Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Kasatski đã ngỏ lời cầu hôn và được chấp nhận. Anh ngạc nhiên khi thấy mình đạt tới hạnh phúc một cách dễ dàng và nhận ra trong cách đối xử của bà mẹ và cô con gái có gì đặc biệt lạ lùng. Anh đã yêu quá say đắm và mù quáng, bởi vậy anh không nhận ra rằng hầu như tất cả mọi người trong thành phố đều biết người vợ chưa cưới của anh đã trở thành nhân tình của Nikolai Pavlovich từ một năm trước đây.

2

Hai tuần lễ trước ngày cưới, Kasatski ngồi chơi tại biệt thự của người vợ chưa cưới của mình tại Tsarskoie Selo[3]. Đó là một ngày tháng năm nóng nực. Cặp vợ chồng chưa cưới dạo chơi trong vườn và ngồi trên chiếc ghế dài nhỏ trên con đường rợp bóng cây đoạn. Maria đẹp lạ lùng trong chiếc áo dài trắng bằng sa. Cô dường như là hiện thân của sự trinh bạch và tình yêu. Cô ngồi đó, khi thì cúi đầu xuống, khi thì nhìn con người đẹp trai, cao lớn, đang nói năng rất thận trọng và trìu mến đối với cô, e ngại mỗi lời nói, cử chỉ của mình có thể xúc phạm tới vẻ trong trắng thiên thần của người vợ chưa cưới. Kasatski thuộc vào số người của những năm bốn mươi, những người ngày nay không có nữa, họ có ý thức cho phép mình và không thầm lên án mình về sự không trong sạch trong quan hệ tình dục, nhưng lại đòi hỏi ở vợ sự trong sạch thiên thần, lý tưởng, thừa nhận trong mỗi cô gái thuộc giới mình đều có sự trong sạch rất thiên thần đó và đã đối xử với họ như vậy. Quan niệm này chứa đựng nhiều điều không đúng và có hại, vì nó khiến đàn ông cho phép mình sống phóng đãng, nhưng đối với phụ nữ thì một quan điểm như thế, theo như tôi nghĩ, là có ích, quan điểm đó khác xa với quan niệm của thanh niên hiện nay – đó là những kẻ nhìn thấy trong mỗi cô gái một con cái đang đi tìm đực. Khi thấy mình được thần thánh hóa như thế, các cô gái đã cố gắng để có thể ít nhiều là những nữ thiên thần. Kasatski cũng giữ quan niệm như vậy về phụ nữ và cũng nhìn vợ chưa cưới của mình như vậy. Trong ngày hôm ấy anh yêu say đắm và không hề cảm thấy chút dục tình nào đối với vợ chưa cưới, ngược lại, anh âu yếm nhìn cô như nhìn một cái gì không thể động chạm tới được.

Vươn thẳng vóc người cao lớn, anh đứng trước cô, hai tay tì trên thanh gươm.

– Chỉ mãi tới bây giờ tôi mới được biết tới cái hạnh phúc mà một con người có thể nếm trải. Chính cô, em, – anh nói, mỉm cười bẽn lẽn, – đã đem lại cho tôi hạnh phúc đó!

Anh còn đương ở trong thời kỳ chưa quen miệng lắm với tiếng “em”, và khi nhìn cô từ dưới lên một cách đứng đắn, anh cảm thấy kinh hãi khi thốt lên tiếng “em” với đấng thiên thần đó.

– Tôi đã hiểu được mình nhờ có… em, tôi đã biết rằng tôi tốt hơn là tôi tưởng.

– Tôi biết thế từ lâu. Chính vì thế nên tôi yêu ông.

Chim họa mi lảnh lót ở gần đó, tán lá cây tươi xanh đung đưa trước cơn gió thoảng.

Anh cầm tay cô và hôn, mắt ứa lệ. Cô hiểu rằng anh cảm ơn cô, vì cô đã nói là cô yêu anh. Anh đi đi lại lại, im lặng, sau đó bước lại gần và ngồi xuống.

– Cô biết không, em biết không, thôi thì đằng nào cũng thế. Tôi gần gũi em không phải là vô tư, tôi muốn gây dựng quan hệ với giới thượng lưu, nhưng sau đó… Điều đó thật nhỏ nhen xiết bao so với em, khi tôi hiểu rõ em. Em không giận tôi về chuyện đó chứ?

Cô không đáp và chỉ chạm tay vào tay anh.

Anh hiểu cử chỉ đó có nghĩa là: “Không, em không giận đâu”.

– À mà em vừa nói… – anh lúng túng, tưởng như mình quá sỗ sàng, – em nói rằng em yêu tôi, tôi tin, nhưng, em thứ lỗi cho, ngoài cái đó ra còn có điều gì đó ngăn trở và làm cho em lo lắng. Đó là điều gì vậy?

“Phải, bây giờ hoặc là chẳng bao giờ hết, – cô nghĩ. – Thôi thì đằng nào rồi anh ấy cũng sẽ biết. Nhưng bây giờ, anh ấy sẽ không bỏ đi. Chao ôi, nếu như anh ấy bỏ đi thì khủng khiếp xiết bao!”

Và cô đưa cặp mắt yêu đương bao quát toàn bộ vóc dáng to lớn, mãnh liệt, cao thượng của anh. Giờ đây cô yêu anh hơn Nikolai, và giá như đó không phải là hoàng thượng, thì chắc cô đã đổi ông ta lấy anh.

– Anh hãy nghe đây. Tôi không thể không thẳng thắn được. Tôi cần phải nói rõ mọi sự. Anh hỏi rằng đó là cái gì ư? Đó là vì tôi đã yêu.

Cô đưa tay ngăn cử chỉ cầu xin của anh.

Anh im lặng.

– Anh muốn biết tôi yêu ai phải không? Tôi yêu Người, hoàng thượng.

– Tất cả chúng ta đều yêu mến Người, tôi tưởng tượng lúc cô ở học viện…

– Không, sau này cơ. Đó là một sự say mê, nhưng sau đó nó đã qua đi. Nhưng tôi phải nói rằng… – Cái gì mới được chứ? – Không, chuyện của tôi không đơn giản đâu.

Cô đưa tay che mặt.

– Thế nào? Cô đã hiến thân cho ông ta à?

Cô im lặng.

– Nhân tình à?

Cô im lặng.

Anh chồm dậy, mặt tái nhợt như xác chết, gò má run bần bật, đứng trước cô. Lúc này anh sực nhớ khi gặp anh trên đại lộ Nevski, Nikolai Pavlovich đã âu yếm chúc mừng anh.

– Trời ơi, tôi đã làm gì vậy, Stefan!

– Đừng đụng, đừng đụng vào người tôi. Ôi, đau đớn biết chừng nào!

Anh quay ngoắt người lại và bước vào trong nhà. Tại đây anh bắt gặp bà mẹ.

– Sao thế, công tước? Tôi… – Bà ta im bặt, khi nhìn thấy vẻ mặt anh. Máu bỗng phừng phừng dồn lên mặt anh.

– Bà đã biết chuyện này và bà muốn dùng tôi để che đậy cho họ. Nếu như các người không phải là đàn bà,… – Anh hét lên, vung nắm đấm to tướng trước mặt bà ta, rồi quay ngoắt người, chạy ra khỏi nhà.

Giá như tình nhân của vợ chưa cưới của anh là một người thường, chắc anh đã giết chết hắn, nhưng đây lại là Sa hoàng được sùng bái.

Ngay ngày hôm sau anh đã xin nghỉ phép và xuất ngũ, rồi cáo ốm để khỏi phải gặp ai, anh đi về quê.

Mùa hè anh sống tại làng quê mình, thu xếp mọi công việc của mình. Hết hè, anh không quay trở lại Peterburg, mà đi vào tu viện và đã trở thành tu sĩ ở đó.

Mẹ anh đã viết thư khuyên can anh chớ đi tới bước quyết liệt đó. Anh trả lời bà rằng sứ mạng của Chúa cao hơn mọi suy xét khác và anh cảm nhận thấy sứ mạng đó; Riêng cô em gái cũng kiêu hãnh và háo danh như ông anh, là hiểu được anh.

Cô em hiểu rằng anh trở thành tu sĩ để đứng cao hơn những kẻ muốn chứng tỏ cho anh biết họ đứng cao hơn anh. Và cô đã hiểu đúng anh. Bước chân vào giới tu sĩ, anh tỏ cho thấy rằng anh khinh miệt tất cả những cái gì tưởng là quan trọng xiết bao đối với những người khác và đối với chính bản thân anh, khi anh còn tại ngũ và anh đã đứng trên một tầm cao mới, đến mức từ đó anh có thể nhìn xuống những kẻ mà trước đây anh từng ghen tị. Nhưng không phải chỉ có một tình cảm đó chi phối anh, như cô em gái Varvara của anh đã nghĩ. Còn có một tình cảm khác, thật sự có tính chất tôn giáo chi phối anh, cái tình cảm mà Varvara không biết tới, nó xen lẫn với lòng kiêu hãnh và ý muốn vươn lên hàng đầu. Nỗi chán chường đối với Maria (người vợ chưa cưới) mà anh tưởng là một thiên thần, và sự xúc phạm mạnh đến nỗi đẩy anh tới đâu? – Tới với Chúa, với đức tin thời thơ ấu, cái đức tin không bao giờ bị hủy hoại trong anh.

3

Kasatski vào tu viện trong ngày lễ Đức Mẹ đồng trinh.

Tu viện trưởng của tu viện là một nhà quý tộc, một văn nhân thông thái, một cha cả, nghĩa là ông kế tục cái truyền thông bắt nguồn từ Valakhia[4], của các vị tu sĩ nhẫn nhục, phục tòng bậc tôn sư và người hướng dẫn đã lựa chọn. Tu viện trưởng là môn đồ của cha cả Leonit, môn đồ của Paixi Veliskovski, Kasatski phục tòng vị tu viện trưởng này như phục tòng vị cha cả của mình vậy.

Ngoài cái ý thức về ưu thế của mình đối với những người khác ở trong tu viện, cũng như trong mọi việc đã làm, Kasatski ngay cả ở trong tu viện cũng cảm thấy niềm vui khi đạt tới sự hoàn thiện cao nhất ở công việc bên ngoài cũng như trong nội tâm mình. Cũng như khi ở trung đoàn, ông không những chỉ là một sĩ quan không chê trách vào đâu được, mà còn là một người đã từng làm nhiều hơn so với đòi hỏi và đã mở rộng khuôn khổ sự hoàn thiện, khi đã là tu sĩ ông cố gắng trở nên một tu sĩ hoàn thiện, bao giờ cũng chịu khó làm lụng, biết tiết chế, nhẫn nhục, hiền lành, trong sạch không chỉ qua việc làm, mà cả trong ý nghĩ và việc tuân thủ phận sự. Đặc biệt là việc tuân thủ phận sự, hoặc là sự hoàn thiện, đã làm cho cuộc sống của ông trở nên thanh thản. Có nhiều đòi hỏi trong cuộc đời tu sĩ ở cái tu viện có nhiều khách viếng thăm này mà ông không thích, tuy những cái đó cám dỗ ông, nhưng ông đã loại trừ chúng bằng việc tuân thủ phận sự, công việc của ta đâu có phải là xét đoán, công việc của ta là biết tuân thủ phận sự theo đúng như quy định, dù là túc trực bên thánh cốt, hát trong ban đồng ca, hay lập bảng thanh toán cho nhà khách. Bất kỳ khả năng hoài nghi nào đi nữa cũng đều đã được loại trừ bằng việc tuân thủ phận sự như vậy đối với vị cha cả. Giá như không có việc tuân thủ phận sự, thì chắc hẳn ông đã cảm thấy nặng nề vì những công việc lễ bái triền miên và đơn điệu của nhà thờ, vì sự lăng xăng của các khách viếng thăm và vì những nết xấu của đoàn tu sĩ, nhưng giờ đây không những ông đã chịu đựng tất cả những cái đó một cách vui vẻ, mà chúng còn tạo ra sự nâng đỡ và niềm an ủi trong cuộc đời ông. “Ta không biết vì sao mỗi ngày lại phải nghe tới mấy lần cũng những lời cầu kinh đó, nhưng ta biết rằng đó là điều cần thiết. Và một khi biết rằng đó là điều cần thiết, ta tìm thấy niềm vui trong những cái đó”. Vị cha cả đã nói với ông rằng cũng như món ăn vật chất cần thiết để duy trì cuộc sống, món ăn tinh thần – những lời cầu kinh của nhà thờ – cũng cần thiết để nâng đỡ đời sống tinh thần. Ông tin vào điều đó, và quả thực việc làm lễ ở nhà thờ mà đôi khi vào buổi sáng ông phải trỗi dậy một cách chật vật để tới dự, đã đem lại cho ông niềm vui và sự thảnh thơi chắc chắn. Ý thức về sự nhẫn nhục và không hoài nghi tất cả những hành vi do vị cha cả ấn định đã đem lại cho ông niềm vui. Hứng thú của cuộc sống không những chỉ ở trong việc chế ngự ngày càng mạnh ý chí của mình, trong sự nhẫn nhục ngày càng nhiều hơn, mà còn ở trong việc đạt được mọi đức hạnh Kito giáo mà lúc đầu ông tưởng là dễ dàng. Ông đã hiến dâng toàn bộ gia sản của mình cho cô em gái, không tiếc rẻ. Ông không chây lười. Sự nhẫn nhục trước những kẻ dưới chẳng những dễ dàng đối với ông, mà còn đem lại cho ông niềm vui. Thậm chí ông dễ dàng thắng được những tội lỗi xác thịt như thói tham lam cũng như sự dâm đãng. Vị cha cả đặc biệt ngăn ngừa để ông khỏi phạm tội lỗi đó, nhưng Kasatski vui mừng thấy rằng ông đã thoát được nó.

Tác giả: