Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

9 giờ tối. Tôi lột áo em Cốm. Hai đứa nằm trong kho. Dưới là ổ rơm. Trên là chiếu hoa. Trên nữa là chăn cưới. Ngoài trời là mùa đông. Ngoài trời là cả không gian heo may, và một đêm hiếm có không mưa. Thế là, tôi ở lại Hà Nội thật, trong một nơi không địa chí bưu điện, không cả mây bay ngàn dặm. I như trong thánh kinh: mai là ngày tiếp quản. Thành phố thế nào cũng xúc động, mùi giao thừa. Tôi vuốt ve Cốm. Đêm nay mặc áo hở nách, nhưng Cốm không có ngay cả một kĩ thuật hở nách. Cho nên bây giờ tôi lột áo Cốm. Bây giờ Cốm nằm trên chiếu hoa, đúng vào chỗ một bông hoa rất lớn và rất đỏ. Tôi không nghĩ đến tương lai sẽ ra sao. Tương lai có hủi không. Dĩ vãng thì hủi quá rồi. Học lớp tàu bò ra, đi càn về mạn Tứ Hiệp một lần, cả thảy ở ngụy 14 tháng. Nhưng trước hồi tàu bò, phố xóm đã gọi tôi thằng cao bồi dở. Dĩ vãng của tôi tóm lại là dở-cao-bồi-kiêm-tàu-bò. Nhưng chính phủ sẽ khoan hồng dĩ vãng của tôi, chính phủ đã nói vậy. Ngày mai chính phủ vào. Tôi ôm em Cốm. Tôi hồi hộp. Đêm nay một kiếp, sáng mai một kiếp khác. Hai kiếp người, chỉ cách nhau một cơn buồn ngủ, ngắn gọn không cả một chớp mắt. Tôi cảm thấy, tự dưng tất cả những mùi vị say say của giao thừa, quá thiêng liêng, trong một kiếp người.

Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ ba hay chủ nhật. Bên ngoài cửa sổ tôi xanh lúc này, có sáu cây bàng lá xanh, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng. Phố tháng sáu thịnh hành màu phòng không, tự vệ, nam nữ, cán bộ, bộ đội sẵn sàng phòng không. Sáng nay không ra phố, tôi làm việc, trên những cuốn nhật kí, bìa dằn di. Tôi dừng lại, để đặt ở đây, một loạt câu hỏi. Nhật kí của Dưỡng, dường như, không đi theo mọi quyển lịch thân quen, bởi vì tôi luôn vấp phải những nhầm lẫn ghê gớm, của thời tiết, của thời gian, và mọi cái gì, của thời sự. Đường tuyến tính của thời gian, mà tôi đã nhìn thấy, ở đâu đó, bắt đầu từ một nơi vô định, kết thúc cũng ở một nơi vô định, chạy từ trái sang phải, theo chiều mũi tên. Thời điểm ghi nhật kí sẽ nằm vào một dấu chấm, nhỏ xíu trên đường tuyến tính, giữa hai vô cực, của dĩ vãng và dự cảm. Điểm nhỏ xíu này nhỏ lắm, nên chẳng là cái gì cả, trong thời gian. Có thể vì vậy, động tác bắt đầu mỗi trang nhật kí, vào một thời điểm hiện hữu, không phải là mối quan tâm lớn nhất của Dưỡng. Hiện tại, nếu nhắc lại theo nguyên lí này, vừa hiện hữu vừa không, vừa nhầm lẫn cố tình, vừa nhầm lẫn vô tình. Nhật kí do vậy cũng xô lệch theo. Động tác ghi nhật kí, do vậy có vẻ mang tính chất tự nghiệm, hơn là mục đích can thiệp vào thời gian (nhưng có thể không phải như thế). Bên cạnh đây, ngôn ngữ của nhật kí cũng còn là một bí ẩn. Thánh kinh trong nhật kí, được điệp lại nhiều lần, vào nhiều chỗ. Nhưng Dưỡng không đi đạo. Cô chị Lily, thường xuyên trần truồng với cây thập ác lủng liểng ngực mùa nực, cũng không đi đạo. Có thể Dưỡng không có í báng bổ Chúa, bài xích, hoặc sùng đạo. Có thể những Tân ước, Cựu ước, nhà thờ, đều xa lạ với Dưỡng. Có thể lối gọi thánh kinh này, chỉ như một thán từ kép ghép bừa vào mọi hợp, hỉ, nộ, ố, dục, cho mùi mẫn. Có thể nào đây chỉ là một, trong nhiều, cách làm duyên của cái mồm?

Buổi đêm. Nhật kí tiếp tục: tôi có năm thằng bạn, mỗi thằng một tuổi. Tôi 22. Ngỡi 34. Tình Bốp 24. Chắt 25. Đoành 21. Ngỡi đi lính, từ 3 năm để canh gác những xác chết đang đợi được đi chôn, ở nhà đám ma Sinh Từ. Nó là lính nghèo, chức vụ lèm nhèm, hình dạng lèm nhèm, đáng kể nhất một cái mặt choắt, và hai mắt hai cái mụn loét bờ. Lính đám ma mà hách dịch: nó xưng ông với cả phố. Lính đám ma mà nó tự hào, và lúc nào cũng tận dụng triệt để chức vụ lính ngụy. Để đến nhà này, nó vào ngay nhà bếp, xem có cái gì, đến nhà nọ trèo luôn lên phản, ngồi chờ ăn cỗ, dù không được mời. Ăn xong bao giờ cũng mang phần về, để đến tối chờ cô vợ và sáu đứa con đi ngủ, mới lẻn ngồi ăn một mình. Bọn tôi lúc nào làm tiệc là gọi nó đến, vì nó nấu cơm, và nói dối, đều giỏi. Mỗi khi say, nó lại khóc thương vợ và sáu đứa con ở nhà, không biết miếng thịt là gì. Vậy mà bây giờ, nó lập công to với chính phủ. Nó ăn cắp, để nộp cho chị Hòa cả thay hai cái máy chữ, một súng trường đầy ắp đạn, và một cái đài. Trước khi đi trốn, nó xưng em với chị Hòa. Nó nói: “Những thứ em lấy được để nộp chị, em không mong chính phủ khen. Chị liệu nhời nói với chính phủ hộ em: em một vợ sáu con, em lầm đường lạc lối cũng vì cái miếng ăn. Xin chính phủ tha cho em”. Cốm kể với tôi: cả xóm biết Ngỡi trốn về Hà Đông. Cả phố còn biết từ ngày đi trốn, nó bắt đầu xưng em, với tất cả mọi người.

Buổi đêm. Lúc này tôi ôm Cốm trên ổ rơm, trên chiếc chiếu hoa. Ngay bên dưới Cốm, vẫn là bông hoa khổng lồ rất đỏ. Nhưng Cốm không có, ngay cả một kĩ thuật nằm trên hoa, cho nên tôi để mặc Cốm mượn tay tôi mà che đi khuôn mặt tối. Bên cạnh ổ rơm khô, về mọi phía, vẫn đủ thứ đồng nát, là rế rách đè chổi cùn, là cái cánh cửa hỏng, nằm dưới một đống sắt gỉ. Đêm nay Cốm vào, mang theo chiếc chăn cưới lúc nào cũng mới, lúc nào cũng có một trăm bông hoa nhiều cánh, ba màu, trắng, đỏ, hồng. Chiếc chăn cưới lồng bồng trên ổ rơm, như một hòn đảo hoa vô lí. Tôi nằm ôm Cốm, mà nhắm mắt thao thức. Thành phố ngoài xa đang giao thừa. Tôi đoán là đồn bốt, và các trại lính, bây giờ vắng teo. Nhiều thằng bỏ trốn. Những thằng nhận lệnh đi lùng bắt những thằng bỏ trốn, cũng trốn. Những bộ phận, và đơn vị chủ chốt của ngụy đã chuyển cả vào Nam. Đêm trong nhà kho, vẫn còn nghe được, thỉnh thoảng một phát đòm, một phát hủi. Một phát là biệt kích. Còn một phát là đập-phá-giao-thừa. Biệt kích đi tuần đông. Cán bộ bí mật vào thành cũng nhiều. Tôi tự hỏi, cô chị Lily đi hay ở. Tình Bốp đang làm gì. Và Đoành, và Chắt, và Ngỡi đang làm gì. Sáng mai, bộ đội vào tiếp quản. Không làm sao nghĩ được, tới chương trình ngày mai. Lúc này là giao thừa. Lúc này Cốm nằm cạnh tôi. Cốm còn bé loai choai: Cốm mới 17 tuổi rưỡi. Tôi với Cốm lúc này, có cái gì giống như động phòng, cái gì còn hơn là động phòng. Đồng hồ dạ quang trên tay chỉ 1 giờ khuya. Tôi hồi hộp. Tim đập êm đềm. Tôi cảm nhận tất cả, những cái gì của giao thừa, bao la, bí mật, trong một đời người.

II

Mồng một Tết. Không khí ngày tiếp quản đầy mùi Tết. Tôi mở tung cửa kho. Em Cốm vẫn ngủ, trên ổ rơm mê mệt. Lúc ấy 6 giờ sáng. Tôi trương cờ đỏ ngoài cổng. Cờ đỏ Cốm đã may sẵn, từ mấy hôm trước. Tôi lấy quần áo mới, đem vào kho. Cốm mở mắt, chơm chớp. Tôi vận quần áo cho Cốm. Cốm e thẹn, không nghe. Tôi cứ vận quần áo cho Cốm: đầu tiên là quần trắng, rồi áo len trắng, rồi giày muyn trắng. Tháng trước tôi đưa Cốm đi cắt tóc. Và chọn kiểu phidê ngắn nhất, mà Cốm không biết. Sáng mồng một Tết, tóc Cốm vẫn ngắn để lộ gáy, gáy Cốm rất trắng. Tôi nói: “Sáng nay vợ chồng mình ra phố, đón bộ đội. Và đi chơi. Và ăn hiệu”. Cốm nói: “Tóc tai em thế này, nom càn càn như con cao bồi. Đi đón bộ đội, em ngượng lắm”. Tôi nói: “Đông người, biết ai vào ai mà ngượng. Tóc Cốm đẹp lắm”. Sau đó, Cốm ra sân rửa mặt. Tôi lên nhà pha hai cốc càphê: một càphê đen, một càphê sữa. Từ trong nhà tôi nhìn Cốm ngoài sân, đang í tứ và rón rén, trong bộ áo mới. Khi lấy chồng, Cốm là gái làng Mọc. Còn chưa biết gì. 17 tuổi còn chưa bao giờ đi giày, huống hồ những cái hôn đầu lưỡi. Tôi dạy vỡ lòng cho Cốm từ chuyện ăn diện hời hợt, đến những trò sâu sắc khác. Nhiều ngày Cốm đóng cửa, tập đi giày cao gót trong buồng. Nhiều tối tôi giữ cho Cốm tập xe đạp, ngoài phố vắng. Tôi còn mua cả quần lót trong, cho Cốm. Lần nào cũng xilip ba màu, là màu xanh giống như màu của đêm, màu trắng của ngày, và một màu tím khó gọi của chiều muộn. 6 tháng cứ như thế. Có nhiều lúc tôi ép Cốm, chụp ảnh con lợn, bằng máy ảnh tự động, mượn của Tình Bốp. Thế là được cả một tập anbom con lợn. Sáng mồng một Tết hôm nay, hai đứa điểm tâm. Đến lượt tôi chọn quần áo. Tôi chọn, một cái sơmi không chim không cò, một cái áo len cụt tay, mũi to lờm xờm, màu bẹcgiê. Rồi cái quần gabaxđin, lớt phớt hạt dẻ, đôi tất nilông màu nâu nhạt, và sau cùng, đôi giày lấm chấm lỗ màu vàng. Tôi muốn Cốm vận quần áo cho tôi, nhưng Cốm thẹn, nhất định không chịu. Lát sau ra phố, thấy Hà Nội đỏ màu cờ. Đi bộ với Cốm. Được một lúc, tôi lại quay sang nhìn Cốm.

Trên cờ dưới cờ. Cũng là trời Tết. Nhân dân đứng đầy vườn hoa Canh Nông, đầy các vỉa hè, và ngã tư Cột Cờ. Người trèo giậu các biệt thự, người leo sân thượng, người trèo cành cây vườn hoa. Bộ đội vào phố. Bộ đội tiến đến đâu, Tây rút đến đấy. Hai bên cách nhau hai cột đèn. Nhân dân được một bữa khoái mắt, vài người rú lên vì thích thú. Em Cốm cũng vỗ tay, như trẻ con. Lúc cười má Cốm có hai núm đồng tiền. Tôi thì khác. Không iên ổn trong người. Dù sao, tôi cũng có 14 tháng thuộc về một chiến tuyến khác. Đứng trước bộ đội, cả người tôi là một hỗn hợp, những thẹn, tủi, cả những ghen linh tinh nữa. Cho nên, khi có một bàn tay mất dạy với em Cốm giữa đám đông, cúa một thằng mất dạy không quen, tôi nổi cáu. Tôi có tí diuđô. Thế mà tôi văng vào thằng mất dạy, một nắm đấm, không chút diuđô nào hết. Nó ngã khuỵu. Mọi người ồn ào. Tôi kéo Cốm đi. Tôi trách Cốm: “Cô không để í gì cả. Con gái con lứa”. Cốm nói: “Đông quá. Đàn ông các anh xấu”. Tôi nói: “Sao không tát cho nó một cái. Hay là cô thích?” Cốm nguýt tôi. Cốm nói: “Anh đểu vừa vừa chứ”, làm tôi khó chịu mất một lúc. Mặt trời hôm nay, một ngày tháng mười súng nhóe. Phố hôm nay rợp cờ đỏ. Cốm hôm nay vui. Mắt Cốm long lanh, miệng cười xinh. Mỗi lần cười lại làm đồng tiền lũm má. Cốm cười, làm tôi nguôi cơn giận. Tôi muốn quàng lưng Cốm. Cốm nói: “Đừng”. Cốm không quen lối Tây đầm, trong phố đông. Hôm nay đúng là ngày Tết: nam nữ đi lại đầy đường. Ở những phố Tây đã rút, các cửa hiệu lục tục mở. Ở một ngã tư có một bàn đổi tiền, ngay trên vỉa hè. Cốm chạy vào xếp hàng. Tôi không muốn Cốm đứng lẫn chỗ đông, tôi vào xếp hàng thay Cốm. Bàn đổi tiền này có hai cán bộ, một nam, một nữ. Người cán bộ nữ mặc áo pôpơlin ngắn, mà lằn vai coócxê. Quần cô không có tà áo dài che, nên hở cả hông: một đoạn trắng hồng mềm mại. Tôi nom phụ nữ ăn mặc thế này là lần đầu: sơ sài nhưng thơ mộng. Sau đó, có một cô gái khác vào xếp hàng, ngay sau tôi, rồi dòng người lộn xộn cứ thêm dài ra. Cô gái này nom được nhất ở chỗ ngực, chỗ mà tôi vừa vô í chạm vào. Thánh kinh nói, phàm làm việc gì phải khéo chân khéo tay, tôi liền khéo tay khéo chân được vài lần vô í. Đến lần thứ tư thì được một cái lườm của cô. May mà Cốm mải nhìn đám đông không để í. Cũng không ai đến, cho tôi một quả đấm mất dạy nào, nên tôi iên trí. Nhưng lúc đổi tiền ra, Cốm cốc tôi một cái đau đớn. Cốm nói: “Đàn ông các anh xấu”. Tôi nói lại: “Là tự đàn bà cả”.

Tác giả: