Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

11 năm trước. Trích bản cung khai của Nhọn-cằm, tài liệu này do đồng chí Thái, nhân viên cục phản gián, cung cấp: tôi tồn tại dưới mật danh Nhọn-cằm. Phạm vi hoạt động là Hà Nội, chính thức từ năm 1954. Tôi được đào tạo chính qui, vì vậy giữa một thủ đô tấp nập hàng triệu nam nữ, tôi tính toán rất chi li kĩ lưỡng, để có thể chợt xuất hiện, rồi lại chợt biến mất. Tôi cố gắng hạn chế và loại trừ mọi khả năng có thể làm tôi sa lưới công an miền Bắc. Tất cả các đầu mối hoàn toàn không biết, tên tôi, lẫn chỗ ở. Mỗi năm tôi chỉ đến gặp họ, một vài lần, vào những lúc bất ngờ nhất, thường là đêm tối, thường là ngày giông bão, ngày rét mướt, ngày phố vắng người qua lại. Các cuộc gặp chỉ dài 3 phút, nhưng thường xuyên phải đợi nhau 9 tháng. Công an có phát hiện ra một đầu mối, do vậy cũng phải đợi 9 tháng. Khi gặp đầu mối, mọi chỉ thị và tiền thưởng, tôi đều giấu sẵn, trong những đồ vật thích hợp, với từng hoàn cảnh. Ví dụ bao diêm. Ví dụ bao thuốc bỏ quên. Ví dụ quyển sách. Rất chớp nhoáng. Trong trường hợp công an có đi theo, về nơi ẩn náu, cũng không thể tìm thấy tôi. Bởi vì tôi biến mất, như chưa hề tồn tại. Các đầu mối cũng có thể sử dụng hòm thư của ông Khang, để liên lạc với tôi. Tôi chỉ việc theo dõi tấm bảng đen, trước cửa hiệu sách, và chờ dòng rao vặt, bằng phấn vàng của ông. Trong trường hợp các đầu mối bị bắt, cả các cô gái xinh đẹp, cả ông Khang, cả ông Phúc nữa, cũng không thể lần ra tôi. Cho dù mất tất cả bọn họ, tôi vẫn ung dung trên phố.

Tôi hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Macxen. Một tháng trước ngày tiếp quản, Macxen và tôi có gặp nhau, để lên kế hoạch. Macxen dặn tôi, tranh thủ các cô gái xinh đẹp, mà Macxen đã đào tạo, cho họ nhiều tiền và không được ăn bớt, nhưng cũng không được cho họ quá nhiều tiền. Bản thân tôi cũng không được cấp trên cho ăn thật no, như tôi muốn. Các cô gái xinh đẹp của Macxen được tôi tung vào thành phố, để lung lạc cán bộ. Một năm nay, tôi theo kế hoạch của Macxen. Lúc đầu rất ổn. Nhưng ngày một, ngày hai, nhất là từ ngày khép cảng Hải Phòng, việc làm ăn khó dần, khó dần mãi. Tôi có cảm giác, bị cả xã hội bao vây. Xã hội là tất cả miền Bắc, là trẻ con, là cụ già, kẻ quen người lạ, là muôn nghìn con mắt, nhòm ngó từng cử chỉ của tôi, ngày và đêm. Lắm lúc, tôi muốn đóng cửa, làm thằng rồ trong buồng. Tôi muốn đi Nam, nhưng cấp trên không đồng í. Tôi biết, bên châu Âu, châu Mĩ, bọn gián điệp sống sung sướng. Bên ấy, thừa chỗ để đập phá, để xả hơi sau những nguy hiểm. Bên ấy, có thể chuồn, dễ dàng từ nơi này qua nơi khác, nước này qua nước khác. Ở đây không như thế. Tôi ở đâu, là bị dính chặt vào đấy. Tổ chức xã hội ở đây theo sổ hộ khẩu, đi đâu phải khai báo, khách đến nhà phải khai báo, khách đi khỏi nhà cũng phải khai báo. Nhân dân ở đây, từ trẻ thơ đến cụ già, nói chuyện chính sách rất giỏi. Nói thầm trong nhà, là có người nghe được, là thành câu hỏi. Tại sao không nói to? Buổi đêm thức khuya, đèn sáng cửa sổ, là bị hàng xóm báo cáo. Một con kiến, một con ruồi lạ, cũng bị đặt vấn đề. Ở đây câu cảnh giác, là câu cửa miệng, khẩu hiệu cảnh giác, treo đầy các phố. Hoạt động gián điệp, do đó vô cùng vất vả. Đời thằng gián điệp căng thẳng thường trực, mà không một thú vui khoái lạc, để quên đi trong chốc lát. Những lúc bị tâm lí hành hạ, tôi lại lồng lên, trong mưa bão. Tôi đến tìm các đầu mối, từ lâu thấy nằm im. Các cô gái tốt đen của tôi cũng nhiều cô chán nản, muốn giải nghệ đi lấy chồng. Tôi phải dọa nạt, cho thêm tiền. Những lúc khó khăn như thế, tôi muốn ra phô tài đọ sức, với công an, và khuấy động thành phố bằng những sự kiện kinh thiên động địa, cho thỏa đời. Nhưng bao giờ tôi cũng dừng lại được, và chờ đợi.

Khi ra đi, Macxen còn để lại cho tôi giải quyết nốt, trường hợp cậu Dưỡng. Macxen nghi cậu ta đã chụp ảnh bản danh sách nhân viên của Macxen, được gài lại trên miền Bắc. Bản danh sách tuy được tìm thấy, trên sàn ôtô, nhưng có vết tay lạ. Macxen đã cho bắt ngay, anh bếp và u già nhà Lily. Nhưng họ không nhận. Macxen cho lính bắt cậu Dưỡng, cậu này đã biến mất. Té ra, sau này tôi biết cậu Dưỡng may mắn, trốn ngay trong hầm nhà cậu. Do vậy, sau ngày tiếp quản, cậu trở thành một mục tiêu của tôi. Phát súng ám sát hụt anh bộ đội, là tôi bắn. Để đổ mọi nghi ngờ của chính quyền lên cậu Dưỡng. Câu chuyện phức tạp như vậy, cũng vì cô Lily. Là gái điếm, nhiều nhân tình, nhưng lại mê cậu Dưỡng. Cô đứng ra bảo lãnh, để Macxen không bắt, và tra khảo cậu. Cô Lily bị chuyển vào Nam, cũng vì cô iếu đuối, trong tình cảm. Tôi nghi cậu Dưỡng có giữ những bí mật của cô Lily, cũng là những bí mật của tôi. Vì vậy, tôi muốn mượn tay công an, trừ khử cậu. Tôi tìm cách thủ tiêu sinh mạng chính trị, thủ tiêu cả con người cậu, nếu cần thiết. Sau 300 ngày, cảng Hải Phòng đến lúc khép cửa, cô Lily đi Nam, mang theo bản danh sách những đầu mối của tôi, tại Hà Nội, viết băng mực hóa học đặc biệt, không bao giờ phai.

Bản danh sách, chính là chiếc mùi soa trắng, của cô Lily. Trên tàu, cô chơi ngông, lấy mùi soa ra phe phẩy, trước mọi người, rồi lại vẫy mùi soa, từ biệt cậu Dưỡng, đâu dè tuột tay, để gió cuốn đi mất. Tôi có nhiệm vụ bảo vệ cô Lily, xuống tận cảng Hải Phòng, nhưng vì chiếc mùi soa rơi, tôi phải nhảy xuống sân ga, mà muộn quá. Tôi tìm khắp không thấy. Tôi cho là cậu Dưỡng đã nhanh tay, nhặt trước tôi rồi. Thế là cô Lily đi Hải Phòng một mình. Tôi biết tổ chức đợi, để cô trao lại bản danh sách, khi cô đến miền Nam. Nhưng cô đã không đến miền Nam. Cũng không thấy cô quay lại Hà Nội. Cô đi đâu, ở đâu không ai biết. Sau này, tôi cố nhớ lại mọi chi tiết, tôi cảm giác cô đã cố tình ném chiếc mùi soa đi, có thể vì một chuyện nguy hiểm, mà tôi không biết. Nhưng là số phận rồi. Cô làm điếm, làm tình báo, mà còn dại dột, để tình cảm lấn át công việc. Cô Lily đáng thương. Còn cậu Dưỡng, cũng đáng thương. Họ đáng thương, nhưng họ làm tôi mất ăn mất ngủ. Tôi bí mật tấn công cậu Dưõng, làm đầu óc cậu mê muội, hoảng loạn, để cậu quên đi chiếc mùi soa. Đồng thời, tôi tìm cách cướp lại bản danh sách. Tôi sẵn sàng thủ tiêu cậu, cho khỏi hậu họa. Một ngày mùa đông 1955, cậu Dưỡng nói chuyện với tôi, về chiếc mùi soa cậu vẫn còn giữ. Tôi không thể chần chừ được nữa. Hôm ấy, là ngày thứ ba.

XI

Một ngày dễ nhớ. Nhật kí tiếp tục: dễ nhớ bởi vì tự dưng, tôi muốn nói với bố tôi, đã mất từ 17 năm trước. Ông Phúc số 1 bảo mặt tôi giống hệt bố, cho nên tôi nhìn bóng tôi, trong gương, một lúc lâu. Tôi muốn nói với bố tôi, một cái gì to tát lắm. Nhưng tôi chỉ nói đơn giản: tôi năm nay 23 tuổi. Tôi cũng nói thêm: tôi đã hiểu được nhiều thứ trên đời, mà lại chưa hiểu tất cả. Nếu bố tôi còn sống, tôi sẽ đưa ông đi, xem phong cảnh thời hiện tại. Phong cảnh của tôi, là phố nội thành, phố ngoại thành, là những ngã tư, những cột đèn, là mưa mùa đông, mưa mùa hè, là quyển lịch bốn mùa.

6 giờ tối thứ ba, một tối mùa đông, cho nên gió láo nháo lá vườn, khói bay ra trắng xóa, như thế này. Nồi cơm tôi thổi, đã chín dưới bếp. Phim đã tráng xong, ảnh đã rửa xong. Tôi gói lại chiếc mùi soa đầy biệt li, trong một tờ giấy trắng. Các kỉ vật khác, tôi cất cả vào tủ. Tôi viết mấy chữ, lên một tờ giấy trắng. Tôi để bức thư ngắn và gói mùi soa trên một tờ nhật trình, rồi gói lại lần nữa. 6 giờ 30, Cốm vẫn chưa về. Tôi đạp xe tới địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ. Tôi nhờ bà Hiếu đan len, chuyển gấp cái gói nhỏ, cho anh Thái.

Tháng ba 1966. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay thứ sáu, thứ bảy hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng lỉnh kỉnh, của các con số, làm tôi bỗng dưng lên cơn sốt 37°. Bên cửa sổ tôi tháng ba, có nhật kí tím, và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Một ngày tháng ba tôi đến, tìm Dưỡng như đã hẹn. Tôi chỉ gặp chị Trinh: Dưỡng lần này không về Hà Nội. Hình như anh phải theo một chuyến xe vào sâu lắm, về phía nam, trên một con đường mới mở. Cách đây đúng một năm, Dưỡng trao cho tôi ba cuốn nhật kí. Anh nói chiến tranh sẽ ngày một khốc liệt. Lúc ấy, tôi lí giải động tác trao nhật kí của anh, như thế này: anh muốn tâm sự với người khác. Bởi vì, ghi nhật kí thực chất không nhằm bảo vệ tính chất riêng tư. Ghi nhật kí là một động tác thỏa mãn nhu cầu đối thoại không thể, với người khác. Xuất bản nhật kí do vậy, chỉ là diễn biến tất iếu, của động tác ghi nhật kí. Một năm sau, í kiến của tôi, về động tác trao nhật kí của anh, thay đổi. Một năm sau, tôi lí giải thế này: anh muốn từ bỏ, một quãng đời. Nhật kí, thực chất là một tài sản riêng tư, dù không vì mục đích bảo vệ tính chất riêng tư. Cho nên động tác ghi nhật kí thực chất là tư hữu hóa những sự kiện. Dưỡng từ chối đọc lại nhật kí, và do vậy, sẽ từ chối không đọc 3/4 bản thảo của tôi. Nhưng anh không cất giấu, hoặc hủy bỏ toàn bộ nhật kí, bởi vì động tác hủy bỏ, chỉ khẳng định quyền sở hữu tuyệt đối của anh, và lại làm anh nhớ mãi. Cách duy nhất để quên nhật kí, là đưa nhật kí, từ sở hữu của một cá nhân anh, thành sở hữu của vô số người khác. Động tác xuất bản nhật kí của anh, chính là để anh mất đi, mọi quyền hạn với nhật kí. Khi sách của tôi xuất bản, thành hàng nghìn cuốn, anh sẽ bình thản đọc nó, như đọc nhật kí người không quen, từ vị trí một độc giả. Câu chuyện một mình anh cũng sẽ trở thành chuyện của vô số người khác. Đây là cách duy nhất, để anh rời bỏ, vĩnh viễn, một giai đoạn khó quên, của quá khứ. Cũng là một cách, để nhật kí tác động vào thời gian, lần cuối cùng.

Tác giả: