Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Con đừng nói như thế nữa. Con vẫn là tất cả những gì còn lại trên đời đối với ba. – Ông phải chui vào phòng vệ sinh để tránh tiếng mình dội ra hẻm – Con nói ngay cho ba địa điểm đi.

Con ở nhà đứa bạn… nhưng không phải. Con ở đây… – Phải mất một lúc thổn thức, con gái ông mới nói được địa chỉ cái quán nó đang ngồi.

Ông chạy như cuồng về hướng bãi xe. Từ ngày chia tay, dù đau đớn, mất mát, nhưng ông không thấy hai con có những biểu hiện bất thường. Ít nhất, qua những cuộc điện thoại, cũng như đôi lần hiếm hoi gặp mặt. Thằng con trai vẫn giữ sự đanh lạnh, lầm lì cố hữu. Đứa con gái ít nhiều ổn định tâm lý, sau khi được ông dẫn đi gặp chuyên gia tư vấn.

Số tài sản ông chia phần lớn cho mấy mẹ con. Căn nhà cũ, vốn ba mẹ ông mua sau ngày ông và cô làm đám cưới, để hai người định cư. Khi ấy, khu vực ngoại ô còn chưa mở đường lớn. Sau mảnh đất đột ngột trở thành một tài sản không nhỏ, khi cơn lốc đô thị hóa cuốn tới. Gia đình đổ vỡ, ông quyết định bán nó đi, mua cho ba mẹ con một căn chúng cư rộng rãi, thêm cái tài khoản ngân hàng, để ổn định đời sống, công việc, học hành. Phần còn lại, ông mua chiếc xe, cũng bỏ ngân hàng chút ít, chuẩn bị cho chuyến đi.

Đứa con gái mới lớn ngồi co ro bên chiếc bàn nơi đáy quán cà phê. Ly nước trước mặt đã cạn. Bóng tối không đủ che đôi mắt thâm quầng của nó. Ông run lên vì xót xa. Bộ dạng con bé đã thay đổi quá nhanh, chỉ sau lần gặp cuối cùng. Quần áo có vẻ thời trang, nhưng rã rời, nhếch nhác. Bên cạnh, một chiếc ba lô, dường như chứa tất cả mọi vật dụng cần thiết của nó.

Ông ráng trấn tĩnh, chọn vị trí ngồi đối diện con. Một thoáng cảm giác phiên bản người mẹ xa xưa nơi nó, khiến ông hơi chững lại. Khác chăng, cô của ngày ấy giản dị hơn, bởi cái nghèo bủa vây chung. Còn con gái ông hôm nay có đủ tất cả những gì thuộc về vật chất, sau khi ông bán căn nhà.

Con hãy bình tĩnh kể lại ba nghe mọi chuyện đi. – Ông nhỏ nhẹ, sau khi gọi một ly cà phê.

Đứa con gái tiếp tục im lặng, chỉ có khoảng ngấn trắng nơi cổ dồn dập những cơn nấc được nén xuống.

Ông thấy mình cần hút một điếu thuốc, nhưng quán cà phê khá kín, đành thôi.

Con đã rời nhà. Nhà… của con đó, từ hôm nào?

Con không cảm thấy đó là nhà của mình.

Nhà của ba mua cho con, sao con nói vậy?

Con rất ít khi về đó, kể từ đầu năm học tới giờ.

Tại sao lại vậy?

Con không học được, từ khi lên lớp, chương trình thay đổi quá nhanh. Con không theo kịp, rồi người ta báo với mẹ. Mẹ chửi con.

Ba hiểu. Ngoài nguyên nhân ấy, còn nguyên nhân nào khác không con? – Ông xoắn tay, lại thở dài.

Con vi phạm kỷ luật trong trường…

Cụ thể là gì, con có thể nói ba nghe được không?

Ba hãy biết như vậy đi đã.

Tại sao con làm vậy?

Con chẳng biết nữa. Con có cảm giác mọi ánh mắt trong trường đều đổ dồn vào con. Con là con của… cô giáo ấy, thầy giáo ấy… Nên con kháng cự.

Ba mẹ có còn ở trường nữa đâu con?

Trời đất ơi, một tin đồn người ta có thể nói qua nói lại suốt bao nhiêu năm. Ba không biết sao? Mà con hận mẹ, tại sao mẹ vẫn bắt con học trong cái trường ấy chứ? Hay mẹ phó mặc, làm biếng trong việc xin chuyển trường khác cho con?

Ba cũng không hiểu tại sao. Nhưng ba không thể làm gì được nữa. Nếu ba can thiệp, con biết đó, mẹ sẽ lại làm ầm lên.

Nước mắt bắt đầu chảy dài trên gương mặt con gái ông. Nó không kềm nén nữa, dù liên tục dùng khăn giấy chấm đi, nhưng những dòng thổn thức vẫn liên tục trào ra.

Bác sĩ tâm lý đã nói chuyện với con rồi mà?

Đám bác sĩ ấy còn điên hơn con. Họ nói toàn ba chuyện gì đâu. Rất lý thuyết. Con chẳng thấy nó thích hợp chút nào với hoàn cảnh của mình.

Sao sau lần ấy, con có vẻ ổn?

Con chẳng ổn gì hết, chỉ tỏ vẻ vậy, để ba yên lòng.

Mẹ có nói gì cùng con không?

Mẹ có mấy khi ở nhà đâu. Kể từ ngày có cái quán cà phê, mẹ đi suốt, nhiều khi ở lại cả đêm. Lúc nào cũng phấn son, váy áo, con nhìn muốn buồn nôn.

Con đừng nói vậy. Ờ mà mẹ mở quán cà phê từ khi nào, ba không biết?

Mẹ nói, nghỉ dạy, phải kiếm một việc gì đó để làm. Số tiền ba bỏ ngân hàng cho mẹ và tụi con, mẹ rút ra, thầu một cái quán cà phê. Con chưa một lần tới đó, chỉ nghe anh nói.

Anh hồi này sao rồi con?

Con cũng chẳng biết, chỉ thấy ảnh đi tối ngày. Ảnh nói với mẹ, đi học thêm. Mẹ cũng chẳng hỏi gì nữa. Con cũng vậy.

Ba thương các con quá. – Ông cắn chặt hai hàm răng, thốt ra cái câu, tự mình thấy vô nghĩa.

Ảnh lì từ bé. Đến giờ vẫn lì. Hình như vẫn học tốt. Chẳng bỏ đi như con.

Ba không đời nào, không đời nào nghĩ, con là đứa bỏ đi.

Thì con bỏ đi khỏi nhà gần tuần nay rồi đó. Đêm nào cũng ngủ nhờ nhà bạn. Rồi đứa bạn nói khéo, đuổi con đi. Con cũng hiểu nó khó nghĩ. Cả ngày nay con lang thang, hết quán này qua quán khác.

Con không đến trường sao?

Không. Con không muốn đến trường nữa.

Ông nhổm khỏi ghế.

Dù hoàn cảnh có như thế nào, con cũng không nên làm vậy. Đời ba đã tan nát. Con hãy nhìn vào đó để… tăng thêm nghị lực. Để khác ba. Và cả khác mẹ. – Ông ấp úng.

Rồi đời con cũng sẽ tan nát thôi. Ba mẹ từng hạnh phúc như vậy, rốt cuộc cũng tan nát. Huống hồ con, đã tan nát ngay từ nhỏ thế này.

Ba xin lỗi con. – Giọng nghẹt đặc, ông khóc.

Đồng hồ chỉ gần nửa khuya. Giữa hai cha con, một khoảng lặng dài dặc ngự trị bởi bất lực.

Quán họ dẹp hết rồi. Chỉ còn hai cha con mình thôi đó. Nãy giờ ba quên mất, con đã ăn gì chưa?

Con chỉ uống nước, suốt từ sáng giờ.

Ông hoảng hốt.

Vậy con phải đi ăn cùng ba ngay lập tức. Nào, ra xe với ba.

Ông hướng tay lái về khu chợ khuya. Con gái ngồi cạnh bên. Giá có thể quay về một ngày nào đó xa lắc trước đây, với chiếc xe như thế này, thêm con trai và vợ ngồi sau. Một hành trình xuyên mọi miền đất nước. Giấc mơ ấy đã có một thời nao nức trong ông.

Con muốn đi cùng ba. – Con gái ông bất ngờ lên tiếng.

Ông giật mình.

Con nói sao? Đi cùng ba ư? – Trước đề nghị quá đột ngột của con, ông thực sự bối rối – Ừ, mà… không được, con còn phải học hành. Ba đi như thế này chẳng biết tới bao giờ. Hãy xác định cuộc sống của con, như… gia đình ta đã từng quyết định. Các con cũng đã đồng ý với ba như thế rồi mà?

Nếu ba lên đường… Ba có thể bỏ con trong tình trạng như thế này được không?

Không… ba sẽ chưa đi vội. Nếu cần, ba sẽ thuê một cái phòng trọ khác, rộng rãi, đàng hoàng hơn, để con về ở với ba. Tạm thời cho đến khi nào con ổn định tâm lý. Tuy nhiên – ông thở dài – việc này cũng không thể kéo dài. Vì như con biết đó, ba không có kỹ năng chăm sóc các con. Ngay cả đến tự chăm sóc cho mình, ba cũng chịu thua. Đó phần nào là nguyên nhân mẹ chán ba con ạ.

Nếu chờ con ổn định tâm lý, chắc phải… mười năm. Ba muốn đi để có một đời sống khác, để gột rửa quá khứ, để học lại cuộc đời mình… như ba đã nói. Vì vậy, con cũng muốn đi để làm mọi điều như ba. Ba hãy cho con tạm nghỉ một năm nay thôi. Năm tới con sẽ thi vào trường khác. Biết đâu, qua quãng đường cùng ba, con sẽ ổn định tâm lý và trưởng thành hơn?

Lý lẽ con gái rất thuyết phục, nhưng ông vẫn đầy băn khoăn.

Con không tưởng tượng được đâu. Hành trình của ba sẽ vô cùng vất vả, thiếu thốn. Ba không thể lo cho con như những gì con đang có hôm nay.

Chính vì vậy con mới muốn đi để biết. Những gì con đang có hôm nay chỉ là sự khủng hoảng. Con đã bỏ học, bỏ khỏi nhà. Con… chẳng có gì hết. Nếu ba đi rồi, chẳng còn ai bên cạnh, con sẽ… tự tử để ba coi.

Ông kinh hoàng nhìn sang con gái. Một ánh mắt khô lạnh, dõi thẳng phía trước. Chẳng có dấu hiệu hù dọa, hay gây sức ép gì ở đây. Cái viễn cảnh khủng khiếp nó nói hoàn toàn có thể xảy ra. Tính con, ông hiểu phần nào.

Nhưng nếu để con tham gia hành trình này, mọi thứ sẽ đảo lộn và rối tung lên. Khó khăn, bất trắc hẳn nhiên càng thêm chồng chất. Giải pháp khác, ở lại cùng con, cũng hoàn toàn bất khả thi. Hai cha con sẽ tiếp tục lê mòn những ngày tháng vô mục đích. Còn bi kịch hơn cả hiện tại. Và viễn cảnh ngay chính ông phải tự tử cũng chẳng xa bao nhiêu. Ông thở dài sườn sượt, tâm trí rối mù.

Con có thể cho ba ít ngày để suy nghĩ không?

Ba có nghĩ cả tháng cũng vậy thôi – Con gái ông khẳng định.

Ông gọi hai tô bún, sau khi hỏi ý con. Nó ăn vội vã, không cần ý tứ, sau cả ngày đói lả. Nhìn con ăn, ông không cầm nổi đũa, nước mắt lại ứa ra. Lòng ông mềm dần trước khả năng đồng ý với con.

Con ăn thêm gì nữa không?

Ba gọi cho con thêm tô nữa.

Tô bún thứ hai mau chóng cạn đáy.

Giờ ba thuê cái khách sạn. Ba con mình nghỉ tối nay. Nhưng trước hết, con phải gọi về, báo tin để mẹ biết.

Con đi đã mấy ngày, mẹ có thắc mắc gì đâu. Vì vậy con càng thêm chán. À mà ba không có phòng trọ sao, mắc gì phải thuê khách sạn?

Có, nhưng… ba ngại, nó chật chội, tồi tàn lắm. Ba chỉ ở tạm thôi mà. Sắp đi rồi.

Con thấy thương ba quá. Với con, mẹ như vậy đã quá đủ rồi. Chẳng qua con phải sống với mẹ vì… không thể sống với ba thôi.

Ông ngậm ngùi.

Thôi được rồi, con về phòng trọ với ba. Nhưng ba nói nè, có thể con sẽ phải ngủ trước, ba ngồi uống một mình. Chưa uống, ba chưa ngủ được.

Mở cửa phòng trọ, với con gái bên mình, ông thấy len nhẹ một chút gì ấm áp. Ông đã hiểu, hành trình tới đây sẽ có thêm con gái. Phải tạm cho con theo mình vậy. Nếu giữa đường, con không chịu nổi, ông hoàn toàn có thể mua vé máy bay để nó quay về thành phố. Việc ấy không có gì khó khăn.

3

Liền ba bốn hôm ảnh hưởng bão, trời mưa mỏi miết. Khâu chuẩn bị thêm cho con gái đã xong từ mấy ngày nay, nhưng ông vẫn chưa muốn khởi hành trong tình trạng thời tiết như vậy. Con ông đã chuyển tới ở hẳn phòng trọ, sau khi dọn qua mỗi ngày một ít đồ đạc. Áo quần, giày dép, thiết bị điện tử, nghe nhìn của nó choán đầy hai chiếc va li. Cận ngày, nó vẫn giấu mẹ dự định lên đường cùng ba, dù ông đã nhắc, con bắt buộc phải báo mẹ. Khoản kinh phí nếu có thêm con, hẳn nhiên đội lên ít nhiều so với dự tính ban đầu, song ông nghĩ mình có thể thu xếp được. Bù lại, ông thấy lòng ấm áp hơn. Có bóng dáng con gái gần bên, trên những dặm đường thăm thẳm, ông sẽ bớt cô độc.