Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Xóm ngõ láo nháo gió. Ở nhà chị Hòa, tôi bị sét đánh, vì cái tin chị kể. Tôi đã biết con tôi chết, nhưng không biết, con tôi phải chết đi chết lại, nhiều lần. Cả Cốm, cả mẹ tôi cũng vậy. Cả tôi nữa. Với bệnh viện, hóa ra sự chết và sự sống đều bình thường, như nhau cả. Tôi ra về, quên chào, quên cám ơn chị Hòa. 10 giờ 30, tôi quay lại, cám ơn chị Hòa. Tôi chào chị, rồi lảo đảo về. Trong ngõ lúc này láo nháo gió. Tôi gặp thằng Ngỡi đi tuần. Ngỡi bảo, theo sáng kiến của Chắt, ba thằng bạn tôi xung phong, đi tuần đêm nay, cốt để canh phòng, xung quanh nhà tôi. Chúng nó vẫn là bạn tôi thật, và là bạn tốt nữa. Thế mà, tôi quên cám ơn chúng. Sự tử tế trong tôi, bao giờ cũng chậm. Bao giờ cũng chậm, cho nên đã đi vài bước, tôi mới quay lại. Tôi gọi: “Ngỡi! Ngỡi!” để cám ơn nó, cám ơn cả hai thằng, Đoành và Chắt nữa. Ngỡi nói: “Sau này, nhớ có bữa chén, đàn anh nhé!” Tôi ừ, không nghĩ sau này, là bao giờ. Tôi lảo đảo về. Ngõ láo nháo, gió tím, cây tím, bóng tôi màu tím, và tôi.

Buổi đêm iên tĩnh kì lạ. Buổi tối tím ăn lan sang đêm iên tĩnh. 11 giờ. Rồi 11 giờ 15. Tôi pha càphê. Tôi đi lại trong buồng. Tôi hút thuốc liền liền. Đêm nay chắc sẽ có chuyện, không biết lúc nào, nhưng sẽ vào một lúc bất ngờ nhất. Cho nên tôi sẽ thức suốt đêm. uống càphê, tôi nghĩ đến Cốm. Tôi nghĩ, tôi không hiểu gì về Cốm cả. Cốm của đêm qua, hoàn toàn không giống Cốm, mà tôi đã quen thân. Bản năng sinh tồn của tôi, có lẽ mạnh hơn Cốm, bởi vì, nếu phải lên bàn mổ, thay vào chỗ của Cốm, tôi sẽ rất tự nhiên đồng í, để bác sĩ cứu tôi. Cốm cắn lưỡi, để chết thay cho con. Tôi không làm được như thế. Nhưng không nghĩ, tôi ích kỉ hơn Cốm. Dĩ nhiên, tôi không chấp nhận so sánh, theo kiểu xã hội học, để xem giữa người mẹ và đứa trẻ đỏ hỏn, người nào có ích lợi hơn, cho xã hội, về mặt sản xuất hoặc sinh sản. Tôi cũng không ưa kiểu ví dụ, nếu người mẹ sống, sẽ sinh những đứa trẻ khác, để bù vào sự thiếu hụt dân số. Người nào có ích hơn, cho xã hội. không thể trả lời được. Phải đợi, lúc kết thúc của hai cuộc đời, mới có thể có một kết luận, nào đó, nhưng kết luận cũng chưa chắc thỏa đáng, cho toàn bộ các lí thuyết. Vấn đề không ở, chỗ đúng chỗ sai, nhưng tôi không biết, lí luận thế nào. Bây giờ, nếu bác sĩ cho kí giấy lại, tôi vẫn cứ chọn Cốm, để sau đó lại dằn vặt lương tâm. Đêm qua, khi tôi kí giấy, toàn bộ bệnh viện, từ bác sĩ đến bệnh nhân, đều không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, bởi vì không phải họ quyết định, ai sống, ai chết. Nhưng cũng bởi vì, tôi và họ suy nghĩ, giống nhau. Chỉ có Cốm là khác. Tôi thiết tha cuộc sống, của tôi, còn Cốm sẵn sàng tiêu diệt, bản thân. Nếu Cốm phải kí giấy, thay cho tôi, không biết, Cốm sẽ chọn ai: tôi hay đứa hài nhi, tôi không muốn biết. Tôi chỉ nghĩ, Cốm khác tôi quá, điều này trước kia tôi không để í. Đêm qua, toàn bộ bệnh viện đều đồng tình, cứu sống Cốm, tôi thấy không một nhân viên, bác sĩ, lẫn bệnh nhân nào, bênh vực cái mầm sống, là con tôi. Có thể bởi vì, cái mầm sống ít nói, lại chẳng quen biết ai, chẳng ai biết nó. 12 giờ đêm, nhà tôi vắng, như cái nhà mồ. Không nghe thấy, bước chân tôi, chỉ có rất nhiều tictăc, của đồng hồ. Tôi lại nhớ, đêm qua trong phòng mổ. Các bác sĩ, i tá, i sĩ, toàn bộ mặc blu trắng, đội mũ trắng, đeo khẩu trang trắng, tôi không biết mặt họ. Họ giống nhau quá. Tôi chỉ nhìn thấy những đôi mắt, nhưng ngay cả những đôi mắt, cũng giống nhau. Họ đứng tất cả trong ngã tư, để chờ xem tôi rẽ ngả nào. Hầu như tôi không có, cả thời gian, cả lí trí, để lựa chọn. Tôi đâm vào một phố, như thể đã quyết định từ lâu. Tôi vào một phố, hết sức tự nhiên, không một suy tính, như muông cầm, như dơi chuột, như hoa cỏ. Bây giờ, là 12 giờ 30, tôi pha phin càphê thứ hai. Buồng tôi như buồng mồ. Là buồng mùa đông. Là buồng không có Cốm. Đêm iên tĩnh. Chiếc đồng hồ kêu nhiều tictăc trên tay, phải chú í lắm mới nhận thấy, chúng trùng khít với nhiều tictăc khác, mãnh liệt hơn, của chiếc đồng hồ để bàn. Không cần im lặng, cũng nghe được. Những tictăc láo nháo, làm cho đêm thêm tím. Tợp một ngụm, hết cốc càphê. Tôi châm thuốc lá. Tôi biết, ngoài trời đang láo nháo gió, dù không nghe thấy gió. Khu phố đang iên tĩnh, vì tôi không nghe thấy gì cả. Lúc này, không thằng Đoành, thì thằng Chắt, đang đi tuần đâu đây, nhưng tôi không nghe thấy. Ba thằng bạn còn lại của tôi, muốn đề phòng những bất trắc, cho tôi. Chúng tự giác đi tuần đêm, xung quanh ngõ nhỏ. Chỉ tiếc hình như tôi có ít bạn. Nhưng hình như, không nhất thiết tất cả phải là bạn của nhau, mới có thể sống được với nhau, thành thôn xóm, khu phố, thành phố, đất nước, và thế giới.

1 giờ iên tĩnh. Buổi đêm đang ăn dần sang 2 giờ sáng iên tĩnh. Có lẽ nên bắt tay vào việc. Tôi tắt điện, dùng đèn pin. Đầu tiên, tôi xếp chăn gối phồng lên trên giường, như có người đang nằm. Tôi khiêng bàn ra, để dưới lỗ hổng trần nhà, kê thêm một chiếc ghế, trên mặt bàn. Tôi lấy một cuộn dây thừng to, rồi trèo lên bàn, rồi lên ghế, rồi chui vào cái lổ hổng trần nhà. Tôi soi đèn, trần nhà ẩm mốc, đầy bụi lẫn mạng nhện. Tôi buộc dây thừng, lên xà nhà, buộc thật chắc. Dây thừng dài, thả xuống qua lỗ hổng, xuống tận đất. Tôi tụt xuống theo dây thừng. Bài học này tôi đã thực hành, đến thuộc lòng, từ hồi còn đi ngụy. Nhưng tôi lại nghĩ đến Tacdăng, trong xinê. Tôi xếp bàn ghế, ngay ngắn vào chỗ cũ. Rồi leo dây thừng lên trần nhà, cùng với con dao phay bạch binh. Ngồi trên trần nhà tôi thở. Dao phay và đèn pin, xếp gọn một bên. Xong xuôi, kéo dây thừng lên. Tôi bắt đầu rình. Rình thế này thế nào cũng rỗi việc. Cho nên tôi rỗi. Rỗi thế nào cũng buồn. Bởi vậy tôi buồn. Buồn thế nào cũng chán. Thế là tôi chán, tôi không muốn rình nữa. Rình được 20 phút, tôi đã chán. Thế rồi tôi nhận ra đủ các thứ mùi, xộc cả vào mũi. Sau 20 phút, tôi phân biệt được, đâu là mùi bụi, đâu là mùi mốc, mùi gián mọt, mùi nước đái chuột. Mũi tôi còn ngửi, thấy mùi lố bịch, và nhất là mùi lố bịch. Tôi cũng thấy vậy. Còn 4 tiếng nữa trời sáng. Tôi nhìn xuống, theo vệt đèn soi, thấy giường nệm ở một góc, phía bên dưới. Giường có chăn ấm, nệm êm, mà tôi lại ngồi đây, thu lu trên trần nhà. Nhưng tôi lại nghĩ, xuống giường để ngủ, ấm áp thật, nhưng kẻ gian ập vào thình lình, trở tay không kịp. Ngồi trên này, tôi nhìn thấy hết, và chủ động đối phó được. Nhất là có thể đánh, bất ngờ được. Người bị bất ngờ, thế nào cũng thua. Đêm qua, Cốm bị bất ngờ, nên đã bị tai nạn. Đêm nay, tôi phải trả thù cho Cốm. Tôi thích chữ trả thù, cho nên ngồi lại trên trần nhà. Và lấy thuốc ra hút. 1 giờ 50 vẫn đêm iên tĩnh. Hút thuốc trong bóng tối không ra gì, nhưng tôi vẫn hút. Tôi tìm một đầu đề để nghĩ chơi. Nhưng không có đầu đề gì thu hút. Tôi lại tụt dây xuống nhà. Cắp theo chiếu và chăn đơn. Tôi leo lên chỗ nấp. Tôi trải chiếu. Nhưng không nằm, chỉ ngồi, chăn đơn khoác kín vai. Tôi mà nằm có khi ngủ quên mất. Thời gian trôi chậm. Rình thế này khổ hơn chờ tàu, trên sân ga. Một phút chờ tàu, dài bằng một tháng, một năm. Chờ tàu sốt ruột, nhưng thế nào tàu cũng đến. Còn tôi ngồi rình, không biết, kẻ gian có đến không. Chờ thế này là chờ cầu may. Cho nên tôi chán. Tôi ngồi ngay sát mái nhà, nên nghe thấy gió, rất rõ rệt. Tôi nghe gió đến, từ bốn bề. Có lúc, tôi nghe được, gió láo nháo trong ngõ. Có lúc, gió láo nháo, chuyển vào trong vườn. Có lúc, hình như chỗ nào cũng láo nháo gió. Rồi cũng có lúc, gió cùng ập về một lúc, để láo nháo với nhau, đúng trên mái nhà tôi. Nhưng cũng có nhiều lúc, chứ không phải một lúc, tôi không nghe thấy gì cả. Không một tiếng chân người, không một tiếng động, không cả tiếng tôi thở nhẹ. Như vậy là, ba thằng bạn tôi có lẽ đã ngủ quên, quên cả chương trình đi tuần đêm, qua ngõ nhỏ nhà tôi. Những lúc ấy, không rõ mấy giờ, tôi không xem giờ. Chỉ biết, toàn bộ thành phố đã thực sự chìm sâu, vào giấc ngủ. Tôi nhắm mắt, rồi lại mở mắt. Để xem có gì khác nhau. Nhưng không khác nhau. Mắt tôi nhìn ra ngoài, và nhìn vào trong, đều thấy như nhau, đều không thấy gì, nhưng không phải màu đen, chỉ thấy một khoảng trống tím. Tôi nghĩ, khi người ta không nhìn thấy gì, thế nào cũng nói chỉ nhìn thấy, một màu đen. Thực tế đêm nay, tôi có thừa thời gian, để quan sát chăm chú, cái không nhìn thấy ấy. Tôi thấy không hoàn toàn, như người ta nói. Cái không nhìn thấy, không phải là màu đen, mà là một khoảng trống vô nghĩa. Khi người ta không nhìn thấy gì, là người ta nhìn thấy, cái vô nghĩa. Đêm nay vì vậy, tôi ngồi bó gối, trong cái vô nghĩa, ngay sát dưới mái nhà. Vô nghĩa cũng bởi vì, không kẻ nào mò đến. Xem đồng hồ dạ quang trên tay, đồng hồ chỉ 2 giờ 40. Tôi buồn ngủ. Mi mắt trĩu nặng. Tôi bám vào đùi. Rồi tụt dây thừng, xuống nhà. Tôi đặt báo thức trên chiếc đồng hồ để bàn, là 3 giờ 30. Để nếu có ngủ quên, thì đồng hồ gọi tôi dậy. Nhưng rồi, lại nghĩ ra một cách khác, tôi lấy gói lạc rang, và chai rượu quê, đút cả vào túi, rồi lại leo dây thừng, lên trần nhà. Rút dây xong, tôi uống rượu bằng chai, tôi tí tép mấy hột lạc, thế là chẳng còn nghe thấy tiếng động nào, từ bên ngoài. Tôi uống theo kiểu dè sẻn, một chút một, trong buổi đêm vô nghĩa, trên trần nhà hôi hám, dưới mái nhà iên tĩnh. Chút rượu làm tôi thêm phấn chấn, còn bóng đêm, thì bớt vô nghĩa. Bên cạnh tôi chuột chạy, nhưng tôi không nhầm, với bước chân người. Gián cũng chạy xào xạc, nhưng tôi không nhầm với lá rơi, mùa đông. Không nhìn thấy bọn gián, nhưng tôi đoán được, lúc nào gián đập cánh bay, lúc nào bò trên xà gỗ. Tiếng chân gián, nghe luều nguều, luều nguều đâu đây, chắc chúng ngửi thấy mùi rượu thơm, và mùi lạc rang, nên đến gần tôi, để ăn cướp vài miếng. Bọn gián này là gián mùa đông, nên gầy bé. Gầy bé, nhưng cũng phải lớn, bằng chiếc lá cây khô. Cả bọn mà châu vào, rượu tôi không đủ, để chia cho chúng. Cho nên tôi phải giấu kĩ chai rượu, trong ngực, dưới lần áo khoác. Lạc rang cũng vậy, tôi cất trong túi ngực. Tôi ăn uống, như đi ăn vụng. 3 giờ 20, rồi 3 giờ 25. Tôi đổi í định, tôi tụt xuống, hủy báo thức, trên chiếc đồng hồ để bàn. Tôi lấy một quyển sách nặng, tôi còn nhìn rõ, là một quyển trinh thám, để đặt nó lên, trên nút khóa chuông đồng hồ. Đồng hồ mà đổ chuông lúc này, là hỏng mất mọi dự tính. Thế mà tôi không nghĩ ra trước, vẫn biết, trí thông minh bao giờ cũng đến chậm, cho nên tôi không tự trách mình. Tôi đứng một lúc, rồi nghĩ thế nào, tôi lấy đồng hồ để bàn, định đem lên chỗ nấp. Nhưng lại nghĩ, cứ đà này tôi sẽ dọn hết đồ đạc, lên trần nhà. Cuối cùng, tôi vặn kim báo thức, lên 6 giờ, rồi lên 7 giờ. Tôi đặt đồng hồ vào chỗ cũ. Rón rén đi lại, rồi rón rén leo lên, và rút dây. Tôi lại ngồi uống. Tôi cảm thấy say say. Cho đến lúc, gà gáy đợt đầu, ở một phố xa, rồi đến gà gáy trong ngõ nhỏ nhà tôi, nghe rất gần. Rồi tất cả lại im ắng. Vẫn không tiếng chân người. Chỉ thấy gió thổi nhẹ, làm đung đưa mái nhà. Phía trên mái nhà, là bầu trời, là mùa đông. Dưới chân tôi, là nhà tôi, là nhà mồ. Gió đêm làm tất cả đung đưa, rất nhẹ nhàng, êm ái. 4 giờ sáng rồi, tôi buồn ngủ thực sự, nhưng không ngủ. Tôi uống nốt chỗ rượu, để thức. Tôi tự nhủ, thức cả đêm thế này, mà không nghĩ lung tung, là tôi khá. Nhưng nếu có nghĩ lung tung, là tôi cũng khá, vì còn nghĩ được. Thức đêm, mà không nghĩ gì trong đầu, mới là tình hình xấu. Buồn ngủ, nhưng tôi không nằm, vì nằm, thì thế nào cũng ngủ, vì ngủ thì thế nào kẻ gian cũng vào nhà, để tôi không nghe thấy gì. Tôi buồn ngủ, cho nên lại tụt dây xuống. Thấy mặt đất tròng trành, đúng chỗ tôi đặt chân vào. Tôi lại leo lên, hồi lâu cũng leo đến nơi. Tôi rút dây. Rồi lại ngồi xổm, để muốn uống thêm, mà chai đã rỗng từ bao giờ. Tôi vứt chai, vào một góc, góc nào cũng được. Tôi để mặc cho lũ gián đói, chui vào lau dọn, cái chai rỗng.

Tác giả: