Sau bữa tiệc – Yukio Mishima

“Một vị cựu Tổng trưởng mà ăn mặc như thế này, thật không thể nào tưởng tượng được! Hay là không có ai săn sóc cho ông ta?” Ý nghĩ đó lởn vởn trong đầu óc Kazu, khiến nàng chợt nhìn lại cổ áo của những ông khách khác: người nào người nấy đều mặc cổ côn trắng bóc ôm sát lấy lớp da khô khan. Noguchi cũng không thích nhắc tới chuyện quá khứ, mặc dầu trước đây ông có đi làm Đại sứ tại nhiều nước trước khi trở về đảm trách Bộ Ngoại Giao. Cái thế giới ngoại giao hình như đã bị ông đặt ra ngoài sự ông là con người duy nhất vẫn còn sống trong số những người này.

Đại sứ Tamaki bắt đầu nói lại, lần này ông kể tới cuộc tiếp tân vĩ đại nhất quy tụ tất cả giới quý tộc và Hoàng gia khắp Âu Châu với hàng rừng nữ trang, châu báu và những chùm đèn hàng ngàn ngọn sáng như ngọc lưu ly. Mặt của các bà mệnh phụ phu nhân ánh lên màu xanh nhạt của ánh sáng tỏa ra từ những hạt kim cương vĩ đại họ đeo trên người.

Câu chuyện kế đó đề cập tới các ca sĩ tại hí viện thời trước. Một vị Đại sứ tuyên bố Galli-Curci trong bản Lucia đã tiến tới nghệ thuật diễn tả siêu đẳng, nhưng một người khác cho rằng vào lúc đó tài nghệ của Galli-Curci đã bắt đầu xuống, và bản Lucia do Dal Monte ca mà ông từng được nghe mới là tuyệt luân.

Noguchi từ lâu vẫn ngồi nghe, cuối cùng đưa ra một nhận xét: “Dù sao mình cũng vẫn có thể tự coi là còn trẻ chứ, tại sao cứ nói toàn chuyện ngày xưa như vậy?”

Noguchi vừa nói vừa mỉm cười, nhưng sức mạnh của câu nói đã khiến cho mọi người ngồi nín thinh. Kazu hầu như bị thôi miên bởi câu nói đó. Thông thường thì vào những lúc mọi người im lặng như vậy, bổn phận của người tiếp khách là phải tìm một câu nói nào đó để lấp vào khoảng trống. Nhưng Noguchi vừa đưa ra một nhận xét mà nàng thấy là quá hay, quá đúng, khiến nàng phải ngẩn ngơ và quên cả công việc tiếp khách. Nàng thầm nghĩ, “Người này có tài diễn tả những ý nghĩ hay nhưng khó nói.”

Câu nói của Noguchi đã dập tắt tia lửa cuối cùng của bữa tiệc. Tất cả những gì còn lại chỉ là đống tro tàn vừa bị tưới thêm một gáo nước lạnh. Một ông già thúng thắng ho, tiếng ho của ông kéo dài lê thê qua sự im lặng của những người khác. Trong một lúc, người ta có thể thấy tư tưởng của họ hiện lên rõ ràng trên nét mặt: mọi người đều nghĩ tới tương lai, tới sự chết. trong ánh sáng mát dịu. Kazu lôi kéo sự chú ý của khách tới vầng trăng mọc trễ. Hơi men đã chếnh choáng, mấy ông già tỏ vẻ coi thường cái lạnh về đêm, đề nghị đi dạo một vòng quanh vườn để quan sát những gì mà ban ngày họ không thể thấy được. Kazu ra lệnh cho gia nhân thắp đèn lồng lên. Ông già thúng thắng ho vừa rồi, tỏ vẻ miễn cưỡng, lần lại phía sau, nhưng cuối cùng ông cũng đành theo mọi người đi ra ngoài. Ngôi nhà khách có những chiếc cột lớn và một khung cổng mở xuống vườn với lối kiến trúc tỉ mỉ từ đời xưa. Mặt trăng ở phía Đông vừa nhô lên, đổ bóng xuống ngôi nhà đồ sộ trên mặt đất, bên cạnh bóng của những gia nhân đang giơ cao những chiếc đèn lồng soi lối đi xuống vườn.

Mọi người đi vững vàng trên bãi cỏ, nhưng khi Tamaki đề nghị đi vào con đường mòn có phủ rêu xanh nhiều chỗ, để lần sang phía bên kia bờ hồ, Kazu bắt đầu cảm thấy hối hận về việc đã lỡ lôi kéo sự chú ý của mọi người tới ánh trăng hạ tuần tháng mười một. Năm ông già đứng trên bãi cỏ trông có vẻ yếu đuối và bất trắc quá.

Kazu lên tiếng: “Xin quý vị cẩn thận, có nhiều rêu trơn lắm.” Nhưng nàng càng cản họ thì họ lại càng nhất quyết thực hiện ý định một cách bướng bỉnh, họ không muốn bị coi thường như vậy. Ánh trăng vằng vặc chiếu qua các cành lá trở nên hết sức quyến rũ, khiến cho những người đã đi gần tới mặt hồ đầy ánh trăng không thể nào không đi qua phía bên kia.

Bọn gia nhân hình như nhìn thấy sự lo ngại của Kazu, chúng vội vàng giơ cao những chiếc đèn lồng, soi vào các chỗ lồi lõm nguy hiểm, những chỗ có phủ rêu trơn trên mặt đất và lưu ý quan khách: “Buổi tối trời lạnh dữ.” Kazu để hai tay áo kimono trước ngực nói thêm: “Vậy mà ban ngày thì trời lại ấm áp.” Noguchi đi cạnh, Kazu nhìn thấy rõ những hơi thở của ông biến thành làn hơi trắng dưới bộ râu mép tỏa ra trong ánh trăng sáng. Ông không hề để ý tới những nhận xét của Kazu.

Kazu đi trước dẫn đường, nhưng vô tình nàng đi nhanh quá, bỏ lại khách còn đang lò dò ở phía sau với những ngọn đèn lồng đang tỏa ánh sáng soi đường cho họ. Những ngọn đèn và mặt trăng cùng in bóng dưới mặt hồ trông thiệt là đẹp. Kazu không dằn lòng được khi nhìn quang cảnh đẹp đó, nàng đứng từ phía bờ hồ bên kia la lớn: “Đẹp quá! Nhìn mặt hồ kìa, đẹp quá!”

Tai nạn xảy ra sau khi mọi người đã hoàn tất cuộc đi dạo ngoài vườn và trở về nhà khách. Kazu thấy một chiếc lò sưởi ga lớn được đặt giữa phòng và mọi người tự ý chọn chỗ ngồi để sưởi ấm, xua đuổi hết cái giá lạnh mang ngoài vườn vào. Tamaki ngồi lặng thinh, không nói năng gì mặc dầu câu chuyện đang có vẻ sống động. Mọi người vừa nói chuyện vừa ăn bánh, trái cây, và uống trà bột. Đã tới lúc chuẩn bị chấm dứt cuộc họp mặt hôm nay và Tamaki đi vào phòng rửa mặt. Khi mọi người đều sẵn sàng đứng lên từ biệt nhau, Tamaki vẫn chưa thấy trở ra. Mọi người đều ngồi nán lại chờ ông ta. Sự im lặng có vẻ nặng nề. Cả bốn người hình như đều nghĩ rằng lúc này không ai còn muốn nghe kể chuyện nữa.

Họ quay ra hỏi thăm sức khỏe của nhau: một người bị xuyễn, người khác đau bao tử và một người nữa bị thiếu máu. Noguchi với vẻ mặt có vẻ quan trọng, không góp chuyện. Ông ta lặng lẽ đứng lên và nói: “Để tôi đi coi thử.” Kazu cũng vội vàng đứng lên theo, chỉ lối cho Noguchi đi dọc theo dãy hành lang láng bóng. Hai người tìm thấy Tamaki ngã gục, bất tỉnh trong phòng rửa mặt.

Chương 3
Ý kiến của bà Tamaki

Từ trước tới giờ tại nhà hàng Setsugoan chưa bao giờ xảy ra trường hợp như thế này, nên Kazu tỏ vẻ hốt hoảng kêu mọi người tới cấp cứu. Bọn gia nhân đã bu lại quanh nàng, nàng ra lệnh cho chúng gọi tất cả các gia nhân đàn ông tới. Những ông khách thuộc Câu lạc bộ Kagen cũng đã chạy cả ra hành lang. Trong không khí hốt hoảng, nhốn nháo đó, tiếng nói của Noguchi vang lên một cách bình tĩnh. “Không sao, đây có thể chỉ là một cơn xúc động mạnh. Thiệt là phiền cho nhà hàng, nhưng có lẽ chúng ta không nên di chuyển ông ta đi vội. Để tôi kêu một bác sĩ tới. Quý vị đều có gia đình đang mong, quý vị cứ việc về trước. Tôi không có gì bận bịu, để tôi lo việc này được rồi.” Câu nói bình tĩnh, sáng suốt và giọng nói chứa đầy sức mạnh đã vang lên bên tai Kazu với những dư âm còn văng vẳng. Những tiếng “tôi không có bận bịu gì” phát ra tựa như những tiếng ngân của một sợi dây bạc lóng lánh, chạy thẳng vào trái tim của Kazu.

Kazu lăng xăng giữa đám đông đứng xung quanh Tamaki, nhưng nàng hầu như không biết gì cả. Trong óc nàng chỉ còn một ý nghĩ rõ rệt, đó là câu nói của Noguchi. Bà Tamaki đã tới. Kazu cảm thấy mình có phần nào trách nhiệm trong tai nạn này, và vừa khóc vừa xin lỗi về sự thiếu chu đáo của mình. Nhưng sự biểu lộ tình cảm đó vẫn không làm tan biến được những tiếng nói của Noguchi trong đầu óc nàng.

Noguchi đang đứng cạnh nàng, liền lên tiếng: “Xin bà đừng quá bối rối, vì đây là lần đầu tiên bạn tôi tới nhà bà, nên bà làm sao biết rõ tình trạng sức khỏe của ông ta được. Hơn nữa, chính ông ấy đã đề nghị cuộc đi dạo ngoài vườn mà.”

Tamaki tiếp tục nhắm nghiền đôi mắt và bắt đầu thở lớn.

Bà Tamaki là một người đàn bà trung niên, nhan sắc còn rất mặn mà quyến rũ và trẻ hơn tuổi nhiều. Bà không có vẻ gì xúc động lắm trước tình trạng của chồng. Bà hơi chau mày mỗi khi nghe tiếng nhạc vọng ra từ phòng tiệc chánh, nơi có ban nhạc vẫn còn tiếp tục chơi. Trước lời khuyên của bác sĩ nên để cho ông Tamaki nằm nghỉ lại đây ít nhất là cho tới hết ngày mai, bà đã cương quyết phản đối, viện lẽ rằng xưa nay chồng bà có tánh nhất định không muốn làm phiền người khác. Nếu để như vậy, sợ khi tỉnh lại, ông sẽ không bằng lòng. Nàng nói: “Nhà hàng còn có nhiều khách khứa. Hơn nữa nhà tôi không phải khách quen nên không thể nào làm phiền bà chủ nhà hàng thêm nữa. Cần phải đưa ông ấy vào bệnh viện ngay càng sớm càng hay.”

Nhưng Kazu nói: “Đối với bệnh nhân, việc cứu người là quan trọng, không thể câu chấp vào những vấn đề giữ lễ như vậy. Cứ việc để ngài Tamaki nằm lại tĩnh dưỡng nơi đây cho tới khi nào ngài tỉnh táo hẳn.” Bà Tamaki lại kể ra những lý do chống lại ý kiến đó và nhiều lần cảm ơn Kazu. Sự thủ lễ thận trọng giữa hai người đàn bà trở nên khó giải quyết trong khi ông Tamaki vẫn nằm lặng thinh trên gối thở khò khè. Hai người đàn bà như hai ông tướng cầm cự nhau ngoài mặt trận, nhất định giữ vững phần đất của mình, không ai nhượng ai một tấc nào, khiến cho vị bác sĩ người to lớn cũng phải cảm thấy mệt mỏi.

Lúc này Tamaki đã được đưa vào nằm trong một căn phòng ở dãy nhà xép bên cạnh nhà khách. Căn phòng thật rộng và trang trí lịch sự, nhưng Tamaki có còn biết gì đâu. Trong phòng có mặt Noguchi, bác sĩ, bà Tamaki, một nữ y tá và Kazu. Noguchi nháy mắt ra hiệu cho Kazu và cả hai im lặng ra khỏi phòng. Noguchi đi trước một quãng. Kazu ở phía sau, nhìn dáng đi chắc chắn của Noguchi, nàng có cảm tưởng như chính ông ta là chủ ngồi nhà này và nàng chỉ là một người khách.

Họ đi hết dãy hành lang rồi quẹo về phía trái, nơi đây hiện ra một mảnh vườn sau nho nhỏ, xinh xinh với muôn sắc hoa đua nở, khác hẳn với khu vườn rộng thênh thang phía trước, nhưng không hề có một bông hoa nào. Một mảnh vườn sau với những đóa hoa bất ngờ là cái thú riêng mà Kazu tự dành cho mình. Vườn hoa còn có một hồ nước nhỏ nuôi đủ thứ cá, ốc. Về mùa hè, Kazu có thể thấy những con ốc bò lên làm tổ dưới gốc khóm bông trong tia nắng ấm áp. Và khi hoa lá trở nên lộn xộn là lúc báo hiệu mùa thu đã tới.

Tác giả: