Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

XIII

Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: nội thành mùa đông thật rồi. Gió lốc nhốc kéo, những vệt lá, những vệt bụi, những vệt gì nữa không biết, mà cứ tím ngắt, làm láo nháo những ngã tư và những cột đèn. Là những ngã tư ngày, những cột đèn ngày. Bây giờ 2 giờ chiều. Tôi đạp xe loanh quanh. Tôi qua ngôi nhà ba cổng, không thấy chiếc tacxi. Cửa sổ trên gác đóng. Ông Phúc chưa về. Tôi mong ông Phúc về, để đến đấu trí, để tôi trả thù. Tôi đạp xe lững thững, trong đầu loáng thoáng một giả thiết. Tôi cho là ông Phúc đóng vai quan trọng, trong nhóm tình báo. Ông Phúc đã dò biết được hai điểm tai hại. Một, tôi có chiếc mùi soa bú dù. Hai, tôi sẽ dùng tang vật, để tấn công Tình Bốp. Ông Phúc cũng biết: tôi tấn công mạnh, Tình Bốp sẽ ra hàng. Tình Bốp ra hàng, sẽ khai toàn bộ mạng lưới tình báo. Ông Phúc đã họp với đồng bọn, và bọn chúng đã quyết định, khử Tình Bốp, để bịt đầu mối. Như vậy, trong giả thiết này, tôi không có trách nhiệm, pháp lí cũng như tinh thần, về cái chết của Tình Bốp. Tôi vẫn ức lí sự của thằng Đoành, lúc sáng. Luân lí của nó làm lẫn lộn cả. Là luân lí xóa nhòa. Nếu không rơi, vào ngã tư chảy máu, thế nào tôi cũng tin, vào đạo lí thâm thúy của nó. Sau vụ này, tôi sẽ đến nhà nó, để đánh nhau với nó. Tôi qua ngã tư chết người, nó không giúp, lại còn quăng ra những dây rợ bố láo, làm tôi vướng cẳng. Nhưng cũng phải thú nhận: tôi đã chủ quan, coi thường ông Phúc, tôi non tay hơn ông Phúc. Ông Phúc đã hành động nhanh hơn tôi. Ngay cả Tình Bốp lắm mưu mẹo, cũng tính không ra, huống hồ tôi, chưa bao giờ nhìn xa trông rộng. Nhưng tôi cho rằng, chiếc mùi soa vẫn là một tang vật nguy hiểm, bởi vì sau cái chết của Tình Bốp, ai đó còn đến, lục tìm ở nhà tôi. Ai đó lúc này, chỉ là mỗi một ông Phúc.

2 tháng sau. Trích bản cung khai của Nhọn-cằm, tài liệu này do đồng chí Thái, nhân viên cục phản gián, cung cấp: lúc ấy có lẽ tôi bị ma ám thật. Tôi vào ngõ lúc 8 giờ tối. Theo kiểu cầu may, không í định gì rõ rệt. Kế hoạch hôm nay đã xong. Nếu nhà có người, tôi đã bỏ về. Nhưng cả hai vợ chồng đều đi vắng. Nhà của họ tối om, vắng vẻ. Gặp lúc sương mù thế này, địa điểm lại rất tiện, để tẩu thoát. Thế là tôi nảy ra í định mới, khác hẳn với kế hoạch ban đầu. Vụ án mạng Tình Bốp đã làm trót lọt, bây giờ tôi tìm cách đoạt lại tang vật, để sự việc thêm rắc rối. Tôi lượn quanh nhà hồi lâu, vào cả trong vườn. Rồi dùng chìa khóa mở-đâu-cũng-được, để mở cửa. Tôi lọt vào. Khóa cửa lại. Tôi đeo găng tay da, tôi tháo cầu chì, định cho vào túi nhưng nghĩ thế nào, lại quẳng luôn qua cửa sổ, ra vườn. Tôi bắt đầu lục tủ, tất cả các tủ. Tìm thấy hộp bicqui, tôi chiếu đèn, xem bên trong, chỉ thấy chiếc quần lót, lọ nước hoa, biết là của Lily, nhưng không thấy chiếc mùi soa trắng. Tôi tiếp tục tìm, hết buồng trong, đến buồng ngoài. Rồi bỏ chỗ kín đáo, để lục chỗ hớ hênh, vì tôi biết cậu Dưỡng đọc lắm trinh thám, nên thế nào cũng bắt chước trinh thám, giấu tang vật ngay chỗ hớ hênh nhất. Những chỗ hớ hênh, là mặt bàn, là ngăn kéo không khóa, là bàn ngủ. Tôi xem cả những khung ảnh chụp vú các cô gái. Cho đến lúc có tiếng xe đạp vào sân. Sự việc sau đó như thế nào, các ông đã biết. Tôi vội thoát thân, Nhưng không ngờ cô Trinh, đang có thai, lại to gan thế. Cô đuổi theo, túm áo tôi. Tôi phải giật rất mạnh, rồi cứ thế nhảy xuống sân. Cô Trinh bị vạt áo kéo theo, nhưng chân cô bị vướng, vào chiếc xe đạp, do chính cô dựng, bên thềm. Thế là cả cô, cả xe đạp, rơi xuống sân. Giữa sân và nhà, là bốn thềm gạch cao. Nhưng cô không rơi vào bốn thềm gạch. Cô ngã vào khoảng không, nên mới đau đớn như thế. Cô ngã, bụng sấp xuống đất. Nhưng tôi không quay lại, xem cô thế nào. Trong óc tôi lóe lên, một í nghĩ rất nhanh: mẹ con cô có chết, là do lỗi của cô. Không bao giờ tôi thô bạo với phụ nữ. Tôi qua lối vườn sau, rồi vào các ngõ, sương mù vắng vẻ. Tôi chuồn thật nhanh, không kê cà nữa. Khi dân phố kéo đến nhà cô Trinh, tôi đã cao chạy bay xa từ lâu. Trong bụng có một chút áy náy, vẩn vơ, nhưng tôi gạt đi. Tôi tự nhủ, tình cờ gặp rủi. Tính toán chu đáo, mà vẫn gặp rủi. Nhưng tôi không ngờ, bị sa lưới ông tóc bạc nhanh thế.

