Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Ra ngoài, mới biết trời mưa. Qua cửa nhà Tình Bốp, tôi không vào. Tôi sợ tình bạn, vả lại, mọi cửa sổ nhà nó vẫn đóng kín, khách đàn ông qua phố, đã mất hẳn thói quen dừng lại trên vỉa hè, để chờ tiếng phụ nữ cười. Ra ngoài, mới biết phố sũng nước, vỉa hè cũng ướt sũng, mà trời vẫn nóng. Mưa rơi trên sọ để trần của tôi, mà vẫn thấy nóng. Đúng là chuyện bỗng dưng. Sọ mắng tôi. Tôi mắng lại sọ. Tôi mắng: “Câm!” Tôi chán ngấy cảnh sống này. Phố bày trước mắt tôi phong cảnh đầu thu, với xe cộ và bộ hành mưa bụi. Đèn điện loang loáng, trong mưa. Thế mà không biết đi đâu. Buổi tối mới chỉ bắt đầu. Tôi đến trước nhà thằng Đoành. Nghe tiếng nó hát rất to, nhưng chả thấy ai dừng lại để nghe cả. Chỉ mỗi một tôi lưỡng lự, không biết đi đâu, làm gì. Tôi đứng trước nhà nó một lúc, nhận được bài nó đang hát, là một bài quan họ nổi tiếng. Nghe cũng hay, thế là tôi vào ngõ nhỏ. Đến sân trong, thấy cửa sổ buồng nó mở toang, thấy mưa bụi đầy ô cửa sổ, do sáng đèn. Nó hát: trèo lên quán dốc. Trong lúc tôi trèo, lên bậc cầu thang bằng gạch, may mà không gặp cô chị gái nó e lệ. Tôi cứ thế ẩy cửa vào. Thằng Đoành đang ôm ngực, đúng chỗ quả tim đập, để tập hát trước gương. Mồm ngoạch như mồm giải. Thấy tôi vào, nó vẫn hát. Ngồi xuống ghế. Tôi nói: “Sầu”. Thằng Đoành hát, vẫn theo điệu quan họ: “Thì rượu kia”. Tôi nói: “Thôôôi”. Thế là nó thôi hát, lấy ghế ngồi nhìn tôi. Nó hỏi: “Mày sao thế?” Tôi nói: “Sầu”. Nó nói: “Tưởng gì. Sầu là thường. Vui mới lạ” và ra tủ lấy chai rượu Rom. Thằng này xoay đâu ra, mà lắm rượu tây. Nó mời tôi tạc thù với tôm khô. Tôi nói: “Làm ăn thế nào?” Đoành nói: “Khu phố cho tao hát, ở rạp xinê. Cũng trung bình thôi. Mê nhất là con bán vé, mới toanh”. Tôi nói: “Còn tươi, giãy đành đạch”. Nó nói: “Sao biết?” Tôi nói: “Tao hoang tưởng hộ mày”. Nó nói: “Hé hé” và móc túi khoe tôi tấm ảnh một cô bé đờmico, tức là chụp đến rốn. Ảnh cỡ sáu chín, trông cũng khá. Cô bé này vẽ mắt đậm, tóc thì uốn cong, còn hai vú thì bicphê sừng bò. Lật mặt sau, thấy ghi mấy chữ: kỉ niệm anh Đoành iêu, kèm cái chữ kí như búi chỉ rối. Tôi trả nó cái ảnh. Tôi nói: “Tình nghi cái bicphê sừng bò. Không khéo bằng cao su”. Nó nói: “Tao xác minh rồi”. Tôi cạn cốc. Nó rót cho cốc nữa. Tôi nói: “Cuội. Ảnh này mày mua ngoài phố”. Nó nói: “Sao mày biết?” Tôi nói: “Tao thấy ảnh này bày bán mãi, ở cửa hàng phôtô”. Nó cười sằng sặc: “Hé hé. Thế là mày vui được một tẹo, rồi nhé”. Nó rót cốc thứ ba: “Đời. Đời phải giải sầu. Mọi người cứ nói tao cuội. Kì thực là tao giải sầu. Vì đời sầu lắm. Nếu không cuội, lấy gì để ngày giờ trôi đi. Thằng Cuội là thằng sướng nhất. Tao thi với thằng Cuội. Tao còn thắng nó một điểm. Nó chỉ cuội với mọi người, là cuội đối ngoại, thế là kém. Đối nội mới khó, đối nội là đánh lừa cái nội tâm sầu. Tao là thằng Cuội thời hiện đại. Lúc nào tao là thằng Cuội, lúc nào tao là tao, cũng chẳng biết. Như sáng hôm qua, lúc thức dậy muộn, mới nhớ là hôm nay em đến. Tao vội vàng dọn phòng, và treo mấy cái ảnh truồng thật ác, để em vào là biết liền, tao thích cái gì. Tao mặc quần lụa rất diện. Thế mà 8 giờ rồi, mà em không đến. Nhìn vào lịch, tao mới ngã ngửa, năm nay đã là năm 1955. Tao với em hẹn nhau 30 tháng 8 năm 1952 cơ. Thế mà quên mất, em này chắc phải khóc hết nước mắt”. Tôi nói: “Có xừn xựt không?” Nó nói: “Có chứ, thường xuyên”. Tôi nói: “Lí Hà à?” Nó nói: “Không, tên là Pat. Lần nào em Pat đến, đều có tiệc chay hoặc mặn. Thế rồi tối Nôen ấy, tao lại sửa soạn nào xăngwiss, nào gatô, nào súccùlà, nào gin, nào vang, và cônhăc, mà em không đến. Đêm Nôen ấy, tao phải đi tìm thằng Tình Bốp, để uống giải sầu, có cả mày thì phải”. Tôi nói: “Ừ, tao nhớ cái mặt mày thồn thộn, tưởng mày ngưỡng Chúa. Té ra là em Pat. Thằng này thế mà kín đáo”. Nó nói: “Em Pat về sau chết. Trên bàn đẻ. Tao lại về khách sạn”. Tôi hỏi: “Khách sạn nào?” Nó không trả lời ngay, lát sau mới nói, giọng buồn lắm. Nó nói: “Dạo ấy không có tiền. Pat bị thổ huyết. Dạo ấy mày và Tình Bốp phải bán xe ôtô, được ba nghìn mác. Mày đưa tao cả ba nghìn. Dạo ấy tao đưa Pat lên núi Xanatôriom. Pat chết ở trên ấy. Tao lại quay về khách sạn”. Tôi nghe thấy là lạ, không hiểu khách sạn nào, và tại sao, lại tiêu tiền mác, là tiền Đức. Mãi sau tôi mới hiểu. Tôi mắng: “Bố mày! Em Pat của NHỮNG NGƯỜI BẠN, của Romac, có phải không?” Nó nói: “Ừ. Dạo ấy, đang đêm, em Pat từ tiểu thuyết bước ra, trần truồng. Em đứng mãi, trong buồng tao, trần truồng, đúng chỗ này”. Đột nhiên, nó đứng phắt dậy, chạy ra góc buồng. Tôi chưa hiểu ra sao, nó đã bưng về một cái bô, đặt giữa bàn. Nó mở nắp bô. Mùi khai sặc. Khắm quá. Nó nói: “Em Pat chết, tao khóc mãi. Đêm nào cũng khóc. Đầy một bô nước mắt”. Và ngay tức thì, nó khóc thật. Nó khóc tu tu, mặt ghé sát miệng bô. Nom nó đau thương tột cùng, nước mắt chảy ra, lã chã. Nó còn dùng tay gạt nước mắt vào bô. Tôi phải lôi nó ra, tranh lấy cái bô, đậy nắp lại, rồi mang vào chỗ cũ. Tôi nói: “Tối nay, tao ngủ ở đây”, rồi ra giường nằm.

Qua chiếc cửa sổ mở, tôi nghe thấy gió và lá, xào xạc, xào xạc. Là cái tiếng thu. Tôi muốn nằm, mà nghe mãi, nhưng thằng Đoành dựng tôi dậy. Nó kéo tôi ra bàn. Nó nói: “Khoan hãy ngủ. Bây giờ đứng đắn nhé. Đứng đắn cũng giải được sầu. Tao muốn biết, tối nay, tại sao mày sầu?” Tôi nói: “Mẹ tao xin cho tao, làm phụ lái ôtô, ở hãng Phi Mã. Nhưng mẹ tao lại nói, đi làm để chuyển thành phần. Thê là tao cáu”. Nó nói: “Có mỗi vậy thôi à?” Tôi nói: “Rồi cãi nhau với vợ. Tao tát vợ tao một cái. Mày mà làm tao cáu thêm, tao cũng sẽ tát mày, nhưng không chỉ một cái”. Nó nói: “Vậy, mày, như người ta nói, là thằng vũ phu. Nhưng vũ phu cũng là một cách giải sầu. Giải sầu có 36 cách. Mày phải chọn cách nào vô hại, không làm phiền mày”. Tôi nói: “Xin đủ”. Nó đứng dậy, đi lại trong buồng, vừa nói, vừa làm điệu bộ, i hệt một diễn viên hạng bét. Nó nói: “Đờời. Đời là gì, để người ta cứ phải giải sầu, cho đời. Nam nữ đi phố, chẳng hạn. Comlê, nịt vú, nước hoa, độn vú, để làm gì, nếu không phải để giải sầu, lẫn cho nhau. Lại thêm cái xinê, tranh ảnh, trinh thám, nhạc xình, cũng để giải sầu. Tao hát ở rạp xinê, là giải sầu hộ mấy cái lỗ tai của khách, trong lúc họ chờ màn ảnh, để giải sầu con mắt. Mày có thấy đời hiện đại, người ta chú í giải sầu cho nhau, có ghê không. Khách xinê, khoái mắt rồi, lại cần tao hát để khoái cái lỗ tai, và cắn hạt dưa để khoái cái lỗ mồm. Đời hiện đại là một khoa học giải sầu, tinh vi nhất. Tao làm nghề giải sầu thiên hạ, được tẹo tiền tao lại đi giải sầu cho tao, ngoài vườn hoa. Mày thấy có li kì không. Đa vấn đề lắm. Kết luận của tao, đời hiện đại là một sự thuê tiền lẫn nhau, người nọ phải giải sầu cho người kia. Đời thế mà vui, chứ không phải sầu đâu. Người thì có kẻ sầu, vô số thằng sầu, con sầu. Nhưng đời khác. Đời là mọi người hợp nhau lại, để giải sầu và chống sầu”. Tôi nói: “Ừ, hồi trước tiếp quân, tao đã nghe mày triết lí giải sầu. Bây giờ, mày cũng vẫn nói thế. Lời có khác, nhưng í thì vẫn thế”. Nó nói: “Lời mà khác, thì í không thể vẫn thế. Í cũng phải khác”. Tôi nói: “Khác quái gì. Trước kia mày nói, cả thành phố đểu cáng dâm loạn, thuê mày hát để giải sầu, cho thành phố. Mày được tiền, lại dùng tiền, để bắt cả thành phố giải sầu lại cho mày”. Nó nói: “Đấy. Có khác đấy. Cái thần nó khác. Trước kia lời tao dùng nghe ác độc, là vì đời ác. Cũng cái luật ấy thôi, nhưng đời ác, làm cho luật đời ác theo. Chứ đời bao giờ chẳng là đời”. Tôi nói: “Mỗi đời mỗi khác. Mày đi họp khu phố luôn, nghe cán bộ nói, mà không thông à? Đời không phải để giải sầu. Đời ngày trước là ăn thịt nhau, cắn xé nhau, để tranh nhau miếng sống. Bây giờ, đời là sống, để lao động, và phục vụ”. Nó nói: “Và để giải sầu. Nhất định phải có mục ấy nữa. Trong cuộc sống, có sầu. Trong lao động, cũng có sầu của nó”. Tôi nói: “Có cả cứt nữa, chứ riêng gì sầu. Có ỉa, đái, đau ốm, đểu giả, đủ thứ. Không nêu hết được. Đã triết lí, là phải triết bỏ đi, tất cả bọn lặt vặt, râu ria vô ích. Phải chắt lấy cái í chính”. Tôi cãi hăng, tôi nhớ từ hồi đi học, tôi với nó cũng đã cãi hăng, nhiều vụ. Nhưng cãi nhau với nó, thú hơn ngồi với Tình Bốp. Vì thằng Đoành coi mọi chuyện đều tầm phào, còn với thằng Tình Bốp, chuyện gì cũng quan trọng. Tối nay cũng vậy, thằng Đoành nói: “Tao không triết lí. Triết lí làm quái gì. Đời chỉ có một mẩu, dù trăm niên vẫn ngắn. Tao đến với đời, không phải để bóp sọ, mà triết lí. Chẳng cần phải triết bỏ cái gì cả. Giản dị thấy sao tao nói vậy. Tao cù nhầy. Tao nói dối. Tao giải sầu. Tao sống. Cứ cho là tao triết lí râu ria, cũng được. Còn mày, mày lấy cái lí chính ở đời ra, cho tao xem nào. Để xem nó tròn méo thế nào”. Tôi nói: “Mày cơm no bò cỡi, hát xướng phởn phơ. Mày được công an, khu phố giúp đỡ tìm việc cho. Thì mày nghĩ là sầu. Còn tao trăm thứ lo, tao không có sầu, chỉ có lo không”. Nó nói: “Lâu lắm, ta không gặp nhau, nên không rõ bản đồ trong bụng mày”. Tôi nói: “Tao, việc làm không có, là một. Khu phố và công an nghi, là hai. Tao tự trừng phạt tao, là ba”. Nó nói: “Tự trừng phạt, là làm sao?” Tôi kể lại, cho nó nghe cuốn trinh thám Nga. Nó nói: “Thế là tự kỉ ám thị, là bệnh cuồng bách hại, bệnh nhìn đâu cũng thấy ma”. Rồi hỏi thêm: “Thế mày đã tìm ra kế gì chưa?” Tôi nói: “Tao đi tu. Tu tại gia, là thượng sách”. Tôi giải thích thêm cho nó, là tôi sẽ đi họp và tích cực tham gia lao động khu phố. Thằng Đoành không phản đối. Nó nói: “Ừ, phải tỏ vẻ tử tế, từ đầu đến chân. Tay chân mày khi đi lại, đừng có khuỳnh khuỳnh. Mắt mày nhìn, cái kiểu văng vào mặt người ta, là ngổ ngáo. Vai cứ nhún nhún, ông Trung trố ghét lắm. Ông ấy thành kiến với cái mặt mày. Đấy là tao góp í, về cái bản đồ bên ngoài của mày. Còn cái bản đồ bên trong, đừng có chơi ảnh nghệ thuật nữa. Ai lại cứ đè em Cốm ra, mà chụp nghệ thuật. Ở đây chả ai cần nghệ thuật của mày. À, mày thôi rồi hả? Còn cái mục uống rượu, nói láo với Tình Bốp, mày nên tạnh ngay. Đi họp, phải ngồi chỗ sáng đèn, phải phát biểu một tị. Còn cái lối ngậm thuốc lá của mày, trông thì ngổ và đẹp, nhưng khu phố không ưa”. Tôi nói: “Tiên sư mày. Góp í thế, bố tao cũng xin vái. Còn sống thế nào được nữa”. Nó nói: “Ừ, cũng hơi nhiều thật. Nhưng người nói vô tội, người nghe lấy đó làm răn”. Tôi nói: “Vậy thì người nói, tha hồ ỉa bậy à?” Nó nói: “Mày lại phản ứng mạnh rồi. Mày cứ nghe cho hết. Mày có tài triết bỏ, thì mày lược bớt cái râu ria đi, chỉ lấy cái lí chính thôi. Có vậy mới chóng lên sư cụ”. Tôi nói: “Mày tự triết lọc lấy, vì mày là người nói. Nếu không, tao đấm cho một đấm”. Nó nói: “Sợợ chóa. Sợợ chóóa. Thôi bây giờ thế này. Bản đồ bên ngoài kệ mày. Còn bản đồ bên trong, tao góp í thế này. Một, nên chú í, trong sự be bét rượu chè với Tình Bốp. Vì Tình Bốp nó hay làm căng thẳng, mà tính mày lại dễ căng thẳng. Hai, nên tăng tin bớt ngờ. Mày có bảo, tao bị công an mua chuộc, cũng được. Mua chuộc tao, để làm gì. Hơn trăm thằng ngụy ở mạn này, bây giờ thằng xiclô, thằng thợ hàn thợ gò, thằng thợ giặt, thằng thợ hát như tao, thằng nấu phở như thằng Ngỡi, thằng công nhân nhà nước như thằng Chắt, thằng đánh máy, thằng cơ quan. Thằng nào muốn làm ăn tử tế, đều được cộng sản giúp đỡ. Vì cộng sản quí nhất lao động. Thằng nào phản động, như thằng Hoóng, mới bị trừng trị. Mày nên nghĩ giản dị như thế”.

Tác giả: