Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

– Thôi, có lẽ mai nhé. Lúc này tôi không thể tiếp tục được, – ông nói và sau khi ban phước chung cho tất cả mọi người, ông đi tới chiếc ghế dài. Người lái buôn lại đỡ lấy ông, dìu ông đi và đặt ông ngồi xuống.

– Thưa cha! – Có tiếng nói vang lên trong đám đông. – Thưa cha! Xin cha đừng bỏ rơi chúng con. Không có cha chúng con sẽ tiêu ma!

Sau khi đặt cha Serghi ngồi lên chiếc ghế dài dưới cây du, người lái buôn lãnh lấy trách nhiệm cảnh sát và xua đuổi mọi người một cách rất kiên quyết. Quả thật ông ta nói khẽ đến nỗi cha Serghi không thể nghe thấy được, nhưng ông ta đã nói một cách kiên quyết và tức giận:

– Giải tán đi, giải tán đi. Cha đã ban phước rồi, các người còn cần gì nữa nào? Bước cả đi, không tôi sẽ vặn cổ, thật đấy. Này, này! Cái nhà mụ quấn xà cạp đen kia, đi đi, đi đi. Mụ len đi đâu thế hả? Đã bảo đủ rồi mà lại. Đã bảo đến mai Chúa sẽ ban phước, còn bây giờ thì đi cả đi.

– Thưa ông tôi chỉ muốn được liếc mắt nhìn mặt Người một tí thôi ạ, – một bà lão nói.

– Tôi sẽ chú ý, mụ len đi đâu thế hả?

Cha Serghi nhận thấy người lái buôn hành động có phần nghiêm khắc, ông cất giọng yếu ớt bảo người giúp việc của tu phòng ngăn bác lái buôn đừng xua đuổi mọi người nữa. Cha Serghi biết rằng dẫu sao người lái buôn cũng sẽ xua đuổi và ông cũng rất muốn được ngồi một mình nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn phái người giúp việc tu phòng ra bảo với người lái buôn như thế để gây ấn tượng.

– Được, được. Tôi không xua đuổi, tôi khuyên can họ đấy chứ, – người lái buôn đáp, – bởi vì họ chỉ cốt làm cho người ta chết mệt. Họ có thương xót gì ai đâu, họ chỉ nghĩ đến mình thôi. Không được đâu, tôi đã bảo mà. Đi đi. Đến mai.

Và người lái buôn đã xua đuổi tất cả.

Người lái buôn sốt sắng như thế, bởi vì ông ta thích trật tự, thích xua đuổi dân chúng, ngược đãi họ, và chủ yếu vì ông ta cần tới cha Serghi. Ông ta góa vợ, có một đứa con gái độc nhất, ốm đau, chưa lấy chồng và ông ta dẫn nó đi một nghìn bốn trăm versta đường tới chỗ cha Serghi để cha chữa bệnh cho. Trong hai năm, ông ta đã chạy chữa cho con gái ở nhiều nơi. Thoạt đầu tại bệnh viện của trường đại học Tổng hợp ở tỉnh lỵ – không ăn thua; sau đó ông ta đem con đến chỗ một người mugich ở Xamara – hơi đỡ, sau đó ông ta đưa con tới một vị bác sĩ ở Moskva, trả nhiều tiền, – không ăn thua gì. Bây giờ người ta nói với ông rằng cha Serghi chữa lành bệnh, và thế là ông ta dẫn con tới. Bởi vậy, khi đã xua hết dân chúng đi, người lái buôn bước lại gần cha Serghi và không rào đón gì, quỳ sụp xuống, cất giọng oang oang nói:

– Thưa đức cha chí thánh, xin Người hãy ban phước cho đứa con gái đau ốm của tôi, chữa cho nó khỏi đớn đau bệnh hoạn. Tôi đánh bạo quỳ sụp dưới chân thánh thiện của Người. – Rồi ông ta khum lòng bàn tay nọ lên bàn tay kia. Ông ta nói và làm những điều đó tựa hồ như làm một việc gì đó đã được phong tục và luật lệ xác định rõ ràng chắc chắn, tựa hồ như cần phải cầu xin chữa bệnh cho con gái bằng chính cách thức đó, chứ không phải cách nào khác. Ông ta làm như thế với niềm tin vững chắc, đến nỗi ngay như cha Serghi cũng tưởng cần phải nói và làm đúng như thế. Tuy vậy cha đã bảo ông ta đứng dậy và kể cho rõ sự tình. Người lái buôn kể rằng con gái ông ta, cô gái hai mươi hai tuổi, bị bệnh hai năm trước đây, sau khi mẹ chết đột ngột, nó kêu “ối” lên một tiếng, ông ta nói thế, và từ đó lâm bệnh. Và thế là ông ta đã đưa nó đi suốt một nghìn bốn trăm versta tới đây, hiện nay nó đang ở ngoài nhà khách chờ cha Serghi cho phép đưa nó vào. Ban ngày, nó không đi lại vì sợ ánh sáng, nó chỉ có thể ra ngoài sau lúc hoàng hôn.

– Thế ra nó yếu lắm à? – Cha Serghi hỏi.

– Không, cháu người to vóc và không yếu ớt gì đặc biệt, chỉ phải cái nó bị suy nhược thần kinh, như lời bác sĩ nói. Thưa cha, nếu bây giờ cha cho phép đưa nó tới, chắc con sẽ vô cùng phấn khởi. Thưa đức cha chí thánh, xin Người hãy làm cho trái tim của kẻ làm cha khỏi héo hắt. Người hãy phục hồi dòng giống cho nó, dùng lời cầu nguyện của mình cứu lấy đứa con đau ốm của con.

Và người lái buôn lại quỳ sụp xuống và nghiêng đầu trên hai bàn tay khum lại, lặng người đi. Cha Serghi lại bảo ông ta đứng dậy. Ông nghĩ bụng công việc của ông thật nặng nề xiết bao, và mặc dầu như vậy ông vẫn nhẫn nhục gánh lấy công việc đó, ông thở dài nặng trĩu, im lặng giây lâu, rồi nói:

– Thôi được, chiều tối ông hãy dẫn nó tới đây. Tôi sẽ cầu nguyện cho nó, còn bây giờ tôi mệt rồi. – Rồi ông nhắm mắt lại. – Lúc ấy tôi sẽ phái người ra.

Người lái buôn nhón chân đi trên cát, vì thế tiếng giày của ông ta nghe lạo xạo mạnh, ông ta đi ra và cha Serghi ở lại một mình.

Suốt đời cha Serghi bận bịu với các buổi lễ và khách khứa viếng thăm, nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt vất vả. Buổi sáng, một quan chức quan trọng đã tới thăm và trò chuyện lâu với ông; sau đó là bà quý tộc cùng với con trai. Người con trai ấy là một giáo sư trẻ tuổi, không tín ngưỡng, mà bà mẹ – một người sùng đạo nồng nhiệt và trung thành với cha Serghi – đã dẫn tới đây và cầu xin cha Serghi trò chuyện với anh ta. Cuộc trò chuyện rất nặng nề. Chàng thanh niên rõ ràng là không muốn tranh luận với vị tu sĩ, đã đồng ý với ông về tất cả mọi điều, như với một con người kém cỏi, nhưng cha Serghi thấy rằng anh ta không tin, tuy anh ta cũng cảm thấy thú vị, nhẹ nhõm và thanh thản. Giờ đây cha Serghi bực mình nhớ lại cuộc trò chuyện đó.

– Xin rước cha dùng bữa, – người giúp việc tu phòng nói.

– Được, anh đem cái gì tới đây.

Người giúp việc đi vào tu phòng xây cách cửa hang chừng một chục bước, còn cha Serghi ngồi lại một mình.

Đã qua lâu rồi cái thời cha Serghi sống một mình, tự mình làm lấy mọi việc và nuôi thân bằng độc có bánh lễ và bánh mì. Đã từ lâu người ta chứng minh với ông rằng ông không có quyền coi thường sức khỏe của mình và người ta đã nuôi ông bằng những món ăn chay, nhưng bổ béo. Ông ăn ít, nhưng nhiều hơn trước đây, và thường ăn với sự hài lòng đặc biệt, chứ không ăn với vẻ kinh tởm và ý thức về tội lỗi như trước đây. Lúc này cũng vậy. Ông ăn món cháo đặc, uống một cốc nước chè và dùng nửa chiếc bánh mì trắng.

Người giúp việc tu phòng đi ra ngoài và ông ngồi lại một mình trên chiếc ghế dài dưới gốc cây du.

Đó là một buổi tối tháng Năm kỳ diệu, tán lá cây chỉ vừa mới xòa rộng ra trên những cây bạch dương, hoàn diệp liễu, dã anh, những cây du và cây sồi. Những bụi dã anh ở đằng sau cây du đã nở rộ hoa và chưa bị tàn lụi. Đàn chim họa mi, một con đậu rất gần và hai hay ba con khác ở ngay phía dưới bụi cây ven sông, hót ríu rít và lảnh lót. Từ mặt sông xa xa vang lên tiếng hát, chắc là của những công nhân đi làm về, mặt trời đã khuất sau rừng cây, lóe những tia sáng xuyên qua đám lá cây xanh. Toàn bộ phía ấy đều xanh rờn, sáng rực, còn phía có cây du sẫm tối. Những con bọ dừa bay lên, đập cánh và rơi xuống.

Sau bữa ăn tối, cha Serghi bắt đầu đọc thầm kinh nguyện: “Lạy Chúa Jesu Kito, đức thánh con, xin Người hãy xá tội cho chúng con”, sau đó ông đọc thánh ca và bỗng nhiên, giữa lúc ông đang đọc, một con chim sẻ không biết từ đâu tới, bay từ bụi cây xuống đất, kêu lích chích và nhảy lách chách lao về phía ông, nó sợ sệt cái gì đó và vội bay đi. Ông đọc kinh nguyện trong đó nói về việc mình từ bỏ thế gian, và vội vã đọc nhanh cho hết để còn phái người ra gặp người lái buôn với đứa con gái đau ốm, ông quan tâm đến đứa con gái đó. Nó làm cho ông quan tâm vì đây là một sự giải trí, một nhân vật mới, bố nó và nó xem ông như một vị thánh mà lời nguyện cầu hằng được thực hiện. Ông đã phủ nhận điều đó, nhưng trong thâm tâm ông tự coi mình là một vị thánh như vậy.

Ông thường ngạc nhiên không hiểu vì sao điều đó đã xảy ra, vì sao ông Stefan Kasatski, đã trở thành một vị thánh phi thường như vậy và có thể nói là một người có phép lạ như vậy. Nhưng việc ông trở thành thánh như vậy thì chả còn có gì phải hoài nghi nữa cả, ông không thể không tin vào những phép lạ mà chính ông đã nhìn thấy, bắt đầu từ chú bé ốm đau cho tới một bà lão mù gần đây đã nhìn được do lời cầu nguyện của ông.

Dù điều đó kỳ quặc đến thế nào đi nữa, thì sự thật vẫn là như vậy. Bởi thế cô con gái người lái buôn khiến ông quan tâm, vì cô ta là một nhân vật mới, cô ta tin tưởng ở ông và cũng còn vì qua cô ta tài chữa bệnh và danh tiếng của ông lại được khẳng định. “Người ta đã đi hàng nghìn versta tới, họ viết trên báo, hoàng đế biết, mọi người ở châu Âu, ở cái châu Âu không tín ngưỡng biết”, – ông nghĩ. Và bỗng nhiên ông thấy hổ thẹn vì thói háo danh của mình, ông lại bắt đầu cầu Chúa. “Lạy Chúa, vua ở trên trời, người an ủi linh hồn của chân lý, xin Người hãy tới và nhập vào chúng con, tẩy rửa cho chúng con khỏi mọi điều xấu và cứu rỗi cho linh hồn chúng con. Người hãy tẩy rửa cho chúng con khỏi hư danh xấu xa của người đời đang xâm chiếm con”, – ông lặp lại và sực nhớ ông đã cầu nguyện biết bao lần như thế và cho đến nay những lời cầu nguyện của ông về phương diện này vẫn vô hiệu: Những lời cầu nguyện của ông đã tạo nên phép lạ cho những người khác, nhưng ông đã không thể cầu xin Chúa giải thoát cho mình khỏi cái dục vọng nhỏ nhen này.

Tác giả: