Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Tên sách: Xác thịt về đâu

Tác giả: Samuel Butler

Tên sách tiếng Anh: The Way of All Flesh

Lời giới thiệu

Bạn đã bao giờ thử nghĩ về các thế hệ trong đại gia đình của mình và tự hỏi: tại sao ông mình suốt đời chỉ là một người thợ lặng lẽ dù ông rất giỏi, tại sao cha mình lúc nào cũng rao giảng đạo đức và ép mình phải đi theo nghề của cha, tại sao mẹ mình nhẫn nhục chịu đựng cha đến mức tự biến mình thành một người đàn bà giả trá, chao chát; tại sao các cô chú, cậu mợ và anh chị em họ của mình trở thành những người như họ đã trở thành… Và tại sao tất cả những cá thể người riêng rẽ, dường như hoàn toàn khác biệt này lại dính chặt với nhau trong cái liên kết gọi là “gia đình”, mà ở đó sự hành hạ lẫn nhau có khi còn nhiều hơn tình thương yêu?

Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Xác thịt về đâu của Samuel Butler, Ernest Pontifex sinh ra trong một đại gia đình và đã bắt đầu cuộc sống bằng sự trung thành tuyệt đối với gia đình mình. Ở tuổi bắt đầu trưởng thành, anh tuân ý người cha độc đoán theo đuổi việc học hành với ý định trở thành một mục sư. Nhưng cuộc sống được sắp xếp trước này không suôn sẻ; cuộc đời Ernest trải qua nhiều thăng trầm, bao gồm cả việc vỡ mộng với các tín điều tôn giáo, vào tù, bị cha mẹ từ bỏ, nghèo khó, bị vợ phản bội, ốm đau, bị lừa dối… Trước khi có thể trở thành một con người độc lập, sống cuộc đời mình. Là cuốn tiểu thuyết có tính phá vỡ khuôn mẫu các tiểu thuyết đạo đức thời Victoria, Xác thịt về đâu mổ xẻ cuộc sống của bốn thế hệ nhà Pontifex; đồng thời cho chúng ta thấy những mẫu số chung trong cuộc sống gia đình và trong đời người. Samuel Butler viết: “… Khi về già… Chúng ta biết rằng cuộc sống chủ yếu là những hù dọa nhau hơn là những tổn thương thật sự.” Quả thật, những trò vè mà con người ta, nhất là người trong gia đình, dùng để hành hạ nhau nhiều khi chỉ xuất phát từ sự hù dọa và khẳng định quyền lực cá nhân một cách vô thưởng vô phạt, nhưng đôi khi để đi đến chỗ hiểu ra điều đó, chúng ta mất cả một đời.

Ngô Bảo Châu & Phan Việt

Chương 1

Hồi những năm đầu thế kỷ, khi còn là một cậu trai nhỏ, tôi nhớ có một ông già mang quần ống túm và bít tất len, thường tập tễnh chống gậy bước đi trên còn đường làng. Vào năm 1807, hẳn ông đã phải được tám mươi tuổi rồi. Tôi khó có thể nhớ được trước đó ông thế nào, bởi đến năm 1802 tôi mới chào đời. Mái tóc đã bạc, lưng hơi còng và đôi chân mỏng manh, nhưng ông vẫn còn vẻ tráng kiện, và vẫn được tôn trọng ở Paleham, cái thế giới bé nhỏ của chúng tôi. Tên ông là Pontifex.

Người ta nói ông là người sợ vợ; tôi đã được nghe là bà ấy có đem lại cho ông một ít tiền, nhưng chắc chắn chỉ một ít mà thôi. Đó là một người đàn bà thân dài vai rộng (cha tôi thường gọi bà ấy là mụ đàn bà Gothic). Bà đã nhất nhất đòi cưới ông vào cái thời mà ông còn trẻ và quá tử tế, chưa thể chối từ bất cứ ai theo đuổi mình. Cuộc sống của họ vẫn ổn, bởi ông Pontifex là người dễ dãi và sớm biết cách nhân nhượng trước tính khí như lửa của bà vợ.

Nghề nghiệp chính của ông Pontifex là thợ mộc, và theo tôi nhớ thì cũng có một thời gian ông làm người giúp lễ. Tuy nhiên, ông đã phất lên nhiều và nhờ đó không còn phải lao động tay chân nữa. Thời trai trẻ, ông đã tự mày mò học vẽ, tôi không nói là ông vẽ giỏi, nhưng việc ông vẽ được như thế quả là một điều đáng ngạc nhiên rồi. Vốn sống ở Paleham từ năm 1797, cha tôi đã có được nhiều bức họa đẹp của ông cụ này. Ông luôn vẽ tranh về quê hương mình, và hết sức kỳ công đến mức trông chúng tựa như tác phẩm của một bậc thầy hội họa thời xưa vậy. Tôi nhớ là chúng đã được lồng khung kính treo trong văn phòng mục sư của cha tôi, với gam màu nhẹ hòa với màu gian phòng, và màu xanh lá trong tranh tựa hồ như phản chiếu màu những dây thường xuân đang quấn quanh khung cửa sổ. Tôi cứ ngỡ là những nhánh thường xuân đang vươn dài ra mãi, hòa cùng làm một với khung tranh xanh xanh đó.

Làm họa sỹ chưa đủ, ông Pontifex còn muốn mình làm nhạc sỹ. Ông tự tay làm cây dương cầm đặt trong nhà thờ, và làm một cây khác nhỏ hơn cho riêng mình. Khả năng âm nhạc của ông không kém gì khả năng hội họa, dù không tuân theo những tiêu chuẩn chuyên nghiệp cho lắm, nhưng cũng hơn những gì người ta có thể kỳ vọng. Khi biết tôi cũng hứng thú với âm nhạc từ thuở nhỏ giống mình, ông đã dành cho tôi một sự ưu ái rất ư là đặc biệt.

Người ta có thể nghĩ là với một mớ bộn bề những thứ muốn làm như thế, rất khó để ông có thể trở nên thật giàu có, nhưng sự thực không phải vậy. Cha của ông là một người làm công nhật, và ông cũng khởi nghiệp chỉ với lương tri và sức khỏe của mình; nhưng giờ đây, ông làm chủ một xưởng bán gỗ lớn, và cơ ngơi của ông đã yên bề ổn định. Cho đến những năm cuối của thế kỷ trước, không lâu trước lúc cha tôi đến Paleham nhận nhiệm sở, ông đã có một trang trại chín mươi mẫu Anh[1], một dấu ấn đáng kể cho thành công trong cuộc sống. Cùng với nó là một căn nhà theo kiểu cổ nhưng đầy tiện nghi với sân vườn, cùng vườn cây ăn quả tuyệt đẹp. Ông dời xưởng mộc ra một trong những ngôi nhà phụ, vốn là một phần của kiến trúc tu viện cũ Abbey Close mà phần nào vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Bao quanh bởi cây kim ngân và dây hồng leo, ngôi nhà của ông là nơi đẹp đẽ nhất làng, và bên ngoài rực rỡ bao nhiêu thì nội thất trong nhà cũng ngăn nắp chuẩn mực bấy nhiêu. Người ta đồn rằng bà Pontifex còn là hồ cứng cho khăn trải giường của mình, và tôi cũng tin như thế thật.

Tôi còn nhớ khá rõ về phòng khách của bà với cây dương cầm được chính tay ông Pontifex làm chiếm trọn nửa gian, cùng vài trái lê khô thơm nức hái từ cây mọc cạnh nhà; trên bệ lò sưởi là tác phẩm con bò đạt giải tự tay ông Pontifex vẽ, cùng bức tranh kính mờ vẽ một người soi đèn cho chiếc tứ mã trong đêm mưa tuyết, vốn cũng là tác phẩm của khổ chủ; trang trí trong phòng còn có hai bức tượng ông bà già nho nhỏ, chuyên dùng để báo thời tiết, cặp tượng cô cậu mục đồng bằng sứ, một vài lọ hoa lá với đôi chiếc lông công thật nổi bật, cùng những bát sứ đựng đầy cánh hồng khô và muối hồng. Tất cả những thứ đó đã biến mất, giờ chỉ còn trong ký ức, dẫu phai mờ nhưng vẫn còn thoang thoảng trong tôi.

Và tôi vẫn còn nhớ căn bếp của bà, chút hình ảnh về hầm rượu ở đó, nơi có chút tia sáng hắt ra từ chiếc bình sữa, hay từ những bàn tay và khuôn mặt của các cô gái đang hớt bọt kem, còn những thứ quí giá bà cất nơi nhà kho, trong đó có loại sáp môi nổi tiếng vốn là một trong những niềm hãnh diện của bà, cũng như món thịt đông hằng năm bà thường giới thiệu cho những người mà bà thấy đáng trọng và đáng mến. Vài năm trước khi mất, bà đã viết công thức món này cho mẹ tôi, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ làm món đó ngon được như bà. Khi chúng tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng bà có gửi lời hỏi thăm đến mẹ tôi, và xin phép cho chúng tôi đến dùng trà với bà, những lúc như vậy bà thường cho chúng tôi ăn uống thật no nê. Theo những gì tôi thấy được, quả thật chúng tôi không nghĩ có người phụ nữ nào lại thú vị bằng bà, cho dù ông Pontifex có phải chịu đựng bà điều gì đi nữa thì riêng chúng tôi vẫn chẳng có gì để phàn nàn về bà. Sau khi đã chén no nê, chúng tôi được nghe ông Pontifex chơi đàn, cả nhóm đứng vòng quanh há hốc mồm và nghĩ rằng ông là người thông thái tuyệt vời nhất trên thế gian, tất nhiên là ngoại trừ cha chúng tôi.

Bà Pontifex không có chút hài hước nào, ít nhất thì tôi nhớ chưa lần nào thấy bà tỏ ra hóm hỉnh, nhưng chồng bà lại là người rất có óc khôi hài, mặc dù ít người đoán được điều đó qua vẻ ngoài của ông. Tôi nhớ có một lần cha tôi bảo tôi đến xưởng của ông để xin ít hồ, và tôi tình cờ được thấy ông già đang trách mắng cậu nhỏ của ông. Ông xách tai nó – cái thằng đầu đất ấy và nói ‘Thế nào, đầu óc lại vơ vẩn đâu rồi, cái thằng ngốc này ’ (Tôi tin rằng người ta đã đoán trước rằng thằng bé đó sinh ra phải là đứa vẩn vơ, nhưng đến khi nó như thế thật thì người ta lại gọi nó là đồ vơ vẩn) ‘Nào, nhìn đây, ông tướng,’ ông nói tiếp, ‘có một số đứa bị dốt bẩm sinh, và mày là một đứa như vậy; có một vài đứa dốt do đào tạo, và mày cũng loại đó, Jim à, mày vừa dốt bẩm sinh vừa biết tăng cái bản tính đó của mày lên nhiều lần’ (và đến chỗ cao trào này thì đầu và tai thằng bé bị lắc qua lắc lại liên tục) ‘và có đứa bị cái dốt nhập vào, nhưng nếu Chúa cho phép, thì mày sẽ không phải loại đấy bởi vì ta sẽ trục cái dốt ra khỏi mày, cho dù để được như vậy ta có phải cho mày vài cái bạt tai,’ nhưng tôi không thấy ông già tát tai thằng nhỏ cái nào, và ông cũng chẳng làm gì khiến nó sợ, bởi cả hai đều hiểu nhau quá rõ rồi. Lần khác, tôi nhớ là đã nghe ông gọi người bắt chuột của làng, ‘lại đây nào, cái thằng ba ngày ba đêm’ về sau tôi được biết rằng câu đó ám chỉ những lúc say sưa của ông bắt chuột, nhưng những chuyện đùa giỡn như thế, tôi sẽ không kể thêm nữa. Mỗi khi nhắc đến tên ông già Pontifex, vẻ mặt cha tôi lại sáng lên. ‘Ta nói con nghe này Edward, ông già Pontifex không chỉ là một người tài, mà còn là một trong những người giỏi giang nhất ta từng biết.’ một thiếu niên như tôi chưa đủ để hiểu điều đó. Tôi trả lời cha, ‘Cha ơi, vậy ông ấy đã làm những gì? Ông ấy có thể vẽ được chút ít, nhưng cả đời ông ấy có bức tranh nào được triển lãm ở học viện hoàng gia đâu? Ông ấy làm được hai cây đàn và có thể một tay chơi bản minuet trong vở Samson, tay kia chơi hành khúc trong vở Scipio; ông là một thợ mộc tài ba và có đôi chút khiếu ăn nói; ông xứng là một ông già tốt, nhưng lại sao cha lại đề cao ông ấy quá mức như vậy?’

Tác giả: