Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Sáng nay ba làm sao vậy?

Có sao đâu con – Ông giật mình tỉnh thức.

Đêm qua con hơi khó ngủ.

Ông chột dạ.

Tại sao vậy con?

Mấy lần thức giấc, thấy ba chưa về, con cũng hơi sợ.

Ừ, tại ba… cũng buồn, ngồi… một mình nên uống hơi nhiều.

Quán ở đây họ cũng mở khuya vậy sao ba?

Không – Một lần nữa ông chột dạ, nhưng may mắn tìm được ngay câu ứng phó – Ba ngồi ở bờ biển. Mua bia ra đó ngồi.

Có chi đâu, nếu buồn, ba cứ uống. Con cũng quen ngủ một mình rồi. Chẳng qua ở chỗ lạ, cũng thấy ớn ớn.

Ông tìm cách chuyển hướng câu chuyện.

À, từ lần đó, mẹ còn gọi nữa không con?

Đúng như con dự đoán, không hề. Chắc lúc ấy mẹ khùng vậy thôi.

Con đừng nói về mẹ như thế.

Có gì đâu ba, bây giờ ai chẳng khùng. Con có một trăm đứa bạn, cả trăm đứa khùng hết trơn. Mỗi đứa khùng bởi một lý do khác nhau. Đứa gia đình. Đứa yêu đương nhăng nhít. Nhiều đứa khùng rất… mông lung, chẳng hiểu tại sao khùng. Trẻ khùng kiểu trẻ, già khùng kiểu già. Ba không thấy như thế à?

Ông nghe ớn lạnh. Một vệt hồi ức nháng lên. Cái khoảnh khắc hai đứa học trò lao thẳng vào nhau, giữa giờ chơi, ông đứng đầu cầu thang lầu trên, nhìn xuống lầu dưới. Tất cả như cứng lại. Và dãy hành lang đầy máu. Cái mùi tanh, khi đã đập vào tri giác bất kỳ ai, sẽ còn giật lên trong mỗi cơn mê hoảng đến suốt cả cuộc đời. Và hàng trăm ánh mắt trẻ măng, vừa mới lớn, đã lưu nó vào ký ức, trong buổi sáng kinh hoàng ấy. Bao nhiêu trang văn trừu tượng ông truyền đạt, vẽ vời, hoàn toàn vô nghĩa, chỉ sau một tích tắc sự thực hiển hiện. Ông không thể nào lý giải nổi. Hai đứa học trò hôm qua còn là bạn thân, sau nhát dao một đứa ra đi, một đứa vướng vòng lao lý và để lại sự khủng hoảng tinh thần cho hàng trăm kẻ khác. Chẳng lẽ phải lãnh đạm đưa ra một từ duy nhất: Khùng?

Xét riêng con gái, đôi lúc ông thấy nó ngây thơ, đơn giản đến độ nhợt nhạt, đôi lúc lại thấy nó già dặn, từng trải, tới mức chai lì. Đã bao ngày gặp lại, ý định hiểu hơn về con nơi ông gần như chẳng đem lại một kết quả nào. Ông đã từng mơ về nó, một giấc mơ đầy chất cổ điển. Cô bé mặc áo dài, những ngón tay trên hàng phím piano, một đêm Giáng sinh, ông cùng vợ ngồi bên ly rượu vang ngắm con… Và giờ nó đó, lênh đênh trên hành trình vô định cùng cha, gói gọn tất cả vào một chữ khùng.

Những cồn cát đầy nắng vẫn trải dài, song sắc xanh đã dần chiếm chỗ. Dải duyên hải bắt đầu được xen bởi những cánh đồng lúa nước, những ruộng muối, những làng mạc mang nhiều màu sắc thân thuộc hơn đối với ông.

Điện thoại của ông bất ngờ đổ chuông. Một số máy lạ. Ông vừa bấm phím nhận cuộc gọi, đã nghe đầu kia chát chúa.

Mày tới đâu rồi, có lên tao không?

Mấy lần ông “xin lỗi, anh là ai”, giọng nói bên kia vẫn cấp tập. Ông phải thét lên, nhắc lại:

Xin lỗi, anh là ai thế?

Mày quên tao rồi à, thằng chó chết? – Và gã xưng tên.

Ông lục tung trí nhớ. Lờ mờ nhận ra, hình như gã. Người ông gặp cách đây đã rất lâu, trong một hội nghị văn chương. Gã từ cao nguyên xuống, đem theo mấy thùng sách, liên miên ký tặng mọi người.

Tôi nhớ ông rồi.

Mày lái xe đi khắp thế giới phải không, tao vừa điện thoại nghe tụi nó nói.

Ông nói quá, lòng vòng trong nước chút thôi. Nhưng tôi đang chạy dưới này, ven biển, xa ông lắm.

Xa cái chó gì, mày quẹo trái, vượt đèo lên tao đi. Đã nói là đi khắp nơi, sao lại không lên núi? Lên đây, tao dẫn mày tới đâu cũng được. Tao là vua núi rừng mà.

Vậy à? Nhưng ông để tôi suy nghĩ.

Chẳng suy nghĩ cái chó gì cả. Mày tới đâu rồi?

Ông ước đoán lờ mờ, báo địa danh cho gã.

Chạy thêm gần trăm cây nữa, thấy cái ngã ba rất lớn bên trái. Hỏi tên con đèo rồi cứ hướng tây mà tiến cho tao.

Tôi đi cùng con gái. Ông cúp máy đi, để tôi tham khảo ý kiến nó cái đã. Rồi sẽ gọi ông sau.

Ý cái chó gì, vợ đã sợ, con cũng sợ nốt sao? Hồi đó mày từng hứa sẽ lên tao. Nếu chuyến này không lên, tao có dịp xuống đó sẽ bẻ cái cổ mày ra.

Vậy à. Quả thực tôi cũng chẳng còn nhớ nữa. Bao năm rồi còn gì.

Mày không nhớ tao, nhưng tao vẫn nhớ mày.

Ông buông máy, thần người. Xâu chuỗi những hình ảnh về gã, ông cũng chỉ nhớ thêm được vài chi tiết. Một tên ồn ào, chịu kết giao. Hội nghị năm ấy mới diễn ra nửa ngày, gã đã quen hầu như tất cả. Lãnh vực sáng tác cụ thể của gã, thật khó định vị. Trong những ấn phẩm của gã tặng ông lần ấy, truyện ngắn xen lẫn tùy bút, lâu lâu điểm một bài thơ, cuối cùng là phụ bản mấy ca khúc. Đặc biệt phần bìa, minh họa bên trong cũng là của gã.

– Ba có người bạn vừa mời mình lên cao nguyên chơi. Ý con thế nào?

Tùy ba thôi – Con gái ông gỡ một bên phone tai.

Giờ mình sẽ vượt một cái đèo. Thiệt tình ba chưa lái đường đèo bao giờ, nên cũng thấy hơi run.

Nếu ba muốn lên thì cứ lái chậm thôi.

Ừ, ba cũng muốn trải nghiệm. Đã có cuộc đi này, mình nên đi cho hết cho biết.

Con gái gật gật, không biết theo nhịp nhạc hay theo ý ông.

Mặt trời chiếu xiên trước mắt khi ông tiến vào chân đèo. Một rừng lau trắng mở ra. Thứ lau cao ngất, bản rộng, ngả rạp trong gió. Chiếc xe với những tiện nghi kỹ thuật, an toàn không mấy tân kỳ, khiến ông phải cẩn trọng gò tay lái, song mắt vẫn không thôi bị mê hoặc bởi cảnh vật ven đường. Tất cả đều hoang sơ, lộng lẫy đến choáng ngợp. Qua khỏi đoạn lau trắng, những trảng hoa vàng rực tiếp nối ở cao độ lớn hơn. Sắc hoa hòa trong sắc nắng chiều giữa khoảng giao mùa, khiến ông run rẩy.

Chắc mình phải dừng xe ngắm cảnh chút con ạ.

Con cũng muốn đi vệ sinh. Ba chạy liền mấy tiếng rồi.

Ông tìm một khoảng đất trống gần lề đường, phía trước có mũi đất nhô ra, chạy hút tới mép vực. Rừng chập chùng qua từng lớp không gian nhòa dần, nhòa dần đến vô biên. Chưa khi nào tầm nhìn của ông có thể hút xa từ một độ cao như vậy.

Đèo là đây, núi là đây. Đứng trong không gian này ông mới cảm nhận hết được vẻ mênh mông, kỳ vĩ của thiên nhiên cũng như sự nhỏ bé của con người.

Con gái ông đã đứng sau lưng, rút điện thoại bấm mấy kiểu ảnh.

Tối nay con dám ở lại đây không? Mình sẽ dựng cái lều, ngay chỗ này. Đốt một đống lửa và ăn tối – Ông phác ra một cảnh tượng đầy chất phim ảnh, cũng là mơ ước từ lâu.

Ở lại đây? – Con bé trợn mắt nhìn ông.

Con… lại sợ ma à?

Sợ người ấy chứ.

Ở đây làm gì có người hả con?

Ba hãy tưởng tượng một chiếc xe tải chạy đêm. Một gã tài, một gã lơ. Họ thấy cái lều ở đây và dừng xe… hỏi thăm. Chỉ có ba và con đơn độc. Nếu họ làm gì con, ba chống cự nổi không? Đó là chưa kể, họ siết cổ ba con mình, quăng luôn xuống vực, rồi lái cái xe đi. Như trong báo vẫn nói vậy đó.

Ừ nhỉ – Ông thần người.

Những lời cảnh báo đầy thực tế của con khiến ông hụt hẫng. Thiên nhiên kỳ vĩ, mê hồn, nhưng nỗi bất an ở đâu cũng vậy. Nó luôn rình rập, chẳng chịu buông tha để ông bay bổng lấy một ngày. Ông thở dài.

Buồn con nhỉ. Cảnh thì khác, nhưng người vẫn thế.

À, ba nói cái này con mới chợt nhớ. Hồi sáng nay con gặp một vụ… ớn lạnh.

Chuyện gì vậy con?

Khi ba còn ngủ, con dạo lòng vòng ra biển chơi trước khi ăn sáng. Đúng lúc tàu cá về. Họ chuyển cá lên bờ. Có một người đàn ông chân đi cà thọt, ra ngoài đó lượm mót cá. Rồi chẳng hiểu sao, hình như ổng ăn trộm một con cá. Thế là họ uýnh ổng, ngay mũi, máu không à. Chẳng ai can hết. Ổng bụm sống mũi bể, với cái áo rách đầy máu lết lên bờ, con nhìn muốn xỉu.

Trời ơi, ba tưởng người dân ở đó hiền lành lắm chứ?

Ai mà biết. Con thấy vậy đó. Ổng tàn tật, người ta vẫn uýnh ổng.

Chắc ổng… ăn trộm nhiều lần rồi?

Mấy cái tàu bự chảng, cá không. Ổng lấy một con, ăn nhằm gì.

Thế con… có đến an ủi ổng không?

Chi vậy ba? Con an ủi ổng, để người ta nghĩ con cũng như thằng ăn trộm sao. Nhìn thì tội vậy chớ cũng kệ ổng thôi. Phiền lắm.

Ông cảm thấy mụ mị. Cảnh vật trước mặt chợt nhuốm một làn khói xám. Chẳng biết thực hay hư. Ông thở dài.

Thôi mình đi tiếp. Từ đây đến chỗ bạn ba cũng còn cả hai trăm cây số. Đường lại đầy đèo dốc, lái hổng quen. Khéo chạy tới khuya mất. Rồi không biết có kịp để người ta đón mình không.

Trong ánh chiều, những ngôi nhà sàn loi lẻ vụt qua bên cửa xe. Ông thấy bóng mấy đứa trẻ lao từ nhà ra đường đứng dòm lên, nhập nhoạng và đen đúa. Đặc biệt, ông ấn tượng với những cặp mắt ngước nhìn ấy, dường như chúng long lanh hơn mắt những đứa trẻ bình thường nơi đô thị, nhưng pha trong đó là nét u ẩn và ngơ ngác lạ kỳ. Họ sống ra sao giữa chốn hoang vắng xa xôi này? Những kiếp dài nối mãi. Song, ông bần thần, cũng chẳng biết mình hạnh phúc hơn hay họ hạnh phúc hơn.

8

Đường phố đã vào khuya. Ông không nhận thấy sự khác biệt nhiều lắm giữa thành phố cao nguyên này với thành phố nơi ông sống. Nhà cửa, phố xá cùng một sắc đèn rờ rỡ. Dò đường một lúc, ông mới lần ra cái khách sạn gã bạn chỉ. Trước đó nửa giờ, gã lí nhí qua máy: Mày thông cảm, giờ này tao không đi được, cứ vào cái khách sạn này, nói tên tao. Mai tao đến kiếm sớm.

Mở cửa xe mua một gói thuốc, ông nghe gió thốc từng cơn. Thứ gió kỳ lạ, thổi triền miên, không giống gió của những cơn giông, cũng chẳng phải gió biển. Đây chính là sự khác biệt. Bụi quăng vào mặt ông những đám khô khốc. Không gian se lạnh, khá thú vị.

Khách sạn có vẻ nằm ở khu trung tâm. Ông nói tên gã bạn với cô nhân viên tiếp tân. Cô gái xinh đẹp lắc đầu cười.

Chú thông cảm, có lẽ ông chủ con biết, chứ con không biết chú ấy.

Ông ngớ ra, bối rối. Giá đừng đề cập gã có lẽ hay hơn. Ông nghe gã dặn nên hỏi cô, chứ thực sự chẳng có chủ đích gì. Chẳng hạn như việc giảm giá phòng, hay ưu tiên một vị trí tốt nào đó.