Dứt tình – Vũ Trọng Phụng

Đức hỏi:

– Thế là nghĩa lý gì hở Hằng?

Anh đỡ lời:

– Không, cứ để yên chị ấy… Chị ấy không hiểu gì cả nên chị ấy nói nhảm…

– Ô hay, thế thì việc gì mà bí mật đến thế?

– Anh nóng biết thế kia à? Coi chừng đấy, anh Đức! Khi biết sự thực rồi, thì anh sẽ như mắc một bệnh lây. Đó là một bệnh tinh thần. Anh thử nhìn mặt tôi xem. Thử nhìn mặt chị ấy xem! Liều thuốc độc cho tinh thần đã hại chúng tôi đến như thế… Rồi nó sẽ hại đến anh! Lúc nãy tôi bảo nhờ tôi, anh mới lấy được Hằng thì anh đã so vai lên. Rồi anh sẽ chịu điều đó là thật! Xưa kia, Hằng đã tưởng tôi gây ra cái chết của Đào Quân. Hằng đã tưởng Việt Anh là một kẻ có tâm địa hại người! Nào phải đâu vì tôi mà Quân chết đuối, có phải thế không anh Đức? Anh có tin được Việt Anh là kẻ giết người không? Không chứ? Ấy thế mà tôi cũng đã làm một việc ghê tởm cũng gần như việc manh tâm hại người! Tôi, tôi đã để cho Đào Quân phải thiệt mạng!

Đức giương tròn cặp mắt hỏi:

– Thế anh đã…

Hằng cũng thở hồng hộc mà hỏi:

– Thế anh đã làm gì?

Đến đây, Việt Anh đứng sát vào cái bàn phân địa thế bằng hai tay đặt lên bàn để cắt nghĩa rõ cái lúc Đào Quân chết đuối.

– Tôi đương dạo chơi trên bờ, thình lình bể nổi sóng lớn, giữa lúc Quân và Yvonne đương bơi thì… Thế là tôi đã nhảy xuống vớt được Yvonne lên… Rồi tôi lại nhảy xuống để cứu Đào Quân. Tôi đã ôm được ngực anh ấy… một làn sóng qua… tôi lại phải bơi theo dìu anh ấy một lần nữa, thì… lại một lớp sóng nữa… Tôi đã chìm lỉm… rồi tôi lại ngoi lên… Tôi trông trước nhìn sau chẳng thấy Quân đâu cả mà tôi chỉ trông thấy ai, anh có biết không? Tôi, lúc ấy, tôi chỉ trông thấy Tiết Hằng! Tiết Hằng, phải, Tiết Hằng đứng ở trên bờ nghĩa là Tiết Hằng góa chồng và tự do!… Tiết Hằng, sự cám dỗ, lòng ham muốn, sự mê muội, ngần ấy điều nghĩ của tôi bảo tôi là có thể lấy Hằng làm vợ, thì tôi khỏi phải đau khổ, khỏi phải cô độc ở đời!… Thế là đáng lẽ bơi đến dìu Quân thì tôi thôi, tôi giơ tay vẫy cầu cứu… chính ra, lúc ấy tôi còn đủ sức cố cứu Quân khỏi chết, nếu không có sự cám dỗ kia, nếu tôi không trông thấy Tiết Hằng đứng một mình trên bờ… Tôi, tôi đã không để bạn tôi thiệt mạng!

Hằng nức nở lên mà rằng:

– Trời ơi! Khổ chưa! Sao từ trước anh không nói ngay ra!

Việt Anh so vai buồn rầu, đáp:

– Về sau, tôi mới hiểu rằng thế là xong, tôi không còn hy vọng gì nữa… Tôi không thể lấy được người đàn bà mà tôi yêu quý, nghĩa là vợ góa của Quân. Tôi, tôi không thể lợi dụng được cái chết của Quân, cái chết mà tôi cũng có chịu một phần trách nhiệm! Anh Đức ơi, tưởng anh cũng tin được rằng dù sao đi nữa thì tôi cũng là một người, có một lương tâm… mà đã có lương tâm thì phải tự xử! Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu điều mơ mộng, hết sạch!

Đức bỗng ngậm ngùi đỡ lời:

– Chính ra thì có phải vì anh mà Quân chết đâu.

Việt Anh hấp tấp đáp:

– Phải, việc của tôi, trước mắt anh, không ghê tởm như một việc giết người đã đành. Nhưng đối riêng với tôi thì khác hẳn… Tôi không thể cầm đến bút mà hô hào nhân đạo với công lý gì nữa. Vậy mà tôi vẫn làm cái nghề kêu đòi công lý với nhân đạo! Thật vậy, khi người ta đã làm một việc như tôi làm rồi, thì người ta không có quyền nói đến nhân đạo nữa, có phải thế không?

Hằng lau nước mắt, hỏi:

– Thế bấy lâu nay, anh sống bằng cách gì?

Việt Anh lắc đầu rồi ngồi phịch xuống ghế mà đáp:

– Tôi có sống nữa đâu! Tôi có sống cái đời của tôi như xưa đâu! Tôi bây giờ sống vì quân bài lá bạc, hôm nào vận đỏ thì có tiền uống rượu và hút thuốc phiện, mà hôm nào thua thì nhịn! Vả lại tôi cũng không thấy đói bao giờ. Có tiền thì một ngày bốn năm bữa tiệc cũng được, mà hết tiền thì hai ba ngày nhịn ăn cũng chả sao.

– Trời ơi! Những điều anh kể ra nghe thảm hại quá! Tôi không ngờ một người như anh mà nay đến nỗi hết nghị lực…

– Nghị lực để làm gì?

– Để kiến thiết lại cuộc đời…

Anh rền rĩ:

– Kiến thiết lại cuộc đời… cuộc đời không cùng với Hằng ư? Anh Đức, anh tha cho cái lỗi tôi nói thế trước mặt anh, tôi đã đau khổ quá! Phải, không có Hằng thì sống nữa mà làm gì. Thôi! Tôi không hy vọng gì nữa. Hiện giờ thì tôi vẫn sống để thỉnh thoảng tự hỏi: sống làm gì?

Việt Anh nói xong, sằng sặc cười ra nước mắt. Hằng cũng ngồi bưng mặt khóc nức nở, không còn nhớ đến chồng là ai… Sau Việt Anh đứng lên:

– Thôi, không việc gì phải xót tôi… Tôi chẳng đáng thương tí nào. Có phải thế không, anh Đức? Anh im lặng đấy à? Phải lắm, anh muốn biết thì bây giờ anh được biết! Những ý nghĩ u ám làm khổ chúng tôi mãi, bây giờ đã bắt đầu làm khổ anh! Tôi đã để chết một người để anh sung sướng.

Hằng kêu van cùng chồng:

– Mình ơi, xin mình cố cứu vớt lấy Việt Anh!

Thì Việt Anh cầm mũ đứng lên, rất chán chường:

– Muộn mất rồi còn gì! Còn ai cứu sống nổi một cái xác chết nữa! Tôi bây giờ cũng như mảnh ván mục của một chiếc thuyền bị bão đập tan nát vậy. Mảnh ván ấy muốn dạt vào đâu thì dạt, muốn trôi đi đâu thì trôi, vả lại chính tôi, tôi cũng không muốn cứu tôi nữa, thì ai cứu tôi nữa mà làm gì!… Thôi, tôi chúc anh sung sướng, chúc Hằng sung sướng.

Nói xong, chàng bước ra, Đức giơ tay gọi:

– Việt Anh!

Thì Anh quay vào, bắt tay rất chặt rồi mới đi hẳn.

Hằng đã đứng trông theo người có bộ y phục bẩn thỉu, nhầu nát ấy, mãi cho đến lúc khuất bóng sau bức tường bằng hoa hồng.

Chương 11

Trước cái khổ chung của ba người, ngày, giờ cứ thản nhiên qua… Quả đất quay tuy chậm mà chậm nhanh, vì chưa chi… Phải, hình như người ta mới kịp nhìn đi rồi ngoảnh lại một cái thôi, thì chưa chi mùa đông đã lại đến.

Tháng một, hình như sẵn những lúc không ai để ý cứ mỗi hôm một thêm nhuộm tím da trời. Lá ổi bắt đầu vàng, lá bàng ngả màu cánh kiến, mà lá hồng thì thêm to, thêm đẹp, cứ chờ buổi sáng để hứng được những giọt sương lạnh đọng lại như thủy ngân. Đó là mùa mà dân quê cùng đi ngủ một lúc với mặt trời, lại cái mùa ổ rơm chăn bông, lại cái mùa đêm nay chưa để cho sáng mai có những con đường đọng bùn và lầy lội.

Buổi chiều hôm ấy, trong căn nhà xây theo kiểu biệt thự ở con đường Quán Thánh, bên cạnh lò sưởi, ngoài vợ chồng Huỳnh Đức lại còn có mặt một người nữa là Yvonne. Bên ngoài lác đác mưa… Trong gian phòng ấm cúng, cả ba đương chuyện trò. Đức đã đưa ra những sổ sách cho Yvonne xem, và cả hai đều được bằng lòng, vì những công việc ngoài mỏ đều có lợi, mặc dầu kinh tế khủng hoảng. Riêng Hằng vẫn ít nói ít cười cứ nhìn vào đám khói ở mấy chén nước trà như muốn kiểm soát lại cái dĩ vãng nó đã đi xa lắc xa lơ…

Chợt Đức lên xin lỗi là có việc cần phải xuống phòng giấy. Trước lò sưởi, còn có hai người đàn bà. Yvonne ngắm nghía Hằng một lúc lâu rồi hỏi nàng:

– Tôi tưởng dạo này chị không có điều gì trong lòng thì phải…

Hằng uể oải đáp như trong khi dở thức dở ngủ:

– Tôi có điều gì buồn nữa đâu!

Con chó Nhật rất xinh xắn lúc đó len lén vào nằm dài trước lò sưởi. Dần dần một cách không cho ai nghĩ đến sự uể oải đến úp lấy cả hai người đàn bà… Tiếng lách tách củi nổ, cái giọng âm thầm của con họa mi khẽ hót ngoài hành lang, tiếng một chiếc xe hơi văng vẳng đằng xa, ngần ấy tiếng động mà người ta thấy trong khi người ta không để tai nghe, làm cho sự im lặng có một giá trị khó tả. Mà, giữ nhịp cho những tiếng động ấy, là những cái tí tách trong một chiếc đồng hồ lớn, để dựng đứng như một cái tủ ở một góc phòng. Hằng vẫn mãi nhìn những ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi.

Nàng thấy cái lò sưởi cũng giống với cuộc đời con người ta. Miệng lò là sân khấu mà ngọn lửa là những vai trò trong tấn bi kịch. Ngọn lửa trước to, sau nhỏ dần, và sau cùng thì bao giờ cũng chỉ là một nắm gio tàn khói lạnh, là hình ảnh đích xác về cái cứu cánh cuộc đời con người ta!

Cặp mắt đầy những vẻ hối hận, Yvonne nhìn Hằng một lúc lâu rồi lại hỏi:

– Chị Hằng ơi, thật ra thì chị có sung sướng hay không?

Hằng, như chợt tỉnh giấc mê, cười khanh khách mà rằng:

– Bảo vì lẽ gì mà tôi lại không sung sướng?

– Tôi tưởng chị cũng đã khuây khỏa dần dần. Chị cũng nên cố quên đi.

– Không quên mà được à, Yvonne? Trong khi đau khổ, người ta cứ tưởng người ta chết mất, vì người ta không quên được. Chính ra dần dần rồi người ta cũng quên… Nếu không có sự quên, làm gì còn có được loài người trên mặt đất này!

– Thật đấy, ít lâu nay, tôi thấy chị đã khá lắm. Chỉ có anh ấy là già đi, xấu đi…

Hằng ngậm ngùi cắt nghĩa:

– Nhà tôi lúc nào cũng lo sợ về tôi, về sức khỏe của tôi… săn sóc tôi y như một người mẹ săn sóc đến sự ấm lạnh của đứa con mới đẻ vậy. Thật thế, chính vì tôi mà anh ấy quên ăn bỏ ngủ, vì vợ mà quên cả cái sức khỏe của mình. Có khi đương đêm, chợt tỉnh dậy, tôi thấy chồng rón rén đến bên giường tôi nằm, để lại cái gối, đắp lại một nếp chăn. Thật là người đáng kính phục một cách lạ! Tôi không hề tưởng tượng được rằng trong đời này lại có người yêu tôi đến như thế, lại có người kiên tâm như thế. Mỗi ngày, mỗi phút, anh ấy đều phải chiến đấu, không lúc nào nghỉ, chiến đấu để chinh phục lòng yêu của tôi, một người đã là vợ anh ấy rồi. Phải được trông thấy anh ấy kiên tâm ra sao thì mới tin lời tôi nói là thật được.

– Một người chồng mà yêu quý vợ như quý nhân tình thì cũng là người chồng đáng yêu.

– Chính thế. Cho nên bây giờ, tôi ao ước có một mụn con, một đứa con bất cứ giai hay là gái, con của chúng tôi. Có một đứa con cũng như là có sự an ủi rất cần thiết những khi đau đớn về phần hồn, cũng như là có một cái nghĩa cho sự sống. Xưa kia, Đào Quân không bao giờ nghĩ đến sự sinh con đẻ cái, và cả tôi nữa, hồi ấy cũng chưa hề nghĩ đến đường con cái. Hồi ấy, tôi có nhiều tư tưởng rồ dại trong óc tôi… Bây giờ thì tâm tính tôi đổi hẳn… Bây giờ tôi thấy sự trống trải của một cuộc đời vô nghĩa lý rồi. Tôi nay cũng như một con tàu đã dày dạn gió sương, đã vượt trùng dương, nay đến ngày cập bến vậy. Tôi đã giật mình nghĩ đến những buổi chiều đông lạnh lùng, cái già cái yếu nó đến ngày mai! Cho nên tôi rất nóng ruột có con. Một đứa con cho vui vẻ cửa nhà, cho vợ chồng phải yêu quý nhau, cho cuộc đời có thêm một bổn phận để gánh vác, thêm một mục đích để theo đuổi…