc, phải hỏi mày. Tao đi qua, thấy đèn sáng, nên tao vào. Tao sốt ruột lắm. Có phải mày nói, mày chơi trò kép, trò đúp không?” Tôi nói: “Có… Nhưng không hẳn thế. Tao nói lúc uống say với Tình Bốp… Cũng lâu rồi”. Chắt nói: “Mày bị vạ mồm. Không hiểu sao, chuyện đến tai ông Trung trố. 10 giờ đêm qua, tao biết tin này. Tao chạy sang mày ngay, mà cửa đóng, đèn tắt”. Tôi nói: “Ông Trung trố bảo thế nào?” Chắt nói: “Ông ấy nói, giữa cuộc họp khu phố, là lại có những hiện tượng và luận điệu phản động. Là bọn có tội, theo đế quốc rành rành, đã được chính phủ khoan hồng, lại còn phản tuyên truyền, rằng chính phủ chỉ khoan hồng cái lỗ miệng. Ông ấy nói, bọn này đang giở trò kép, trò đúp, với cộng sản. Bề ngoài chúng sẽ giả vờ, vâng vâng, sẽ giả vờ đi họp khu phố, đi lao động chủ nhật, nhưng bên trong chúng rình cơ hội, phá hoại. Tao lo cho mày lắm. Sao mày vạ mồm thế. Thôi tao đi ngay. Tối tao sang mày. Nhé”. Tôi nói: “Nhưng sao mày biết, là tao nói? Ông Trung trố có gọi đích danh tao không?” Nó nói: “Tao không đi họp. Vợ tao đi họp. Lúc tan, ông Trung trố gọi vợ tao ra bảo, về nhớ mà khuyên chồng, đừng có theo cái trò kép, của thằng Dưỡng tàu bò, mà đi tù sớm. Vợ tao về run rẩy, mặt tái mét. Thôi, tao đi ngay đây”. Nó đi, còn tôi một mình. Tôi ngồi trắng nhợt, tôi nhìn, xa xa cái bóng tôi trong gương, cũng trắng nhợt.

Tôi nằm, toàn thân trắng nhợt, trên chiếc chăn trắng. Những lỗ thủng bầu trời ngoài cửa sổ trắng, thêm cơn mưa trắng, không dứt từ chiều qua, bên trong tôi cũng trắng, vì tôi chẳng nghĩ được cái gì, chẳng muốn làm gì. 7 giờ sáng, thằng Ngỡi thò mũi vào nhà, hít hít. Sọ tôi gọi tôi: “Này”. Tôi liền ngồi dậy: thằng Ngỡi bỏ mặc nồi phở đang đông khách, để đến tìm tôi vào giờ này, là không bình thường. Tôi gọi: “Ngỡi. Vào đây”. Ngỡi nói: “Đàn anh định sai phái gì đàn em?” Tôi rút ra năm vạn. Tôi nói: “Đi mua tí gì về. Hai thằng cùng đớp”. Ngỡi nói: “Có ai nữa không? Đàn em mua vịt nhé”. Tôi nói: “Không. Vịt làm lâu bỏ mẹ. Mua tí cẩu. Mua cái gì về ăn ngay được. Rượu có sẵn rồi. Có tao với mày, hai thằng đớp-kép, với nhau thôi”. Tôi cố tình dùng chữ đớp-kép. Ngỡi chớp chớp mắt. Hai mắt, như hai cái mụn. Chắc là nó chột dạ, tôi đoán vậy. Nó cầm tiền, rồi ba chân bốn cẳng, đi luôn. Trông nó lèm nhèm, như con chuột già. Cả ba thằng Đoành, Chắt và Tình Bốp, đều đồng í gọi nó, là thằng-lèo-liếm. Nó vừa lèo nhèo, lèo lá, vừa lộn lèo, vừa la liếm. Danh từ đầu tiên, là do Tình Bốp đặt. Thằng Đoành nói lái lại, thành thằng-liềm-léo. Về sau, cả phố gọi nó hoặc thằng-liềm, hoặc thằng-lèo, cho lịch sự. Trong nhóm năm người, nó nhiều tuổi nhất, cho nên toàn xưng ông, với bốn chúng tôi. Nhưng từ một tháng trước tiếp quản, nó bắt đầu xưng em, với toàn bộ thành phố, trừ với vợ và con. Làm anh một thằng già hơn 12 tuổi, tôi cũng thích như vậy.

Thế là, hai thằng một mâm, thuần chó. Theo lệ thường, tôi gói riêng, cho nó môt gói, để nó lát nữa đem về. Tôi còn sẻ một cút rượu quê, cũng để nó đem về. Tôi còn cho thêm, một ống bơ lạc sống, để nó rang cho lũ con ở nhà. Thằng Ngỡi sung sướng, luôn mồm xuýt xoa, khen tôi phúc đức. Tôi rót rượu và gắp cho nó, những miếng béo nhất. Nó nói: “Đàn anh muốn hỏi đàn em, chuyện gì vậy?” Tôi nói: “Chẳng muốn gì cả. Có gì hay hay, thì kể nhau nghe thôi”. Nó cười hé hé. Tôi rót chầu rượu thứ hai. Trước khi nó đi chợ về, tôi đã đóng cửa sổ lại, bật điện giữa ban ngày, để tăng phần ấm cúng. Nhất là vào buổi sáng mưa thu, se lạnh như thế này. Không gian kín, nhuộm vàng trong ánh đèn, quả có làm cho rượu ngon hơn thật. Thằng Ngỡi nói: “Rắc rối lắm đàn anh ạ. Em vốn tính nhút nhát, sợ hãi. Là vì cái phận em hèn. Là vì em là thằng lính đám ma. Không sắm đâu được cái tính ngang tàng, như đàn anh. Các anh khinh em là thằng-liềm-léo, em cũng nhận, là em kém tư cách thật. Nhưng tư cách là cái gì. Em năm nay 35 tuổi, ăn cơm nhà thiên hạ, đã thanh sạn trong bụng, sống đã lâu, mà chưa cần dùng đến món tư cách bao giờ. Ví dụ: anh cho em chén, thì em chén. Chứ tư cách gì, ở cái chỗ này. Anh cho em gói mang về, thì em mang về. Em cứ hồn nhiên thế thôi. Hồn nhiên lợi nhuận hơn tư cách, thì tư cách để làm gì. Phải không anh?” Nó lại cười hé hé. Tôi nói: “Chẳng qua, tại các bà mụ, khi nặn ra cậu, quên nặn cái tư cách”. Nó mủm mỉm cười, làm hai con mắt nhỏ lại, như hai cái mụn chảy mủ. Nó nói: “Hoan nghênh các bà mụ. Giá các bà có nặn, em cũng bán quách đi từ lâu rồi. Thôi để em kể, đầu đuôi thế này. Thoạt đầu, bác Mẫn giúp em ra phở gánh, để em nuôi các cháu. Bác Mẫn khuyên em làm ăn tử tế, và, thực thà hối cải. Em mới hỏi, thế nào là thực thà hối cải. Bác Mẫn nói, là làm ăn tử tế. Em lại hỏi, thế nào là làm ăn tử tế. Bác Mẫn nói, là chấp hành chính sách, của chính phủ. Bác Mẫn cũng nói, là còn có thể làm được nhiều việc, tích cực hơn nữa. Em cứ suy nghĩ mãi, không hiểu việc tích cực, là việc gì. Hàng phở của em tương đối đắt khách. Em cũng chăm đi họp khu phố, và dịu dàng, khiêm tốn, với cả xóm. Riêng với con vợ em, khi nào cần đánh nó, em đóng chặt cửa, nhét giẻ vào mồm. Cho nên cả xóm, chả ai biết”. Tôi nói: “Có gì mà không hiểu, việc tích cực. Là đi dò la, nghe chuyện, rồi về báo cáo công an, chứ gì”. Nó nói: “Anh đoán đúng đấy. Em sau đó cũng hiểu ra. Ấy là khu phố tin cậy em, nhưng không nói thẳng, chỉ gợi í để em tự hiểu. Từ đấy, em để í mọi chuyện xung quanh. Khách vào ăn phở, em mà để con dao ngang thớt, là vợ em biết í, đi báo ngay bảo vệ. Em mà liếc lưỡi dao trôn bát, vợ con em phải đi theo kẻ tình nghi. Vì có khi bảo vệ chưa đến, kẻ tình nghi đã bỏ đi. Em đã phát hiện được vài đám. Bác Mẫn khen ngầm em vài lần rồi. Khi nào nhà bác có giỗ tết, đều gọi em, đến làm giúp. Tha hồ ăn uống no say, lại được gói đem về. Thích lắm. Cho đến một hôm, đàn em báo cáo với bác Mẫn, về tất cả các đàn anh, không trừ một ai”. Tôi nói: “Tự cậu, hay bác Mẫn gợi í?” Nó nói: Tự nguyện, mới hay chứ. Tự nguyện nói ra, mới có giá trị. Là em muốn lập công thôi, chứ không muốn hại gì các anh cả. Anh cũng bảo, tại các bà mụ quên nặn cho em cái liêm sỉ. Cho nên em vô liêm sỉ”. Nó cười hé hé. Tôi cũng cười khè, vì tôi biết có mắng nó, cũng bằng không. Có chửi nó, nó vẫn ăn uống, hồn nhiên. Tôi đợi nó nói tiếp. Nó nói: “Khu phố không cho em đánh chén, như bọn đàn anh, nhưng không cho, mà lại là cho. Hàng phở của em, dọn ở chỗ ấy đắc địa, nhiều người muốn lắm. Khu phố không cho, thì cả nhà em tám nhân khẩu, đi ăn mày cả lũ. Em nhớ cái ơn ấy. Em cũng nhớ, cái ơn đàn anh cho em đánh chén. Nhưng mà em vẫn hãi khu phố nhất. Hãi anh Tình Bốp là thứ hai, đàn anh là thứ ba. Hai anh Chắt và Đoành là thứ bét”. Tôi nói: “Cứ i như trong thánh kinh vậy”. Nó nói: “Vâng. Cho nên khi báo cáo, em đảo ngược lung tung cả. Em không ác í gì đâu, chỉ là cái tính em, nó hồn nhiên như thế. Cho nên em đổi trắng thay đen. Đàn anh Chắt, em không hãi nó, em báo cáo về nó xấu nhất. Em báo cáo, là anh Chắt dao động tư tưởng, muốn bỏ việc ra ngoài làm. Vả lại anh Chắt em biết, nhiều lần mua vịt về, đánh chén một mình, không mời ai cả. Anh Tình Bốp thì được em báo cáo tốt nhất. Anh Bốp tính tình lịch sự, lại thông minh, tuy có liên quan đến Macxen và Lily, nhưng vẫn thành thật quay về với tổ quốc”. Không thấy nó nói về tôi. Tôi phải mở tủ, lấy gói trà Đồng Hương. Nó nhìn theo tôi, không bỏ sót một động tác nào. Tôi nói: “Chắc cậu không có trà ngon. Đem về mà dùng”. Nó nói: “Phúc đức quá”. Rồi nó kể, một mạch. Nó kể: “Em báo cáo về đàn anh hôm ấy, không được hay lắm. Thực tình, em rất quí đàn anh. Nhưng tại cái mồm em nó thế, em muốn một đằng, nó lại nói một nẻo. Em báo cáo, là đàn anh ngổ ngáo, bên ngoài tỉnh khô nhưng bên trong dâm ô, không ai bì kịp. Đàn anh mê gái, hơn mê tổ quốc. Em cũng báo cáo, là con Lily gài anh ở lại, để làm cho nó”. Tôi cáu quá. Tôi gắt: “Sao cậu khốn nạn thế?” Nó nói: “Khoan. Đàn anh phải bình tĩnh, tin tưởng, tin tưởng là chính phủ sáng suốt. Chính phủ nhất cử, nhất động, đều phải cân nhắc, kĩ càng. Em có báo cáo láo, chính phủ cũng sửa lại, cho đúng. Bác Mẫn cũng bảo, là có nhiều chỗ em nói, bị ngược nhau, nên bác phải kiểm tra lại. Bác Mẫn bảo, có lời nói nên ân nên phúc, có lời nói tan cửa nát nhà, có lời nói cứu người, có lời nói lại hại người. Lúc nghe bác nói, quả là em cũng xấu hổ, một chút”. Tôi nói: “Cậu mà còn biết xấu hổ, hay nhỉ”. Nó nói: “Lần đầu đấy. Em bị kém ăn, kém ngủ, mất mấy hôm. Em sau đó tự nhủ, từ nay chỉ nói sự thật. Các anh mà biết, em báo cáo láo, em mất hết tình bạn, mất cả chỗ đi lại, đánh chén. Nói vậy thôi, em cũng biết là có lúc, các đàn anh lại cần đến em đấy, vì việc này việc nọ, ai mà lường trước được. Em là con chuột nhắt, xoàng xĩnh vậy thôi, nhưng con chuột nhắt, cứ nhí nha nhí nhách, có ngày lại cắn đứt lưới, cứu con hùm thoát lưới. Đời người, ai nắm tay đến sáng, mà nói trước được. Thời thế cả thôi. Kiếm ăn khổ lắm. Có lần cuối tỉnh gọi em, đến làm cơm. Trời mưa ngập khắp nơi, em không có áo mưa, nên chỉ mặc độc chiếc quần đùi, mà lội trong nước, từ đầu tỉnh, đến cuối tỉnh. Đến nơi, mặt mày trắng nhợt, như người chết trôi. Nhà chủ khen em, biết giữ chữ tín. Nhưng đâu phải vì chữ tín, vì miếng ăn cả thôi. Sáu đứa con, vợ iếu là bảy, em nữa là tám cái mồm, mà chỉ có em là trụ cột. Cho nên em phải bồi dưỡng sức khỏe, không ăn được vẫn phải nhắm mắt, mà nuốt. Nghĩ đến con trẻ, mà em rớt nước mắt: cá chuối đắm đuối vì con”. Nói xong, nó sụt sịt khóc. Không hiểu khóc, cho sự hi sinh to lớn của nó, hay vì uống nhiều, mà say. I như trong thánh kinh: căn buồng trở nên trắng nhợt. Tôi để mặc thằng Ngỡi ngồi khóc, tôi ra mở cửa sổ. Bụi mưa rắc vào trong buồng, cùng khí lạnh, của sáng mùa thu. Tôi tắt đèn, cho khỏi phí điện. Tôi nghĩ một lúc, xem có còn gì cho thằng Ngỡi không. Tôi tìm được trong tủ một gói đường, còn kha khá, tôi đưa cả cho nó. Tôi nói: “Đem về cho bọn trẻ”. Nó nói: “Hôm nay, anh phúc đức quá”.

Tác giả: