Nghệ thuật ẩn mình – Kevin D. Mitnick, Robert Vamosi

Cũng nên nhớ rằng không ai ép buộc bạn phải đăng thông tin cá nhân. Bạn có thể đăng nhiều hoặc ít tùy thích. Trong một số trường hợp, bạn được yêu cầu điền vào một số thông tin. Ngoài ra, bạn được quyền quyết định mức độ thông tin muốn chia sẻ. Bạn phải xác định mức độ riêng tư cá nhân cho mình, và phải hiểu rằng mọi thông tin bạn cung cấp đều không thể rút lại được.

Để giúp bạn nắm bắt được tất cả các lựa chọn khả thi, tháng 5 năm 2015, Facebook ra mắt một công cụ kiểm tra quyền riêng tư mới. Mặc dù có các công cụ như thế, năm 2012, gần 13 triệu người dùng Facebook chia sẻ với tạp chí Consumer Reports rằng họ chưa từng cài đặt, hoặc không biết đến, các công cụ kiểm tra quyền riêng tư của Facebook. Và 28% trong số họ chia sẻ tất cả, hoặc gần như tất cả, các bài viết trên tường của họ với nhiều người chứ không chỉ giới hạn ở danh sách bạn bè. Nhưng có một tin vui, 25% số người được Consumer Reports phỏng vấn cho biết họ đã giả mạo thông tin trong hồ sơ cá nhân để bảo vệ danh tính, và tỉ lệ này cao hơn so với mức 10% năm 2010. Ít nhất, chúng ta cũng đang rút ra được bài học cho mình.

Mặc dù bạn có quyền đăng thông tin không thực sự chính xác về bản thân, nhưng xin lưu ý rằng ở California, việc đăng bài trực tuyến với tư cách người khác là bất hợp pháp. Bạn không thể mạo danh một cá nhân khác đang sinh sống. Và Facebook cũng có chính sách không cho phép bạn tạo tài khoản bằng tên giả.

Chuyện này đã xảy ra với tôi. Tài khoản của tôi bị Facebook khóa vì cho rằng tôi mạo danh Kevin Mitnick. Vào thời điểm đó, có 12 Kevin Mitnick trên Facebook. Tình huống được giải quyết khiCNET đăng tải một bài báo về chuyện Kevin Mitnick “thật” bị khóa trên Facebook.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để một người đăng bài dưới một cái tên khác. Nếu bạn cần phải làm thế, hãy tìm một dịch vụ mạng xã hội cho phép bạn đăng bài ẩn danh hoặc dưới một tên khác. Tuy nhiên, các website như vậy thường sẽ không thể so được với Facebook về mặt quy mô mạng lưới và mức độ tiếp cận độc giả.

Hãy cẩn thận với những người mà bạn kết bạn trên mạng xã hội. Nếu đó là người mà bạn đã gặp mặt trực tiếp thì tốt. Hoặc nếu đó là bạn của người quen thì cũng có thể chấp nhận được. Nhưng nếu bạn nhận được một yêu cầu kết bạn đường đột, hãy suy nghĩ cẩn thận. Tuy bạn có thể hủy kết bạn với người đó bất kỳ lúc nào, nhưng họ vẫn có cơ hội xem toàn bộ hồ sơ của bạn – và chỉ cần một vài giây là đủ để một kẻ có ý đồ xấu can thiệp vào cuộc sống của bạn rồi. Lời khuyên tốt nhất ở đây là hãy hạn chế mọi thông tin cá nhân mà bạn chia sẻ trên Facebook, bởi vì đã có những cuộc tấn công rất cá nhân, ngay cả giữa bạn bè, trên các website mạng xã hội. Và những dữ liệu mà bạn hiển thị cho bạn bè thấy vẫn có thể được họ đăng lại ở nơi khác mà không có sự đồng ý hoặc kiểm soát của bạn.

Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Có lần một anh chàng định thuê tôi vì anh ta là nạn nhân của một vụ tống tiền. Anh này quen một cô gái tuyệt vời, xinh đẹp trên Facebook, và gửi cho cô ta những bức ảnh khỏa thân của mình. Chuyện này tiếp diễn trong một thời gian. Rồi một ngày nọ, người phụ nữ này – nhưng có lẽ là một người đàn ông sống ở Nigeria dùng ảnh của một người phụ nữ để mạo danh – yêu cầu anh phải gửi 4.000 đô-la. Anh chàng làm theo, nhưng sau đó lại tiếp tục bị đòi 4.000 đô-la nữa, nếu không những bức ảnh khỏa thân kia sẽ được gửi đến tất cả bạn bè của anh trên Facebook, trong đó có cả bố mẹ anh. Vì quá bối rối trước tình huống này, anh liên hệ với tôi. Và tôi nói rằng giải pháp thực tế lúc này là nói sự thật với gia đình hoặc thi gan xem kẻ tống tiền định làm gì. Tôi khuyên anh đừng chuyển tiền nữa, vì nếu anh còn tiếp tục làm thế, kẻ tống tiền sẽ tiếp tục đòi hỏi.

Ngay cả các mạng xã hội hợp pháp cũng có thể bị xâm nhập: một người có thể kết bạn với bạn chỉ để tiếp cận với người mà bạn biết. Một nhân viên thuộc cơ quan thực thi pháp luật có thể đang tìm kiếm thông tin về một người và người đó tình cờ lại nằm trong danh sách bạn bè của bạn trên mạng xã hội. Chuyện này vẫn xảy ra thường xuyên.

Theo Tổ chức Biên giới Điện tử, các nhà điều tra liên bang đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ giám sát thụ động suốt nhiều năm nay. Năm 2011, tổ chức này phát hành tài liệu tập huấn dày 38 trang cho các nhân viên của Sở Thuế vụ (được biên soạn từ Đạo luật Tự do Thông tin) để thực hiện các cuộc điều tra qua mạng xã hội. Mặc dù về mặt pháp lý, các đặc vụ liên bang không thể đóng giả làm người khác, nhưng họ hoàn toàn có thể gửi cho bạn yêu cầu kết bạn. Như vậy, họ có thể xem tất cả các bài đăng của bạn (tùy thuộc vào cài đặt bảo mật của bạn) cũng như của những người khác trong danh sách bạn bè của bạn. Hiện Tổ chức Biên giới Điện tử vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các vấn đề quyền riêng tư liên quan đến hình thức giám sát thực thi pháp luật mới này.

Đôi khi các công ty theo dõi, hoặc ít nhất là giám sát bạn, nếu bạn đăng tải một nội dung nào đó mà họ thấy là xúc phạm – một nội dung vô tội như nhận xét về một bài kiểm tra ở trường chẳng hạn. Đối với một học sinh mà tôi biết, một tweet như thế đã gây ra rất nhiều rắc rối.

Khi Elizabeth C. Jewett, người phụ trách của trường Trung học Watchung Hills ở Warren, New Jersey, nhận được thông báo từ công ty cung cấp cho trường của cô một bài thi áp dụng cho toàn tiểu bang, phản ứng của cô là bất ngờ thay vì lo lắng. Cô bất ngờ vì Pearson Education lại chủ động theo dõi tài khoản Twitter của học sinh, vốn là những đối tượng có sự riêng tư và tự do nhất định đối với những gì chúng đăng trên mạng xã hội. Nhưng học sinh – dù đang học cấp hai, cấp ba, hay đại học – đều phải nhận thức được rằng các hoạt động trực tuyến của chúng là công khai và bị theo dõi. Trong trường hợp này, một học sinh của Jewett bị cáo buộc là đã đăng tải nội dung trong một bài kiểm tra tiêu chuẩn lên Twitter.

Trên thực tế, học sinh này đã đăng một vài từ ngắn gọn để hỏi về một câu hỏi – chứ không phải ảnh chụp trang giấy thi – trong ngày cả bang New Jersey thực hiện bài kiểm tra Hợp tác Đánh giá Mức độ Sẵn sàng cho Đại học và Nghề nghiệp, gọi tắt là PARCC. Tweet đó được đăng vào khoảng 3 giờ chiều, khi bài thi kia đã kết thúc từ lâu. Sau khi Jewett trao đổi với phụ huynh, học sinh trên đã xóa tweet kia đi. Không có bằng chứng nào về gian lận cả. Nội dung tweet – không được tiết lộ cho công chúng – là một nhận xét chủ quan chứ không hẳn ngụ ý xin câu trả lời.

Nhưng những thông tin được tiết lộ về Pearson khiến công chúng bất bình. Trong một email gửi cho các đồng nghiệp, về sau được một nhà báo của bang công bố mà không xin phép, Jewett viết: “DOE [Sở Giáo dục] đã thông báo với chúng tôi rằng Pearson theo dõi trên tất cả các mạng xã hội trong thời gian thực hiện bài kiểm tra PARCC.” Cũng trong email này, Jewett xác nhận rằng ít nhất có thêm ba trường hợp nữa được Pearson xác định và chuyển cho DOE.

Tuy Pearson không phải là tổ chức duy nhất thực hiện theo dõi trên các mạng xã hội để phát hiện hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, nhưng hành vi của họ đã làm dấy lên các câu hỏi. Chẳng hạn, làm thế nào công ty này lại biết danh tính của học sinh trên từ tên trên Twitter của học sinh đó? Trong một tuyên bố cung cấp cho tờ New York Times, Pearson nói: “Hành vi vi phạm bao gồm việc chia sẻ thông tin về một bài kiểm tra bên ngoài lớp học vào bất kỳ thời điểm nào – từ các cuộc trao đổi bình thường cho đến các bài đăng trên mạng xã hội. Một lần nữa, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo cho tất cả học sinh một kỳ thi công bằng. Mỗi học sinh đều xứng đáng có cơ hội tham gia kỳ thi trên sân chơi bình đẳng.”

Tờ Times cho biết theo xác nhận từ các quan chức ở Massachusetts, những người cũng tham gia điều hành kỳ thi PARCC, Pearson có thực hiện tham chiếu chéo các tweet nói về bài kiểm tra tiêu chuẩn với danh sách các học sinh đã đăng ký dự thi. Nhưng Pearson từ chối bình luận về điều này.

Trong nhiều năm, tiểu bang California cũng tiến hành theo dõi các mạng xã hội trong thời gian diễn ra các kỳ thi Kiểm tra và Báo cáo Tiêu chuẩn (STAR) hằng năm. Năm 2013, năm cuối cùng kỳ thi này được áp dụng toàn tiểu bang, Sở Giáo dục California xác định được 242 trường có học sinh đăng tin lên mạng xã hội trong thời gian thi, trong đó chỉ có 16 trường hợp đăng tải các câu hỏi hoặc câu trả lời liên quan đến bài thi.

Elana Zeide, một nghiên cứu sinh về bảo mật tại Viện Luật Thông tin ở Đại học New York, cho biết: “Sự kiện này cho thấy mức độ giám sát mà các học sinh đang phải chịu, cả bên trong và bên ngoài môi trường học đường truyền thống. Mạng xã hội thường được xem là một không gian riêng, tách biệt khỏi trường học. Twitter có vẻ giống như những bài phát biểu ‘ngoài khuôn viên học đường’ hơn, vì thế hoạt động theo dõi của Pearson giống như hành vi do thám các cuộc trao đổi của học sinh trong những chiếc xe đi chung hơn là trong hành lang trường học.”

Tuy nhiên, cô cũng nói, “Cuộc tranh luận của chúng ta cũng không nên chỉ dừng lại ở những lợi ích và mối nguy hại cho cá nhân mà còn cần phải tính đến cả những hệ quả rộng lớn hơn của các hoạt động liên quan đến thông tin. Các trường học và đối tác của họ phải ngừng thái độ coi các bậc phụ huynh là những người cổ hủ, chống lại công nghệ chỉ bởi vì họ không thể nêu ra một cách cụ thể mối nguy hại nào cho con mình. Về phía phụ huynh, họ cũng cần phải hiểu rằng trường học không thể chiều theo tất cả các mong muốn về quyền riêng tư của họ vì còn có những lợi ích tập thể khác liên quan, tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục.”