Sau bữa tiệc – Yukio Mishima

Cạnh vườn hoa là căn phòng nhỏ, đó chính là phòng riêng của Kazu. Nàng đã quyết định không mời Noguchi vào phòng và cũng không chỉ cho ông ta biết đó là phòng mình. Hai người ngồi ở hành lang phía sau của nhà khách trông ra vườn bông. Vừa ngồi xuống Noguchi đã lên tiếng trước: “Bà thật là bướng bỉnh. Khi bà ta nhất định đem ông ấy đi thì mình cũng không nên giữ.”

“Nhưng một người khách – dù là khách mời – chẳng may gặp tai nạn ở đây thì tôi không thể nào không lo săn sóc cho họ.”

“Phải, đó là điều bà muốn chứng tỏ cho mọi người thấy như vậy. Nhưng chắc bà cũng thừa hiểu lý do tại sao bà Tamaki nhất định không muốn để ông ấy nằm lại đây. Đó không phải là vấn đề lịch sự. Bà đâu phải là trẻ con mà không nhận ra điều đó.”

Kazu mỉm cười và khoé mắt nàng cũng có những tia sáng vui vẻ: “Tôi biết.”

“Nếu biết mà bà còn làm như vậy thì bà cũng là một người cố chấp như bà ấy vậy.”

Kazu không trả lời, nhưng lái câu chuyện qua vấn đề khác.

“Bà Tamaki là người thế nào mà chồng sắp chết nằm đó, bà ấy còn đánh phấn trát vào mặt trước khi đi.”

“Đó là thói quen tự nhiên, vì chị ấy là vợ của một ông Đại sứ.”

Im lặng một lát rồi Noguchi nói tiếp: “Dĩ nhiên đó không phải là chuyện đáng bắt chước.” Rồi cả hai cùng không nói gì nữa. Kazu cảm thấy sự im lặng thực là dễ chịu.

Tiếng đàn hát nhẹ nhàng, xen lẫn tiếng cười nói vọng tới từ phòng tiệc chánh. Kazu cảm thấy thoải mái, dù sao thì nàng cũng đã trút được những lo lắng, bối rối do tai nạn vừa gây ra. Noguchi ngồi tựa vào thành ghế và rút ra trong túi một điếu thuốc, gắn lên môi. Kazu vội vàng chạy tới bật lửa.

“Lịch sự quá.” Noguchi nói với giọng tự nhiên, nhưng Kazu cảm thấy có một cái gì liên hệ ngầm chứa trong câu nói đó, sự liên hệ đó không phải chỉ là liên hệ chủ khách nhưng còn hơn thế nữa. Nàng cảm thấy trong lòng sung sướng rộn rã.

Kazu lên tiếng: “Tự nhiên tôi thấy ớn quá. Tội nghiệp cho ông

Tamaki! Chắc ông ta bị ngấm rượu saké.”

Noguchi trả lời một cách hững hờ: “Tôi cũng nghĩ vậy. Thiệt là khó hiểu về sự khoe khoang cố chấp ở một người đàn bà. Bà Tamaki chỉ lo chồng bà ấy không được chết trên giường ở bệnh viện đàng hoàng, nên nhất định không chịu để ông ta lại đây, dù rằng hành động như thế có thể đem tới cái chết nhanh hơn. Riêng tôi, tôi chỉ thấy buồn nếu mất một người bạn già, và muốn yêu cầu bà để cho anh ấy nghỉ lại đây tới chừng nào bác sĩ bảo có thể đi được. Nhưng dù sao tôi cũng chỉ là một người bạn, trong khi chị ấy là vợ, tôi không thể nào vượt quyền của chị ấy. Đành chịu vậy, chớ biết làm sao.”

Kazu cảm thấy muốn nói một câu gì với Noguchi. “Như vậy là ông không thực tình thương bạn. Nếu ở vào trường hợp tôi, tôi sẽ hành động theo tình cảm và sự suy đoán của mình, bất kể những ý nghĩ của người khác. Tôi thường hành động như vậy, theo con đường riêng của tôi, khi đã dính líu vào một vấn đề gì.”

“Đêm nay bà có vẻ đã bị tình cảm chi phối nhiều đấy.” Giọng Noguchi có vẻ nghiêm nghị. Kazu cảm thấy rất sung sướng khi nghĩ rằng Noguchi đã ghen với những cảm tình mình dành cho Tamaki, và vội vã giải thích một cách ngây thơ: “Không, đó chỉ là tôi giả dụ như vậy. Thực ra trong tai nạn này tôi chỉ thấy mình có phần trách nhiệm, chớ thực không hề có tình ý gì đặc biệt với ông Tamaki cả.”

“Như thế là chỉ vì bà cố chấp. Trong trường hợp này nên đưa Tamaki vào bệnh viện ngay.” Câu nói của Noguchi như một lời phán quyết cuối cùng, vừa nói ông ta vừa xô ghế đứng lên, khiến Kazu cảm thấy mình bị chới với không còn gì để kể lại. Tuy nhiên sau đó nàng vẫn trả lời một cách bình tĩnh, điều đó cho thấy nàng quả là con người có một tinh thần mạnh.

“Vâng. Đúng như ý muốn của bà Tamaki.”

Cả hai người im lặng đi trở lại dọc theo hành lang. Tới nửa đường Noguchi mới lên tiếng: “Bây giờ đưa anh ấy ào nhà thương rồi, tôi phải về nhà. Sáng mai thể nào tôi cũng phải vào thăm anh ấy. Tôi rảnh cả ngày mà.”

Khách ở ngoài phòng tiệc chánh có lẽ đã ra về hết. Tiếng âm nhạc giúp vui tắt hẳn. Kazu dẫn Noguchi đi qua phòng tiệc chánh vì đó là lối đi gần nhất để tới chỗ Tamaki đang nằm. Mấy người làm đang dọn dẹp trong phòng cúi đầu chào hai người. Họ đi qua hai tấm màn lớn màu vàng được dùng làm hậu cảnh cho các cuộc trình diễn giúp vui hồi tối. Giờ đây bức màn đã được cuốn lại, vẻ huy hoàng, ấm cúng của nó hình như còn phảng phất đâu đây, nhưng bầu không khí có vẻ âm u, huyền ảo.

Kazu hỏi một người làm: “Tôi không dự bữa tiệc này được, sao, quan khách có vui vẻ cả không?” Người đàn ông dáng điệu tinh ranh nhìn Kazu tỏ vẻ nghi ngại lấy làm khó nói, vì xưa nay anh biết tánh của bà không bao giờ nói tới chuyện của nhà hàng trước mặt khách. Và hiện giờ rõ ràng Noguchi là một người khách đang đứng cạnh bà.

Sau cùng anh ta trả lời: “Thưa vui vẻ, mọi người đều vui vẻ cả.”

Noguchi và Kazu lặng lẽ đẩy cánh cửa, vào phòng Tamaki đang nằm. Bà Tamaki nhìn hai người với cặp mắt sắc sảo. Cặp lông mày kẻbút chì cong vút của bà hơi nhíu lại. Bà đứng lên tắt bớt một ngọn đèn giữa phòng.

Chương 4
Đôi bạn nhàn rỗi

Đại sứ Tamaki đã được đưa vào bệnh viện của Trường Đại Học. Sáng hôm sau Kazu tới thăm, nhưng ông ta vẫn còn đang ở trong tình trạng mê man. Kazu gởi trái cây tới phòng bệnh nhân rồi ra ngồi trên một chiếc băng bọc nệm ngoài hành lang phía cuối toà nhà để đợi Noguchi. Tự nhiên Kazu cảm thấy háo hức, nóng lòng và nàng thầm nghĩ có thể Noguchi không tới và mình đã mê ông ta mất rồi.

Với ý nghĩ đó vẩn vơ trong đầu, Kazu kiểm điểm lại cuộc sống riêng tư của mình từ lâu nay và thấy rằng mình chưa bao giờ yêu một người ít tuổi hơn mình. Bọn thanh niên lúc nào cũng có vẻ thừa thãi sinh lực, muốn bố thí cho người khác. Điều đó khiến họ trở thành kiêu căng, nông nổi, không thể nào chấp nhận được. Hơn nữa ngày nay liệu đã có được mấy người trong giới trẻ có một tinh thần lành mạnh trong thân xác tráng kiện. Thường thường họ được cái nọ thì mất cái kia. Kazu là người có tâm hồn cứng cỏi, nàng cảm thấy không thể nào yêu nổi bọn thanh niên vật vờ, ủy mị đó.

Ngồi đợi mãi ở hành lang bệnh viện, nàng chợt cảm thấy không khí nơi đây có vẻ âm u, lạnh lẽo lạ thường. Kazu nhìn dọc theo dãy hành lang dài để nhận lại vị trí phòng của Tamaki đang nằm. Căn phòng đó rất dễ nhận, vì phía trước có để một chậu kiểng. Kazu chợt để ý tới tiếng sủa của nhiều con chó cùng một lúc. Nàng nhìn ra ngoài hành lang, dưới bầu trời xám thấp có một khu xung quanh rào lưới thép, bên trong kê hàng dãy rất nhiều chuồng chó, cái nào cũng có đánh số và không có cái nào làm giống cái nào, mỗi chuồng đều có một chú khuyển. Đó là những con chó được sử dụng trong phòng thí nghiệm của bệnh viện. Trông chúng có vẻ đầy những nét tuyệt vọng: một vài con thật gầy ốm, trố cặp mắt nhìn Kazu không chớp, trông giống như những cặp mắt bằng sành, những con khác có vẻ khoẻ mạnh và béo tốt hơn. Chúng kêu lên ư ử một cách thật đáng thương hại, để kêu gọi cảm tình của con người.

Nhân viên trong bệnh viện có vẻ đã quá quen thuộc với những tiếng kêu đó, không ai buồn để ý tới, dù là một cái liếc mắt. Đàng sau khu rào lưới thép đó là một toà nhà ba tầng cũ kỹ dùng làm phòng thí nghiệm với những ô kính kín mít in hình những đám mây xám trên nền trời, trông chẳng khác gì những con mắt đã bị kéo màng không còn một chút tò mò nào.

Kazu tự nhiên cảm thấy lòng buồn vô hạn khi nghe những tiếng rên thảm thương của loài chó. Ngay chính nàng cũng tự lấy làm ngạc nhiên về sự thương tâm quá độ đó của mình. Nàng thầm than: “Chó ơi, chó ơi, sao đời khổ quá như vậy!” Nàng thử nghĩ cách cứu chúng, nhưng cảm thấy vô phương thực hiện. Mải nghĩ tới mấy con chó mà Kazu đã quên được thời gian chờ đợi.

Lúc Noguchi tới, thấy Kazu khóc nên ông hỏi, “anh ấy mất rồi sao?” Kazu vội vàng cải chính, nhưng nàng bối rối, không biết tìm cách nào để giải thích được những giọt nước mắt của mình.

Noguchi buột miệng hỏi một câu rất trẻ con và ngớ ngẩn: “Chị chờ ai sao?”

Kazu trả lời chắc chắn: “Không có.” Và nàng nở một nụ cười trên đôi má bầu bĩnh.

Noguchi nói: “Vậy thì hay lắm. Chị ngồi chờ, để tôi vào thăm anh ấy một lát, mau thôi, không lâu đâu, rồi chúng mình sẽ đi dạo một vòng ngoài phố và kiếm cơm ăn luôn.”

Lúc hai người bước xuống những bậc đá ở phía sau trường Đại học thì những đám mây xám đã bốc lên cao. Mặt trời sũng nước xuất hiện, toả ra những tia sáng le lói.

Kazu đã có xe chờ sẵn, nhưng nàng bảo tài xế đánh về vì Noguchi muốn đi bộ.

Nghe Noguchi cương quyết đòi đi bộ, Kazu cảm thấy quyết định đó giống như một lời chỉ trích thẳng vào những cái xa hoa, phù phiếm của mình. Sau này có nhiều chuyện Kazu không đồng ý, nhưng mọi cách xử sự dù nhỏ nhặt của ông ta, nàng thấy cũng hình như ngầm ẩn những quy luật đạo đức.

Họ băng qua đường để đi về phía công viên Ikenohata. Trên mặt lộ, xe cộ đa loại chạy như nước chảy một cách bất tận, Kazu rất tự tin và nàng cảm thấy mình có thể băng qua lộ một cách dễ dàng. Nhưng Noguchi ngược lại, tỏ ra rất thận trọng. Kazu bước xuống mặt lộ, nhưng Noguchi kéo lại, miệng nói: “Chưa được.” Nàng đành miễn cưỡng đứng lại, thế là mất một dịp để băng qua, vì những chiếc xe khác đã chạy trờ tới, lấp kín khoảng trống trên mặt đường. Đứng chờ mãi, cuối cùng Kazu sốt ruột, nắm cánh tay Noguchi kéo xuống đường, miệng nàng la: “Đi lẹ anh.”

Lúc đã sang tới bên kia đường rồi, Kazu vẫn còn nắm chặt bàn tay Noguchi, bàn tay bé nhỏ gầy guộc như một nhánh cây. Noguchi rút lại bàn tay, nhưng vô tình, Kazu hình như muốn giữ lại. Noguchi cố gắng rút bàn tay về, sự cố gắng đó đã khiến Kazu nhận ra mình còn đang nắm tay ông và nàng vội buông ra. Động tác của hai người giống như đứa trẻ vừa vùng chạy thoát khỏi tay người lớn.

Tác giả: