Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Buổi đêm. Trên đường về tôi nhớ lại trò mách lẻo của thằng Ngỡi. Nó kể chuyện thằng Hoóng quan hai biệt kích, không di tản mà ở lại Hà Nội. Dân phố nghi thằng này đã cho đồng bọn đốt nhà, và ném gạch vào các buổi đêm. Nó cặp kè với một phụ nữ, rồi cặp luôn với cô con gái. Nó cưới cô con, nhưng vẫn tiếp tục đi lại với cô mẹ. Thế là hai mẹ con đánh ghen nhau, để chia nhau cái tuổi 26 của nó. Cô con đi xiclô rình cô mẹ. Cô con thuê du côn, toàn bộ giới tính nữ, để đánh xé cô mẹ, cho tan tành luôn góc phố Hàng Đào. Nhưng cô mẹ cũng cao tay: mỗi lần thằng Hoóng được thả về cho cô con, thì nó đã bị cô mẹ rút hết tủy rồi. Phải hàng tuần sau, cô con mới vỗ cho thằng Hoóng ngóc ngách được một tị. Cô mẹ lại tìm cách bắt cóc thằng Hoóng đi. Cô con trẻ hơn xinh hơn, nhưng lại kém nghề hơn cô mẹ. Hai mẹ con cô mà đi với nhau, thì cứ hồn nhiên như hai chị em.

Buổi đêm. Chưa biết, tôi có bất hợp tác với cộng sản không, vừa về đến nhà 11 giờ, đã bị luôn em Cốm bất hợp tác. Cốm nằm im lặng, mặt quay vào tường. Tôi lật người Cốm lại. Cốm hất tay ra, rồi lại quay vào tường. Đít chổng vào mặt tôi, căng tròn như cái bệ nảy. Tôi vỗ một cái mạnh, thấy bệ nảy ra bệ nảy. Cốm quay phắt ra, nói: “Anh đàn đúm rượu chè, đang lúc thế này, anh không giữ gìn gì cả. Anh đi từ 5 giờ chiều, bây giờ 11 giờ mới về”. Không nói gì, tôi ngồi xuống giường. Cốm tiếp tục rầy la. Tôi phớt lờ. Tôi vuốt ve Cốm, theo kiểu làm lành. Thoạt đầu là vuốt tóc, sau đó là vuốt vai, sau đó là tay, và những bộ phận lịch sự của Cốm. Rồi cứ như bị nhỡ tay, tôi sang những bộ phận khác, lịch-sự-vừa-vừa và sau đó, ở những chỗ không-lịch-sự-chút-nào. Cốm gạt tay tôi. Cốm nói: “Tôi lấy làm lạ cho anh. Mẹ dặn thế nào. Tôi lên mách mẹ, cho xem. Anh có định làm ăn tu tỉnh không? Từ tối đến giờ, gạch đá lại ném lộp bộp, trong xóm. Người ta nghi ngờ, mà các anh tụ tập nhau đánh chén”. Tôi nói: “Iên trí. Mình không làm gì ám muội. Ai nghi mặc họ. Vả lại anh đã kiếm được việc làm rồi”. Cốm vội hỏi: “Anh tìm được việc gì, mà nhanh thế?” Tôi nói: “Chơi mấy hôm cho chán. Rồi anh đi câu nhái”. Cốm tức thì tru tréo: “Ôi dào. Tưởng gì. Hóa ra đi câu ếch câu nhái. Trai trẻ như anh, biết lái tàu bò, thì phải biết lái ôtô, sao anh không xin đi lái ôtô? Có phải có cái nghề tử tế, vợ con mát mặt, mà anh cũng được tiếng tốt. Anh lên khu phố xin việc, làm gì chẳng được. Đi câu nhái, phố xóm còn coi anh ra gì?” Tôi cáu. Tôi gắt: “Ngủ mơ đây à? Hủi như tôi, ai cho việc mà xin. Đừng làm tôi cáu. Khu phố của cô to nhỉ. Cô có ngủ mơ, thì cứ mơ, đừng bắt tôi mơ ngủ theo”. Cốm nói: “Tối nay anh trốn đi họp. Anh chưa biết, nên tôi thông báo lại”. Tôi nói: “Không cần”. Nói rồi, tôi chớp mắt mấy chục cái liền, để bao nhiêu hiện tại, theo nhau rơi hết vào quá khứ. Tôi chóp mắt mãi, mà chưa xong. Thế là lại một thử nghiệm dang dở về thời gian.

Buổi sáng. Hôm nay là mồng ba tiếp quản. Chắt đến rủ đi câu nhái. Nhìn sân và ngõ còn ngậm sương, tôi khất nó vài ngày nữa. Vả lại tôi chưa kịp sắm đồ câu. Chắt tự đi một mình. Tôi hút thuốc và pha càphê, như thường lệ. Sau khi ăn sáng, tôi đọc sách trinh thám. Đọc chán tôi ra phố, cũng như thường lệ. Rồi đi sắm đồ câu nhái. Tôi mua cần dài, để câu ếch, cần ngắn, để câu nhái. Tôi mua giỏ, vợt, chì, và dây. Về nhà, xếp tất cả vào một chỗ, rồi huýt sáo một bài nhạc vui. Huýt sáo xong, tôi xem anbom con lợn. Rồi dán thêm vào anbom, mấy pô tả chân em Cốm, tôi chụp hôm qua. Ảnh hơi nhòe vì động, nhưng càng lung linh. Xem xong ảnh tôi ngồi, nhìn ra ngoài vườn. Sau đó, cất anbom vào tủ. Tôi nằm khườn đọc sách trinh thám.

Cuốn truyện rùng rợn tôi đọc, cả buổi chiều. Cả buổi chiều ít nắng, và rét, tôi đắp chăn, nằm cạnh cửa sổ. Thỉnh thoảng tôi ngừng đọc, để nhòm ra ngoài. Vườn trút lá từng chặp. Qua vườn là xóm trong. Có nhiều bóng người, đi lại thấp thoáng. Thỉnh thoảng tôi để sách một bên, nhưng không nhòm ra ngoài, mà chỉ muốn nghe tiếng chân, tiếng ngưòi léo xéo, của phố xóm, xa xa vọng đến. Cuốn sách trinh thám, chương nào cũng có người chết. Có gián điệp cài bẫy gián điệp. Có cái cửa sổ, trông ra phong cảnh, hệt như cửa sổ buồng tôi. Có Phòng Nhì Pháp, có Giettapô Đức, có Anhtenlidang xecvit Anh, có Guypêu Nga, FBI của Mĩ, trộn vào nhau, thành một thế giới đẫm máu, dối trá và mưu mẹo suốt ngày đêm. Thế giới này di chuyển, từ hòa bình sang chiến tranh, rồi lại quay về hòa bình. Nhưng không bao giờ iên ổn. Con người trên mặt trận bí mật này, không ngưng chuẩn bị rút súng.

Tôi không rõ cuộc chiến trong sách, và cuộc chiến tôi vừa trải qua, có gì khác nhau. Và hòa bình nữa, hòa bình trên thế giới, và hòa bình ở nước tôi, có gì giống nhau. Tôi nghĩ, tới Macxen, và nhất là tới cô chị Lily đi tiễn nhân tình xuống Hải Phòng. Tôi nghĩ, ngày hôm qua và ngày hôm nay, là chiến tranh chuyển sang hòa bình. Chỉ vài tiếng đồng hồ, mà số phận và nhiệm vụ của hàng triệu con người thay đổi hẳn. Tôi nghĩ tới một cuộc chiến, có lẽ đang bắt đầu, bên trong hòa bình tuổi mới 3 ngày, bên trong những tiếng động, của một buổi chiều bình thường, như thế này. Chiến tranh và hòa bình, nằm kề nhau như đêm nằm sát ngày. Ban ngày khu phố vẫn yên bình. Nhưng buổi đêm, nhà cháy, đá ném vung vãi, khắp nơi, và khẩu hiệu viết tràn ngập các hố xí công cộng. Hòa bình và chiến tranh là như thế, nhưng cả hai đều mới chỉ bắt đầu. Tôi đợi, một cơn bão chưa lên.

Buổi tối. Tôi lại rúc mắt vào cuốn truyện. Khí lạnh mùa đông lọt vào buồng. Ngọn đèn đầu giường chụp nilông đen, thả vừa đủ cho trang sách, còn tường và trần nhà tất cả đều lờ mờ. Không nhìn thấy gì, ngoài cửa sổ nữa. Phố, xóm, ngõ, toàn bộ tối đen. Cái gì cũng như cố tình, cho câu chuyện thêm thú vị. Tôi đọc đến đoạn một nữ Giettapô trẻ xinh, đang quyến rũ lên giường một anh lính thủy Mĩ, được miêu tả 100% chân thực. Phải nói là rất xúc động. Vậy mà cuối chương, hóa ra là không phải như thế: chỉ là một buổi diễn tập của trường đào tạo gián điệp. Vậy mà cô nữ Giettapô đã phải làm đầy đủ mọi động tác, xâm chiếm thân thể anh lính thủy. Từ bộ phận này, đến bộ phận khác. Từ màn dạo đầu. Đến khúc cuối cùng. Từ buồng máy. Đến buồng ngủ. Từ lúc cả hai còn nguyên vẹn quần áo. Đến khi chẳng còn tí vải nào trên người. Hoàn toàn lõa lồ, và cuồng nhiệt. Hoàn toàn công khai. Kể cả những rên rỉ, nằm sâu trong cổ họng, vì khoái lạc. Trước các nữ sinh, và bà giám đốc đào tạo. Đồng hồ dạ quang của tôi chỉ 7 giờ kém 5, là lúc tôi rạo rực đậy tìm Cốm. Cốm đã rửa bát xong, đang tắm. Tôi xuống buồng tắm. Ánh điện bên trong lọt ra, lẫn khói nước nóng. Tôi ẩy cửa. Em Cốm giãy nảy. Tôi thò tay qua kẽ hở, đẩy cái then cài. I như trong thánh kinh: tôi đột nhập buồng tắm.

Tháng bảy 1965. Chị Hòa kể: tôi là nhân viên, ban bảo vệ khu phố, từ 11 năm nay, cho nên chuyện gì tôi cũng phải nhớ. Một tối chính xác, cuối mùa thu năm 1954, tôi đang băm bèo lợn, còn 5 phút nữa xong, thì nghe đoàng một cái. Mẹ chồng tôi trong bếp, chạy ra hỏi: “Con có nghe thấy gì không? Mẹ nghe như tiếng súng”. Tôi nói: “Pháo nổ đấy mẹ ạ”. Mẹ tôi nói: “Súng nổ, ở phía vườn nhà thằng Dưỡng tàu bò. Con chạy ra xem sao”. Tôi nghe nhời mẹ chồng, vội rửa tay, không kịp sửa tóc, cứ thế chạy ra ngõ. Tôi chạy về tiếng nổ bất thường. Ngõ tối, không một bóng người. Được 300 bước, chính xác chỗ vườn nhà cậu Dưỡng, tôi vấp phải chiếc xe đạp, nằm coòng queo giữa ngõ. Trong nhà cậu Dưỡng có tiếng đàn ông lao xao. Tôi liền đi tắt qua vườn vào sân, ngắn hơn được 30 bước, nếu vòng qua cổng. Bác Mẫn và ông Trung trố đang đứng cạnh bể nước. Ông Trung trố quát to: “Trong nhà có ai không? Đi đâu cả rồi? Vợ chồng Dưỡng đâu rồi?” Không có tiếng trả lời, nhà trên điện sáng, cửa mở tanh bành, nhưng không một bóng người. Dưới nhà

tắm có ánh đèn, và hơi khói bốc ra, trong có tiếng lục sục một chút. Bác Mẫn tức thì xông đến, ẩy cửa nhà tắm thình lình. Có tiếng rú trong nhà tắm, tôi nhận ra tiếng cô Trinh. Cửa nhà tắm mở ra, để lộ hai thân thể lõa lồ, là hai vợ chồng cậu Dưỡng, tắm chung trong ấy. “Nỡm!” Bác Mẫn thốt ra một tiếng, đóng ập cửa nhà tắm lại, và đứng ngoài quát: “Mau, ra ngay! Ra ngay! Có tiếng súng nổ từ nhà này. Ra ngay! Mau!” Chỉ trong 5 giây ngắn gọn, tôi vô tình nhìn thấy toàn bộ hai thân thể hồng hào của hai vợ chồng, họ có vẻ cao lớn hơn lúc mặc quần áo, nên tôi xấu hổ quá, đỏ hết cả mặt, may mà tối trời chẳng ai để í. Vừa lúc ấy có tiếng chân chạy xộc từ vườn sau ra sân trước. Ba chúng tôi cùng quay lại, thấy một anh bộ đội bốn túi. Ông Trung trố hỏi: “Anh là ai?” Anh bộ đội hỏi lại: “Ông là ai?” và quay sang tôi anh hỏi: “Chị là ai?” Tôi nói: “Chúng tôi là bảo vệ khu phố. Đây là bác Mẫn trưởng ban. Đây là ông Trung tr… (suýt nữa thì tôi nói thành ông Trung trố) là phó ban. Thế anh là ai?” Anh bộ đội nói: “Tôi cần gặp chính quyền khu phố. Tôi bị kẻ gian ám sát trượt. Tôi đang tìm đến nhà chị Hòa. Tôi vào nhầm ba bốn ngõ. Vừa đến chỗ kia tôi bị một phát súng, từ vườn này bắn ra. Nhưng bắn trượt. Tôi liền vứt xe lại, xông ngay vào vườn. Tôi còn thấy một bóng đen lao qua các gốc cây. Nó có vẻ thông thuộc đường lối: nó chạy mà không hề bị vấp. Tôi lúng túng mãi mới ra khỏi vườn, vì bị vướng cây. Ra đến ngoài, nó đã biến mất. Tôi tìm loanh quanh một lúc, tức quá. Tiếc là không mang súng theo, để nó chạy thoát.” Vừa lúc ấy, vợ chồng cậu Dưỡng lóp ngóp ở nhà tắm ra. Anh chồng đi trước mặt phớt lạnh. Cô vợ theo sau bẽn lẽn. Tôi không dám nhìn mặt họ, vì xấu hổ quá. Nhưng tôi vẫn nhớ, chính xác thế này:  ông Trung trố đi theo hai vợ chồng cậu Dưỡng, bác Mẫn làm việc với anh bộ đội ngay tại góc sân. Đúng 10 phút sau, anh bộ đội bước đến gần tôi và nói: “Vậy chị là chị Hòa nhỉ. Tôi với chồng chị cùng nằm bệnh viện nên quen nhau. Ngày tôi ra viện, anh nhờ tôi chuyển thư cho chị. Hôm nay tôi vào tìm chị, nhưng bây giờ muộn quá rồi. Đáng lí tôi phải giải thích… để chị rõ. Bây giờ tôi xin phép, phải đi ngay. Chủ nhật, sáng chủ nhật chị có nhà không? Tôi sẽ đến nói chuyện với chị”. Tôi cầm bức thư trong tay, bàng hoàng biết có chuyện gì không hay, quên cả chào anh bộ đội lúc đó đã đi xa. Ngoài cổng, người lớn và trẻ con bắt đầu kéo đến, họ đứng ngập cổng nhà Dưỡng. Cất vội lá thư vào túi áo, và ra cổng giữ trật tự. Tôi nói bà con nên giải tán về nhà, nhưng vô ích. Mấy lần tôi phải kể lại đầu đuôi sự việc, và trả lời những câu hỏi khó trả lời. Ngõ tối và rét. Lúc nào chợt nhớ, đến hai thân thể lõa lồ trong buồng tắm, tôi lại xấu hổ. Lúc nào chợt nhớ, đến lá thư chồng chưa kịp đọc, còn trong túi áo, tôi lại thấy có cái gì, nhoi nhói trong lòng.

Tác giả: