Mấy cô khác phê bình:
– Đó là tiểu thuyết. Mà tiểu thuyết có phải hẳn là sự thực bao giờ?
Song Hằng nói:
– Thế mà nhiều khi sự thực ở đời lại quá những điều khó tin được trong các tiểu thuyết đấy.
Hằng nói rồi bắt tay ngang trán, cặp mắt lim dim. Mấy cô khán hộ vẫn chuyện, song nàng chỉ ậm ừ.
– Thôi, ta ra để bà an nghỉ!
Một cô nói thế là cả bọn kéo nhau ra.
Hằng nằm lại một mình, nào có an nghỉ được! Nàng nghĩ đến sự thay đổi đột ngột về tâm tính – có thể sự thay đổi của cả tâm hồn – của Việt Anh mới đây. Khi ở tòa báo, lúc Anh xua đuổi nàng thì Anh quả nhiên đã có cái thần thái của một người đã làm việc gì đến nỗi phải hối hận. Nhất là câu chuyện tiền. Khi còn Đào Quân, Việt Anh coi Quân như một con bò vắt sữa được. Một lần nàng mỉa chàng: “Rõ thật ghét người yêu của” thì chàng đay lại: “Cái của ấy chẳng lôi ra làm việc cũng phí mà thôi”. Đến nay… Việt Anh hốt nhiên ghê tởm sự phú quí của nàng! Việt Anh đã trở nên một nhà đạo đức cổ và nệ!
Ngần ấy trường hợp lại càng là những chứng cớ đè nặng trĩu trên vai Anh. Phải chăng Anh đã dùng đến trước cửa nhà thi bơi mà cô khán hộ vô tình kia vừa nói cho Hằng biết? Đã đành rằng cái ái tình có thể xui người ta làm những việc táng tận vô hạn, song chàng không thể nào đi chịu rằng một người lại có thể hại bạn mà chiếm đoạt vợ bạn, dẫu là vì tình. Nàng chẳng chịu rằng mối hận về tơ duyên của nàng lại có thể là một cớ chính đáng khiến Đào Quân phải chết oan được, mặc lòng nàng tuy là vợ nhưng không yêu dấu thiết tha gì đến Quân. Sự thực có đến nỗi như Hằng phỏng đoán chăng! Ôi oái oăm! Nếu thực thế, ai sẽ trở nên vợ một kẻ giết… người.
Hai hàng lệ bỗng đâu ứa lên, lấp lánh cặp mắt Hằng. Nàng đau đớn vì đã phải trong cảnh bó buộc nghi ngờ người mà nàng yêu quí nhất đời, song còn lý nào cho nàng khỏi nghi ngờ được? Lòng căm giận và lòng thương xót Việt Anh lúc này giao chiến nhau kịch liệt – trái tim nàng là bãi sa trường, nỗi thống khổ của nàng thật chẳng biết lấy gì đem so. Cái đau tinh thần cũng khiến Hằng phải tê tái trong lòng như cái đau xác thịt.
– Thưa bà, có ông Việt Anh chờ bên ngoài…
– Cứ cho tôi tiếp.
Cô khán hộ trẻ quay ra. Một lát sau, Việt Anh dè dặt tiếng giày bước vào. Chàng hãi hùng hỏi:
– Chết! Sao trông mình khác hẳn đi thế?
Vẫn nằm, chỉ ra hiệu cho bạn ngồi. Hằng khẽ nói:
– Ồ! Cái thời giờ tôi phải đợi mình mới dài làm sao. Mỗi phút là một thế kỷ, bây giờ tôi thấy rõ nghĩa cái câu văn sáo của các nhà tiểu thuyết. Vậy mà trong bao nhiêu thế kỷ tôi đã phải áy náy về mình. Tôi đương lo cho cuộc sum họp của đôi ta. Tôi ước sao điều mình đã muốn giấu tôi mà mình sắp nói với tôi đây không đến nỗi là sự ngăn rào cách bức… Trời ơi! Tôi đã khốn khổ lắm rồi! Chắc mình cũng thừa đoán nổi cái nỗi băn khoăn của một người bị tử hình chờ đợi tin về lá đơn xin ân giảm, có phải không? Xin coi chừng! Tôi cũng như người xấu số ấy. Cái phút này là cái phút ghê gớm… Lời cắt nghĩa của mình sẽ đáng sợ cho tôi như lời tuyên án của một vị quan tòa. Xin đọc bản án đó cho nghe!
Việt Anh nghĩ ngợi hồi lâu rồi cầm hai tay Hằng kể lể:
– Phải lắm. Nếu tôi không nói thì sau này, sự hối hận sẽ vỡ lở càng to. Đây này… Việt Anh vốn nghèo. Song những sự khốn nạn của đời lại đi bắt Việt Anh say mê một người đàn bà ấy làm vợ. Do đó, Việt Anh, cái thằng vẫn chửi bới sự giàu có xưa nay, bây giờ bị coi là một thằng đồ tồi, một thằng lấy vợ thừa, một thằng híp mắt về tiền, một thằng… đào mỏ! Mấy tờ báo khác đảng phái hiện giờ được thể chửi bới hoài Việt Anh! Tiết Hằng có sẵn lòng làm vợ một người như Việt Anh thì phải đồng thời vui lòng nhận những lời chỉ trích đó. Mà nhận một cách vui vẻ, có thể hy sinh danh dự vì tình. Không bao giờ được nghi ngờ cái lòng yêu chân thật của Việt Anh. Không bao giờ quan tâm đến dư luận. Rồi đây Anh sẽ là cái bia chịu cho bao mũi tên thù. Rồi còn nhiều sự đặt điều nói xấu và vu oan! Liệu rồi Hằng có thể tin mãi mãi được tôi không?
– Được lắm. Thế sao nữa?
– Nếu thế ta mới nên lấy nhau. Còn không…
– Thì sao?
– Thì thà mỗi người tìm một con đường khác. Nên đề phòng nhất là cái hối hận.
Hằng tươi bưởi, ngồi dậy:
– Tưởng gì! Chỉ có thế mà mình làm tôi lo bao nhiêu đêm…
Nói xong, nàng nhìn Anh thì thấy chàng vẫn còn như bận về một ý nghĩ. Theo tâm lý, lúc đó chàng phải sướng cực điểm mới hợp lẽ. Không, anh chưa hẳn đã bày tỏ hết nỗi lòng… Hằng gặng một lần nữa:
– Chỉ có thế?
– Phải, chỉ có thế.
– Tôi tưởng còn gì nữa chứ?
Tức thì Anh phát khùng:
– Sao mình lại cứ muốn còn có gì nữa?
Hằng, vẫn bình tĩnh:
– Vì tôi tin mình. Thà có điều gì cứ bày tỏ hết cho nhau để sau khỏi phải hối hận.
– Không còn gì nữa, mình ạ.
Nói xong, Anh âu yếm hôn hai bàn tay lúc đó vẫn lạnh ngắt của Hằng. Gió bên ngoài thổi mạnh nhưng trong phòng tựa hồ như có sự ấm áp thật.
Chợt con sen hấp tấp đưa một lá danh thiếp vào. Anh hỏi:
– Ai thế?
Hằng cau mặt đáp:
– Huỳnh Đức! – Rồi bảo con sen: – Mày ra thưa với ông rằng độ nửa giờ nữa ông quay xe lại.
– Bẩm vâng.
Con sen ra rồi thì Hằng và Anh lại âu yếm nhìn nhau một lúc lâu. Chợt Hằng hỏi:
– À này mình! Hôm xảy ra cái tai nạn ấy, có người đàn bà nào nữa tại đó không?
– Hôm nào? Tai nạn nào?
– Cái hôm Quân lâm nạn ấy.
– Ô hay! Sao tự nhiên mình lại còn nhắc đến việc ấy? Tại sao thế, hở? Tôi tưởng chẳng nên nhắc đến việc ấy, giữa lúc này?
– Không, không, tôi muốn biết rõ, mình cứ nhớ lại xem.
– Hôm ấy không có người đàn bà nào lạ.
– Thật không có ai?
– Thật.
– Trước khi đi tắm, hình như mình có uống rượu bia với Quân?
– Chính thế. Nhưng thôi, sao mình cứ nhắc mãi đến việc ấy!
Hằng im một lúc rồi lại hỏi:
– Thế mình cứu Quân ra làm sao, mình còn nhớ không?
– Lạ thật! Tôi tưởng lúc đó Hằng cũng có ở đấy thì phải.
– Nhưng tôi quên rồi.
– Mình cũng quên mà lại đi bắt tôi nhớ hay sao?
– Hẳn chứ. Cứu hụt một người bạn, ai lại chóng quên được.
Việt Anh đứng dậy trừng mắt:
– Lạ nhỉ? Sao tự nhiên mình cứ nói đến việc cũ? Hằng! Mình nghi ngờ gì tôi, phải không?
– Sao mình lại bắt tôi nghi ngờ mình?
– Dễ thường tôi không cứu nổi Quân khỏi chết, trách nhiệm ấy ở tôi, có phải không?
– Mình nói thế trước…
Hằng lỡ lời khiến Anh vớ được. Chàng chua chát mà rằng:
– Trước khi Tiết Hằng muốn nói thế? Hở? Thì gật đầu đi xem sao!
Biết mình hớ, Hằng không đáp, chỉ cúi mặt. Anh đi đi lại lại, ra ý phân vua:
– Đấy nhé! Tôi muốn yên mà Hằng có để tôi yên đâu!
– Việc gì tôi lại không muốn yên?
– Thế thì sao tự dưng lục đến chuyện ấy?
– Hay lại có lá thư nào, phải không? Đưa đây mau! Xem thư thế nào nào!
Hằng nhấc gối, Anh vồ lấy thư. Đọc xong, chàng cười nhạt:
– Lời buộc tội ghê gớm quá!
– Tất mình phải biết người viết thư là ai.
– Trước khi biết người viết thư, tôi hãy hỏi mình do lẽ gì mình tin thư và nỡ nghi cho tôi đã! Sao thế, hở đồ khốn nạn?
– Ồ! Đừng to tiếng vội! Cái thái độ kỳ lạ của mình, việc giãy đành đạch lên về tiền tài mà người chết để lại cho tôi…
– Tất cả những việc ấy đã khiến mình ngờ, phải không? Nói đi, nói mau!
Anh nghiến răng bóp chặt hai tay Hằng. Nàng giằng ra, kêu lên:
– Bỏ ra! Trời ơi, đau!
Anh, vẫn nắm chặt.
– Mình có muốn tôi nói tên cái đứa viết thư?
– Tôi chỉ mong có thế!
Anh muốn nói, nhưng lại ngập ngừng:
– Chính là… là…
– Là…?
Việt Anh muốn nói to: Yvonne. Chàng chợt nhớ lại nét mặt tức tối của Yvonne dưới ánh trăng bữa ấy. Song vì chưa chắc chắn, mà dẫu chắc thì, thư đó tỏ lòng yêu chàng, chàng cũng chẳng nỡ nói ra. Anh đành nói dối:
– … Một đứa giang hồ!
– Nhân tình của mình?
– Phải!
– Có mặt lúc xảy ra tai nạn!
– Không.
– Vô lý! Không có mặt khi nào viết nổi thơ như vậy!
– Thôi, đó là những chuyện nhỏ nhen của đàn bà. Mình không cần biết. Tôi chỉ hỏi mình: có phải mình đã vì thế mà sinh ngờ tôi không? Thế thôi.
– Tôi có quyền ngờ. Vì lẽ gì, tôi đã nói cả.
Anh, một cách đau đớn, xua tay:
– Đủ rồi, Hằng đã nỡ ngờ vực một người mà Hằng yêu quý nhất đời… là tôi! Ngờ tôi hại chồng Hằng để chiếm Hằng! Ngờ tôi phạm một điều đê hèn! Một tội ác!
– Nếu lời buộc tội là vô nghĩa thì mình cười đi! Việc gì mà cáu?
– Phải lắm. Nhất là Huỳnh Đức đã đỗ xe từ ngoài kia. Nếu không có Đức, vị tất mình đã phải ngờ. Tôi hiểu lắm.
– Thôi đi ông! Đừng đổ vấy, ông ơi!
Anh ngồi xuống ghế, bình tĩnh nét mặt:
– Thí dụ tôi có trách nhiệm thật về cái chết của Quân, liệu mình có còn yêu tôi không?
Hằng cau mày hồi lâu rồi:
– Mình đừng thí dụ nữa. Nếu thật, thà cứ thú thật, tôi sẽ có ý kiến sau. Tôi muốn chồng tôi phải là người thực thà!
– Tôi không nói thật được.
– Nói thế, cũng như thú tội. Cử chỉ ấy cũng đã đủ tố cáo…
Anh đập bàn, quát:
– Tố cáo một tên sát nhân, phải không? Hằng? Mình không đáp à? Thôi, thế là hết! Mình đã nỡ ngờ tôi thế là xong. Không còn cách gì cứu vớt nổi nữa. Mà mình ngờ là phải! Quả tôi đã có trách nhiệm về cái chết ấy thật. Tôi chẳng muốn hỏi mình nghĩ sao đến tôi nữa! Thôi, ta xa nhau! Chúc Hằng sung sướng. Đã có Huỳnh Đức yêu quý mình. Thôi, tôi chỉ là một đứa khốn nạn!
Thế là Việt Anh cầm mũ, bước ra nhanh.
Hằng chạy theo, gọi thất thanh:
– Việt Anh! Việt Anh!!!
Nhưng chàng không hề quay cổ lại.
Hằng ngã dài dưới đất. Các cô khán hộ chạy đến bê nàng vào giường.
Khi Hằng mở mắt, thì thấy Huỳnh Đức đã ngồi bên giường, giữa lúc trời rét mà cái trán Đức cũng thấy lấm tấm mồ hôi.
Chương 9
Huỳnh Đức đứng tựa bao lan, vẩn vơ nhìn xuống đường… Tiết trời nặng nề oi ả một cách chưa từng thấy có. Cây cối đứng im lặng như trong một bức tranh.
Đức kéo một hơi thuốc lá rất dài, đặt ý nghĩ vào làn khói thuốc xanh… Chàng lại nhìn xuống con đường nhựa vắng tanh mà giữa là con đường xe điện hiện ra bằng hai vệt sáng dài bởi ánh đèn hai bên chiếu xuống. Chợt thấy tiếng lịch kịch một chiếc xe bò… Chàng chăm chú nhìn thì thấy một người đàn ông cởi trần trùng trục ngồi trên thổi sáo rất vui vẻ để cho một người đàn bà làm bò thoăn thoắt kéo… Đức bỗng phát lên một câu: “Biết đâu cặp vợ chồng nghèo khổ ấy lại không sung sướng bằng vạn mình!”.
Chàng liền quay vào phòng giấy, vặn quạt, và lấy ra một quyển vở nhỏ, cầm bút định viết… Cầm bút lên, nghĩ ngợi lại đặt bút xuống, để mà thở dài… Sau chàng đứng lên đi đi lại lại trong phòng, cái đầu cúi xuống, cái đầu nặng trĩu những ý nghĩ… Sau cùng, chàng cầm vở, ra nằm xuống ghế.