Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Việc đuổi bà Cross, người biết tiến sỹ Skinner từ lúc ông chỉ là một đứa trẻ trong bộ áo vét, và chắc chắn từng nhiều lần cho ông mua chịu xúc xích hay khoai tây nghiền, đã gây giận dữ ghê gớm đối với bọn trẻ. Những cậu đầu têu đã họp kín với nhau để xem thử bước tiếp theo nên làm gì, nhưng hầu như chúng chẳng bàn bạc được gì nhiều cho đến khi Ernest ngại ngùng gõ cửa và thẳng thắn giải thích mọi chuyện này đều do bởi nó mà ra. Nó thú nhận hết mọi thứ ngoại trừ cái danh sách học sinh kèm với lỗi của từng đứa, bởi đó là tội phản bạn nó sẽ chẳng mang nổi. May thay, mọi chuyện đều ủng hộ nó, bởi dù là một kẻ thông thái rởm và quá mức mô phạm, nhưng tiến sỹ Skinner vẫn đủ ý thức để xử trí với Theobald về cái danh sách tội này. Dù có thể ông bực bội vì đã không biết được tính cách của những học sinh mình đang chịu trách nhiệm, dù có thể ông sợ trường bị tai tiếng, hay dù gì tôi không rõ, nhưng ông đã quyết định dứt khoát lạ lùng, và với một cách xử lý khéo léo hơn bình thường, ông đã ném bản danh sách vào lửa trước mặt Theobald ngay lập tức.

Ernest được tha bổng dễ dàng hơn nó tưởng. Bọn trẻ đồng ý rằng lỗi lầm của nó mặc dù thật tồi tệ nhưng vì hoàn cảnh mà nó phải chịu nên có thể được giảm nhẹ, hơn nữa nó đã thẳng thắn đứng ra thú nhận hết tội lỗi, cũng như thật tâm hối hận rõ ràng, ngoài ra cơn thịnh nộ của tiến sỹ Skinner giáng lên đầu nó càng khiến nó được ủng hộ. Nên cuối cùng, chúng xem những gì nó đã phạm coi như thuộc về quá khứ rồi.

Học kỳ trôi qua và tinh thần của Ernest cũng dần dần khá hơn, những lúc cái tính tự xỉ vả mình của nó trỗi dậy, nó được khuây khỏa hơn đôi chút khi nhận ra rằng ngay cả cha và mẹ nó, những người được cho là hoàn toàn trong sáng cũng chẳng tốt hơn gì nó. Vào ngày mồng năm tháng mười một hằng năm, đã thành một lệ là các cậu trai sẽ tập trung tại một nơi không xa Roughborough và đốt hình nhân đại diện cho một người nào đó, đây là sự pha trộn giữ lễ hội pháo hoa với lễ Guy Fawkes. Năm nay, chúng quyết định người bị đốt sẽ là ông cha nhà Pontifex, và Ernest sau khi suy tính đủ đường xem nên làm thế nào, đến cuối cùng đã quyết là chẳng có lý do gì để không tham gia trò này, bởi nó thấy việc này cũng chẳng gây hại gì cho cha nó cả.

Trùng hợp thay giám mục cũng ấn định ngày lễ thêm sức tại trường đúng vào ngày đó. Tiến sỹ Skinner không mấy ưng ý với ngày này, nhưng vì lịch làm việc quá kín, nên giám mục không thể dời qua ngày khác được. Ernest cũng nằm trong số được nhận phép thêm sức, và nó bị ấn tượng sâu sắc bởi sự trang nghiêm long trọng của buổi lễ. Lúc quỳ gối dưới chân bàn thờ, nó cảm nhận được vị giám mục già to lớn đang rợp bóng trên nó khiến nó gần như không thở nổi, rồi khi ngài dừng lại trước nó và đặt tay lên đầu nó, thì nó thấy run rẩy đến mức thần hồn nát thần tính. Nó cảm nhận được rằng giờ đây nó đang đứng trước một bước chuyển lớn trong cuộc đời, và Ernest về sau sẽ gần như khác hoàn toàn với Ernest trước đây.

Buổi lễ diễn ra vào khoảng giữa trưa, nhưng đến một giờ chiều thì tác động của phép thêm sức đã biến đâu mất, và nó thấy chẳng có lý do gì để nó phải trốn tránh trò vui đốt lửa hằng năm cả, nên nó đi cùng những đứa khác và mạnh dạn chơi cho đến khi hình nhân của cha nó được trưng ra và chuẩn bị châm lửa, lúc đó nó mới thấy hơi sợ hãi. Con hình nhân là một thứ thảm hại được làm bằng giấy, vải và rơm, nhưng đã được bọn trẻ đặt cho cái tên Đức ông Theobald Pontifex, và khi nhìn thấy hình nhân bị đem đến gần đống lửa, cảm giác của Ernest đột ngột đổi chiều. Nhưng rồi nó vẫn giữ vững được quan điểm cũ, và vài phút sau khi mọi thứ kết thúc, nó cảm thấy việc tham gia buổi lễ này chẳng có gì tội lỗi, bởi xét cho cùng thì động cơ của nó cũng là từ cái hứng thú kiểu trẻ con thích được ngoài vòng pháp luật hơn là từ ác ý thực sự.

Tôi phải nói rằng Ernest đã viết thư gởi cho cha, và kể cho anh nghe về những hình phạt chưa từng có đang được áp dụng với nó, thậm chí nó còn đánh liều gợi ý cha nên can thiệp để bảo vệ nó và nhắc lại rằng mọi chuyện thế này đều là từ anh mà ra, nhưng lúc này, Theobald đã đủ gờm tiến sỹ Skinner rồi, bởi hành động ném danh sách học sinh mắc lỗi vào lò lửa chính là sự cự tuyệt và dập tắt trong anh mọi ý muốn can thiệp vào chuyện nội bộ trường Roughborough một lần nữa. Bởi thế, anh trả lời rằng hoặc anh phải chuyển trường cho Ernest vì những lý do không được hay cho lắm, hoặc là anh phải tin tưởng vào cách giải quyết của ngài hiệu trưởng mà có lẽ là ông thấy tốt nhất cho các học sinh của mình. Ernest chẳng thể nói thêm gì nữa, nó vẫn cảm thấy việc nó chấp nhận khai ra bất kỳ điều gì là một sự ô nhục vô cùng, đến nỗi chính nó chẳng thể tha thứ cho mình được nữa.

Trong ‘giờ của mẹ Cross,’ theo kiểu nói lâu nay của đám trẻ, có một hiện tượng rất lạ diễn ra ở Roughborough, đó là việc những đứa lớn chạy việc vặt cho những đứa nhỏ hơn với những điều kiện nhất định. Những đứa học trò lớn không bị giới hạn gì, và chúng có thể đến cửa hàng của bà Cross bất cứ lúc nào chúng muốn, do đó chúng thực sự là những con thoi đưa bất kỳ thứ gì từ cửa hàng của bà Cross hay bà Jones về cho bất kỳ cậu bé nào, bất kể lớn hay nhỏ, và chúng thường làm việc này vào khoảng chín giờ kém mười lăm đến chín giờ vào buổi sáng, và sáu giờ kém mười lăm đến sáu giờ vào buổi chiều. Tuy nhiên, càng ngày chúng càng táo tợn hơn, và như thế, dù không tuyên bố chính thức, các cửa hàng đã ngầm xem như được nhà trường chấp nhận trở lại.

Chương 44

Tôi nghĩ là nên cho các bạn biết cụ thể hơn về cuộc sống ở trường của Ernest. Dù không muốn, nó vẫn phải theo khuôn khổ của tiến sỹ Skinner, và trong hai năm gần đây hoặc hơn, nó đã có những tiến bộ trong các môn Latin cổ điển mặc dù chưa bao giờ được xếp vào hạng khá trở lên. Nó ít làm bài, và tôi nghĩ rằng ông Skinner đã bó tay và thấy tốt hơn nên bỏ mặc nó tự lo cho mình, bởi nó hiếm khi hiểu được bài, và thường nộp bài hoặc không tùy ý thích của nó. Cái tính phản kháng ngầm và vô thức của nó có lúc còn ảnh hưởng xa hơn những cuộc vượt rào liều lĩnh mà tôi đã kể ở giai đoạn đầu. Đến cuối cùng, nó vẫn cứ dậm chân tại đúng chỗ ban đầu của nó, cụ thể là dù ở lớp lớn hay nhỏ, nó vẫn nằm trong số kém của những đứa đáng trọng, hay đúng hơn là trong số khá của những đứa bất hảo.

Trong suốt nhiều năm học, chỉ có một lần duy nhất nó được tiến sỹ Skinner khen ngợi về bài làm, và nó trân trọng điều này như một biểu hiện tán thưởng nhất mà nó từng nhận được. Nó đã phải viết một bài thơ thể alcaics[21] về ‘Những con chó của các thầy dòng thánh Bernard,’ và khi trả bài cho nó, tiến sỹ đã phê là: ‘Trong bài thơ alcaics này, dù vẫn còn tệ quá chừng, nhưng tôi tưởng là tôi có thể thấy được một vài biểu hiện mơ hồ của sự tiến bộ.’ Ernest bảo rằng nếu các bài tập của nó khá hơn đôi chút thì đó hẳn phải là do may mắn, bởi nó chắc chắn là nó luôn thích những chú chó, đặc biệt là những con chó của thánh Bernard, đủ nhiều để có hứng thú viết một bài thơ alcaics về chúng.

‘Khi nhìn lại bài đó,’ nó nói với tôi kèm một nụ cười thật rạng rỡ, ‘con thấy mình đáng trọng hơn bởi chưa bao giờ con kiếm cho bằng được những điểm cao hơn năng lực thực của con, dù nếu muốn kiếm điểm thì thì chắc chắn con sẽ kiếm được. Con mừng là chẳng có thứ gì bắt con phải lao vào những bài thơ Latin và Hy Lạp, con mừng là tiến sỹ Skinner không gây tác động tinh thần nào lên con, con vui vì con đã biếng nhác lúc ở trường, và con vui vì cha con đã giao cho con những bài học quá nặng đối với con – nếu không, có lẽ con cũng sẽ chơi trò gian lận, và có thể viết một bài thơ alcaics về con chó của các tu sỹ của thánh Bernard cũng hay như các bạn trong lớp, nhưng con không rõ nữa, bởi con nhớ là có một đứa khác trong lớp đã nộp một bài thơ tiếng Latin viết theo hứng thú của nó như thế này đây:

‘Những con chó của các thầy của thánh Bernard
đi kéo trẻ con ra khỏi tuyết
Quanh cổ chúng là cái bẫy êm dịu
Cột chặt cùng một ít chỉ dây.’

Con nên viết giống như thế, và con đã cố, nhưng không thể. Đến cuối cùng, con vẫn không thể làm giống thế, rồi cố sửa lại, nhưng vô ích.’

Tôi cho rằng tôi có thể nhìn ra được những dấu vết đầy cay đắng đối với các thầy giáo trong cái lối kể của Ernest, và rồi nói đôi câu về thái độ này của nó.

‘Ôi, không,’ nó trả lời, và vẫn cười, ‘chuyện của con cũng chẳng khác gì cảm giác của thánh Anthony đối với những con quỷ đã cám dỗ ngài, lúc tình cờ gặp lại chúng hàng trăm năm sau. Tất nhiên, ngài biết đó là quỷ, nhưng mà sự thật là quỷ đầy rẫy ra đó. Và có lẽ thánh Anthony thích những con quỷ mà ngài đã từng gặp hơn những quỷ khác, và vì sự quen biết đó mà ngài ưu ái nhẹ nhàng với chúng hơn.’

‘Ngoài ra, bố biết đó,’ nó nói thêm, ‘thánh Anthony cũng cám dỗ lũ quỷ nhiều như chúng đã cám dỗ ngài, bởi sự thánh thiện đặc biệt của ngài còn là thứ cám dỗ lớn hơn những cám dỗ của quỷ nữa. Nói một cách rõ ràng hơn thì những con quỷ mới là kẻ đáng thương hơn trong chuyện này, bởi chúng bị thánh Anthony dẫn dắt và bị cám dỗ cùng sa ngã, trong khi chính bản thân thánh thì không. Con tin con là một đứa trẻ khó hiểu và khó chịu, và nếu có lúc nào gặp tiến sỹ Skinner thì con sẽ chẳng bắt tay cũng như sẵn sàng đối đãi tốt với ông ấy đâu.’

Tác giả: