Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tôi rót rượu cho Tình Bốp. Hôm nay nhờ nó, mà tôi được biết ba thằng bạn đồng ấu của tôi, chúng lấy tôi làm vật-tam-sinh, để tế lễ khu phố, để dọn đường tiến thân của chúng. Tôi định bụng sẽ viết lại tờ thú, để gỡ lại ván cờ thua. Tình Bốp nhìn xa trông rộng, đã tính sang vài ván cờ mới. Nó nói: “Ván sau, là tiếp ván này. Vì là ván cờ đời, nên không bày lại quân, mà cứ đánh tiếp, đánh mãi”. Tôi trả lời: “Nói đi, mày thử dự đoán thời tiết, về sau xem thế nào”. Nó nói: “Cái tờ thú, là cái bẫy. Phải vào thằng chữ nghĩa, như mày, mới chuyển từ thua thành huề được. Vào tay tao, cũng vẫn thua. Chỉ có mày mới đủ thông minh, để xoay mũi dùi, đâm vào bọn ba thằng. Thế này, mày xoay tờ thú, thành luôn tờ kiện. Mày kiện lại bọn thằng Đoành. Thế mới nan giải. Bọn thằng Đoành tố mày. Mày tố lại chúng nó. Việc sẽ chẳng ra đâu vào đâu, ắt phai bỏ lửng. Bọn thằng Đoành sẽ mất tín nhiệm, với khu phố với công an. Từ chỗ ấy, chuyển sang ván sau, mới tốt được”. Tôi nghe nó nói, thấy hay. Hay bởi vì, tôi không sáng kiến được như nó. Nhưng tôi có làm như nó nói hay không, đấy là chuyện khác Tôi còn phải hỏi sọ tôi, còn phải lí luận dài. Chắc phải hết, cả một ngày. Tôi gật đầu. Tình Bốp nói tiếp: “Cái thằng Ngỡi, có thể mua được. Rẻ thôi chỉ một tí rượu tí thịt, nó có gì trong bụng, tao lôi ra bằng hết. Tao sẽ lo hộ mày, để mày rảnh tay, làm những việc khác, to tát hơn. Tao theo dõi thời tiết, mày cứ việc đội sấm lên đầu, mà tác chiến. Tướng của mày là làm tướng, chứ đâu chỉ làm thằng câu nhái. Anh hùng giữa lúc trần ai, phải người tinh mắt mới thấy. Bây giờ mày là vị anh hùng, đang lâm nạn, nhưng rồi xem, dăm năm nữa, có khi còn sớm hơn, đến thời của mày, lại vọt lên. Biết đâu lại ôtô, nhà lầu. Biết đâu mày thành ông đại tá tàu bò, cho ối thằng trắng mắt. Nhưng người ta nói, mọi chuyến đi vạn dặm, đều phải qua bước đầu tiên. Khởi động về hướng này, là đến vườn hoa phồn vinh. Khỏi về hướng khác, là đến chỗ lúi xùi. Khởi đầu của mày, là cái tờ thú. Nhưng thời tiết về sau dễ chịu. Hết đùng đoàng, tao với mày tính cách làm ăn. Hai thằng vừa làm, vừa ăn. Chỉ hai thằng thôi. Hậu vận tao với mày, thênh thang”. Tôi nói: “Iên trí. Rồi đâu có đó. Mày đừng nhòm, vào tờ thú. Để một mình tao, xoay xở”. 3 giờ trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được sự thật.

Mưa mau hạt, cho nên cửa sổ toàn bộ trăng nhợt. Tôi làm việc với sọ. Tôi đọc lại tờ thú. Tôi thấy vẫn được. Tôi cất vào tủ, coi như xong. Sọ khen tôi, thế là tốt. tôi châm điếu Côtab. Bóng tôi xa xa, trong gương, đang nhìn tôi, chăm chú. Sọ khen, tôi giả vờ giỏi, làm sọ lúc nãy tưởng thật. Tôi nói, tôi học được cách đóng kịch, từ lũ bạn tôi. Chúng nó hồn nhiên, trộn lẫn thật giả vào nhau, cả bốn thằng, bây giờ thêm tôi nữa, là năm. Sọ bảo, thế thì nhạt lắm. Tôi nói, do hoàn cảnh thôi, vả lại Tình Bốp đến nhà tôi, với lời nói dối trên tay, tôi phải cho nó, cùng vài lời nói đối để nó mang về. Luật đời là thế, cho gì nhận nấy. 3 tiếng liền, nó ngồi nhà tôi. Lúc về cũng như lúc đến: nó đi chân nọ giâm chân kia nhưng tôi biết, chân nó không vô tình. Chân nó cứ đi sang hai bên, vậy mà vẫn đưa được nó, tới nơi nó muốn. Nó về có vẻ iên trí, nhưng cái bụng thầy dùi của nó chắc gì đã iên trí. Nó về, dưới mưa. Trời mưa, từ hôm tôi bỏ đi, từ hôm Cốm bỏ đi, thế là 3 ngày. Thế là mưa dầm.

Trời mưa, cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt, cho nên tôi lại ngồi lí luận. Tôi lẩm bẩm, có vấn đề, có vấn đề. Cuộc đến thăm sáng nay của Tình Bốp, đúng là có vấn đề. Nó nói, thời của tôi, là thời nào? Nó nói, dăm năm nữa, tôi có ô-tô-nhà-lầu, dăm năm nữa, tôi thành ông đại-tá-tàu-bò. Nó nói, tôi phải khởi đầu, từ cái tờ thú này, như khởi đầu cuộc làm ăn, giữa tôi và nó. Không nghe theo nó, không đến được vườn hoa phồn vinh, thì tôi ngu. Sọ tôi bảo, lại lưỡng lự rồi, nhưng mà theo nó, khéo thành Việt gian. Tôi cười vào mặt sọ, tôi ra soi gương. Tôi thấy, cái bóng tôi hồi lâu thẫn thờ, quả là tôi không có tướng làm Việt gian thật. Thầy dùi dùi nhầm địa chỉ. Tôi nghĩ, tại sao Tình Bốp lại dám trắng trợn, vờ úp, vờ mở như vậy, trong lúc thời tiết sấm sét thế này. Nó không sợ tôi tố nó. Có lẽ vì, chưa bao giờ nó sợ tôi cả. Sọ tôi bảo, có hai giả thiết. Hoặc nó là thằng phản động, nó nhè dịp này để lôi kéo tôi, làm phản động. Hoặc nó được công an cử đến. Tôi bảo sọ, tôi là cái thứ gì, mà khách đến nhà, trước kia là bạn bè, bây giờ tất cả biến dạng, thành hai loại: một là phản động, hai là công an. Sọ bảo, vì nhà thằng tàu bò, là cái ngã tư, để phản động và công an tự do đi qua. Chuyện này lạc đề cho nên tôi gác lại sau: trong sọ tôi có một góc toàn đồng nát, cứ đầy mãi, những vấn đề gác lại. Tôi không hiểu vì sao, Tình Bốp muốn tôi đánh nhau, với bộ ba Đoành–Chắt–Ngỡi, và tại sao nó thù ghét thằng Đoành, đến như vậy. Các tình bạn của năm thằng tôi, vốn êm đềm trong chiến tranh, đến lúc hòa bình lại chia nhau đi mất, về đủ năm hướng. Hôm nay, tôi cũng xếp những tình bạn này, vào đống đồng nát các vấn đề gác lại. Còn chừa lại chỉ những cái tên người. Ngỡi, thì rõ rồi một thằng chỉ điểm, mạt hạng. Đoành, một thằng nói dối giỏi hơn nói thật. Chắt, cá tính không rõ ràng và một thằng thấy gì cũng sợ. Tình Bốp, một thằng lúc nào cũng lên chương trình mưu mẹo. Còn Dưỡng cái thằng tôi, thuần một thằng tàu bò, lắm hoài nghi. Cả năm thằng đều dở dang, đều không kết bạn được. Cho nên, chỉ còn tôi và sọ và cái mặt tôi trong gương, còn chơi thân được với nhau. Nhưng chiều nay cũng lủng củng. Chiều nay, nhà tôi lạnh, như cái nhà mồ.

Mưa dầm, từ 3 ngày không nghỉ: từ buổi sáng, đến buổi trưa. Mưa dầm sang cả buổi chiều. Mưa dầm cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt. Không ăn cơm chiều, mà xông ra ngoài xem mưa. Tôi đạp xe lung tung, mà đầu để trần. Trên phố, tôi lại nghĩ tới Tình Bốp. Không hiểu ai đã kịp thông báo, cho nó biết, rất nhanh: là tôi phải ngồi nhà, làm tờ thú. Nó mưu mẹo biết tôi còn thích Lily, cho nên ra đến cửa, trước khi dấn thân vào mưa, nó tự dưng quay lại đượm buồn. Nó nói: “Tao đang có chuyện. Lily đi đã lâu, mà không gửi tin về. Không biết Lily đã đi, hay mắc lại đâu đó”. Lúc ấy, tôi không tin, cả bây giờ nữa, tôi cũng không tin. Phố bày ra trước tôi, phong cảnh mưa dầm, với hàng cột điện lòe nhòe, với các lòng phố bùn nước, và các vỉa hè ướt người đi lại. Gió đông bắc về, là đợt đầu tiên của năm. Tôi nghe thấy, gió thổi trong sọ. Tôi không có việc gì làm.

Tháng mười một 1965. Chị Trinh kể: em đang khâu áo lọt lòng, cho đứa con, sau này. Chỗ mẹ chồng em ở, rất hẹp. Ba mặt tường nhà là ba cái liếp tre, em đếm được 500 cái khe nhỏ, ngăn cách với ba gia đình khác. Mẹ chồng em đi họp tổ dân phố. Nhà em vào, thình lình ú òa sau lưng, cứ như không có cuộc cãi nhau 3 hôm trước. Thấy nhà em, em nghiêm mặt và quay vào tường. Ngọn đèn có mười lăm, nên tối. Mẹ chồng em hà tiện, không chịu thắp bóng sáng hơn. Em tiếp tục khâu, nhưng mũi nọ, xọ mũi kia. Em càng quay hẳn vào bóng tối. Nhà em hỏi: “Mẹ đâu?” Em không đáp. Nhà em nói: “Khinh người nhỉ”, rồi ngồi ngay xuống, bên cạnh. Em cứ xích ra xa, nhà em tới gần. Em chỉ lo có người tò mò, nhòm trộm qua 500 khe liếp. Em nói: “Ở đây không phải như ở nhà; đâu nhé. Đừng có giở trò”. Nhà em nói: “Thế là nói rồi. Làm lành rồi nhé”. Em quay đi. Nhà em nói thầm, đằng sau lưng: “Thôi, đừng dỗi nữa. Tôi sắp đi tù rồi”. Em làm thinh. Nhà em nói tiếp: “Khu phố nghi tôi là gián điệp. Ông Trung trố gọi tôi lên trụ sở sáng hôm qua, để đập bàn đập ghế, để bắt tôi làm tờ thú”. Em quay lại. Em nói: “Đừng bịa khẩu”. Nhà em nói: “Thậật. Tôi lên chào mẹ và gọi Cốm về trông nhà. Đùng cái bị xích tay lôi đi, nhà không có ai”. Nhà em trông phờ phạc. Đèn tối, nhưng em vẫn nhìn, thấy mắt vằn vằn tia đỏ, như người vừa thua bạc. Em biết nhà em nói thật, nên không dỗi nữa. Em bàng hoàng lo sợ. Thảo nào, từ sáng thấy nóng ruột, đứng ngồi không iên. Lúc trưa, chị Hòa đến, khuyên em về nhà ngay. Qua thái độ không rõ ràng của chị, em cũng đoán, có chuyện bất thường. Chị hứa, chị sẽ bảo nhà em đến, đón em về, nhưng lúc ra đến cửa chị lại nói: “Cô xem xem, tính anh ấy có chấp nhặt thế không. Không thì cô cứ tự đi về, cho sớm”. Em rất muốn, nhân dịp mẹ chồng bênh con dâu, trị cho nhà em một trận. Nhưng bây giờ nghe nhà em, bị tình nghi là gián điệp, em hốt hoảng quá. Em đứng dạy, sửa soạn túi áo, để theo về. Mẹ chồng em vào, bà cụ nói: “Anh lên đây làm gì?” Nhà em nói: “Con đến đón nhà con về”. Bà cụ nói: “Đón về để anh hành nó à? Hôm nọ có mặt tôi, anh cũng không nể tôi”. Rồi cụ bảo tôi: “Con nghe mẹ, không về”. Nhà em bị mẹ mắng, đứng đực mặt. Em ghé tai bài, để 500 cái liếp đừng nghe thấy gì, và để nói thầm “Nhà con bị khu phố nghi phản động, bắt làm tờ thú. Mẹ để con về, xem chuyện ra sao”. Bà nói: “Lại còn nghi à? Nó phản động, rành rành ra đấy. Kệ nó. Cứ để khu phố bắt nó đi tù”. Bà cụ giận lắm mới nói vậy. Bà nói với tôi: “Mày cứ ở đây. Đưa cháu tao nuôi. Mẹ con, bà cháu đùm bọc lẫn nhau. Rồi xem có đám nào tử tế, tao gả cho. Gái một con, đẹp người ngoan nết, kiếm đâu chẳng được người, tử tế hơn thằng tàu bò”. Nhà em nói: “Mẹ cần gì nói nhiều. Đằng nào con cũng sắp đi tù rồi. Con đi tù, mẹ lại nhớ con. Con lên chào mẹ, đây mà”. Bà cụ nói: “Anh đi tù, tôi mừng nhất. Anh đừng đánh vào tình cảm mẹ con. Anh báo hiếu mẹ anh thế này, mẹ anh sung sướng lắm đấy. Mẹ góa con côi, nhưng mẹ anh có để anh thiểu thốn gì đâu. Mẹ anh buộc mồm, buộc miệng, anh thì sung sướng, quá con tổng đốc”. Nhà em bước đến, ngay cạnh 500 khe liếp im lặng, nói một câu tỉnh khô: “Phương pháp nuôi trẻ của mẹ sai. Chiều quá”. Bà cụ nói: “Phải. Saai. Nhưng mà không sai, thì anh lăn quay ra đất, dỗ cả ngày không xong”. Nhà em nói: “Hựự!”, làm em không nhịn được cười. Bà cụ vẫn nói: “Chứ ngoan à? Anh có lần tụt giày, ném cả vào mặt mẹ anh”. Nhà em nói: “Thằng mất dạy. Sao mẹ không đánh, cho nó một trận nên thân? Bà cụ nói: “Đánh à? Khốn nhưng anh chạy, ra phố, ai đuổi được anh? Anh không thiếu cách gì: ăn vạ, giả chết, dỗi cơm, bỏ nhà, trốn đi chơi. Mẹ anh khổ với anh từ bé”. Nhà em nói: “Sao mẹ không trói nó lại, bắt nhịn cơm, gọi cảnh sát, thiếu gì cách? Mẹ phải chịu thua nó à?” Em nghĩ hai mẹ con đã làm lành, với nhau, nên đem cái túi da buộc vào poócbaga xe đạp. Bà cụ vẫn say sưa kể tiếp, như thể cho 500 cái khe nhỏ, tối nay bỗng dưng im lặng, trên cả ba tấm liếp che. Bà nói: “Khốn mẹ anh hiếm hoi, chỉ có mình anh. Mà lắm lúc, anh thương mẹ anh lắm, nhưng cũng ngốc lắm. Anh có dạo, chỉ quanh quẩn ở nhà, quét dọn, nấu cơm, học bài. Anh thủ thỉ nào anh lớn lên, anh nuôi mẹ, nào anh xin Phật, cho anh ba điều ước”. Nhà em hỏi: “Nó xin ba điều gì?” Bà cụ nói: “Anh xin ba điều. Một là Phật cho mẹ anh khỏi ngay bệnh. Hai là biến anh thành người lớn. Ba là cho anh chiếc đũa thần, để anh muốn ăn gì, chỉ cần gõ một cái, là có”. Nhà em nói: “Thế thì ngốc cái gì. Nó thủ đoạn, cả với Phật, việc gì mẹ phải khen nó”. Bà cụ vẫn say sưa kể. Bà nói: “Anh ngốc thật. Anh lên sáu, thì bố anh chết. Vận áo tang, lại tưởng là áo mới, anh chạy đi khoe, cả xóm. Anh không khóc bố được một câu. Mẹ anh bảo khóc đi, anh cũng không khóc”. Nhà em nói: “Bố chết 18 năm rồi, nó vẫn chẳng khóc, được một câu”. Bà cụ nói: “Thế là anh bất hiếu”. Rồi bà quay sang, với em. Bà nói: “Trinh, ra tháo ngay đồ lề, khỏi xe đạp. Tao không cho mày về, với nó. Còn anh, về đi. Anh đi cải tạo, tu tỉnh sớm, thì về còn vợ. Trong tù anh vẫn bướng bỉnh, ngoan cố, ở ngoài tôi sẽ gả con Trinh, cho người khác. Anh về đi. Nhà em nói: “Con tu tỉnh xong rồi. Không tu tỉnh, sao chịu, để mẹ tha hồ mắng. Lại đến tận đây đón vợ. Thế là lép quá còn gì”. Bà cụ nói: “Tôi không tin”. Nhà em nói: “Con tu tỉnh thật. Mẹ trả lời người ta đi. Con chịu đi làm phụ lái, lương tám vạn cũng được. Rồi con lên chức lái chính”. Bà cụ nói: “Lúc anh nói đi tù. Lúc anh nói đi làm. Lúc anh nói đi tu. Ai mà tin anh được”. Nhà em nói; “Mẹ không hiểu, khu phố mới đang nghi ngờ thôi”. Em nghe đến đây sốt ruột quá. Em nói, cho cả 500 cái khe liếp, cùng nghe: “Nhà con vô tội. Nhà con oan uổng. Nhưng đã đến mức khu phố trấn áp, không phải chuyện thường”. Bà cụ ngồi phịch xuống giường, một lúc, rồi bà nói: “Chết mất thôi. Chưa qua nạn này, đã thấy nạn khác”. Rồi bà hỏi: “Thế mày có làm gì không? Không làm sao khu phố lại nghi mày? Bạn bè mày có xúi bẩy gì không? Chết thôi con ạ. Con mà đi tù, mẹ héo hơn sinh bệnh, mà chết. Khổ quá con ơi. Sao con cứ dăm ngày, bảy tật thế này. Mẹ chưa bao giờ sợ hãi, lo lắng như bây giờ”. Nói đoạn, bà cụ khóc thút thít. Em phải dỗ bà cụ mãi. Nhà em có vẻ cảm động lắm, nhưng lại nói thế này. Nhà em nói: “Căng thẳng kinh!” Em phải lườm nhà em một cái, rồi nhìn rất kĩ 500 cái khe liếp im lặng. Nhà em mới nói: “Mẹ iên trí. Chính phủ không bắt oan ai đâu, mà mẹ sợ. Mẹ cứ xin việc cho con đi. Tuần sau con đi làm”.

Tác giả: