Dứt tình – Vũ Trọng Phụng

Yvonne cầm tay Hằng nói một cách cảm động:

– Yvonne sung sướng lắm chị ạ. Nếu chị đau khổ thì Yvonne lấy làm buồn rầu lắm. Chị có muốn biết hành tung của Việt Anh độ này ra sao không?

– Không.

– Độ này người ta không thấy mặt Việt Anh trong cái xã hội thượng lưu nữa. Có người thấy Việt Anh ở hàng tuần lễ tại xóm ả đào, lại có người thấy Việt Anh đi hút thuốc phiện với lũ gái nhảy trong những ngõ hẻm tối tăm…

Hằng buồn rầu mà rằng:

– Thế à?

Thế rồi là sự im lặng. Hằng và Yvonne, trong một lúc lâu, không ai nói gì cả. Vừa lúc đó, Đức cũng quay lên… thì Yvonne đứng dậy:

– Thôi, tôi xin phép vợ chồng ông bà…

– Kìa, sao lại vội thế?

Hằng cũng ngạc nhiên hỏi:

– Yvonne có việc bận gì à?

– Không. Nhưng mà tôi đi đã lâu, sợ về me tôi gắt.

Hằng vội bảo chồng:

– Thế mình cầm xe đưa chị ấy về tận nhà.

– Thôi, không phải phiền thế, để tôi đi xe tay.

– Trời mưa mà phố vắng, chả sẵn xe đâu. Mà đi xe tay thì ướt hết mất!

Yvonne vừa bước ra vừa khanh khách cười mà rằng:

– Thế thì tôi lại cướp mất anh ấy của chị trong mười phút ngồi tri kỷ với nhau trước lò sưởi.

Hằng cũng cười:

– Cũng chả sao!

Đức cùng Yvonne xuống nhà dưới. Khi tiếng máy xe hơi đã xa hẳn. Hằng đứng lên bật đèn, vì ngoài đường đèn cũng đã sáng choang. Nàng thấy khó chịu trong mình, như nhức đầu chóng mặt. Nàng gọi bằng chuông điện thì con Nguyên chạy lên.

– Nhà có gì là của chua không?

– Bẩm có chanh, nhưng mà để lâu lắm rồi, sợ ủng.

– Hay mày lấy vào cái đĩa cho tao mấy quả dưa chuột ngâm giấm lên đây nhé.

– Vâng.

Một lát, con Nguyên lên thưa rằng:

– Bẩm có một ông xưng danh là Việt Anh muốn nói với bà một câu chuyện can hệ lắm.

Hằng nghĩ một lúc rồi bảo:

– Mày xuống bảo hôm nay tao mệt, không tiếp ai.

– Vâng.

Con ở vừa tất tả chạy đi thì Hằng lại gọi:

– Nguyên! Nguyên!

– Dạ!

– Bà bảo gì nữa ạ?

– Mày mời ông ấy lên phòng trên này, tao chờ.

Nói thế rồi, nàng ngồi xuống nghĩ ngợi băn khoăn. Nàng sắp làm một điều càn rỡ… nàng sắp tự quyết lấy điều sinh tử gì cho mình và cho ai… Hằng bất giác lại hối hận, song đã muộn mất rồi.

Đến đây, đứa ở đã dẫn Việt Anh vào ngồi ngay xuống. Chàng đội mũ dạ đen, đi giày đen, khoác một cái áo tơi trắng đã ngả màu vàng, trên cái áo tơi có những nốt lấm tấm nước mưa. Hai cặp mắt chàng quắc lên như mắt người điên, giọng nói của chàng nghe ghê như giọng nói của người hấp hối.

– Hằng! Tôi xin lỗi mình.

– Kính chào anh.

– Phải, tôi đã có lỗi lắm. Đáng lẽ, tôi không còn được bước chân vào nhà này…

– Nếu anh đến chơi vào lúc chồng tôi có nhà thì phải hơn.

– Khốn nỗi những điều tôi muốn nói thì lại không thể nói trước mặt Đức được. Tôi đã phải đứng chờ mãi ở đầu phố cho anh ấy đánh xe với Yvonne ra đi. Không nên để Đức biết là tôi có vào đây… Còn đối với bọn gia nhân thì, sau khi tôi đi rồi, Hằng chỉ việc dặn chúng là có một người em họ đến xin tiền, không được nói cho ông chủ biết thế là đủ… Vả lại…

Việt Anh nói đến đó thì nghẹn lời, mình mẩy run lên, Hằng phải nói:

– Chết chửa! Anh làm sao thế?

– Không, không hề gì… Đứng chờ mãi ngoài đường nên hơi lạnh, nhưng không hề gì.

– Anh xơi một chén trà nóng nhé? Anh ngồi xuống ghế mà sưởi đi, để tôi bảo nó pha.

Việt Anh lắc đầu:

– Thôi, tôi không ngồi lâu. Và Hằng cũng không sợ tôi nói dài dòng… Hằng ơi, tôi sắp đi xa đây, cho nên tôi lại từ biệt Hằng…

– Thế anh định đi đâu?

– Xa lắm. Đi khỏi xứ sở, khỏi đất nước này… Nhưng mà Hằng không cần biết rõ, vô ích.

Nói đến đây. Anh đưa mắt nhìn khắp gian phòng, rồi đặt mũ xuống ghế, vịn hai tay vào thành ghế như nhọc mệt lắm, Hằng tần ngần hỏi:

– Thế anh đi xa thế để làm những việc gì?

– À, tôi làm công cho một thương đoàn của người Hoa Kiều một việc khá to tát. Nhưng mà việc can hệ chỉ là xa cái đất này, để tìm sự quên.

– Thật đấy, anh cũng nên đi xa…

– Có phải thế không? Đi là phải lắm chứ!

– Vì đất Hà thành chỉ làm hại anh mà thôi. Trông anh bây giờ thảm hại quá. Tôi cũng không lấy gì làm lạ, vì nhiều người vẫn nói đến cái đời vô trật tự của anh trong mấy tháng nay… Họ nói anh ngày nay đã ngã hẳn xuống một đống bùn… tửu, sắc, yên, đổ, thôi thì đủ cả! Phải không? Trời ơi! Mặt mũi anh tiều tụy đến thế kia kìa! Việt Anh! Đêm hôm qua anh ngủ ở tiệm thuốc phiện nào? Tôi thật không ngờ một người có học thức như anh, có chí khí như anh, mà bây giờ mất nhân cách đến như thế?

Việt Anh so vai đáp bằng giọng oán hận:

– Thôi đi, Hằng không cần sỉ nhục tôi đến như thế nữa. Tôi tưởng tôi đến thế này, không có gì là khó hiểu. Nếu tôi ngày nay hóa ra bê tha, đê tiện, là vì tôi giao thiệp với cái đám xấu xa… Sự đau khổ, sự túng kiết, cái nghèo đói… Nếu tôi đến nỗi mất nhân cách như Hằng vừa nói là bởi vì tôi… tôi đã yêu một người đàn bà.

Nói xong, Anh ngồi bịch xuống ghế, đăm đăm nhìn lửa đỏ trong lò sưởi. Hằng cũng oán hận mà rằng:

– Người đàn bà ấy cũng đã yêu anh… Nếu anh không biết cách làm cho người đàn bà ấy về tay anh thì là tại ai, tưởng anh đã biết. Mà nếu không lấy được người đàn bà ấy nữa thì anh cũng phải làm thế nào cho xứng đáng lòng yêu của người ta thì hơn… Ngày nay, anh đã lăn lóc khắp mọi chỗ của bọn đãng tử! Việt Anh! Như thế là xứng lòng yêu của Tiết Hằng đấy à?

Việt Anh đứng lên, lại gần nàng, khẽ gọi:

– Hằng ơi… Hằng!

Nàng đứng lánh ra, cau mày:

– Gớm, anh sặc lên những mùi thuốc phiện! Anh đã nghiện chưa?

– Chưa nghiện nhưng thỉnh thoảng vẫn hút. Ồ, thuốc phiện làm cho người ta khuây khỏa lắm, Hằng biết sao được.

– Rõ, khốn nạn chưa!

– Hằng ơi, trước khi ra đi, trước khi từ biệt, mình, tôi muốn hỏi mình một điều. Chắc Hằng còn nhớ hôm chúng ta cãi nhau ở bệnh viện St. Paul, sau khi Hằng nhận được lá thư của Yvonne.

Hằng giật mình lên, vội hỏi:

– Lá thư nào của Yvonne?

– Lá thư chữ đánh máy, tố cáo tôi có trách nhiệm…

– Trời ơi! Yvonne là kẻ có cái tà tâm ấy à?

– Chứ gì!

– Thôi đi, anh đừng đổ oan cho người ta…

– Không, không, không. Việt Anh không bao giờ nói nhảm. Vả lại Yvonne đã thú thật với tôi rồi… Hằng nên biết rằng năm sáu tháng trước đây không mấy tối là Yvonne không đi lùng các cao lâu, các nhà khiêu vũ, các tiệm thuốc phiện, để tìm tôi… Nó yêu tôi, con bé đáng thương ấy! Mà vì nó yêu tôi quá nên nó mới làm cái việc càn rỡ để… hại tôi… Thôi, tôi cũng chẳng oán trách gì nó…

– Sao hai người không lấy nhau đi?

Việt Anh bất bình lắm, cau mày:

– Tôi, tôi không muốn lòng người dễ quên, dễ yêu thế được. Vả lại, chắc gì mà nó đã bằng lòng… Nhưng mà thôi, mặc chuyện ấy đấy, cho tôi nói nốt đã: tại bệnh viện bữa ấy, nếu tôi đã thú tội cùng Hằng, đã nói rõ sự thực, liệu Hằng có tha thứ không?

– Sao lại không? Tôi tưởng anh đã dìm chết mất Quân chứ có phải chỉ ngờ anh không cứu Quân đâu.

– Ấy thế mà tôi, tôi lại cho rằng vì có Đức cũng muốn lấy mình nên mình kiếm chuyện duỗi tôi ra.

– Nghĩa là anh đã là một kẻ ngu dại.

– Phải lắm. Hơn nữa lúc ấy lòng tự ái của tôi đã bị thương nặng… Tôi căm tức rằng đến Hằng mà cũng lại nghĩ tôi đã hại chồng của Hằng. Tôi đã ghen Hằng lắm, giận Hằng lắm, cho nên tôi đã không cắt nghĩa rõ, đã không thú tội!

Hằng ứa nước mắt kể lể:

– Thành ra tôi cứ tin rằng anh đã ám hại Quân, mà không biết anh đã dùng những cách gì! Lúc ấy tôi vẫn yêu anh lắm. Nhưng tôi sợ nếu lấy anh thì là đồng phạm với anh… Một người đàn bà cùng nhân tình âm mưu ám hại chồng là một con quái vật… Vậy mà tôi vẫn yêu anh một cách xót xa… Cho nên muốn khỏi mang tội với trời, tôi đã nghĩ không còn cách gì hơn là vội vàng nhận lời với Đức.

Việt Anh đứng ngây ngất như bị thương nặng trên đỉnh đầu.

– Trời ơi, vậy nếu tôi đã thú thật thì Hằng cũng đã lấy tôi đó ư?

Hằng rền rĩ mà rằng:

– Chứ gì nữa!

Anh buông xuôi hai tay xuống, thở dài:

– Lòng kiêu ngạo!… Trời ơi, lòng kiêu ngạo của tôi đã hại cả một đời tôi! Tôi đã muốn có Hằng, vậy mà tôi đã đánh mất hết cả!

Hằng quay về phía lò sưởi chất mấy thanh củi và bảo:

– Thôi, sự đã rồi! Mình đi đi, đừng làm khổ tôi nữa.

Nhưng mà Anh bàng hoàng tỉnh giấc mộng, như điên như dại, hấp tấp mà rằng:

– À! Nhưng mà bây giờ thì tôi lại không thể nào rời bỏ cái đất này mà đi được nữa! Không, tôi không đi! Những lời Hằng vừa nói thật như là ngọn đuốc cho con đường đời u ám của tôi, thật như một liều thuốc bổ cho cái thân thể ốm yếu của tôi! Từ hôm ở bệnh viện St. Paul đến nay chỉ mới là một năm thôi. Cái tình của mình với tôi đã đến thế thì trong một năm chưa phai nhạt được! Lúc ấy Hằng yêu tôi thì bây giờ Hằng cũng còn yêu tôi!

– Nhưng hiện giờ… tôi là người đã có chồng!

– Nhưng mà không yêu chồng! Mình không yêu Đức…

– Anh làm thế nào anh biết?

– Tôi biết! Nếu mình yêu Đức, mình lại bằng lòng tiếp tôi thế này hay sao? Mình lại phải khóc vì tôi hay sao? Những giọt lệ chưa khô đấy kia… Tiết Hằng!

Hằng đứng lên rầu rĩ mà rằng:

– Anh nên đi đi!

– Không! Những cơn giận dữ của mình, những giọt lệ lã chã của mình đã đủ nói rõ là mình yêu tôi!… Hằng ơi, Hằng nhớ lại những ngày ta còn đi học với nhau… Những lời mình thề thốt với tôi… Mình đã lừa dối tôi mà kết duyên với một người khác!

– Thôi đi, anh im đi!

– Không! Trời sinh ra Hằng để mà yêu tôi, Hằng vẫn đau khổ vì là vợ một người không phải là tôi, cũng như tôi, tôi đương khô héo cả tâm can bởi không được là bạn trăm năm của Hằng!

Hằng chạy ra hẳn một góc phòng, cách xa Anh. Chàng lại gần nằn nì:

– Này, Hằng ơi, những điều đau khổ của ta chưa phải là đã hết phương cứu chữa… Nếu Hằng thương xót tôi thì Hằng rất còn có thể cứu vớt được tôi… Mình có muốn cho tôi lại được như xưa, lại là người có can đảm, có chí khí, một người xứng đáng hay không? Xin cứu tôi khỏi chết!

Hằng run sợ, thất thanh hỏi:

– Nhưng mà tôi làm gì được?

– Đi trốn! Ta cùng nhau đi trốn! Tôi vẫn biết Hằng không ưa gì sự phản trắc… nhưng mà… dư luận thì cần gì?

– Đó không phải là việc của dư luận mà là của bổn phận.