Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: vào một buổi sáng iên tĩnh, tôi ngồi vườn hoa nhai bánh mì. Trời sáng rõ. Để tôi nhận ra, vườn hoa năm ngoái. Mùa đông năm ngoái, cũng tại vườn hoa này, tôi và Cốm lẫn vào dòng người nội thành, đi đón bộ đội tiếp quản. Một năm rồi. Bao nhiêu sinh sự. Và sự sinh. Có gì vừa nhanh, vừa đằng đẵng. Bao nhiêu ngã tư. Bao nhiêu cột đèn. Một năm, mất công lắm. Nhưng buổi sáng nay iên tĩnh. Vườn hoa có hoa, lá, chim, cành. Có buổi sáng sáng rõ. 6 giờ 10, tôi vẫn ngồi vườn hoa. Mọi nhốn nháo, tiếng động, và nốt chân hôm qua, đã thuộc về hôm qua rồi. Đã là nốt chân hôm qua, là tiếng động hôm qua. Là nhốn nháo hôm qua. Bây giờ tôi iên tĩnh. Xung quanh vườn hoa, nội thành đi lại, điểm tâm, làm lụng và nói cười một ngày mới. Tôi nhai hết miếng bánh mì gộc, thì cũng xong cơn lãng mạn. Tôi vốn không lãng mạn. Chỉ tại buổi sáng vườn hoa. Hôm nay là thứ tư. Tôi phải thu thập lại, nào thông minh, tôi có cả thông minh, nào trí nhớ, nào mưu mẹo. Tôi tự hỏi, tôi đang làm gì? Đang ở ngã ba nào? Sẽ rẽ đi đâu? Tối qua tôi đã bị thua bọn Tình Bốp, Nhọn-cằm và ông Phúc. Tôi đưa bộ ba đó lên mũi nhọn, của diện ngờ. Bọn chúng đã xuất kì bất í, cắn trộm tôi một miếng đau, đến chảy máu. Việc đột ngột, không lường trước. Hôm nay tôi phải trả thù như thế nào? Chưa rõ tối qua Đoành đã gặp Tình Bốp, ra sao? Có thành công không? Nhưng dù thế nào, tôi cũng sẽ qua Tình Bốp. Để ném đoạn phim vào mặt nó. Để vạch tội nó và đồng bọn. Dễ thôi. Vì tôi có tí diuđô, và vì tôi rất đểu, rất vô đạo đức. Tôi sẽ ra điều kiện, tôi không bán tang vật nữa, tôi cho nó 3 ngày, phải ra công an đầu thú. Trong 3 ngày này, nó hoặc đồng bọn, sẽ căng thẳng, sẽ thủ tiêu tôi. Tôi sẽ bắt quả tang. Cả tôi, cả chúng nó đều đang ở đường cùng. Tôi nhớ, cả trinh thám, cả thánh kinh đều dạy, như thế này: kẻ bẫy người giỏi, đầu tiên và trước nhất, là kẻ vờ như bị bẫy. Vậy thì tôi sẽ đến, đập cửa nhà ông Phúc, để nói ông Phúc ôi, ông Phúc ôi, ông Phúc giúp tôi. Để sau đó tôi đi vào bẫy, của ông Phúc, với tất cả những đề phòng và bố trí cẩn thận. Cái bẫy của ông Phúc sẽ là dịp tốt, để hai bên đấu trí nhau. Với tí diuđô, tôi có thể chọi được ba người, không có diuđô. Nghĩ rồi, tôi đứng bật dậy. Tôi xem đồng hồ, đồng hồ chỉ 6 giờ 40. Vườn hoa tỏa mùi buổi sáng. Tôi rời vườn hoa, nhập vào nội thành đi lại. Tôi ra phố, phố bắt đầu nhốn nháo cái nhốn nháo hôm nay. Không ai biết, tôi có một dự định ghê gớm. Tôi bước sải, qua nhiều ngã tư và cột đèn. Tôi huýt sáo tuýt, tuýt, tuýt.

Tháng 5 năm 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Nhưng trước kia tôi là trinh sát nội thành, cho nên đủ khả năng trả lời lại bạo lực. Tôi xuống cầu thang. Tôi chờ trường hợp xấu nhất, là chạm trán với Hắn. Nhưng tôi không gặp Hắn. Tôi gặp đồng chí Trần B. Đồng chí Trần B nói: “Ông cụ gớm nhỉ. Đêm hôm vượt tường, vào nhà người ta. Phi gian tắc dâm”. Tôi cười: “Không thế thì không bắt được anh, quả tang”. Đồng chí Trần B nói: “Hỏng rồi. Bọn mình chậm”. Và dẫn tôi ra sân sau rồi bật đèn nhà vệ sinh. Tôi thấy một xác người, nằm trên miệng hố vệ sinh, đầu dốc ngược xuống thềm gạch bên dưới. Tôi không trông thấy mặt. Tợ hồ người này đi vệ sinh, bị ngộ cảm chết. Chìa khóa buồng rơi bên cạnh. Đồng chí Trần B nói: “Tình Bốp”. Trong giọng đồng chí có gì như tự phê bình. Đúng là chúng tôi chậm.

Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: thằng Đoành rên rỉ: “Thế là xong đời Tình Bốp. Không còn gì nữa cả. Hồi nhỏ, ba thằng đi học cùng nhau, ba thằng con chấy cắn ba. Sầu thật. Tất nhiên, bọn chúng thịt lẫn nhau. Nhưng tao cứ tự hỏi, không biết tao và mày, nhất là mày, có trách nhiệm gì, trong cái chết của nó? Từ sáng, tao nghe dân phố bàn tán. Có người đặt dấu hỏi to tướng, về mày. Vô lí sự đời. Việc gì cũng có cái sầu của nó, cả việc tử tế, cả việc vui mừng. Tao chịu đấy. Tao quay về món giải sầu đây. Ngày mai đến đài phát thanh nhận việc. Tao không đi theo mày nữa. Đi theo mày nhức óc vô cùng. Theo mày không biết còn bao nhiêu án mạng nữa. Chỉ một buổi tối, con mày chết, Tình Bốp chết, hai án mạng, trong lúc phố xá còn tấp nập. Thôi, tao quay về, đi hát giải sầu, iên trí hơn”. Tôi nói: “Tại sao mày lại nghĩ Tình Bốp chết, là vì mày và tao, nhất là vì tao?” Nó nói: “Mày dạo này sống sượng. Có bao nhiêu loại trách nhiệm, mày còn lạ gì? Tất nhiên mày và tao không có trách nhiệm, về mặt pháp lí. Nhưng, về mặt xã hội học, và đạo đức học, mày phải suy nghĩ thế nào là tội ác, và cái gì xui ra tội ác. Tội ác là hiện tượng cá nhân hay xã hội? Xã hội phải tổ chức như thế nào, phải làm gì để hạn chế tội ác. Xã hội có thể trở thành một thiên đường phi tội ác, hay không? Mày suy nghĩ như thế, tức là mày có trách nhiệm tinh thần. Trách nhiệm pháp lí thì có hạn, ngược lại trách nhiệm tinh thần, thì vô hạn. Người ta khổ đau nhiều, người ta hoặc trở thành vĩ nhân, hoặc thành thằng điên rồ, cũng chính vì món trách nhiệm tinh thần này. Từ sáng, khi tao nghe tin sầu, tao cứ hỏi vớ vẩn mãi. Không chỉ trách nhiệm tinh thần, mà thực tế ra, có khi tao với mày có dính dáng, vào tội ác này. Mày khua lung tung, làm chúng giết lẫn nhau, để bịt đầu mối. Con mày chết biết đâu cũng vì mày, vì tao, tự dưng lại nổi cơn trinh thám. Tao ân hận và sầu quá. Mày muốn tiếp tục, thì mày tiếp tục. Tao xin thôi”.

Vừa lúc ấy, thằng Chắt gõ cửa. Cả tôi cả Đoành, chả thằng nào buồn đứng dậy. Hôm nay là một ngày tím của tôi, là thứ tư của thằng Đoành, là chủ nhật của thằng Chắt. Chắt ngủ dậy muộn ngày chủ nhật, nghe tin dữ, vội chạy sang nhà tôi: cửa đóng. Nó sang nhà Ngỡi: hàng phở đông nghịt. Nó tới gõ cửa nhà Đoành: nó vào, chả chào ai. Tôi kể tóm tắt í kiến của Đoành. Tôi nói, theo í Đoành, hung thủ tối qua là tội phạm số 1, tôi và Đoành là tội phạm số 2. Tôi là 2A, Đoành 2B. Chắt ở đâu đến ngồi cùng chúng tôi, tự dưng thành tội phạm số 3. Tôi còn có thể vớ một cô qua đường, bất cứ cô nào xinh xinh, và cho cô ta thành thủ phạm, số 9, số 10. Tất nhiên, tội phạm tinh thần công an không đến coòng tay, tòa án không kết tội. Nhưng luân lí cao siêu của Đoành kết tội. Luân lí của Đoành như thế có thể đưa toàn bộ thế giới, thành nhân loại tội phạm. Chắt nói: “Luân lí con khẹc gì vô lí vậy? Nghe hủi bỏ mẹ”. Đoành nói: “Đây là trách nhiệm tinh thần, về sau, con cháu mình sẽ phết cho thời đại chúng mình chữ dã man, tiền sử. Như thế là trách nhiệm tinh thần. Chúng mày đừng nhầm với trách nhiệm pháp lí. Chúng mày đi xem chớp bóng, câu chuyện xảy ra tận bên Nữu Ước, bên Matxcơva, bên Pari, thì bận gì đến chúng mày? Tại sao đêm về chúng mày trằn trọc. Chúng mày thương xót. Tại sao nhiều cô sụt sùi khóc trước màn ảnh. Chúng mày đừng cãi nữa. Nhất cử nhất động của chúng mày, của tao, đều có hại hay có lợi, rất xa, cho tận đến hòa bình thế giới”. Chắt nói: “Nhưng cái gì cũng phải có mức. Giống như khi tao ném hòn bi cái. Hòn bi cái đụng vào hòn bi thứ hai, đụng lan sang hòn bi thứ ba, thứ tư, tùy theo. Đến hòn bi thứ bảy chẳng hạn, tác động hết. Lúc mày đẩy chiếc xe bò, lực mày còn bao nhiêu, sau khi trừ đi, các khoản ma sát hao hụt, chiếc xe bò sẽ nhích ngần ấy. Trong đời người cũng vậy, công và tội đều có mức. Không thể nói tràn lan, như mày được. Hành động của mày, của tao, chỉ có tác động, lợi và hại trong một phạm vi nhất định. Cái gì cũng cần khoa học. Luân lí cũng phải có khoa học. Trách nhiệm vung tàn tán như mày, tao nghe linh tinh bỏ mẹ. Có khi chính mày là vô trách nhiệm”. Tôi nói: “Luân lí của nó, đúng như chữ của nó là luân lí dã man và tiền sử. Thôi chúng mày ngồi chơi. Tao đi, có việc bận”. Chắt nói với theo: “Dưỡng! Mày cần gì cứ gọi tao. Tao sẵn sàng”. Tôi xuống cầu thang, vẫn nghe tiếng hai thằng cãi nhau, rất to. Tôi không phải triết gia lẫn tư tưởng gia. Thế là phải. Tội gì phải chìa vai ra, gánh tất cả mọi trách nhiệm trời đất ở đời.

Tôi về lấy xe, đạp túa lên ngôi nhà ba cổng. Nhà ông Phúc đóng. Ông Khang cho biết: vợ chồng ông Phúc đánh tacxi, đi từ hôm qua, tacxi chất đầy gà qué, hoa quả và đồ cúng. Ông Khang nói: “Họ đi từ 4 giờ chiều”. Ông kể thêm: bà Phúc ăn mặc rất diện, phấn sáp đầy mặt, đeo vòng hột lòe loẹt, đúng là cái lối khoe của, đúng là rởm đời. Lúc ấy 8 giờ sáng. Tôi phóng đến địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ. Tôi lại gặp, những ngã tư và những cột đèn. Bà Hiếu đan len nói, bà đã trao tài-liệu của tôi, cho anh Thái. Tài-liệu, là chữ của bà. Tôi iên trí quay ra. Lại những ngã tư và những cột đèn, nhưng là cột đèn ngày, là ngã tư ngày. Tôi đạp xe, bao quanh tôi là nội ngoại thành, bận rộn sự bận rộn hôm nay. Tôi đạp xe xuống, bệnh viện Bạch Mai. Thường trực không cho vào. Nhưng thường trực đồng í gọi điện vào hỏi tin, rồi trả lời: “Bình thường thôi”. Thường trực quay vào, với những người, những việc khác, để tôi đi về những ngã tư và những cột đèn. Với thường trực, bình thường là đủ. Nhưng với tôi, bình thường thôi, là như thế nào? Bình thường thôi, có nghĩa là không cái gì xảy ra cả. Bình thường thôi, nghĩa là mọi việc xảy ra, chả cái gì ăn khớp với mưu kế ban đầu. Tôi không dự tính Tình Bốp chết, không dự tính ông Phúc bà Phúc về quê ăn giỗ. Bình thường thôi, nghĩa là hôm nay, tôi không đi làm. Không đi làm, vậy thì tôi sang hàng phở thằng Ngỡi. 9 giờ 40, để làm bát tái mỡ. Ngỡi ghé tai thì thào trong lúc ăn. Tôi nói: “Hay”. Rồi tôi nói: “Chẹẹc”, là tôi chẹc lưỡi, vì chẹc lưỡi cũng là nói. Tôi ăn thêm bát phở nạm. Rồi trả tiền, tôi về.

Tác giả: