Dứt tình – Vũ Trọng Phụng

Việt Anh đưa mắt đến sọt giấy rồi gật gù. Nhưng chàng vẫn thản nhiên:

– Hằng đã chịu khó nhặt những mẩu vụn chắp lại đọc cả cái thơ rồi à?

– Thưa không ạ. Tôi đâu thèm tò mò đến thế. Thấy một mẩu này thì tôi đọc chơi mà thôi. – Rồi nàng giơ mẩu giấy ra. – Bây giờ ông nghĩ thế nào?

– Tôi không nghĩ gì cả, vì nếu tôi nghĩ vào đấy, thì tôi đã chả vứt nó vào sọt, thưa bà. Mà tôi mong rằng bà đừng hằn học với tôi về những việc xảy ra từ trước khi tôi là chồng bà!

Cái giọng gắt gỏng của Anh khiến Hằng phải sợ. Nàng sợ chàng nhân đó lại có cớ nhắc đến Đào Quân. Sau cùng nàng dịu giọng:

– Hay là trong cuộc trăm năm của đôi ta, có điều gì ngăn trở, về phần mình? Hay là người ấy chửa đẻ gì chăng?

Anh đỏ mặt mà rằng:

– Ô hay! Mình điên mãi à? Đối với một hạng đàn bà mà tôi vẫn giày xéo dưới gót chân thì đủ hiểu là hạng nào rồi, còn chửa đẻ làm sao được! Mà lại nó vô lý, không biết phận nó đấy chứ! Ai coi nó ra gì mà nó đòi… nọ kia.

– Tôi thấy giọng thư mai mỉa mình dữ dội.

– Mà vì không để tâm nên tôi đã xé thư bỏ sọt.

Đến đấy, Hằng lại phải ngẫm nghĩ. Sự quả quyết giọng hồn nhiên của Anh đã tỏ ra rằng chàng đã thực thà về việc cái thư. Thế nghĩa là không có người đàn bà nào ngăn trở, mỉa mai hoặc đe dọa Việt Anh, khả dĩ bắt Anh suy nghĩ, cân nhắc, khổ sở trong cuộc phối hợp mai sau này. Vậy thì chỉ còn hai nhẽ: hoặc Việt Anh vẫn giấu nàng một điều gì, hoặc nàng nhìn thế sự một cách khác người nên đâm ra nghi ngờ, thế thôi. Rồi Hằng hối hận, sợ mình đã trái.

Nàng vứt mẩu thư vào bồ giấy:

– Chỉ tại cái mẩu thư khốn nạn này! Thôi, tôi lỡ một lần, mình có tha thứ cho tôi không?

Anh cũng dịu nét mặt:

– Mong Hằng bận sau đừng nhẹ dạ.

– Nhưng chỉ vì yêu Việt Anh nên Tiết Hằng mới vô nghĩa lý thế… À quên, tôi có số tiền ấy rồi. Tôi đưa mình nhé.

Nàng nói vậy, đoạn với lấy cái ví, mở ra. Nàng lấy tập giấy bạc xong… một cách ý tứ, bỏ tay vào túi chàng. Nhưng Anh lôi sáu tờ giấy bạc ra, nhìn mà nói:

– Thế này đã đủ là một sự khốn nạn chưa?

Hằng vờ nhìn ra cửa sổ:

– Ồ! Cái tổ chim vành khuyên kìa?

Nhưng Anh không mắc, lại tiếp:

– Không! Không! Mình không nên đưa tôi ngay bây giờ.

– Sao?

– Hết ngay mất!

– Thì cần dùng gì, cứ việc tiêu! Sau sẽ hay… ngại gì!

– Không! Mình hãy giữ lấy! Thế này là một cái nhục!

Hằng, đã sắp sửa phát điên:

– Thế nào? Mình nói cái gì mà ngu vậy? Của vợ không là của chồng à? Thế sao gọi được là yêu nhau! Mình bây giờ vô lý quá! Việt Anh bây giờ khác hẳn Việt Anh ngày trước.

Việt Anh nhại lại một cách rền rĩ, nghiến răng:

– Ồ! Việt Anh ngày trước!…

Rồi chàng ngồi phịch xuống ôm trán. Mười phút sau mới đứng lên:

– Thật vậy, Hằng ạ, tôi có một điều muốn giấu mình mà lại muốn nói rõ với mình. Mấy hôm nay chưa biết quyết ra sao. Hằng đã đến. Vậy bây giờ Hằng về cho tôi suy nghĩ rồi tôi sẽ nói chuyện sau.

Thế là Anh đẩy nàng ra ngoài phòng tiễn khách đến cổng.

Chương 8

Thưa bà,

Tôi vốn không quen thuộc bà nên chúng ta cùng có cái hạnh phúc không là kẻ thù của nhau. Song tôi yêu quý bà, muốn giúp bà một việc. Người mà cùng bà sắp trăm năm kết nghĩa, đã có một cử chỉ đáng ngờ. Người ấy có lẽ đã gây nên cái chết của ông Quân cũng nên. Nếu ngờ thơ này thì bà thử nghĩ đến cái địa vị giàu sang của bà rồi xét cái ái tình kia xem giả hay thật. Tôi không yêu nhưng cũng chẳng ghét gì ông Việt Anh. Ông ta chỉ là một người đáng thương. Vậy có mấy dòng chữ này làm ơn cho bà. Trong cuộc hôn nhân không nên mắc lừa, bà ạ.

Một người đàn bà có mặt lúc xảy ra tai nạn.

Xin miễn ký tên.

Cái thư này, Tiết Hằng đã đọc lại đến lần thứ ba. Lần đầu, mới đọc được một nửa thư, bao nhiêu máu trong người nàng hình như dồn vào cả hai thái dương, cử chỉ thứ nhất là vò thư, toan xé ra làm trăm nghìn mảnh, rồi đi tìm cho được người viết thư… Nhưng thư là thư nặc danh. Nàng đành nén mọi sự xúc động, đọc nốt. Người viết thư lại nhận đã có mặt lúc xảy ra tai nạn, vậy thì là người nào? Vô lý! Lúc đó chỉ có Yvonne và mẹ nàng, Tiết Hằng không viện lẽ gì mà dám ngờ cái lòng tốt của hai người ấy được. Thế còn người đàn bà nào khác đã có mặt tại chỗ bãi biển hôm ấy mà nàng không để ý đến? Lục tìm trong trí nhớ. Hằng mang máng thấy như là bữa ấy ngoài năm người ra, không còn một ai. Khốn nỗi, nàng chỉ nhớ mang máng thôi, ai lại đi tin một cái trí nhớ mang máng mà được!

Hay là, tạm gác lẽ ấy ra, cứ cho rằng bữa xảy ra tai nạn, quả thật đã có mặt tại đó, một người đàn bà nào… Vậy trong cuộc hôn nhân này, người đàn bà đó tất phải bị thiệt hại.

Ai?

Tiết Hằng chợt nhớ đến cái cười tủm tỉm của người thư ký nhà báo. Chắc hẳn Việt Anh đã lôi thôi với một số đông bọn con gái giang hồ. Mà vị tất kẻ viết lá thư này đã không chính là kẻ đã gửi cái thư mai mỉa Việt Anh mà nàng đã từng có trong tay. Nàng muốn trông bút tích dò cho ra người, ác quá, thư cho nàng lại đánh máy chữ…

Tiết Hằng mím miệng vò thư, căm tức những sự nhỏ nhen của loài người. Nàng hầu như nhọc mệt, cuộc đời chán nản lắm, không còn muốn sao nữa. Nàng nằm xuống giường, nhắm mắt những muốn tai không còn phải nghe một tiếng động, óc không còn bận về một ý nghĩ, mắt không còn phải thu nhặt một hình ảnh… muốn sao cho tâm thần không còn vương chút nợ trần, cứ được nhẹ lâng lâng.

Không xong!

Những ý nghĩ vẫn đến, những ý nghĩ tối tăm ác nghiệt.

Thoạt đầu, nàng đã lập tức muốn làm thầy cãi cho Việt Anh. Nàng không muốn tin người viết thư, mặc lòng là người nào. Nàng không muốn tin những lý luận trong thư, mặc lòng xưa kia đã xảy ra những việc như thế nào. Song le, đó là ái tình!

Mà ái tình thói thường vẫn là mong manh!

Cho nên cái lòng tự kiêu của nàng – lòng tự kiêu của một người đàn bà – hầu như bị thương nặng. Hằng không thể cho phép rằng bất cứ là người nàng yêu dấu đến bậc nào, lại có thể đem ái tình ra dùng làm một vật bài trí được những sự vô lương tâm. Sự trong sạch của ý nghĩ nàng, cái ngây thơ của cả mảnh hồn nàng bắt nàng không bao giờ được nghĩ thiên lệch.

Hãi hùng run sợ, nàng thâu trong óc những trường hợp có thể khiến Việt Anh là đáng nghi, Việt Anh, người nàng yêu, Việt Anh, vị hôn phu của nàng!

Sao lá thư lại có những lời mà nếu ở ngoài cuộc, người viết không thể viết được đến thế? Sao cái giọng chua chát bứt dứt của một kẻ đã làm điều gì đến phải hối hận đã đến úp lấy Việt Anh khiến chàng nay như con cá lúng túng trong lưới? Sao chàng lại vùng vằng sự phú quí của Hằng, phải nói trước là không thèm hưởng, chàng, một người vốn theo cái hạng không cần nghe dư luận, làm việc gì đã cậy ở cứu cánh cắt nghĩa hết mọi phương tiện đã dùng mà thôi? Hết thảy những điều ấy, vì lẽ gì?

Hằng tự căn vặn mình rồi lại đến lúc thấy cái cần phải cãi lý cho sự căn vặn trước. Nhưng, khốn thay, nàng chỉ là một trạng sư vô tài. Việt Anh không được bào chữa cho. Thầy kiện lúng túng không kiếm nổi lấy được một mẩu lý sự. Trong cái tòa án lương tâm của nàng hầu như xảy ra một sự rầm rộ của công chúng kéo cánh với công lý mà gào thét rằng việc Đào Quân chết, trách nhiệm ấy đè nặng trĩu vào vai Việt Anh, người yêu của Hằng. Mà chính nàng, nàng cũng hãi hùng bị mọi người coi là tòng phạm!

– Trời ơi! Sao lại có thể như thế được!

Hằng ngồi lên bưng trán kêu lớn, giọng rền rĩ như con nhạn bị tên xiên mà vẫn cố bay, bay để kêu thương. Tâm hồn nàng xưa kia vẫn cho nàng được kiêu hãnh vì nó lâng lâng và rất sán lạn như một buổi lễ minh ngày hạ, nay như bị bao nhiêu tầng mây phủ, tối tăm, âm thầm. Mà cái vết thương độc địa của trái tim non gây ra bởi cuộc kết hôn với Đào Quân, kịp khi tới cái tình sử kỳ lạ với Việt Anh nó như đã được hàn lại ra sao, thì nay lại bị một bàn tay tàn bạo dứt mạnh những lần băng giữ thuốc nhịt. Lần da non bị bóc tuột, nàng lại bắt đầu bị bệnh trầm trọng hơn xưa.

Gian phòng rộng rãi trong bệnh viện, giữa lúc mùa đông tiết lạnh này, mà khiến Hằng thấy chật hẹp, tức tối, không thở được nữa. Trước sự kinh ngạc của một bầy nữ khán hộ đẹp như tiên, nàng mở tung các cửa, như nóng nực giữa mùa hè.

Nhưng các cô khán hộ chẳng để Hằng tự do hóa điên. Cả mấy cô xúm quanh Hằng, rất lễ phép nhưng rất nghiệt, săn sóc nàng tựa hồ một đám cung tần nâng giấc một vị công chúa mới bắt được của địch quân. Họ đóng những cửa mà Hằng đã mở toang ra, kính cẩn mời nàng lên giường, đưa một cốc nước suối mà họ kêu có sức bình được những gân cốt bị rã rời sau một cơn xúc cảm mạnh. Rồi họ ngồi một dọc dài ở ghế bên cạnh giường, mỗi cô tìm một chuyện hòng khuây khỏa “bà chúa phải gai” ấy.

Giữa một bầu không khí như vậy, Hằng tự xét là vô lý, nếu cứ chỉ mải nghĩ đến những nỗi thống khổ của mình. Đây, đây, những người cũng đủ sắc tài, chưa chắc về phần đức hạnh đã kém gì Hằng, mà sự bất công của nhân loại đã tạo thành những kẻ phải quỵ lụy mới kiếm nổi mảnh áo, miếng cơm. Lòng trắc ẩn khiến Hằng tạm quên tâm sự riêng mà cũng đon đả nói cười với những chị em kém hạnh phúc ấy.

Song, vẫn tinh quái, Hằng tìm những chuyện trời mưa nắng, dắt được các cô khán hộ phải cắt nghĩa rành mạch về một câu hỏi vẫn chiếm chỗ trong mọi sự suy nghĩ của nàng. Đó là những tai nạn xảy ra trong khi bơi lội.

Một cô nói:

– Thưa bà, sự rủi ro rất nhiều, người ta sống chết đều có số mệnh cả. Như bọn thuyền chài chẳng hạn, còn ai phải ngờ họ là không biết bơi không? Ấy thế mà nhiều khi “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, họ cũng đến nỗi chết đuối! Nào có khó gì! Chỉ nhỡ ra bị chuột rút, chân tay không cử động được thì là toi mất đời.

Hằng hỏi vẩn vơ:

– Các bà các cô có ai biết những việc âm mưu hại người trong những cuộc bơi không?

Cô khán hộ vừa nói lúc nãy bây giờ cau mày, vẫn chưa hiểu, phải hỏi lại:

– Những cuộc âm mưu gì, thưa bà?

Tức thì một cô khác, lanh lợi hơn, nói đón:

– À, tôi hiểu rồi. Tôi đã đọc qua một cuốn tiểu thuyết Tây trong đó có nói tới hai chàng kia, cũng chỉ vì ghen ghét nhau mà một người chết đuối. Một người vì muốn chiếm giải, đã nỡ phản bạn. Anh ta lúc mời bạn một cốc rượu, đã bỏ vào cốc một thứ thuốc mà người nào uống phải sau vài giờ, thì gân cốt tê liệt hẳn đi. Thế là người bạn chết mất xác giữa biển để cho anh chàng kia chiếm được kỷ lục. Nhưng sau, vì hối, anh ta cũng tự sát!