Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Buổi đêm. Adiđàbụt… ừ thì Thằng, ừ thì Tôi, ừ thì Mày, phải đâu vì mê mải thú vui quả đất mà thằng nào cũng là Mày, thằng nhọ tàu bò, thằng dằn di, dâm ô đồi trụy lạc, chỉ đớp rồi hít, giở trò cao bồi ngụy quân mất dạy gì gì nữa cũng là Mày, Mày còn là thằng-vài-nghìn-thằng chứ gì, Tôi biết cả rồi, ừ thì cứ cho là thằng-vài-nghìn-thằng, bây giờ còn thiếu một thằng-phát-súng-nữa, nhưng đừng tàn đời, vì Mày còn phải nếm thêm nhiều ngày nhiều tuần nhiều năm, Mày 23 năm đời dài, đời dài không phải để cho Mày thỏa mãn nhật kí, vả lại Mày còn giá trị hơn chẳng hạn con sâu đo chẳng hạn con dòi, vả lại Mày còn thông minh hơn chẳng hạn một hạt bụi lạc đường, Mày là thằng người dẫu có là thằng-vài-nghìn-thằng thì Mày vẫn là thằng người sao lại gọi Mày là thằng địch thằng tay sai cho địch, rồi thằng gián hôi thằng sát nhân, tên Mày vẫn còn trên bản đồ dân sự nội thành không ai xóa, không ai nỡ xóa Mày trong tấp nập và làm lụng và nhậu nhẹt hằng ngày. Mày, Mày vẫn ở lại phố ấy ngõ ấy, nhà ấy ngôi nhà bé nhỏ ấy với một vườn cây ấy với một kí ức ngày sinh, ngày đái dầm vào quần dài ngày đeo bùa đức thánh thần trước ngực, Mày một hôm be bé đưa ma con kiến ngã vào chậu nước thì bởi vì từ đâu, bởi vì ai xui, thì thầy giáo, thi bạn bè, thì trinh thám, thì tiệm rượu nào nhỉ ai xui, mà hôm nay Mày nhọọ nhem phức tạp thôi đừng trách ai, đừng thù oán con sâu đo, và con dòi, và hạt bụi, thôi đừng tị nạnh so bì với con sâu đo, con dòi, hạt bụi, vì con sâu đo chỉ làm một con sâu đo, con dòi và hạt bụi cũng chỉ làm một con dòi và một hạt bụi, không giống như Mày một mình mà làm vài nghìn thằng mà lại đời dài, cho nên 23 tuổi thì ngày khai, thì tuần phùn, thì chủ nhật bú dù, thì ngày ghẻ ruồi buổi chiều quai bị, thì thứ ba thiu thứ bảy khú, thì đèn năm canh mà canh nọ bá ngọ canh kia là phải rồi, Mày soi gương xem, không sao trông được cái mặt Mày tủi, ừ thì đồng í, Tôi ạ, Tôi còn nhớ quãng thời gian be bé một đêm mà Mày ngỡ mười năm chỉ vì Mày chưa nhìn thấy quyển lịch, ừ thì đồng í, lí lịch Tôi nhọọ Mày không rủa toẹt là xong cái mặt, nhưng thôi Tôi ạ, ai gọi Mày là ông và ai gọi Mày là thằng, Tôi sẽ nói adiđàbụt, ai gây sự và ai vô tình và ai xỏ xiên và ai chửi mắng Mày, Tôi sẽ nói adiđàbụt, Tôi sẽ không nói xấu và nghĩ xấu và cứ mong an lành cho họ, ai đánh Mày, Mày sẽ tránh, Tôi sẽ nói adiđàbụt, Tôi sẽ cứ là người đứng cuối cùng hạng ngôi thứ xã hội không vì con gà hơn nhau tiếng gáy, không vì hơn nhau một chút đau thương, Tôi biết Mày rất muốn vẫn còn trong đời, tất nhiên Tôi cũng muốn còn lại trên đời, không dưng Tôi lại tự xóa Tôi làm gì, vì đời dù sao vẫn đẹp và vì đời là quê của Tôi là nội ngoại thành là tấp nập làm lụng và nhậu nhẹt và hằng ngày, Tôi có mặt giữa các ông, để khuyên bảo phụ nữ nên nuôi trên mặt đất tia khói nọ mong manh, Tôi xem rồi vĩnh cửu ngáp dài trên cát khát, đừng chỉ sẩy chân một tẹo nữa thôi là sẽ không còn gì, sẽ không có tên Mày và Tôi trên bản đồ đi lại và ăn uống và làm lụng nội thành, cố lên vậy adiđàbụt, cố lên.

Tháng tám 1965. Chị Trinh kể: nhà em dạo ấy chợt vui, chợt buồn. Em được chị Hòa xin việc cho, làm phu hồ gánh cát, ngoài bờ sông. Sáng em đi làm, thì nhà em xách cần giỏ, đi câu nhái. Chiều nhà em thường về sớm hơn em, nhưng nồi cơm cũng để đấy, chờ em về làm tất. Có lần 8, 9 giờ vợ chồng mới ăn cơm tối. Có lần nhà em vứt cả mâm cơm ra ngoài sân, vì em về muộn tan chợ, không mua được thức ăn. Em cho là, nhà em sẵn có vết ngụy quân, lại bị nghi về chuyện phát súng, đâm bẳn tính hay cáu gắt. Có dạo nhà em đi lại trong buồng, và lẩm bẩm một mình, i như người gở chết. Có dạo đang vui, huýt sáo ầm nhà rồi tự dưng ngồi, thẫn thờ. Có lúc đang ngồi một mình, em vào, cũng giật thót người. Khổ nhất là cái tính cáu vặt, hơi tí là gắt. Nhà em còn nghi chị Hòa xui em, đi báo cáo chính quyền, chuyện trong nhà. Em mà cãi lại thì ầm cửa ầm nhà, nên em nhịn. Trong xóm, chỉ còn chị Hòa là tốt với em, chị vẫn hỏi han chuyện trò. Còn tất cả đều xa lánh tụi em. Nhất là lúc này, có chuyện đồng bào đi Nam, chị Hòa hằng ngày nuôi lợn, trồng rau, đi chợ, và tất tả ngõ trên, ngõ duới, vận động đồng bào ở lại. Chị Hòa đang khổ lắm, vì chuyện của chồng chị: chồng chị tên là Thập, anh Thập gửi thư về, kể không may bị đạn, vào chỗ hiểm, sau này không thể có con được. Anh Thập muốn chị Hòa lấy chồng khác. Chị Hòa giấu thư, không cho mẹ chồng biết. Anh bộ đội bị ám sát hụt tối hôm nọ kể lại, bà mới biết. Bà cùng chị Hòa lên tận bệnh viện, tìm anh Thập, nhưng anh đã bỏ đi đâu rồi. Sau này anh Thập còn biên thư về lần nữa, giục mẹ gả chồng cho con dâu, chỉ khi nào chị Hòa đi lấy chồng, anh Thập mới về. Chị thường xuyên khuyên em đi họp khu phố, để quên đi chuyện buồn. Chị Hòa nói: “Trông cô thiểu não lắm. Gặp cô lần nào, cũng thấy cô hai mắt đỏ hoe”. Thế là em nghe chị Hòa, xin vào công tác, các buổi tối và chủ nhật, ở đội chữa cháy khu phố. Em công tác tích cực, nên dần dần bà con cũng bớt xa lánh em. Nhưng khổ nhất, vẫn là chuyện trong nhà. Nhà em đi câu được bao nhiêu, uống rượu hết nhẵn. 2 tháng liền không đưa một đồng nào. Vốn liếng riêng của em, phải bỏ ra chi tiêu. Đến hè, nhà em lại bập vào con Lily, và ghi sổ nợ, ở hàng càphê của Tình Bốp. Mỗi lần trả hàng dăm bảy vạn, nợ cũ trả chưa xong, lại chồng thêm nợ mới. Con Lily thì lẳng lơ, mùa hè cũng như mùa đông, chẳng ăn mặc gì, lại không đóng cửa sổ, làm mồi câu khách, cho quán càphê của thằng em nó. Ông Trung trố cứ họp khu phố lại nói là đấy, những cái đầu tàu bò lại ngóc dậy, những con bướm lại dập dìu quanh nhà đĩ, nhưng nhà đĩ chỉ là hình thức, Phòng Nhì mới là nội dung. Ông bảo đây là chính trị, đội lốt sinh hoạt dâm ô. Ông nói ám chỉ nhiều lắm, bà con hiểu ngay chỗ nào là nhà em, chỗ nào là bọn thằng Hoóng, thằng Ngọc lính bảo hoàng, chỗ nào là chị em con Lily. Tối hôm ấy nhà em cũng đi họp. Bà con nghe ông Trung trố nói, đều đồng loạt quay lại nhìn: thấy nhà em cười nhạt. Về nhà mới ngồi hút thuốc, liên tục không biết bao nhiêu điếu nữa; mặt thì trắng nhợt, như cái xác chết. Rồi lại lẩm bẩm adiđàbụt, chẳng ra làm sao cả. Nhưng em thấy, ông Trung trố nói đúng lắm. Đúng là phải ngăn chặn những hành động phá phách và đồi bại của đám ngụy quân, ngụy quyền cũ. Không thì loạn phố với nạn lưu manh, trộm cắp, với gái điếm và sòng bạc, và tan nát gia đình.

Lúc đi nằm, em mới nói với nhà em, như vậy. Em cũng nói, là ông Trung trố lần nào cũng sa sả nhắc, mà anh còn tệ thế. Không có ông ấy nhắc, thì bọn các anh còn làm loạn đến đâu. Tức thì nhà em đạp luôn em một cái. Em lăn từ trên giường xuống đất. nhà em quát: “Đồ ngu đồ ngu! Bọn các anh nào?” Em ra buồng ngoài, nằm khóc một mình. Em có mang từ mùa xuân. Nghĩ đến cái thai, em lại càng khóc. 12 giờ đêm nhà em đùng đùng dậy vận quần áo, xách xe đạp đi đâu không biết. Sáng hôm sau mới về. Nhà em đối xử vũ phu lắm. Tính khí nóng nảy hung hãn. Nhưng nhiều lúc lại thẫn thờ, nhiều lúc lại cười khành khách, một mình. Chúng em hai vợ chồng son, mà nhà buồn như có đám. Đến lúc 300 ngày sắp khép cảng Hải Phòng, biết con Lily sắp đi Năm, nhà em bỏ biệt nhà, 3 ngày 3 đêm liền, sang ở với nó.

Tháng tám 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Một ngày tháng tám nào đó, tôi tìm được trong thư viện, một câu định nghĩa bất hủ: “Hôm qua đã là ngày đến trước, ngày mai sẽ là ngày đến sau, bởi vì tôi đang ngồi ở hôm nay”. Định nghĩa này cho tôi 3 ngày bình đẳng, và ngày hôm nay không còn là một dấu chấm lẻ loi, trên đường tuyến tính, của thời gian. Một ngày tháng tám, tôi đến nhà Dưỡng, để nghe chị Trinh kể chuyện. Chị Trinh bây giờ bán hàng giải khát, ở mậu dịch phố Huế. Tóc chị bây giờ uốn cong quả dưa. Không cười, mà hai má vẫn lũm đồng tiền. Anh Dưỡng chiều hôm ấy, vận toàn màu xanh phòng không, đội mũ tài xế xanh. Theo môd quần dũng cao, trên phồng, dưới bó lại, cứ như anh đang ở một nước Cuba xa xôi. Anh Dưỡng vần gọi chị Trinh là Cốm, như 11 năm trước. Tôi xuống sân xem vườn. Tôi nhận ra tất cả, trong nhật kí: ngôi nhà nhỏ, kho chứa đồ, cái sân gạch, nhà bếp và cái buồng tắm danh tiếng. Vật mà đã bao nhiều thời gian trôi. Từ 10 năm nay Dưỡng được cử đi biệt phái dài hạn, ở một nơi nguy hiểm của chiến tranh, trên đường khu Tư. Anh thuộc biên chế của xưởng ôtô Hòa Bình, xưởng nằm tại nội thành Hà Nội. Cứ 3 tháng, anh về Hà Nội một lần, để thăm vợ, thăm thành phố, trong kì hạn 7 ngày dài. Mỗi lần ra đi, mỗi lần li biệt. Một năm, anh có mặt ở Hà Nội 28 ngày. Anh đã năm lần được giấy khen, được toàn bộ hội trường vỗ tay, hoan hô như một biểu tượng không đơn lẻ, trong một rừng biểu tượng. Anh vừa trở về, từ một chuyến nguy hiểm, qua 49 lần đò phà, 49 cửa tử, qua cầu Bùng, và cầu Ngoạt. Khắp nơi mênh mông nước, giấu đi hàng trăm hố bom tấn. Phản lực Mĩ lúc nào cũng lờn vờn, trên trời. Lúc nào, cũng hàng trăm quả pháo sáng đuổi theo. Rồi một đêm mưa to, đường trơn nhầy nhụa, xe của anh rơi vào một hố bom. Bánh xe quay tít. Xe trên kéo, cũng không lên. Dòng xe cứ ùn ùn kéo tới, làm tắc đường. Dưỡng lo lắm. Dưỡng lo cả đoàn xe bị máy bay Mĩ phát hiện: anh đã mang quá khứ ngụy quân, thế nào cũng bị nghi thêm tội phá hoại, tội dối trá, tội gián điệp, và nhiều thứ tội khác. Dưỡng cùng một lái xe nữa, cả hai lội loanh quanh, trong bùn nước, tìm cách đưa xe ra. Thế rồi anh bạn xe của Dưỡng nói: “Tháo mẹ máy ra, cho nhẹ xe”. Dưỡng ngừng kể, để giục tôi uống nước, nhưng không biểu lộ tình cảm gì. So với lần gặp trước, anh gầy đi nhiều, da vàng hơn, ít cười hơn. Tôi định nhân dịp này, kể với anh câu định nghĩa bất hủ về thời gian, của người Hi Lạp, nhưng lại thôi. Bởi vì trước mặt tôi lúc ấy, là một anh Dưỡng đã từ giã thú vui uống cà phê buổi sáng, và xa lạ với những day dứt của nhật kí. Tôi nghĩ có lẽ, anh đã quên bản vẽ đường tuyến tính của thời gian, mà cả tôi và anh đều đã nhìn thấy, ở đâu đó. Dưỡng nói: “Hai thằng tháo máy, mà mưa thì vuốt mặt không kịp, nước mưa làm mù cả mắt, chằng còn nhìn được gì. Tôi vơ lá, củi, cành, đủ thứ trên đời, lót vào bánh xe. Chiếc xe tháo máy xong, nhẹ hẳn. Xe trên kéo rơmoóc, được ngay. Đường thông, đoàn xe tiếp tục đi”. Kể xong, Dưỡng im lặng. Tôi cũng im lặng. Chị Trinh bỏ xuống bếp, ngồi một mình. 5 ngày nữa Dưỡng sẽ quay lại con đường mòn danh tiếng. Hôm qua, hôm nay và ngày mai, đều là những ngày giao mùa Ất Tị. Ngoài phố thế nào cũng lúa túa xe cộ và bộ hành, và mặt trời. Hôm qua, tôi đã ghi thêm như thể cho riêng tôi, vào cuốn sách một câu ngắn: một buổi sáng Dưỡng trở lại Hà Nội, như trở lại thiên đường.

Tác giả: