Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Chỉ có sự hồi tưởng về người vợ chưa cưới giày vò ông. Và không chỉ có hồi tưởng mà cả sự hình dung sinh động về những điều đã có thể xảy ra. Bất giác ông tưởng tượng ra người đàn bà ông quen biết được hoàng đế sủng ái, sau đó người ấy đi lấy chồng, trở thành một người vợ, người mẹ tuyệt vời trong gia đình. Chồng bà ta được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng, có quyền hành, danh vọng và có một người vợ tốt, biết hối hận.

Vào những giây phút tốt đẹp, những ý nghĩ đó không làm cho Kasatski xao xuyến. Khi nhớ lại chuyện đó vào những giây phút tốt đẹp ông vui mừng, vì thấy mình đã thoát khỏi những cám dỗ đó. Nhưng có những giây phút, khi bỗng nhiên tất cả những gì ông coi là lẽ sống mờ đi trước mắt ông, chẳng những ông thôi không còn tin vào những gì khiến ông đã sống, mà còn thôi không nhìn thấy, không gợi lại được trong mình những gì khiến ông đã sống, và hồi ức – nói ra thật khủng khiếp – cùng sự hối hận trong cách đối xử của mình choán lấy ông.

Lối thoát trong tình trạng đó là việc tuân thủ phận sự nghĩa là làm việc và suốt ngày bận bịu với việc cầu kinh. Như lệ thường, ông đã cầu kinh, cúi gập người xuống lễ, thậm chí ông đã cầu kinh nhiều hơn thường lệ, nhưng ông cầu kinh bằng phần xác, chứ không phải phần hồn. Và việc đó kéo dài một ngày, đôi khi hai ngày, rồi sau đó qua đi. Nhưng một hoặc hai ngày đó thật khủng khiếp. Kasatski cảm thấy ông không nằm trong quyền lực của mình và không nằm trong quyền lực của Chúa, mà nằm trong quyền lực của một người xa lạ nào đó. Và tất cả những gì ông có thể làm và đã làm trong thời gian đó là những gì vị cha cả khuyên ông: Tiết chế, không làm gì trong thời gian đó và chờ đợi. Nói chung, trong suốt thời gian đó, Kasatski đã sống không phải theo ý mình, mà theo ý của vị cha cả, và ông cảm thấy lòng mình đặc biệt thanh thản trong việc tuân thủ phận sự đó.

Kasatski đã sống như vậy suốt bảy năm trong tu viện đầu tiên nơi ông vào tu. Vào cuối năm thứ ba, ông đã được cắt tóc và được phong là linh mục với pháp danh là Serghi[5]. Việc cắt tóc là một biến cố quan trọng trong tâm hồn Serghi. Trước đây ông cũng đã cảm thấy niềm an ủi lớn và sự phấn chấn tinh thần khi làm lễ nhập thánh thể; giờ đây khi chính ông phải làm lễ thì việc hoàn thành lễ proskomidia[6] đã khiến ông hân hoan cảm động. Nhưng về sau cảm giác đó ngày càng chai lì đi, và có lần ông đã làm lễ trong một tâm trạng u uất thường có ở ông, lúc ấy ông cảm thấy rằng tâm trạng đó rồi sẽ qua đi. Và quả thực cảm giác đó đã yếu đi, nhưng thói quen thì còn lại.

Nói chung vào năm thứ bảy trong cuộc sống của mình tại tu viện, Serghi bắt đầu cảm thấy buồn chán. Tất cả những gì cần phải học tập, tất cả những gì cần phải đạt tới, – ông đều đã đạt được, và chẳng còn việc gì để mà làm nữa.

Nhưng bù lại, trạng thái tê liệt ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong thời gian đó, ông được tin mẹ mình mất và Maria đi lấy chồng. Ông dửng dưng đón nhận những tin tức đó. Toàn bộ sự chú ý, toàn bộ các mối quan tâm của ông tập trung vào cuộc sống nội tâm.

Vào năm thứ tư sau khi đi tu, vị giám mục tỏ ra đặc biệt trìu mến đối với ông và vị cha cả đã bảo ông đừng nên từ chối, nếu như người ta bổ nhiệm ông vào những giáo chức cao. Và lúc ấy thói háo danh của tu sĩ, cái thói đáng ghét nhất của các tu sĩ, nổi lên trong ông. Người ta bổ nhiệm ông về coi sóc một tu viện ở gần thủ đô. Ông định từ chối, nhưng vị cha cả đã ra lệnh cho ông phải chấp nhận sự bổ nhiệm đó. Ông chấp nhận sự bổ nhiệm, từ biệt vị cha cả và chuyển tới một tu viện khác.

Việc chuyển tới cái tu viện ở gần thủ đô này là một biến cố quan trọng trong cuộc đời của Serghi. Có nhiều sự cám dỗ đủ mọi kiểu và mọi sức lực của Serghi đều hướng vào việc chống lại những cám dỗ đó.

Trong tu viện trước, việc cám dỗ của phụ nữ ít giày vò ông, ở đây sự cám dỗ đó lấn tới với sức mạnh khủng khiếp và đã đi tới chỗ có một hình thù nhất định. Có một phu nhân lừng danh vì tư cách xấu của mình bắt đầu xun xoe trước Serghi. Bà ta trò chuyện với ông và ngỏ lời mời ông tới thăm bà ta. Serghi đã nghiêm khắc từ chối, nhưng ông cảm thấy khiếp sợ trước ý muốn dứt khoát đó của mình. Ông sợ hãi đến nỗi đã viết thư cho vị cha cả về chuyện đó và hơn thế nữa, để mau chóng chấm dứt chuyện này, ông đã gọi người thầy dòng trẻ tuổi giúp việc mình tới và vượt qua nỗi xấu hổ, thú nhận với anh ta về sự yếu đuối của mình, yêu cầu anh ta theo dõi mình và đừng để mình đi đâu, ngoài việc làm lễ và nghe xưng tội.

Ngoài ra, cám dỗ lớn nhất đối với Serghi là ở chỗ tu viện trưởng của tu viện này, một người thanh lịch, khéo léo, đã làm nên công danh trong giáo hội, là kẻ mà Serghi hết sức ác cảm. Dù Serghi vật lộn với bản thân thế nào đi nữa, ông cũng không thể xóa tan được mối ác cảm đó. Ông đã cam chịu, nhưng trong thâm tâm vẫn không ngừng phê phán. Và tình cảm xấu đó bột phát.

Chuyện đó xảy ra vào năm thứ hai trong quãng thời gian ông ở tu viện mới. Câu chuyện như thế này. Trong dịp lễ Đức Mẹ đồng trinh, cuộc lễ ban đêm được tiến hành tại nhà thờ lớn. Dân chúng tới dự đông. Đích thân tu viện trưởng làm lễ. Cha Serghi đứng ở chỗ thường ngày của mình và đọc kinh cầu nguyện, nghĩa là ông ở trong trạng thái đấu tranh mà ông luôn luôn lâm vào lúc làm lễ, đặc biệt là trong nhà thờ lớn, khi chính bản thân ông không đứng chủ lễ. Cuộc đấu tranh đó là ở chỗ các khách tới dự lễ, các quý ông, đặc biệt là các quý bà làm cho ông bực tức. Ông cố gắng che lấp sự chú ý của mình, không nhìn thấy gì hết ngoài ánh sáng các ngọn nến ở bàn thờ, các bức ảnh thánh và những người phụ lễ, không nghe thấy gì hết ngoài những lời cầu kinh ê a và không cảm thấy cảm giác nào khác ngoài cảm giác tự quên mình trong việc hoàn thành những gì cần phải làm, cái cảm giác mà ông thường trải qua khi nghe và lặp lại những lời cầu kinh đã được nghe trước đó biết bao nhiêu lần.

Vậy là ông đứng đó, nghiêng mình, làm dấu thánh giá lúc cần phải làm và đấu tranh bản thân, khi thì đắm mình vào sự phán xét lạnh lùng, khi thì cố ý làm cho những cảm nghĩ của mình lắng đi vừa lúc người trông kho đồ lễ, cha Nikodim, cũng là một sự cám dỗ lớn đối với cha Serghi, – Nikodim, mà ông bất giác trách cứ về thói lấy lòng và nịnh hót tu viện trưởng, – bước lại gần ông, cúi gập hẳn người xuống chào ông, nói rằng tu viện trưởng gọi ông vào chỗ bàn thờ. Cha Serghi vén áo choàng, đội chiếc mũ cao của tu sĩ rồi thận trọng đi ngang qua đám đông.

Lise, regardez à droite, c’est lui.[7]

Ông nghe thấy một giọng nữ vang lên.

Où, où? Il n’estpas tellement beau.[8]

Ông biết họ nói về ông. Khi nghe họ nói, và như thường lệ vào những phút bị cám dỗ như vậy, ông lặp đi lặp lại mấy tiếng: “Và xin Người đừng dẫn chúng con vào cõi cám dỗ”, rồi ông cúi đầu, cụp mắt xuống, đi ngang qua đài giảng kinh, đi vòng qua đám trợ tế mặc áo thụng lúc đó cũng đang băng qua trước khung để tượng thánh, bước vào khuôn cửa ở phía Bắc. Vào trong gian để bệ thờ, theo tục lệ, ông cúi gập hẳn mình xuống, làm dấu thánh giá trước ảnh thánh, sau đó ông ngẩng đầu lên và nhìn vị tu viện trưởng đang đứng cạnh một người ăn vận bảnh bao mà ông chỉ liếc mắt ngó qua, chứ không chú ý tới.

Tu viện trưởng mặc áo lễ đứng ở gần tường, những ngón tay nần nẫn ngắn cũn cỡn thò ra khỏi áo lễ đặt trên bụng và tấm thân phì nộn, ông ta vừa xoa xoa chiếc ngù kim tuyến của áo lễ, vừa mỉm cười nói gì đó với một quân nhân mặc quân phục cấp tướng có thêu những chữ đầu tên họ và đeo dây thao, những thứ mà giờ đây cha Serghi mới nhìn rõ bằng cặp mắt quân sự quen thuộc của mình. Vị tướng này nguyên là chỉ huy trung đoàn của ông. Giờ đây, rõ ràng ông ta đã giữ một địa vị quan trọng và cha Serghi lập tức nhận thấy ngay rằng tu viện trưởng biết rõ điều đó, vui mừng vì điều đó, bởi thế khuôn mặt to bè, đỏ lựng với vầng trán hói của ông ta sáng bóng lên.

Điều đó làm cho cha Serghi bực bội, buồn rầu và cảm giác đó càng tăng thêm, khi ông nghe tu viện trưởng nói rằng việc gọi ông tới đây chẳng có lý do gì khác hơn là để thỏa trí tò mò của vị tướng muốn được nhìn thấy người bạn đồng ngũ trước đây của mình, theo như cách ông ta nói.

– Rất vui mừng được nhìn thấy ông trong hình dạng thần thánh này, – vị tướng nói, chìa tay ra. – Tôi hy vọng rằng ông không quên người đồng ngũ của mình.

Toàn bộ khuôn mặt đỏ lựng, giữa mái tóc bạc, đang mỉm cười của tu viện trưởng dường như tán thành điều vị tướng nói, bộ mặt núc ních của vị tướng với nụ cười tự đắc, mùi rượu vang từ miệng vị tướng và mùi thuốc xì gà từ chòm râu quai nón của ông ta tỏa ra – tất cả những cái đó làm cho đức cha Serghi nổi xung lên. Ông nghiêng mình một lần nữa trước tu viện trưởng và nói:

– Bẩm cha cho gọi con ạ? – Rồi ông dừng lại, nét mặt và tư thế của ông như có ý hỏi: Để làm gì?

Tu viện trưởng nói:

– Để gặp gỡ với tướng quân đây.

– Trình cha, con đã rời bỏ cõi tục để cứu mình khỏi những cám dỗ, – ông nói, mặt tái nhợt và môi run rẩy. – Vì sao người đem con ra trước mặt họ ở đây, trong giờ cầu nguyện và trong điện thờ của Chúa?

– Cha đi đi, đi đi. – Tu viện trưởng bực mình và chau mày, nói.

Tác giả: