Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Ông đánh tiếng. Cái bóng giật nhoàng, quay lại. Đúng hắn. Ấn tượng đầu tiên của ông trước nhân diện ấy, hắn đã quá già và đen đúa đến quắt queo. Chỉ còn một ít dấu vết gã trai hào sảng xa xưa, nhưng phải thật thân thiết mới có thể nhận ra.

Người đàn ông nheo nheo cặp mắt dưới bóng hàng lông mày muối tiêu rậm rịt. Ông cầm tay bạn siết mạnh, ghé mặt lại gần mặt hắn.

Mày, mày hả? Tao đây.

Ai vậy?

Mày thiệt tình không nhớ tao sao? Tao đi kiếm mày. Mấy chục năm rồi. Hỏi hoài mới lần ra chỗ này đây.

Xin lỗi, tui không quen ai hết.

Vẻ lãnh đạm của người bạn khiến ông hẫng.

Không lẽ mày quên tao thiệt rồi sao?

Gã bạn gần như giằng tay ra khỏi tay ông, quay lại lặng lẽ khuấy một thứ gì đó trong chiếc nồi nhỏ trên bếp.

Ông thông cảm. Tui bị chứng mất trí nhớ. Tui chẳng quen ai đâu. Nếu biết tui thuở trước, hãy coi như tui đã chết rồi. Tui cần sống an ổn. Tui chẳng làm điều gì rắc rối cả.

Ông bàng hoàng, chưa biết xử trí ra sao. Bóng con gái đang lụi hụi bước lên những bậc đá cuối cùng. Dường như nó có phần hoảng hốt, khi cúi đầu luồn qua mái tranh để vào nhà. Tới lúc này ông mới để ý, có một thứ mùi quái đản lẫn trong không khí. Thêm sắc lửa bập bùng từ dưới bếp rọi lên, quang cảnh càng thêm vẻ rờn rợn xa cách.

Con gái ông chào gã. Đáp lại là sự im lặng. Sau khi quen mắt, ông nhận thấy trong nhà chỉ có chiếc sạp tre duy nhất, không hề có bóng dáng bàn ghế. Ông nghĩ ngay, cho dù người bạn có đón tiếp nhiệt tình, việc qua đêm ở chỗ này cũng hoàn toàn không ổn.

Gã bạn từ dưới bếp bước lên, tay cầm theo một cây đèn. Loại đèn thông phong xưa cũ, ám đầy muội đen.

Ông bối rối, đổi cách xưng hô.

Tôi là bạn cũ, từ hồi mới lớn của ông. Hai thằng đã từng có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng nếu ông quên, tôi cũng đành chịu vậy. Tôi chỉ ghé thăm ông, qua những thông tin từ gia đình ông. Giờ tôi xin phép xuống núi.

Cảm ơn ông, nếu ông còn nhớ tui là bạn ông. Nhưng tui sống một mình. Không dám phiền phức ai hết. Xin ông hiểu cho.

Xin lỗi, tôi cũng không lường trước được. Nên đã lên đây quấy rầy ông.

Gã bạn đột nhiên ngồi bệt xuống chiếc sạp tre, mắt nhìn xa xăm ra cửa. Ông không hiểu điều gì đang thực sự diễn ra trong tâm trí gã. Cái thuở xa xưa vời vợi ấy, mọi thứ náo loạn, rối bời. Hoàn cảnh mỗi con người bỗng nhiên thay đổi, đột ngột đến chóng mặt.

Bạn hả, bạn à?- Gã bất thần lẩm nhẩm. – Tui có ai làm bạn bao giờ đâu?

Ông lặng lẽ thở dài.

Thôi, tôi không quấy rầy ông nữa. Chúc ông sức khỏe. Tôi đi đây. Hy vọng còn có ngày gặp lại.

Vâng, ông đi, kẻo trời cũng tối rồi. Đường xuống núi khó đấy. Tui bị mất trí nhớ, tui bị mất trí nhớ – Gã lẩm nhẩm, nhắc đi nhắc lại.

Ông đưa tay, định siết tay gã thêm lần nữa, nhưng lại thôi, chỉ vỗ nhẹ ngang lưng cái bóng thất thần. Khi xuống hết mấy bậc đá, quay lại một lần nữa, ông vẫn thấy cái bóng đứng tựa cửa nhìn theo. Một thoáng hối hận quanh quất lòng ông. Dường như ông đã phá vỡ, đã khuấy động một chút bình an nào đó trong nhịp sống thường nhật của gã. Gã mất trí nhớ thật hay chỉ tỏ ra như thế? Ông không dám xác tín khả năng nào.

Trong khi ông mông lung, con gái tỏ rõ dấu hiệu hậm hực:

Con chưa thấy ai kỳ lạ như vậy bao giờ.

Ba xin lỗi, đã làm con vất vả. Nhưng ngay cả ba cũng chẳng ngờ mọi sự lại như vậy. Như ba đã nói cùng con đó, thế hệ của ba mang nhiều ẩn ức. Chú ấy là một ví dụ. Ba không hiểu nổi bạn bè, cũng như không hiểu nổi mình. Không hiểu nổi mọi thứ xung quanh.

Bóng tối bủa vây những bước chân khấp khểnh của hai cha con. Con gái ông bật điện thoại, soi lối đi.

Ba quên đem cả đèn pin từ xe theo. Thôi, giờ con tính sao. Muốn ba chạy xe vô tỉnh lị, hay tìm một cái phòng trọ ven đường?

Tùy ba thôi.

Miễn có một chỗ nào đó để sạc điện thoại là được rồi, đúng không?

4

Hai cha con dùng bữa tối khá qua loa. Chưa muộn lắm, nhưng con đường đã như khuya hút, hai bên bạt ngàn những cánh rừng cao su. Lâu lâu bóng một con chó hớt hải cắt ngang mặt lộ, khiến ông dặn mình phải cảnh giác. Con gái đề nghị ông mở một album nhạc lấy ra từ va li của nó, bởi điện thoại đã hết pin. Thứ nhạc con gái nghe, ông hoàn toàn xa lạ. Nếu chẳng muốn nói, có phần ác cảm. Tiết tấu nhàm nhàm. Giọng ca sĩ đều đều, nhão nhão, như chẳng hề có hơi. Đã vài lần ông muốn đưa ra nhận xét ấy, nhưng sợ con không đồng tình, nên lại thôi. Tiếng nhạc cất lên một lúc, nhìn qua kiếng chiếu hậu giữa xe, ông thấy con gái đã ngủ gục. Giảm bớt volume, con không có dấu hiệu phản ứng, ông tắt phụp luôn đĩa nhạc.

Qua khỏi mấy đoạn rừng, đã lác đác có những mái nhà. Ông nhìn đồng hồ nhiên liệu, vẫn ổn. Không biết nên chạy tiếp đến thành phố, hay dừng lại bên đường? Ông thích một nhà trọ nhuốm màu lữ thứ, xa đô thị hơn. Phố xá chẳng có gì hấp dẫn, ông đã phải trốn chạy nó rồi. Vả lại, con gái cũng đã tỏ ra mỏi mệt. Nhưng biết đâu, khi ông dừng lại, gọi nó dậy trước một cái nhà trọ chơ vơ, nó sẽ nhăn mặt.

Ông nhấp vài cú thắng, bấm mấy nhịp còi. Quả nhiên con gái giật mình mở mắt. Ông hỏi ngay:

Con buồn ngủ rồi phải không? Có muốn ba tấp vô một cái nhà trọ bên đường, hay chạy thêm đến nửa đêm, sẽ tới thành phố?

Tùy ba thôi.

Nhà trọ ở đây chắc chắn cũng sẽ có điện.

Đã bảo tùy ba mà.

Ông giảm dần tốc độ. Hình như một thị trấn nhỏ. Qua khỏi một cây cầu khá dài, quang cảnh hai bên đã mang vóc dáng phố xá, tuy vẫn đầy heo hút. Một tấm bảng nhà trọ hiện ra. Ông rà sát mé lộ dòm thử, có vẻ ổn.

Mình vào đây nhé.

Con gái ông gật nhẹ.

Vị trí nhà trọ nằm khá lỡ độ, bởi thành phố du lịch không còn xa lắm về phía trước. Nên có lẽ phải đến hàng tháng, nơi này chẳng đón khách vãng lai. Bà chủ trọ tìm mãi mới ra xâu chìa khóa để dẫn khách lên phòng. Căn nhà ống khá mới, con gái ông có vẻ bằng lòng. Dù sao đây cũng là đêm ở trọ đầu tiên trên cả hành trình, nếu có thể chọn lựa thay vì ở nhà gã bạn, ông muốn con gái không quá nản.

Trong khi con gái vào phòng tắm, ông đứng bám lan can, nhìn hút nẻo phố dài vàng vọt. Một cảm giác hiu hắt, mênh mang của đêm đầu tiên trên chặng đường miên viễn. Không khí lạ lùng, pha chút u buồn không tránh khỏi. Mấy cánh côn trùng chao chát dưới ánh đèn khuya. Vài tiếng chó sủa vu vơ, xa vắng.

Phòng tắm ổn không con? – Ông hỏi khi thấy con gái mở cửa bước ra.

Ổn, nhưng có một thứ mùi gì đó… lạ lắm.

Chắc lâu rồi ở đây không có khách, nên đó là mùi ẩm mốc chăng?

Chắc vậy.

Tới lượt ông vào phòng tắm, cố hít mấy hơi, chẳng thấy mùi gì. Có lẽ đấy là cái mùi nhà trọ, ông đã quen với nó bao ngày, còn con gái vẫn chưa quen hẳn.

Khi ông trở ra, con gái đã nằm lơ mơ trên chiếc giường lớn kê gần cửa sổ. Điện thoại hẳn nhiên đã cắm sạc pin. Ông ngồi mớm xuống chiếc giường nhỏ hơn phía trong. Nhìn đồng hồ, mới hơn tám giờ tối, vậy mà tưởng như đã nửa khuya. Một cảm giác chống chếnh, thiêu thiếu điều gì. Giờ này ở thành phố, hẳn ông còn vùi mình trong một cái quán nào đó. Hoặc chí ít cũng ngồi với mấy lon bia nơi phòng trọ, trước khi đi ngủ.

Ông thử nằm xuống, cảm giác vẫn lềnh bềnh. Bóng dáng gã bạn vừa đây lởn vởn tâm trí ông. Những kỷ niệm mù xa, nhưng chẳng thể khuất chìm. Cái thuở mới lớn đầy mộng mơ và ảo tưởng. Hai thằng như một cặp bài trùng. Yêu, rung động, ước vọng thi ca. Dù đó là một trong những thời điểm tơ tướp nhất của đời sống. Gã công tử đầy chất xi nê ấy đã bị táng bởi những ngọn sóng thời cuộc đầu tiên. Gia đình gã lao đao. Gã nổi trôi lạc hướng. Mộng mới lớn tan tành. Thất tình và kế đến thất học. Chẳng thể giãy giụa, gã mau chóng chìm trôi. Giờ đây, cái bóng cô đơn, u uất và lạc trí ấy còn tồn tại đến ngày nào?

Có lẽ sẽ chẳng thể ngủ nổi, ông xoay mình liên tục. Lại ngồi dậy, lần ra ban công. Nhìn dọc con đường, ông nghĩ, có thể phải đi lòng vòng thư giãn tí xíu.

Bà chủ trọ nhanh nhảu khi thấy ông mò xuống gác.

Bác cần gì, cứ bảo em. Nhà có thức ăn buổi tối đấy bác nhé.

Tôi muốn đi lòng vòng tí xíu. Nhưng liệu có tiện không. Ý tôi là có an toàn không?

Ở đây cướp giật không nhiều, nhưng mấy thằng say xỉn chạy xe ẩu, hay gây sự đánh nhau thì có. Bác bằng này tuổi, đi dạo dạo chẳng mang theo tiền bạc tư trang quý giá gì, chắc không sao đâu.

Bà có khóa cửa sớm không?

Em còn xem cải lương. Cải lương đài phát khuya lắm. Bác cứ đi tự nhiên. Mà nếu khi về, em khóa cửa rồi, bác cứ gọi.

Ông định hỏi bà ta về một quán bán rượu nào đó, nhưng thấy không tiện, nên thôi.

Đường sá vắng vẻ, heo hút. Mấy cửa hàng hai bên nửa mở nửa khép. Vài ánh mắt khi thấy ông lướt ngang, nhìn theo như dò xét. Có lẽ ở cái thị trấn này, bất cứ nhân vật lạ mặt nào xuất hiện cũng sẽ bị chú ý ngay. Ông đi mãi, hẳn đến gần cây số, vẫn chẳng có dấu hiệu một cửa hàng bán rượu bia nào.

Một nhóm thanh niên, khoảng bốn năm người đang quây tròn quanh chiếc chiếu trải sát mé đường. Nhìn điệu bộ, ông biết họ đang uống cái thứ ông cần tìm. Thêm vài ánh mắt từ chiếc chiếu quét ra. Ông hơi e ngại, nên bước thẳng qua, không ghé đầu.

Lững thững thêm chừng trăm mét, ông thấy quãng đường trước mặt có vẻ thưa thớt nhà cửa. Chắc phải quay về vậy. Cách chiếc chiếu một quãng, ông lén đưa mắt nhìn vào. Tốt nhất cứ giữ vẻ lãnh đạm khi nãy, coi như chẳng thấy gì. Đúng lúc ông đi ngang nhóm người, chợt có tiếng gọi giật:

Nè, chú gì ơi.

Biết họ gọi mình, ông vẫn vờ không nghe, cho đến khi tiếng gọi ấy được lặp lại lần nữa. Ông chùng bước. Một cánh tay đưa lên.

Chú gì ơi, chú kiếm nhà ai đó?

Thấy giọng nói có phần thân thiện, ông mạnh dạn bước về phía nhóm người.

Xin lỗi, tôi từ xa đến đây. Đang ở phòng trọ dưới kia. Đêm đi dạo tí xíu.

Cháu tưởng chú đi kiếm mua rượu chứ? – Giọng nói nửa đùa nửa thật.

Ông hơi bất ngờ.

Ừ, quả vậy. Các anh biết ở đây hàng nào bán bia rượu gì không? Đêm ngồi lai rai tí xíu, cho dễ ngủ thôi ấy mà.

Chú muốn mua, vô đây bán cho. – Vòng tròn cười rộ.

Ông bối rối. Thêm một giọng khác:

Nói vậy cho vui thôi. Chú vô đây làm vài ly với anh em. Giờ đi kiếm rượu, đâu còn chỗ nào bán nữa. Anh em vui vẻ, không ăn hiếp chú đâu. – Lại cười rộ.