Lúc này, 3 giờ chiều. Nhật kí tiếp tục: Tôi vẫn đi chơi, trên phố. Tôi đợi ông Phúc về, để nói với ông, tôi đã biết tất cả để đòi ông Phúc trả tiền, rất nhiều tiền, nếu không tôi sẽ đưa chiếc mùi soa, cho công an, nếu không tôi sẽ kể hết cho họ. Sau đó, ông Phúc và đồng bọn, sẽ tìm cách thủ tiêu tôi, như đã thủ tiêu Tình Bốp. Sau đó, tôi phải tính toán kĩ lưỡng, đến từng giây, từng phút, đến từng ngã tư. Nghĩ vậy, tôi rẽ vào phố Bà Triệu. Phố Bà Triệu láo nháo gió, láo nháo lá. Tôi định bụng, đến địa chỉ bí mật cây-si-già-rễ-đỏ, tìm anh Thái. Định bụng, sẽ trình bày với anh, giả thiết và dự định của tôi. Lần này tôi không tự í làm bừa. Nhưng, dự định có vẻ pha mùi tiểu thuyết, thế là đổi í, tôi rẽ ngã tư Lý Thường Kiệt. Ngã tư láo nháo bộ hành, láo nháo xe cộ và cột đèn. Tôi thấy khó thật, đi trong phố thì dễ, đi trong đời khó hơn triệu lần. Đi trong thành phố, dù là thành phố lạ, rẽ vào ngã tư rất dễ. Ngã tư trong thành phố nào, cũng sờ sờ là ngã tư. Có rẽ nhầm, cũng quay lại được. Ngã tư trong đời khác, đời không cho quay lại, không có cách gì quay lại. Đời nghiệt ngã. Đời lằng nhằng, ngã tư đời do đó, lờ mờ và loằng ngoằng. Đời di động, ngã tư đời do đó di chuyển trong cuộc đời, không lúc nào iên. Đời di động, do đó 3 giờ 15, tôi rẽ phố ga. Ga lúc này láo nháo gió, láo nháo hành khách. Tôi rẽ phố ga, để tính toán cẩn thận, cho từng bước chân. 3 giờ 20, tôi đến ngã tư Cửa Nam, thì có người gọi: “Dưỡng! Dưỡng!” Tôi quay sang, thấy thằng Bú Dù. Tôi quên tên thật của nó, nhưng tên thật của nó không quan trọng. Thằng Bú Dù, tôi nhớ mùa hè vừa rồi, ra tòa cùng với thằng Hoóng và đồng bọn thằng Hoóng, quan hai biệt kích không di tản, mà ở lại Hà Nội. Bú Dù gọi tôi, từ một góc nhỏ ngã tư. Bú Dù đeo băng tang, người bé loắt choắt. Mặt nó bé như mặt khỉ, miệng cười nham nhở. Tay cũng dài như tay khỉ. Vì vậy mà cả phố gọi nó là Bú Dù, cả phố không biết tên thật của nó. Tôi dừng xe, phân vân, có nên dính thêm vào, với nó không, phân vân nhưng tôi vẫn dắt xe, đến với nó. Đứng giữa đường bất tiện, chúng tôi đem nhau vào một quán càphê. Té ra mẹ thằng Bú Dù chết ở quê. Trại cải tạo cho nó nghỉ phép cải tạo, để về đưa ma mẹ.

Trong quán càphê, Bú Dù kể lắm chuyện lạ. Bú Dù kể, chuyện trại cải tạo P.Q ở I.B. Hàng ngày gánh đất, mỗi tối có 2 giờ học tập. Hôm học nội qui của trại. Hôm học lí thuyết, thế nào là cách mạng. Hôm thì học, thế nào là phản cách mạng. Cũng có hôm học, đã phản cách mạng, muốn về với cách mạng, thì phải làm gì. Bây giờ, Bú Dù tuy học dốt, cũng biết thế nào là phẩm giá người lao động, thế nào là chương trình xây dựng miền Bắc. Bú Dù hỏi tôi: Anh có biết người lầm lỗi phải làm gì, để quay về với cách mạng?” Tôi nói: “Không”. Bú Dù nói: “Bây giờ tôi thuộc lòng. Trước kia có tội gì, giờ phải khai hết. Việc đầu tiên anh phải làm là như vậy, để quay về với cách mạng”. Tôi nghe Bú Dù kể, cũng tò mò. Tôi gọi bánh ngọt, và hai phin càphê. Tôi hỏi nó: việc thứ hai là gì? Bú Dù bảo, phải thực hiện và nhắc nhở người khác thực hiện đúng nội qui của tập thể. Việc thứ ba, là buổi tối tự chấm điểm kết quả lao động trong ngày, rồi chấm điểm kết quả của người khác, cũng trong ngày. Việc thứ tư, là hằng tháng toàn bộ tội phạm họp, bình bầu tháng. Cuộc bình bầu này quan trọng và toàn diện hơn, vì dựa trên 4-Tiêu-Chuẩn là: tư tưởng, lao động, nội qui, và học tập. Đầu tiên, là mỗi cá nhân tự bình bầu. Sau đó, tập thể góp í và đánh giá. Sau đó, tập thể bình bầu lại cá nhân, để định mức ăn cho từng người, trong tháng tới. Anh được tiêu chuẩn 13 cân gạo, anh thì bị phạt mất 10 cân. Còn việc thứ năm, là trước khi ngủ, phải ôn lại bài đã học, để hôm sau kiểm tra miệng. Làm tốt năm việc này, là quay về được với cách mạng. Trại cải tạo đúng là một xã hội nhỏ, nằm trong xã hội lớn. sống trong xã hội nhỏ, mà không tự giác, thế nào cũng bị phát hiện, rồi bị phạt. Bú Dù nói, hình phạt nặng nhất, đáng sợ nhất, là phạt ăn. Trong xã hội lớn, dù sao cũng khó biết, người nào không tự giác, người nào tự giác. Cái giống nhau, là cả hai xã hội đều lấy 4-Tiêu-Chuẩn giống nhau, để bình bầu thưởng phạt các thành viên. Tôi thấy thuộc làu được 4-Tiêu-Chuẩn này cũng không khó. Cái khó, là cái tự giác. Khó nữa, là làm ra vẻ tự giác. Tôi thấy, đúng là Bú Dù đã về đến cách mạng rồi, vì mọi chính sách, nội qui, cái gì nó cũng thuộc làu trôi chảy, và trông nó có vẻ tự giác thật. Tôi nghĩ, trước sau tôi cũng sẽ về được với cách mạng, vì Bú Dù nói rằng, chỉ có hai loại người, trong xã hội tôi sống. Người cách mạng, và người không cách mạng. Người không cách mạng, tức là phản cách mạng. Không có loại người thứ ba. Tôi gọi thêm chầu càphê và bánh ngọt. Tôi còn lấy bao Hữu Nghị, tôi dúi cho Bú Dù. Tôi ngồi với nó mãi, đến 5 giờ 10.

Đến 5 giờ 10, Bú Dù nói: “Chuyện thế này, cả ngày mai cũng không hết. Tôi đi đây. Tôi đi tàu 6 giờ”. Tôi lấy thêm đĩa bánh, gói cho nó mang đi. Tôi đứng, trông nó bé loắt choắt, tay đeo băng tang, balô to tướng trên vai, giữa chiều đông tím, láo nháo gió. Tôi thấy có cái gì tội tội. I như trong thánh kinh: tội phạm tự giác dẫn thân tới nhà giam, để đền tội. Tôi trông theo nó mãi, rất lâu, sau cả lúc bóng nó, bị một đám đông tím, lóa nhóa xóa đi.

Tác giả: