Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Phản xạ, ông giật mình tính chạy, nhưng lập tức nghĩ, mình có gì để mất. Từ ngày ra phòng trọ, ông chẳng bao giờ giắt theo quá nhiều tiền mặt trong người. Cái bóp mỏng dính, vài mẩu giấy tờ đủ để người ta báo lại vợ con, nếu chẳng may gục giữa đường giữa chợ. Song ông vẫn làm bộ không nghe lời đề nghị kia, cúi xuống lượm cái bịch, lại lảo đảo bước.

Tiếng nói khi nãy đã hiện thành một cái bóng, cắt ngang lối ông đi.

Em thèm thuốc quá, nhưng hết mất rồi. Anh cho em xin một điếu, thiệt tình mà.

Ông nghe một mùi hương ôi ả, pha giữa dầu thơm và nước đái khô quanh đó. Móc gói thuốc từ túi quần, ông chìa về phía cô gái.

Cô giữ hết mà hút.

Cảm ơn anh. Em xin một điếu được rồi. À, anh cho em mượn quẹt luôn với.

Ông bật quẹt, chìa về phía cô gái, khi điếu thuốc đã được gắn lên môi cô. Trong vệt sáng nhòe lên run rẩy, ông thấy một lớp son đỏ bệt, chu tròn quanh cái đầu lọc, hàng mi chải mascara rợp xuống. Nao trong đáy ngực, ông ngẩn ra mất vài giây. Đàn bà. Ông đã xa cuộc ân ái cuối cùng bao lâu rồi chẳng nhớ. Hơn thế, đó là một vòng tay, một mùi hương, một câu sẻ chia dịu ngọt. Lòng vốn đã mênh mông, càng trở nên se sắt, ông vội vã bước, như trốn chạy.

Cô gái vẫn rảo theo, song song ông.

Anh về một mình sao?

Không, nhà tôi gần đây.

Em để ý, đêm nào anh cũng về lối này. Tay lúc nào cũng xách bịch bia.

Ừ, tôi đi làm về khuya.

Anh muốn em đi cùng một lúc, cho đỡ buồn không?

Cảm ơn cô, nhưng tôi phải về. Có người đợi cửa. Tôi không theo cô được. – Ông lắp bắp như đứa học trò bịa bài.

Cô gái bước chậm lại phía sau.

Mai em vẫn đứng chỗ này. Có gì anh gọi em nha. Cảm ơn anh về điếu thuốc.

Cách rút lui khá chừng mực, câu cảm ơn được nhắc lại mấy lần, tự nhiên ông có chút cảm tình nào đó thoáng qua với cô gái. Nhưng đã thành phản xạ, cả cuộc đời ông, cho đến lúc này, chưa bao giờ gần gũi một cô gái như thế, dù chỉ vài mẩu đối thoại ít ỏi như mới vừa đây. Ông bước gấp gáp, thấy mình thở dốc. Qua hết đoạn bóng tối của bức tường sân vận động, da mặt ông tê rần. Nỗi chênh chao, mơ hồ như nuối tiếc, chảy hòa vào mạch đập cô đơn. Cho đến khi tra chìa vào ổ khóa phòng trọ, tay ông vẫn run bắn.

Căn phòng tối đen, lạnh lẽo hơi người, mang mang mùi ẩm mốc. Ông quờ quạng bật đèn, một lúc chưa lần ra công tắc.

Vật mình xuống chiếc giường xếp, vật dụng gần như duy nhất trong phòng, hình ảnh cô gái song song bước vẫn bám riết tâm trí ông.

Đám sinh viên kề vách đang đánh bài. Ngoài mấy tay xòe, lũ còn lại tán dóc, toàn chuyện đàn bà con gái. Tiếng cười ngả ngớn dội đều dãy nhà trọ thông thống. Mấy đêm trước, nghe chuyện tình dục của đám trai trẻ khát khao, ông chỉ nhếch cười một mình, tự dưng đêm nay, nó khiến ông chao chát. Không hẳn một nỗi thèm muốn xác thịt đơn thuần. Cái hiển hiện hoài trong ông là bóng dáng, tiếng nói, mùi hương. Mình đang quẫn trí chăng? Chắc số lượng cồn trong huyết quản chưa đủ sức khiến ông say vật.

Nhồi thêm hai lon nữa, bia nguội dần, nhưng ông vẫn gắng sức uống. Cái điện thoại rơi khỏi túi quần, văng thành mấy mảnh dưới nền phòng. Đột nhiên ông nhớ, mấy ngày nay con gái chẳng thấy gọi lại. Bóng dáng nó chợt hiện lên. Từ đứa trẻ, bất ngờ vụt lớn thành thiếu nữ. Đôi lúc ông còn chưa kịp thay thế cái phiên bản, với đôi mắt tròn to, mái tóc cột nơ ngúc ngoắc, thành cô gái cao dong dỏng trong hình dung của mình. Tuổi mới lớn của con gắn liền những ngày tháng đầy biến cố. Ông tuyệt vọng đối mặt cùng lương tâm, trách nhiệm. Nhưng tất cả như một vạt núi khổng lồ bất thần ập xuống, trong khoảnh khắc bão bùng. Đó là số phận, ông không thể nào gượng nổi.

Hai đứa con, sợi dây liên kết cuối cùng nối ông với đời sống hôm qua, bằng cuộc ra đi này cũng coi như cắt đứt. Nhưng nỗi đau sẽ không thể nào lành được, dù ông có hành trình sang hậu kiếp. Huống chi mọi thứ vẫn còn, chỉ sau những vòng bánh xe quay, cùng một cõi thế này.

Bia nguội, không mồi, vị khé trào ngang cổ họng. Ông phải ực càng nhanh càng tốt, cố tránh bị trào ngược. Chưa say đến mức mềm nhão linh hồn, đồng nghĩa ông còn lềnh bềnh, quay quắt. Ông tự nhủ, sẽ uống đến khi lên đường, sau đó thôi. Nếu trong quá trình cầm lái, ông còn chìm đắm như những ngày này, chẳng biết mọi thứ sẽ ra sao.

Bia cạn giọt cuối cùng, đầu ông vẫn rỗng tuếch. Ráng nằm sấp mặt, ông kéo tấm mền ngang lưng, phòng khi đêm nay nhiễm lạnh. Trúng gió trong hoàn cảnh này, hẳn nhiên vô cùng nguy hiểm. May mắn, giấc ngủ cũng sớm đến cùng ông.

2

Mấy tuần liền, ông đã có những chuyến đi một mình, với khoảng cách hơn trăm cây số về các tỉnh lân cận. Tay lái coi như ổn. Những vật dụng cần thiết cho hành trình, qua tư vấn của bạn bè, ông đã sắm đủ. Nhưng ngày khởi hành cứ bị đẩy lùi, lùi mãi. Nhiều hôm thức giấc, ông quyết định sáng mai xuất phát, nhưng khuya về, khi đảo tay lái qua những cung đường thành phố, một sức trì níu khủng khiếp cứ kéo ông lại. Cuộc đi đầy mạo hiểm, với trăm ngàn bất trắc rình chờ, ngày trở về mông lung quá. Biết mình có còn gặp lại bao hình ảnh nơi đây? Nhiều lần ông muốn gọi hai con, thu xếp một buổi gặp gỡ tiễn biệt ở đâu đó, nhưng ông sợ cái phút chia ly ấy. Phần hai đứa, đã biết tin ông sẽ có chuyến đi này từ lâu, chúng không tỏ rõ thái độ khuyến khích hay cản trở, nhưng những cuộc gọi cứ thưa dần.

Những cơn mưa cuối mùa ập về mỗi chiều đều đặn. Qua cửa kính xe, ông tránh nhìn thẳng những gương mặt bên đường phút tan tầm. Biết đâu sẽ là vầng trán nhòe mưa của con gái, hay ánh mắt lầm lụi của con trai.

Sau mấy chai bia như thường lệ, tay lái dẫn ông qua những nẻo đường xưa cũ. Mỗi ngã rẽ như đã được cấy sâu vào tiềm thức, thành phản xạ, vòng bánh xe cứ vậy lăn theo.

Gần chín giờ khuya, mưa ngớt. Ngoại ô ướt rượt, sắt se. Quá sớm để trở về phòng trọ. Một lần nữa, ông lại lạc hồn theo cái quỹ đạo đã bao năm trời quen thuộc. Tự nhiên ý muốn trở về, nhìn lại căn nhà cũ bỗng trỗi dậy trong ông. Đến để giã từ. Một lần này nữa.

Căn nhà vẫn sáng đèn. Chủ mới dọn về từ lâu. Ông tấp lại lề đường, tắt máy xe, hít sâu mấy hơi vào ngực.

Hai cánh cổng đã được thay mới. Bờ tường cũ cũng đã đổi màu sơn. Chỉ có gốc mận trước nhà vẫn còn đứng đó. Dù nó ngập chìm trong bóng tối, chỉ có bóng dáng lờ mờ, ông vẫn nhận ra vẻ thân thuộc. Gốc mận ấy chính ông trồng. Cây ra trái bói, cô háo hức rình chờ như một đứa trẻ. Khi trái mận ửng hồng, cô bầy dao, muối ớt trước hiên nhà như một nghi lễ trọng đại. Miếng mận đầu tiên đắng ngắt, khiến cô phải phì ra. Cô ôm ông cười rũ rượi. Một phần tư, hay một phần ba đời người còn lưu linh hồn trong đám lá kia. Hai đứa trẻ lớn dần dưới bóng râm tàn mận. Những nhịp võng trưa chiều. Những bức hình lưu niệm, chụp cả gia đình dưới gốc mận những ngày Tết lễ, giờ rã rời hay tản mát nơi nao?

Ông tiến thêm chút nữa về phía hai cánh cổng. Nhưng không có ý định xin chủ mới vào nhà. Giấc này tuy chưa khuya, nhưng cũng chẳng còn sớm nữa. Đột ngột, một tiếng chó hực lên, khiến ông lùi lại. Cậu khuyển đang xác định giang sơn của mình trước cựu chủ nhà. Ông không còn chỗ ở nơi này nữa.

Lùi lại, đủ một khoảng cách cho tiếng chó tắt hẳn, ông mồi một điếu thuốc, nhìn lên tàn lá đẫm đen. Cửa sổ phòng trên còn sáng. Nơi ấy, cái bàn kê lệch về một bên tránh mưa hắt thẳng. Bao năm, hàng ngàn trang giáo án, hàng trăm bài thơ ông đã viết trên vuông bàn cũ kỹ ấy. Những bài thơ tặng vợ, gửi con, ấm áp và da diết. Những bài thơ đã từng là niềm tự hào của ông, của cô, mỗi khi hiếm hoi chúng được xuất hiện trên mặt báo. Cô bỏ trong cặp xách đi làm, hãnh diện khoe cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Ông quen cô từ thuở hàn vi xơ xác. Gã thi sĩ dạy văn chỉ có mỗi cái quần tạm lành để mặc khi lên lớp. Hơn mười năm dạy học, chưa sắm nổi một chiếc xe đạp. Cái giường đơn trong khu tập thể chất đầy sách báo. Ngoài ra, gã chẳng còn thứ tài sản nào khác. Nhưng gã nổi danh, thu hút nhất trong số những giáo viên trẻ, chưa lập gia đình cùng trường. Cái thời vị thế của mỗi gã trai đồng hành vài tài lẻ, đàn, hát, làm thơ, vẽ báo tường. Thêm vẻ ngoài kiêu bạc, đẹp trai, gã khiến nhiều cô đắm đuối. Nhưng chỉ đến khi cô vào trường sau gã chục năm, gã mới giật mình yêu. Cô cùng chuyên ngành, cùng thần tượng thi ca, sách vở. Gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt trong veo, dáng người dong dỏng, vừa cổ điển vừa hiện đại. Hai người quen nhau như một lẽ tất yếu, trai tài gái sắc, dù tuổi tác chênh lệch khá nhiều so với chuẩn mực cùng thời.

Dòng hoài niệm khiến ông rung vai, bật khóc. Và cơn nức nở tràn lên, ông giật nảy hít hà như đứa trẻ. Nước mắt ướt đầy điếu thuốc. Ông biết, mình là gã đàn ông khóc nhiều nhất trong số những gã đàn ông hay khóc. Thôi, khóc nốt lần này, cho một hành trình mới, cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng của cuộc đời ông. Hãy tiến, tiến mãi về phía trước, cho đến khi những mét đường cuối cùng của dải đất này không còn cho ông lăn bánh.

Vệt đèn hắt ra từ ô cửa, loang dưới mặt đường, khuất nhòe sau gương chiếu hậu. Ông vẫn liên tục dùng cườm tay chùi mắt.

Đã mấy đêm, ông vòng sang mé kia con đường, tránh về ngang vị trí cô gái xin thuốc lá hôm nào. Bia vẫn được xách theo. Đám sinh viên kéo ra con hẻm trước dãy nhà, chuyền nhau điếu thuốc. Ông lách qua những ánh mắt đang dõi vào mình, khép vội cửa. Người đàn ông tóc ngả bạc, đơn độc trong khu nhà trọ có phần ô hợp này, dĩ nhiên phải gây sự tò mò, chú ý. Nếu biết, ông từng là thầy giáo, với mấy mươi năm trời đứng trên bục giảng, giờ lủi thủi nơi này, họ sẽ nghĩ gì?

Khép thêm cánh cửa sổ, ông ngồi trong bóng tối, định mở lon bia đầu. Bỗng có tiếng chuông báo tin nhắn từ điện thoại. Ông quờ tay ngó màn hình, người giật thót: Ba ơi, con muốn chết. Ông lập tức bấm số gọi lại. Một khoảng lặng dài vô tận. Và tiếng nấc mạnh:

Con không thể nào sống nổi nữa ba ơi.

Con đang ở đâu? Có chuyện gì xảy ra?

Con cũng chẳng biết nữa. À, ở trong quán cà phê.

Con cho ba địa chỉ. Ba sẽ tới ngay lập tức.

Ba tới làm gì?