Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Tiểu thuyết: Cuộc đời ngoài cửa

Tác giả: Nguyễn Danh Lam

1

Cái quán đã ở đó, mấy mươi năm trời xa ngái, từ ngày ông mới về trường. Hai gốc xoài cổ thụ dưới vườn thực vật vươn lên, che xanh tầm nhìn từ những ô cửa sổ hướng ra phía đường chân trời. Đám dây leo dại phủ đầy mấy góc tường. Lũ học trò phá ranh giới giữa trường và phố bằng những lỗ thủng nhỏ, tranh thủ lúc vắng thầy chui ra quán hút thuốc lá trộm. Khi mấy đứa bạn đứng trên cửa sổ đưa tay vẫy, chúng lại nhớn nhác ùa về. Ông bà chủ bày mấy cái bàn, bán kem cây, chè, nước ngọt. Sau phát triển bán cả đồ ăn. Cách đây mươi năm, bia hơi, bia chai, lai rai chiếm chỗ mỗi buổi chiều.

Thuở túng thiếu, ông thường ký sổ bà chủ vài gói thuốc, có lương trả. Khi quán nâng tầm bia bọt, rảnh rang ông vẫn cùng đồng nghiệp ghé lại cụng ly mỗi chiều. Quán nhậu gần trường, đôi lần bị nhắc nhở. Chẳng biết ông bà chủ xoay xở thế nào, vẫn kinh doanh dìu dặt. Tuy vậy, nó không hề ồn ã. Số lượng bàn ít, những góc khuất êm đềm, dịu bóng cây xanh. Khách nhậu cũng rì rầm, nhỏ nhẹ, vài kẻ trầm ngâm. Ra đi, đôi lúc ông nhớ cái góc ngồi nơi đáy quán hơn nhớ cả bục giảng, sân trường.

Thêm nửa ngày vần vô lăng, hòa vào dòng xe trên phố, qua mấy cái bùng binh nghẹt người, tay lái ông có vẻ đã ổn. Côn, ga, số nhịp nhàng, tự tin. Gã bạn bảo:

– Kiếm cái quán, tao với này tranh thủ ngồi. Chẳng còn mấy ngày nữa để gần nhau. Ngồi ít thôi, tao còn bận việc khác.

– Hay về lại quán trường? Có cái hốc, đậu được xe.

– Sao mày nói, ngại quay lại chỗ ấy?

– Thì cũng chỉ còn lần này.

– Bao lâu rồi chưa ghé?

– Từ trước khi chuyện xảy ra. Đúng như mày nói, tao ngại. Nhưng thôi, coi như ghé chào từ biệt một nơi chốn thân quen.

Ông chủ quán tỏ vẻ bất ngờ, hớn hở khi thấy hai ông tìm lại góc cũ. Họ biết nhau cũng từ những ngày xa xôi ấy. Cái gã hom hem, thất nghiệp, quay quắt mánh mung, giờ có phần hơi quá đầy đặn, viên mãn.

– Hai thầy lâu lắm không thấy ghé?

– Tụi tôi nghỉ hết rồi còn đâu.

– Hưu à?

– Chưa, nhưng tự cho mình hưu – Gã bạn xếp ghế cạnh ông – Mấy món ruột cũ, còn đó chứ?

– Còn, dù có lên nhà hàng đặc sản, tui vẫn giữ mấy món đó.

– Vậy cho mấy món đó đi.

Gã bạn nâng ly sau khi ông chủ đi khuất.

– Nào, chúc mày có một hành trình bình an. Tìm thấy những gì đáng ra cuộc đời phải thấy.

– Có lẽ tao phải dợt thêm kha khá nữa đã.

– Mày cứ chạy, vài trăm cây số rồi cũng quen. Nhưng dù gì, đây cũng là một hành trình liều lĩnh.

– Kệ nó đi, mấy chục năm trời dạy học, như mày biết đó, tao mới chỉ đi tham quan cùng trường đúng hai lần. Một lần biển, một lần núi. Còn riêng mình, chưa bao giờ ra khỏi thành phố quá trăm cây.

– Mày nói thiệt hay giỡn chơi?

– Thì mày thấy đó, đi làm sao được mà đi? Chín tháng mỗi năm, cắm mặt vào giáo án, bục giảng, lo dạy thêm dạy bớt. Hè cũng tiền đâu để du lịch, dã ngoại. Có lẽ cũng vì vậy, đến một ngày mọi thứ mới nát ra.

– Vậy thì đúng mày phải đi rồi.

– Cũng buồn. Bằng tuổi này rồi, coi như lại lẫm đẫm tập đi. Cả đời, ngoài việc đứng trên bục giảng, dạy học trò, làm mấy bài thơ, tao chẳng có bất kỳ kỹ năng sống nào khác.

– Thôi, dẹp vụ đó qua bên đi. Hãy bắt đầu hành trình này. Khi trở về, tao nghĩ mày sẽ ngộ ra nhiều thứ, để có một tương lai khác.

– Tao cũng chưa biết ra sao. Ngay cả cái hành trình này cũng thế. Coi như đánh cược rồi. Sau đó là gì, tao không biết. Nhưng cứ phải đi. Đi để bắt đầu lại. Để học cách sống cuộc sống của mình. Sau mấy mươi năm trời coi như mất trắng.

Ông đặt ly bia, ngước ngoài cửa quán. Phố xá nhạt nhòa. Mấy mảng tường cũ kỹ rêu phong. Hồn nao nao từ mỗi làn hơi ẩm mốc. Kỷ niệm khiến ông rùng mình, nhưng phải đối mặt. Đối mặt một lần này, trước khi trả tất cả trở về số không.

Gã bạn trầm ngâm trong trạng thái sẻ chia. Thuở hai đứa mới về trường, cùng một lứa tốt nghiệp, nhưng khác khoa. Đứa nào cũng tóc xanh, kính trắng, hao hóp mà lạc quan. Ông dạy văn, gã ngoại ngữ. Cái môn của gã chẳng mấy hợp thời khi ấy. Ông ngược lại, dù gì cũng nhất toán nhì văn, sớm lên chủ nhiệm. Lại thêm tài lẻ làm thơ, dăm ba người biết tiếng.

Thời thế đổi thay. Gã bạn nằm trong số ít những người có thể dạy thêm ngày mấy buổi. Cái lớp khởi đầu trên gác xép, về sau phát triển thành trung tâm ngoại ngữ. Lần hồi có vốn, gã đầu tư nhiều dự án khác. Mua nhà, sắm xe hơi. Vợ con đề huề, viên mãn. Ông ngược lại, hụt hơi, trượt dần vào một cái hố sâu không đáy. Cho đến khi mọi thứ tan tành.

Trường tổ chức học, thi tập thể, ông có bằng lái xe bốn bánh đã mấy năm. Cũng theo với người ta, dù chẳng biết bao giờ mới được sở hữu một cái xe. Ngày đó tới sớm hơn dự kiến. Nhưng không phải một dịp trọng đại đầy nao nức như bao kẻ khác.

Ông bóc gói thuốc, mồi một điếu mới.

– Thú thực, tao vẫn ngại. Mày lấy giá cái xe như thế, có rẻ quá không đó?

– Tao dân kinh doanh. Mày đâu phải dạy tao vụ tiền bạc. Cái xe hồi đó tao mua, tưởng để gia đình du ngoạn đó đây, nhưng rồi lao đầu vào kiếm tiền. Khi đã lao vào tiền, nó sẽ kéo mày đi, chứ chẳng phải mày kéo nó. Muốn có dăm bảy ngày rảnh rang, để cùng cả nhà đi chơi một chuyến cũng chẳng hề dễ đâu. Thời gian một phần, chủ yếu cái đầu cứ rối tung lên. Rồi đám con cái tụi nó lớn, đi chơi cùng ba mẹ chẳng khác chi cực hình. Mấy năm nay tao toàn chạy quanh trong phố, cái xe việt dã bảy chỗ chẳng hạp chút nào.

– Ừ, có lẽ nó hạp với tao hơn trong chuyến đi này.

– Mày cứ an tâm cầm lái, bao giờ chán thì về. Tao thâu lại cho mày cũng được. Giấy tờ đã sang tên đâu. Cái xe gầm cao, máy dầu, chưa khi nào hỏng hóc, tao đảm bảo mày thả sức vi vu, không mấy tốn kém. Nếu dọc đường có gì khó khăn, mày cứ gọi, tao sẽ làm hậu phương cho mày.

– Mày đổi đời, nhưng chưa bao giờ sống khác. Tao biết ơn mày.

– Khách khí lắm chuyện. Dù gì đi nữa, cái quãng đời đẹp nhất của tao vẫn là những ngày khốn nạn khi ở tập thể cùng mày. Mà kể ra cũng chưa nói trước được điều gì, cuộc đời khó lường lắm. Mày chẳng nắm được nó trong tay của mày đâu. Càng tưởng đâu viên mãn, càng hóa ra bất an.

– Ừ, cái thời ấy kể cũng hay. Nhưng qua ký ức, nó lung linh vậy thôi. Tuổi trẻ mà.

Ông chủ quán lại sà vào bàn.

– Thầy lên xe hơi bao giờ thế?

– Của ông này nhượng lại tôi đó.

– Hai thầy nghỉ dạy, cũng lâu lâu ghé, anh em còn gặp nhau chứ?

– Hai tôi đều ở xa trường, nên cũng ít có dịp.

– Hai thầy giờ làm gì?

– Ông này kinh doanh, còn tôi… thất nghiệp.

– Thầy nói giỡn, thất nghiệp mà lên xe hơi? – Đột nhiên ông chủ quán thở dài – Dù gì các thầy bỏ dạy cũng phải. Trường lớp giờ chán lắm. Học trò hình như ngày càng bất cần đời. Đánh lộn thường xuyên. Kỳ rồi, tụi nó mới xách dao vô lụi nhau tại lớp đó. Chết thẳng cẳng, thiệt kinh hoàng.

Ông nghe như có luồng điện tê rần chạy ngang da mặt.

– Lớp tôi đó ông ạ. Sau vụ ấy, cùng vài việc khác, tôi nghỉ vì sốc nặng.

Ông chủ quán bối rối.

– Thiệt tình mình cũng bất lực thôi thầy ạ. Còn bao thứ tác động tụi nó. Tui chẳng hiểu sao ngày nào cũng nghe nói tụi nó đánh nhau. Con gái còn bạo lực hơn cả con trai. Chỉ riêng việc học hành là xuống. Mình ở sát trường, mọi thứ cứ đập vô mặt hằng ngày. Vậy mà riết rồi cũng thành quen. Coi như chẳng có gì xảy ra.

Thôi, bỏ qua mấy vụ nặng nề đi – Gã bạn nâng ly – Ông vô với tụi tôi một ly. Ông này sắp đi xa. Có lẽ còn lâu mới gặp lại.

Thầy xuất cảnh hả thầy?

Không, tôi đi lòng vòng trong nước mình thôi. Dạy người ta chẳng tới đâu, giờ coi như đi học. Học qua thực tế. Lý thuyết đầy đầu vứt hết đi rồi.

Ông chủ quán nâng ly, uống cạn, xin phép lo công việc trong ngoài. Nhìn cái bóng gù gù chỉ trỏ chỗ này chỗ kia, thêm một vệt hồi ức lướt qua ông.

Mình già hết cả đám rồi mày ạ.

Già thì già, quan trọng mày đừng bi quan. Song cũng mới chừng này tuổi chứ mấy. Ngày xưa tam thập nhi lập, giờ nhiều kẻ sáu mươi, bảy mươi bỗng nhiên mất trắng, làm lại từ đầu cũng không hiếm. Mày không phải làm lại từ đầu, mà lật sang một trang khác thôi. Giữa mày và tao lúc này, chưa hẳn thằng nào đã an nhiên hơn.

Mày lại giỡn.

Giỡn gì. Thử hỏi đến bao giờ tao mới được một mình cầm lái cái xe đi khắp nơi, chẳng vướng bận chuyện kiếm tiền, vợ con?

Tao có chọn đâu, tình thế nó đẩy mình tới cái chỗ an nhiên thế đấy.

Thì cuộc đời tao lúc này cũng là tình thế vậy thôi. Bỗng nhiên phải lo cày cục ăn làm, kiếm tiền. Rồi bị nhốt vào cái cuộc kiếm tiền ấy. Muốn dừng lại không được.

Tại sao dừng lại không được? Tất cả do mày mà?

Mày không hiểu được đâu. Những cái sâu thẳm trong chuyện làm ăn nói ra dài lắm. Đầy khúc mắc, dễ đụng chạm. Với đầu óc một thằng dạy văn suốt mấy chục năm như mày, tao có nhét vô đó đôi ba ý nhỏ, nó cũng sẽ dội ra thôi. Cứ lo mà thanh thản, bồng bềnh đi.

Thanh thản thế nào được mà thanh thản…

Ông đang định cự, gã bạn đã gạt ngang.

Thôi, bữa nay uống bấy nhiêu được rồi. Tao đưa về, chắc mày chưa quen xe. Tao còn công chuyện nữa.

Giờ này mà còn công chuyện?

Thì vậy đó. Đã bảo làm ăn mà. Đôi khi rạng ngày mày còn phải tông cửa… chạy trốn không chừng.

Thôi được rồi. Mày quẳng giùm tao cái xe ra bãi đậu. Sau đó tao sẽ phải mua thêm ít lon, về ngồi một mình. Chưa say vật ra, chưa thể nào ngủ được. Mấy tháng nay nó cứ như vậy rồi.

Bãi gửi xe nằm kề sân vận động, cách phòng trọ ông thuê vài trăm mét. Hàng cổ thụ ù ù gió, những mảng hè phố nhấp nhô cao thấp, vài vệt đèn nhòe nhoẹt. Đám chuột cống khổng lồ, chạy lúi chúi, như muốn va vào những bước chân khập khễnh của ông. Bao ngày nay, một quỹ đạo ấy mỗi đêm về. Vẫn chưa sao quen được mùi cô độc. Mà có lẽ sẽ còn nhiều tháng, nhiều năm, ký ức vẫn quật lên, đủ để ông so sánh giữa hai hoàn cảnh xưa nay. Đau thấu tận tâm can, với những ê chề mất mát.

Ông thả cái bịch đựng mấy lon bia xuống chân, xòe tay che gió, mồi một điếu thuốc. Từ bóng tối phía hốc tường bỗng vẳng ra một giọng nữ hơi khàn:

Anh ơi, cho em xin điếu thuốc được không?