Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Người ta nói rằng những người suýt chết thấy việc hồi phục ý thức còn đau đớn hơn cả việc mất nó nữa, và với chàng trai của chúng ta cũng vậy. Khi nằm đó bất lực và yếu ớt, nó thấy dường như đây là một trò ác độc tinh vi, sao không cho nó chết lúc còn đang trong cơn hôn mê cho rồi. Nó nghĩ nó sẽ chỉ phục hồi để rồi chẳng bao lâu sau lại chìm sâu trong hổ thẹn và sầu khổ, nhưng ngày qua ngày, nó phục hồi dần, dù rất chậm đến đỗi nó cũng chẳng thể nhận ra. Đến một chiều nọ, khoảng ba tuần kể từ lúc nó bắt đầu vãn hồi ý thức, cô y tá chăm sóc cho nó, người đã rất tốt với nó, đang đưa nó đi dạo phục hồi đôi chút cho khuây khỏa bớt, thì đột nhiên nó bật cười, và cô ấy vỗ tay mừng rỡ bảo rằng bây giờ nó đã hoàn hồn lại rồi đó. Tia hy vọng đã được nhen nhóm lên, và nó lại ước ao được sống. Gần như từ thời khắc đó trở đi, suy nghĩ của nó bắt đầu xa dần nỗi sợ của quá khứ và theo cách tốt nhất, hướng dần đến tương lai.

Nỗi đau lớn nhất đối với nó chính là về cha mẹ nó, và về cách làm sao nó có thể đối diện được với họ. Dường như đối với nó, thứ tốt nhất cho cả nó và cha mẹ nó là nó nên tự xa rời họ hoàn toàn, lấy hết số tiền có thể đòi được từ Pryer, và đi đến một nơi xa nhất trên địa cầu này, nơi mà nó sẽ chẳng gặp ai từng biết nó dù là ở trường hay ở đại học, rồi bắt đầu một cuộc sống mới. Hay có lẽ nó sẽ đến những mảnh đất được đồn là lắm vàng ở California hay Australia, rồi lập nghiệp ở đó, rồi nhiều năm sau lúc đã già, nó sẽ trở về đây mà chẳng ai biết nó là ai, và như thế nó có thể được đến sống ở Cambridge thân yêu. Với những chuyện mơ mộng này, tia hy vọng của nó biến thành ngọn lửa bừng bừng cháy, nó mong vãn hồi được sức khỏe, và cả tự do nữa, bởi án của nó cũng đã gần đến ngày mãn hạn rồi. Rồi mọi chuyện bắt đầu rõ ràng hơn. Dù gì nó sẽ không làm giáo sỹ nữa. Rõ ràng với những chuyện này, nó chẳng thể kiếm được vị trí phụ tá ở bất kỳ đâu kể cả nó có muốn bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng thực sự thì nó chẳng muốn làm như thế chút nào. Nó ghét cái cuộc sống mà nó đã phải dấn mình vào từ lúc bắt đầu đọc các luật lệ của nó, nó không thể giải thích rõ về chuyện này, nhưng đơn giản là nó ghét chúng, và chẳng muốn dính dáng gì với chúng thêm phút nào nữa. Khi đối diện với việc sẽ trở lại cuộc sống một giáo dân, một người bình thường, mặc dù nhục nhã, nhưng nó vui mừng vì những chuyện đã xảy đến với nó, và thấy khoảng thời gian trong tù này vốn lúc đầu bị xem là bất hạnh cực độ, nhưng giờ được nó nhìn ra là một phúc lành.

Có lẽ cú sốc nặng của sự thay đổi môi trường đã thúc đẩy những đổi thay trong suy nghĩ của Ernest, hệt như kén tằm khi được đặt trong giỏ cạnh đường ray sẽ nở sớm hơn nhờ môi trường nóng và xóc này. Nhưng có lẽ đổi thay này cũng khiến niềm tin vào những trình thuật Sự chết, Phục sinh và Thăng thiên của Chúa Giêsu, và cả niềm tin vào những phép lạ Kitô giáo khác nữa, đã sụt giảm nghiêm trọng trong nó vĩnh viễn từ đây. Nhờ những lời khiển trách của ông Shaw, nó đã nghiên cứu, dù vội vã nhưng cũng đã để lại trong nó một ấn tượng sâu sắc, và giờ đây nó đã biết cách đọc và xem Tân Ước là đối tượng nghiên cứu chính của mình, nó đọc với tinh thần mà ông Shaw đã truyền cho nó, nghĩa là không đọc vì muốn tin hay muốn không tin, nhưng là đọc chỉ để thấy được là nên tin hay không. Càng đọc theo tinh thần này, nó càng nghiêng về hướng không tin, cho đến cuối cùng, đến lúc không thể hoài nghi hơn nữa, nó thấy đã đủ rõ ràng quá rồi, dù sự thật có thế nào đi nữa, thì câu chuyện về cái chết, sự sống lại và lên trời giữa những đám mây của Chúa Giêsu là một chuyện không thể chấp nhận được đối với một người phán đoán vô tư. Thật tốt khi nó nhận ra được điều này. Cách này hay cách khác, sớm hay muộn, nhận thức này cũng sẽ đến với nó. Đáng ra nó có thể nhận ra được điều này vài năm về trước nếu như không bị mù tối bởi những người được trả tiền để bịt mắt nó. Nó tự hỏi mình giả như vài năm về sau lúc đã dấn sâu vào đời sống giáo sỹ, nó mới khám phá ra điều này, thì nó sẽ ra sao đây? Liệu lúc đó nó có đủ can đảm để đối mặt, hay sẽ nghĩ ra một lý lẽ hoàn hảo để giữ vững suy nghĩ hệt như từ trước đến giờ? Liệu lúc đó, nó có đủ dũng cảm để giải thoát chính mình khỏi cái chức phụ tá hiện thời hay không?

Nó nghĩ là không, và không biết là nên biết ơn vì đã được chỉ ra sai lầm của mình, hay vì đã được bắt lại và xoay vòng vòng để rồi kể từ lúc khám phá ra nhận thức đó, nó gần như không thể phạm thêm một lỗi lầm nào nữa. So với mối lợi này, thì cái giá nó phải trả xem ra quá nhẹ nhàng. Một việc đã cho nó có được một nhận thức trọn vẹn rõ ràng và dễ dàng ngay lập tức, chẳng lẽ như vậy có thể xem là nặng hay sao? Nó thấy hối tiếc về phần cha mẹ nó, và nó cũng lấy làm tiếc đối với cô Maitland, nhưng chẳng bao giờ hối tiếc về chính mình.

Tuy nhiên, có một điều khiến nó bối rối, đó là nó không nên nhận ra rằng từ trước đến nay nó đã ghét làm một giáo sỹ đến mức nào. Nó biết nó không đặc biệt ưa thích cái chức danh này, nhưng nếu một ai hỏi xem liệu nó có thực sự ghét cái danh này không, thì nó sẽ trả lời là không. Tôi nghĩ rằng người ta hầu như luôn muốn nhờ đến một sự gì đó không thuộc về họ để tiết lộ cho họ biết điều gì họ thích và không thích. Những điều chắc chắn chúng ta ưa thích, phần lớn đều không xuất phát từ suy nghĩ nội tâm hay từ bất kỳ tiến trình lý luận ý thức nào hết, mà là từ chính con tim rộng mở đón nhận cái sự thật mà người khác truyền cho. Chúng ta nghe một vài người nói điều này điều kia là thế này thế nọ, và chính lúc đó những sự này đã vào trong chúng ta, mà chúng ta không nhận biết, rồi chính chúng thể hiện ra nơi ý thức và nhận thức của chúng ta.

Chỉ mới cách đây một năm, nó đã háo hức đón nhận bài giảng của đức ông Hawke, rồi sau đó lại mải miết chạy theo cái Đại học Bệnh học Phần hồn, còn bây giờ nó lại toàn tâm toàn ý theo một chủ nghĩa duy lý thuần chất và đơn giản, làm sao nó chắc được rằng những suy tư hiện thời này kéo dài được lâu hơn những cái trước. Ernest chẳng thể chắc chắn về điều này, nhưng nó cảm thấy rằng giờ đây nó đang vững tâm hơn bao giờ hết, và dù những ý tưởng hiện thời của nó có đi về đâu đi chăng nữa, thì nó vẫn chẳng còn cách nào khác ngoại trừ chạy theo chúng cho đến khi thấy một lẽ hợp lý để phải thay đổi. Nó nghĩ là nó không thể toàn tâm theo đuổi con đường mới này, nếu như vẫn sống giữa những người như cha mẹ nó, như Pryer và bạn bè của anh ta, hay như ông mục sư quản nhiệm của nó. Trong suốt những tháng vừa qua, nó đã quan sát, suy ngẫm, và tổng hợp mọi chuyện với ý thức của một cậu bé trong thân xác người lớn, nhưng liệu khi vẫn còn giữ mối liên hệ gần gũi với những người cứ mãi nghiêm túc tuyên bố rằng nó đang bị ảo giáo, thì nó có thể khiến cho mình trưởng thành hơn và hành động theo sức mạnh mới phát triển của nó được hay không? Cái tập hợp chống lại nó quá lớn đến nỗi sức mạnh tự thân nó chẳng thể nào phá vỡ nổi, và nó ngờ rằng bất kỳ chấn động nào yếu hơn cú sốc đã xảy ra với nó sẽ chẳng đủ để giải thoát nó đâu.

Chương 65

Khi nằm trên giường bệnh, phục hồi chậm chạp ngày này qua ngày khác, nó nhận ra một điều mà gần như tất cả mọi người đều nhận ra dù sớm hay muộn, đó là việc rất ít người quan tâm đến sự thật, hoặc thật sự tin tưởng rằng đúng đắn hơn và tốt hơn thì nên tin một điều đúng hơn là một điều không đúng, cho dù lúc đầu niềm tin vào cái dối trá có vẻ hợp lý thiết thực hơn. Nhưng chỉ có một số người có thể được xem là có tin hoàn toàn vào một điều gì đó, số còn lại đơn thuần chỉ là những kẻ không tin đội lốt mà thôi. Có lẽ, sau cùng, những kẻ không tin đội lốt này lại là kẻ đúng. Bởi chúng quá đông và quá mạnh. Chúng có tất cả những gì mà một nhà duy lý xem như là những phép thử để biết đúng hoặc sai. Theo anh ta, sự đúng dường như có nghĩa là đúng thuận theo đa số những người giàu có và biết lý lẽ, chúng ta đều biết rằng chẳng có chuẩn mực nào an toàn hơn thế, nhưng rồi quyết định này sẽ dẫn đến đâu đây? Đơn giản, có một sự đồng thuận ngầm về những gì lộ rõ ngay rằng nó đúng, và khiến người ta chẳng buồn tìm hiểu thêm, và sự ngầm đồng thuận này khiến cho những ai tự nhận mình là những người bảo vệ và giảng dạy cho sự thật và kiếm lợi từ việc đó trở nên không chỉ được người ta chấp nhận mà còn xứng danh công chính nữa là khác.

Ernest chẳng thấy một lối hợp lý nào để thoát khỏi kết luận phức tạp này. Nó thấy rằng có thể niềm tin của những Kitô hữu đầu tiên khi đối diện với tính chất phi thường trong biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô là một điều chấp nhận được, dù đó là một niềm tin vô lý trí. Cái lối diễn giải này từ đó được trưng ra trước mắt bất kỳ những ai nửa nạc nửa mỡ, và cứ thế cứ thế nó tràn lan khắp thế giới mà chẳng một ai nghiêm túc bắt bẻ lại. Làm sao viện trưởng Alford, một người đã chọn Tân Ước làm ngành nghiên cứu chính của mình, lại không thể hay không nhìn ra được những gì mà Ernest đang tự mình thấy một cách rõ ràng như thế này đây? Liệu còn lý do nào khác ngoại trừ sự thật rằng ông ta không muốn nhìn ra, và nếu thế ông ta chẳng phải là một kẻ phản bội sự thật ư? Nhưng, ông ta chẳng phải là một người thành công và đáng trọng hay sao, và chẳng phải đại đa số những người thành công và đáng trọng, chẳng hạn như các giám mục và tổng giám mục, đều làm đúng những gì mà ngài Alford đã làm hay sao, và khi hành động như thế chẳng phải đã làm cho hành động của họ nên đúng đắn, bất kể nó là những việc nghiền ngấu người ta, bóp chết trẻ con, hay thậm chí là đem lại một thói quen dối trá thâm căn cố đế, hay sao?

Tác giả: