Dứt tình – Vũ Trọng Phụng

Tiết Hằng liên miên hồi tưởng lại quãng đời từ thuở còn là cô học trò ngây thơ. Cái tuổi chứa chan hi vọng, cái tuổi sung sướng vô cùng, nhưng thời gian chỉ đi chứ không trở lại… Nàng chợt nhớ một buổi tan học, từ trường trung học Sa Lộ ra về, nàng ngồi xe nhà ở giữa cho Việt Anh với Đào Quân đạp xe đạp kèm hai bên… Hồi đó, nàng còn có tên Tây: Mathide Tiết Hằng.

Mathide! Tôi sẽ đem đến biếu mình một bộ sách rất đẹp…

Mathide! Cứ lấy máy ảnh của tôi mà dùng…

Trong ba khối óc còn ngây thơ, óc của Đào Quân là của kẻ trưởng giả hợm đời và óc Việt Anh là của hạng si tình quá sớm. Trong khi Đào Quân chỉ biết nói tới câu: “Tôi cho tài xế đánh xe đến đón mình nhé?” thì Việt Anh đã khai chiến: “Hằng ạ, sau này tất chúng mình phải lấy được nhau”.

Một hôm, Tiết Hằng đỏ mặt ngỏ ý riêng với mẹ trong một phút điên rồ. Tức thì bà mẹ tỉ tê nói: “Con nhầm. Khi nào thầy con lại có thể thuận gả con cho Việt Anh được! Vẫn biết hai bên xưa kia có đi lại với nhau, ông bà ấy cũng dòng dõi thế gia quý tộc, nhưng phải cái tội nghèo. Thời buổi này mà không có tiền thì làm gì được? Hai nữa, ba mày lại đang là người góp vốn với ba anh Quân… Nhân tiện con đã động đến, nên mẹ bảo con biết trước: ba con ngỏ ý với mẹ định gả con cho anh Quân đã lâu rồi. Về phần bên ấy, ai cũng ưng, nhưng vì chúng bay còn đi học nên bảo nhau giấu cả hai, chưa cho đứa nào biết vội”.

Đó là vết thương thứ nhất có thể làm ngừng đập trái tim cô gái ngây thơ. Hằng nghe xong tái mặt, không nói gì. Cả đêm hôm ấy ngồi thức để khóc lóc vật vã. Không thể lấy Việt Anh được, vì lẽ bố Đào Quân là một nhà tư bản doanh nghiệp, chủ mấy cái mỏ kẽm và cái gia tài đó sẽ về phần Đào Quân! Nàng thấy nàng là một thứ hàng hóa, trong cuộc nhân duyên sắp bén đó.

Một hôm, Hằng nói với bố rằng khinh bỉ sự làm giàu. Người bố hiểu ngay, biết rằng con gái muốn phản đối việc trăm năm, bèn nói lưỡng: “Tao hiểu mày rồi! Con không màng tưởng sự lấy chồng giàu phải không? Được, để tao liệu…”. Một cô gái trẻ tuổi, còn dại dột nữa, liệu có thể thấu rõ được tâm địa một người cha, mà lại một người cha đã lăn lóc việc đời? Hằng được lời nói đó thì vội tin ngay.

Nàng nói qua cho Anh rõ, để chàng liệu mà sửa soạn. Ồ, mà Việt Anh sửa soạn cuộc tóc tơ kia ra làm sao thì có trời biết. Đối lại mấy cái mỏ, mấy xưởng máy phần gia tài của Đào Quân là những khí giới lợi hại trong việc đi chinh phục Tiết Hằng, thì chàng hình như đã vững tâm ở số mệnh, cứ mặc lòng mê mệt về một ý tưởng riêng. Ít lâu, xảy ra sự chủ trương việc bãi khóa sau cái tang Phan Chu Trinh. Rồi đến thôi học, vào Nam Kỳ làm báo. Một năm tờ báo bị đóng mà ông chủ bị 6 tháng tù án treo, đuổi ra Bắc Kỳ.

Những tai biến ấy Hằng phải trông thấy một cách đau lòng trong khoảng hai năm. Trong khi đó, phụ thân của Đào Quân lập thêm được một nhà máy chai, tậu thêm được một cái mỏ than nữa. Trước sự thay đổi lớn, Hằng còn biết nói thế nào! Cả nhà đều thì thầm một cách sợ hãi, mỗi khi nhắc đến một hành tung của Việt Anh. Giữa thời kỳ này mà ai lại đả động tới việc trăm năm giữa Hằng với Anh thì đích xác rồi, đó là một người hóa dại.

Lẽ tất nhiên, ít lâu Đào Quân cưới được Tiết Hằng. Đó là sự nảy nở thịnh vượng của một gia đình này, bên cạnh sự sụp đổ của một gia đình kia.

Lấy tư cách là bạn cũ cả vợ lẫn chồng. Việt Anh năng tới lui cái tiểu gia đình mới lập. Người vợ hơi e ngại sự thân mật trong tình bạn hữu đó, nhưng người chồng lại coi là việc rất tự nhiên. Lại thêm Đào Quân cho Việt Anh là kẻ có cái số phận ngang tàng, sinh ra đời không phải để hưởng mọi hạnh phúc êm đềm mà chỉ để tự hoại mọi đường công danh bởi một chí hướng riêng, nên cũng không đề phòng cho lắm.

Việc đề phòng là việc riêng của Hằng.

Đã bao lâu nay, người chồng thì vô tình không biết, người vợ thì giữ gìn, cự tuyệt, để người tình thân cứ việc chạy theo cái duyên đã đi thì không trở lại.

– Ơ hay! Chị Hằng ngồi đây đấy à?

Tiết Hằng giật mình quay lại, Yvonne và Việt Anh. Cả hai đứng dừng, ngạc nhiên không hiểu sao mới tinh sương Hằng đã ra ngồi làm gì đấy. Anh hỏi:

– Sao bà lại ngồi đây?

– À, tôi… tôi đang đi tìm hai người đấy mà.

– Tìm chúng tôi ấy à?

– Phải.

– Tìm chúng tôi ở một gốc cây?

– Chưa thấy đã mỏi chân, cấm không cho người ta ngồi à?

– Thế khỏi mỏi chân chưa thì đứng lên, đi chơi một thể…

Hằng đứng dậy oằn mình mấy cái rồi cầm lấy dù:

– Khỏi mỏi rồi nhưng chả đi chơi. Ta quay về.

– Ừ, về thì về.

Cả ba lững thững quay về; tình cờ Hằng lại đi giữa. Dân quê tò mò đều dừng gánh đứng ngắm cái đám kỳ lạ; một người đầm đẹp, khoác tay một thiếu nữ đẹp, đi với một người đàn ông mặc tây – cả ba có ý thân thiết với nhau quá chừng.

Tiết Hằng hỏi Yvonne:

– Nhà tôi đã cùng với bà đi đâu từ sáng?

– A, đi về Hải Phòng, hình như về để ký giấy tờ quan hệ gì đó. Có bảo đến chiều lại ra ăn cơm.

– Chứ buổi trưa thì thôi?

– Có lẽ…

Tự nhiên Việt Anh kêu:

– Mai tôi cũng về Hà thành!

Hằng chỉ nhìn nhưng không hỏi, còn Yvonne có ý tiếc:

– Sao ông lại về ngay thế? Thế mà dám gọi là nghỉ hè.

– Ấy làm nghề viết báo thì chỉ có quyền được nghỉ độ một vài ngày đã là nhiều.

– Thôi được, ông cứ về Hà Nội. Rồi khi về, nếu có dịp, tôi sẽ đến thăm tòa báo của ông.

Tới nhà, vào phòng khách, ba người uống trà mạn sen. Tiết Hằng lướt qua mặt Anh, giơ cho chàng một mảnh giấy. Chàng bỏ vội vào túi áo, lại ngồi nghiêm trang một lúc lâu.

Nửa giờ sau đó. Việt Anh làm ra bộ vô tình mà bước ra hành lang. Đứng nấp bên một cái cột tròn to hai ôm, chàng nhìn trước nhìn sau rồi giở mẩu giấy ra đọc:

Anh,

Nếu mai mình đã về Hà Nội thật thì tôi có một chuyện nói ngay hôm nay. Ta để Yvonne ngủ trưa, ta lẻn đi Pagodon, sẽ tiện nhất. Nên khéo cho đến bữa trưa nay.

Chương 3

Con đường đi Hòn Đâu lúc đó vắng vẻ, mặc lòng trời tạnh mây quang. Kể từ khách sạn Pagodon đi, dần dần chỉ thấy dân quê, vì du khách mỗi lúc một ít bớt. Lúc đó mới quá 12 giờ. Nếu không có nhiều tầng mây do thỉnh thoảng bay qua che lấp mặt trời thì Việt Anh và Tiết Hằng đã chẳng lững thững đấy, đã vào ngồi một bàn trong khách sạn Pagodon.

Hai người lững thững đi cạnh nhau như một cặp vợ chồng, nhưng không năng chuyện trò với nhau mấy. Vì rằng Tiết Hằng chưa biết nên nói ra sao cả, còn Việt Anh thì, vào cái trường hợp cần phải suy nghĩ ấy, chàng cũng phải dè dặt chứ chẳng dại gì mà cứ mải coi thường cái bụng đàn bà như xưa. Đã mang mãi sự thất vọng trong lòng, hôm nay chàng lại còn phải lo vơ vẩn…

Mấy dòng trong mảnh thư trao vụng ban nãy tới tay chàng sẽ dắt đến sự cự tuyệt giữa hai người cùng đau đớn hay sẽ là sự hẹn hò của một cuộc ái ân? Khó đoán. Hằng đã bất mãn vì mọi cử chỉ gai mắt của Anh chăng? Điều đó rất có thể, đối với bụng dạ đàn bà. Nhưng nếu nó thật thì nó là một sự vô lý, rất vô lý.

Việt Anh chất vấn ký ức, gợi đống gio tàn, hồi tưởng lại cái ngày đau khổ nhất đời của chàng là ngày chàng đem sự chúc mừng đến cho cặp vợ chồng mới cưới: Đào Quân, Tiết Hằng. Sau hôm đó trở đi, đến mấy tháng trời chàng không hề quay lại nhà bạn và, đó là Đào Quân phải đến tìm chàng một cách thành thực để giúp đỡ chàng ra khỏi cái cảnh túng thiếu, do sự từ Nam Kỳ bị đuổi ra đây. Một lần, Anh nói với Hằng một cách chua cay: “Không! Tôi chẳng phải là hạng giận thân giận đời! Việt Anh có đâu lại hèn như vậy. Yêu ai thì cầu cho người ấy được hưởng hạnh phúc trên đời còn bao nhiêu điều đắng cay, điều bất hạnh, điều vô phúc, thì cứ việc đổ vào đầu tôi”. Lần ấy, Hằng ngồi nhịn thở nghe câu nói đó một cách căm tức chớ không đáp lời.

Hai người yêu chẳng được, dần dần hầu như ghét nhau. Nhưng cả hai đều thấy thi vị trong cái sự căm hờn chung đó, bởi lẽ chính đó là một bộ mặt của ái tình. Không yêu còn đâu ghen, không ghen còn đâu oán hận.

Một hôm, Hằng nói: “Thôi chẳng qua chúng ta không chung duyên kiếp. Sự xảy ra rồi, đã không còn cách gì chữa lại được nữa, mình chỉ nên coi tôi là một người bạn gái trung thành là hơn. Mình đã nói với tôi một cách chua cay rằng tôi là người được hưởng hạnh phúc. Tôi đã cam lòng nhận lời mai mỉa ấy thì tôi cũng có phận sự tìm hạnh phúc giúp mình. Việt Anh nên nhận tôi là một người bạn gái trung thành có một không hai. Hằng xin nguyện với quỉ thần như vậy. Tôi xin tìm hộ một người bạn trăm năm rất đáng hưởng cái lòng yêu của mình, vả lại, Hằng cũng thường vấn tâm và rất lấy làm lạ rằng một người như Hằng thì không biết có phương diện nào đáng để cho một người như Việt Anh dành cho một chỗ trong tâm…”.

Chàng đã nghe câu nói đó rất kỹ lưỡng, nhưng cũng không đáp. Mà về phần Hằng, nàng cũng cho sự lặng im đó có nghĩa của một cái gật đầu. Thế là nàng nhầm mất một lần, vì rằng muốn người yêu mình đương đau khổ vì mình hay không còn phải đau khổ nữa thì nghĩa là không còn chịu nhận cái ái tình vô hi vọng kia.

Việt Anh đã là người sinh ra đời để đau khổ chàng cần được người ta để mặc chàng cứ đau khổ.

Vậy thì, sau những lời Hằng đã nói, liệu nàng còn có thể bực mình vì những cử chỉ của chàng khi gần Yvonne không? Nàng lại có thể vô lý đến bậc ấy nữa kia à?

Việt Anh cứ đi gần Tiết Hằng mà nghĩ ngợi liên miên… Chàng đoán lời lẽ trong thư, kết luận đến cái lòng ghen của Hằng rồi nghĩ thầm: “Vô lý! Nếu thế thì vô lý quá!”. Nhưng đó là Việt Anh, trong một phút rối loạn, đã tự lừa dối mình. Chính thực ra, chàng vẫn muốn Tiết Hằng nổi ghen, cứ việc vô lý thì chàng mới được hả dạ.

Đường vừa đến chỗ Chấm Tròn ở Hòn Đâu. Phía dưới đường là những tảng đá nhỏ to lởm chởm, rồi thì bể. Vài người quần áo rách ngồi kiên nhẫn, rải rác thả câu. Trước mặt là một ngọn đồi con, cũng có ít nhiều cây, hao hao giống núi Nùng.

Xa xa ngọn đèn pha chơ vơ trên một cái đảo con như đứng quảng cáo cho sự hiu quạnh.

– Ta ngồi xuống?

– Phải đấy!

Hằng và Anh bảo nhau ngồi xuống một ghế dưới một bóng me. Diu-diu-diu-diu, tiếng ve sầu như ru ngủ. Đằng xa, thấp thoáng, mấy cánh buồm nâu to không hơn mấy cái chấm, phân biệt cảnh ánh nước lồng trời.

Hai người ngồi im lặng trong một lúc đã khá lâu. Không phải im để ngắm cảnh nhưng để ngẫm nghĩ cẩn thận, để liệu đường khởi thế công, thế thủ với nhau cho khôn khéo.

Sau cùng đó là Hằng phải nói trước:

– Thật mai mình về Hà thành?

– Phải. Cứ ở đây mãi, có ích gì cho ai?

– Mà lại còn nguy hiểm cho tôi nữa.