Dứt tình – Vũ Trọng Phụng

Bấy giờ Việt Anh không để ý đến cuộc bơi nữa. Có lẽ vì Hằng đứng gần đó nên chàng chợt nhớ tới cuộc ly biệt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Tay đút túi quần, Anh đi đi lại lại, tìm những chỗ bước được trên dãy đá. Vài giờ nữa, chàng sẽ về Hà Nội phải từ giã cái bộ mặt đẹp đẽ thân yêu…

Việt Anh thấy lòng mình man mác, vì cuộc đời của mình trống trải. Chàng tự căn vặn tại sao chàng lại không thể có cái lòng cao thượng mà nghĩ rằng yêu ai, chỉ cốt cho người ấy được hết sức sung sướng là đã đủ mãn nguyện rồi. Hằng sung sướng đấy, nhưng chàng… không. Tiết Hằng được hưởng hạnh phúc với chồng nàng… tức là Việt Anh cũng hưởng hạnh phúc… Ồ! Sao lại như thế được!

Việt Anh lầm bầm: “Phải, đời nào! Sao lại của người này mà lại đi bảo là của người kia. Vô lý! Vô lý lắm!”.

Bể vẫn không ngớt tiếng reo hò, cứ ầm ầm đem các sóng bạc vào khiêu khích những tảng đá vô tri giác. Vô ích thay! Việt Anh ngắm cái sự hờn giận khiêu chiến vô ích của bể. Thật cũng vậy, những ngọn trào của lòng chàng. Quả tim chàng vẫn hằng đập dữ dội một cách vô ích như thế. Nếu vì hạnh phúc kẻ khác mà phải ngày đêm ngây ngất tâm thần thì… ô hay!

Việt Anh cứ nhảy nhót trên dãy đá gập ghềnh như người cuồng chân, như một con hổ trong cũi sắt… Chợt chàng thấy bà Năm thất thanh kêu:

– Chết chửa! Kìa!… Ông Anh đâu rồi?

Anh giật mình, chạy lại thấy Hằng một tay để gần miệng, mặt cũng đã tái, lầm bầm: “Chưa, chưa việc gì. May ra thì không làm sao”. Ngực nàng phập phồng dữ dội, đủ đoán hơi thở ỳ ạch lo lắng đến đâu… Ngoài bể khơi. Yvonne với Quân đã đương bơi về, nhưng bị một làn sóng lớn lôi ra ngoài mất mấy chục sải. Nhưng cả hai đương lần mò vào, có lẽ còn sức, có lẽ may mà không làm sao… cả hai đương lần vào. Một làn sóng lớn cũng đuổi theo… Sóng vỗ ầm ầm vào bờ, đẩy cả hai vào, rồi đến khi rút ra, tiện thể kéo luôn cả hai ra xa bờ hơn trước nữa. Và Yvonne, xem ra đã đuối sức, phải giơ tay vẫy vẫy…

– Thôi chết! Nguy đến nơi rồi!

Việt Anh kêu vậy, đoạn tháo giày, cởi quần ngoài, lột nốt cả cái áo lót mình, đâm bổ xuống nước bơi một mạch ra khơi. Chàng dìu Yvonne vào, khi gặp sóng quay ra thì lặn xuống nước và đồng thời dìm cả Yvonne xuống, thế mãi mới vào đến bờ đá, Yvonne nhổ bao nhiêu nước gượng ngồi lên áy náy xem nốt tính mệnh của Đào Quân. Bà Năm thở hồng hộc:

– Hay là cầu cứu?

Hằng nghĩ một lát đoạn gắt:

– Không nên vội. Hấp tấp quá người ta cười cho. Để xem thế nào đã. Chả nhẽ hai tay bơi thạo với nhau lại đến nỗi…

Anh ra đến chỗ Đào Quân, cũng dìu chàng vào.

Mặt ba người đàn bà trên bờ cứ luôn luôn thay đổi: hy vọng rồi lo sợ, rồi lại hy vọng, rồi lại lo sợ!

Là vì sóng đã to lại mau. Khi dìu Đào Quân vào được một quãng, chợt Anh không kịp tránh một làn sóng quặt nên cả hai lại ra khơi xa hơn trước một ít. Mãi mới vào chưa quá chỗ cũ, thì, một làn sóng nữa. Anh bắn về đằng này, Quân bắn về phía kia. Anh lại đến dìu Quân, bơi, hết sức bơi, nhưng… một làn sóng qua, bỗng chìm lỉm cả! Rồi một lúc thấy chỉ có một cái mặt của Anh nhô lên rồi hai tay vẫy báo sự thất vọng và cầu cứu người trên bờ. Đến lúc đó, Hằng, Yvonne, bà Năm mới cắm đầu chạy về xe hơi.

Hằng lên xe, bóp còi vang trời, rồi đánh đến chỗ đông cầu cứu, kêu la ầm ĩ. Người ta xúm lại hỏi rồi bảo thủy thủ và bảo Hằng đưa đến chỗ xảy ra. Hằng phải đánh xe xuống bãi biển mới quay được đầu xe. Khi xe phóng về chỗ cũ, chung quanh bám đầy những người.

Đến nơi, vừa thấy Anh để chân lên tảng đá, giơ hai tay cho bà Năm và Yvonne. Chàng hổn hển hỏi:

– Có thủy thủ chưa?

Trên bờ đồng thanh:

– Có rồi… đã bơi thuyền ra kia rồi.

Việt Anh không nói ra hơi:

– Tuyệt vọng! Không khéo thì hỏng cả. Tôi đuối sức quá, đành phải bơi vào bờ, sợ không khéo chết cả đôi.

Mặt biển sóng cồn không thấy báo tăm hơi gì nữa.

Bọn người đứng trông trên bờ, sao một giờ nó dài bằng một thế kỷ, đã đổi cái hy vọng vớt người ra vớt xác. Người ta quên mất cả Tiết Hằng. Đến khi Việt Anh chạy quanh tìm nàng thì thấy nàng chỉ còn thoi thóp thở; trong cái áo khoác ngoài với bộ y phục đi tắm, nàng nằm gục mặt xuống cái đệm chiếc xe hơi, lả hẳn đi như một kẻ đã nhịn đói bảy ngày…

Chương 5

Một tòa nhà ba tầng ở cách biệt hẳn đường hỏa xa và đường thuộc địa đến nửa cây số. Chung quanh tòa nhà là khu vườn rộng bốn mẫu, có trồng nhãn, muỗm, mận, ổi, cau, mai. Bốn dãy găng um tùm bao bọc cả hai dinh cơ đẹp mắt ấy. Đó, chỗ ở dưỡng lão của hai thân Tiết Hằng.

Ông cụ bây giờ về nơi này sống như người ẩn dật. Cái tài kinh doanh hiển hách thuở trước, nay ông cụ đem dùng vào việc hớt bọ gậy cho mấy con cá vàng, cắt, xén vài cái lá hồng, hoặc thay lồng cho vài con chim sơn ca. Cuộc đời yên tĩnh của một người đã được đầy đủ bổn phận, được toại chí về đủ phương diện: sức khỏe, danh vọng, tiền tài.

Từ sau ngày có cái tai nạn nó làm cho nàng thành góa chồng, Tiết Hằng cũng bỏ cuộc đời xã giao hoạt động mà về hầu hạ dưới gối hai thân. Nàng đã tâm tâm niệm niệm quyết sau khi đoạn tang sẽ dâng cho Việt Anh cái hạnh phúc là chồng. Đào Quân bất hạnh lâm nạn, cái chết không có chúc thư đi sau. Xưa kia món hồi môn của Hằng đem góp về cái cơ nghiệp của Quân cũng chẳng nhỏ – đã của vợ cũng như của chồng thì nay của chồng là của vợ – Hằng định để cả cho Anh, mai sau được tự ý muốn làm gì thì làm.

Nàng đã để hỏng mất gần nửa đời người, lẽ nào bây giờ lại chẳng hết lòng phụng sự ái tình để cuộc nhân duyên sắp bén có thể chữa được hết những vết thương trầm trọng về tinh thần thuở xưa.

Dù sao, việc của Anh và Hằng, đến lần thứ hai, cũng không thoát qua một trở lực. Quân mất. Việc giao quyền trông nom những công cuộc đang theo đuổi tình cờ về tay một người anh họ của Hằng là Huỳnh Đức, ở Huế vừa ra ngoài này kinh doanh. Đức là con một quan thượng đã về hưu, cũng có tài doanh nghiệp lại cũng góa vợ. Cho nên… cho nên ông thân ra Hằng những rắp muốn để Huỳnh Đức chiếm cái địa vị qui tế chớ chẳng muốn con mình về tay một người ngang tàng và bị các nhà cầm quyền ghét, là Việt Anh.

Nàng đã đem hết bao nỗi phẫn uất của một người đàn bà, của một cô con gái trẻ trung, ra phấn đấu với ý định của bố. Nàng vẫn tự nhủ một cách có nghị lực: “Không, không đời nào! Đã một lần rồi, Việt Anh đã chịu thiệt. Không đời nào ta lại chịu để Anh phải khốn khổ vì ta lần thứ nhì”. Trái lời cha mẹ là bất hiếu, nàng vẫn biết thế. Nhưng nàng đã có lần cúi đầu trước lệnh song đường thì không thể bảo nàng là kẻ chỉ vị kỷ và không có dạ hy sinh. Thôi, đừng ai nên quá tay. Hy sinh nàng đã hy sinh cả cái xuân lộng lẫy, nghĩa là cả tuổi trẻ. Mà nàng còn hối hận bởi lẽ chỉ còn có thể đem cho kẻ tình chung một chút hương thừa!

– Con nên nghĩ cho chín. Hằng! Việt Anh là người có nhiều nét khác thường, bị Chính phủ ghét. Cơ nghiệp của con ta sợ rồi sẽ đổ sụp, nếu mai sau vào tay y.

– Không, con sẽ có cách làm cho Anh sẽ đi con đường khác. Chàng đã chẳng là kẻ thất phu vô học thì rồi cũng dễ vừa lòng được cha.

– Huỳnh Đức đã có lần ngỏ ý với cha… Con nghĩ xem: Đức là người hiền hậu, tài giỏi, lại sẵn vốn. Ông cụ ấy là ông anh họ mẹ mày. Con nghĩ xem, cân nhắc xem… vợ một cậu ấm, con dâu cụ thượng nhất phẩm triều đình…

– Giời ơi, nếu sống ở đời chỉ vì thế!

– Hai nữa, Anh với Quân vốn là đôi bạn thân. Lấy vợ bạn, hẳn lẽ nào không sợ lời dị nghị? Mà con, lẽ nào con không sợ thiên hạ…

– Thế con sống cho con hay sống cho thiên hạ?

Giữa Hằng với cha nàng, sự xung đột về tư tưởng đại khái như vậy mà thôi. Ý muốn của một người bố không phải sự có thể coi thường. Việc chưa ngã ngũ ra sao, Hằng vì lo mà lâm bệnh. Nhưng hai tháng ốm kịch liệt đã cứu khỏi Tiết Hằng, may thay! Vì rằng trước lời phán của bác sĩ: “Bệnh này thuộc về tâm bệnh, phải tránh mọi sự ưu phiền, thất vọng, cho bệnh nhân”, thì cha nàng đã cho nàng toàn quyền cải giá! Người ta chẳng thể để chết mất cô con gái quí, khi người ta không có mống con trai nào.

***

Từ ngày Đào Quân bất hạnh, tính đến nay đã hơn một năm trời mà mãi đến nay, Hằng mới khỏi phải lo âu, đau khổ. Là vì mãi đến hôm nay, nàng mới được phép đánh cho Việt Anh mấy dòng điện tín báo cho nhau cuộc tương lai với hẹn tình quân phải về ra mắt cha nàng. Tiện thể, nàng cũng mời cả mẹ con bà Năm. Thế là những ai đã được mục kích cái tai họa của Hằng tại Đồ Sơn hôm ấy cũng có về chứng kiến cho nàng khi nàng cần phải báo hai tin mừng: đã bình phục, sắp bước đi một bước nữa.

Bà Năm đương đứng xem ông cụ tỉa hoa dưới vườn. Yvonne lên phòng riêng của Hằng, mách:

– Này chị, lúc nãy tôi đã được nghe hết cả bao nhiêu chuyện về chị giữa ông cụ với me tôi.

– Thế nào?

– Nguyên me tôi đứng xem ông cụ tỉa hoa, có đả động đến lẽ vì sao có thư mời về chơi. Thì ông cụ nói: “Mời về để nói đến việc tôi cho nó tái giá”. Me tôi hỏi ai thì ông cụ bảo chị sẽ lấy Việt Anh. Thật thế không, chị Hằng?

– Chính thế, Yvonne có điều gì phê phán vào việc này không?

– Tôi ấy à? Tôi hoan nghênh lắm. Việt Anh kể mới xứng đáng là chồng Tiết Hằng.

Hằng mỉm cười:

– Cám ơn!

Yvonne thêm:

– Nhưng chị phải biết: ông cụ bất đắc dĩ mà phải ưng thuận việc ấy đấy.

– Cái đó thì đã hẳn.

– Ông cụ phải bằng lòng là vì sợ chị chết mất. Rồi ông cụ phàn nàn với me tôi: “Thời buổi ngày nay người ta chỉ biết có ái tình”. Ông cụ lại lấy làm lạ rằng sao bọn trẻ trung chúng ta hình như không có ái tình thì không sống được!

– Chúng mình chỉ biết có ái tình, thế là phạm một tội ác ư?

Yvonne cười:

– Chị hỏi tôi? Không. Đâu tôi lại nghĩ như vậy.

– Yvonne xem hộ mấy giờ?

– Năm giờ hơn.

– Việt Anh sắp đến…

– Thế thì chị phải dậy sửa soạn tiếp anh ấy đi chứ!

– Được… Có gì mà phải vội.

– Chị đã được mạnh khỏe hẳn chưa?

– Cũng có thể gọi là khỏi?

Hằng nói rồi bỏ chăn, ngồi lên. Bắt đầu lập đông, tiết trời đã lạnh, nên ngày nào có mặt trời là ngày người ta hầu như thấy sự an ủi. Hôm nay cũng có mặt trời. Hằng ra bàn rửa mặt chải đầu, xoa một ít phấn để che đậy màu da hơi xanh. Nàng khoác thêm cái áo phủ ngoài rồi bảo Yvonne:

– Ta xuống vườn một lát.

Khi trông thấy con gái, ông cụ bèn ngắt câu chuyện đang nói với bà Năm. Bà này quay lại đon đả hỏi:

– Bà đã bình phục hẳn?

– Bẩm vâng!

– Bà cho gọi mẹ con tôi về chơi có tin mừng, mừng gì thế?