Đảng Rổ Bẫy – Nguyễn Công Hoan

Tâm nhìn quan Huyện, lấy làm lạ quá, không hiểu ngài nói đùa hay nói thực. Tâm định hỏi rõ, nhưng ngài bận việc phải lên công đường. Đến bữa cơm, Tâm được quan Huyện cho ăn. Cơm nước xong, quan Huyện gọi Tâm lên, cho một đồng bạc, và bảo:

— Con cứ yên tâm về mà học hành. Ta đã rõ cả. Rồi khi nào ta cần, ta sẽ gọi con lên hỏi nhé.

Vừa vui vẻ vừa cảm động, Tâm vái chào quan Huyện rồi về.

V. Mẹ và con

Vừa về đến cổng làng, Tâm gặp mẹ.

Hai mẹ con mừng quá, ngồi ôm lấy nhau, nức nở khóc.

Mẹ Tâm lau nước mắt cho Tâm và nói:

— Con đi đâu, u tưởng con lạc, u phải đi tìm.

— Con đi lên kêu oan cho thày.

Cảm động, mẹ Tâm ôm chặt Tâm vào lòng, vỗ về Tâm, và thở dài:

— Con ơi, thày oan quá. Con có đói không? Mấy hôm nay con ăn cơm ở đâu?

Rồi mẹ Tâm lại dàn dụa nước mắt, lắc đầu nhìn Tâm:

— Khổ lắm, con ạ, thày bị vu là ăn cướp.

Tâm làm vênh mặt đáp:

— Mai thày được tha, đến mai quan Huyện đi xin cho thày, u đừng lo.

Thấy có nhiều người qua lại, hai mẹ con đứng dậy đi về.

Tâm nói:

— Con đỗ rồi, u biết chưa?

Mẹ Tâm gật, đáp:

— Đã, u vừa nghe nói ban nãy.

— U về bao giờ?

— U vừa về xong. U theo thày lên Huyện, để nghe tin, nhưng chẳng được biết gì cả.

— Sao u không vào hỏi quan Huyện?

— Ai người ta cho vào.

— Thế mà con vừa mới được quan Huyện cho vào nhà trong.

Mẹ Tâm mắng:

— Đừng nói càn.

— Thật đấy, quan Huyện hỏi chuyện con, khen con, cho con ăn cơm, và thưởng cho con đồng bạc đây này.

Nói xong, Tâm móc túi đưa tiền cho mẹ. Mẹ Tâm nhìn Tâm, nửa tin nửa ngờ. Tâm nói:

— Quan Huyện tử tế lắm, u ạ, mai ông ấy lên tỉnh xin tha cho thày.

— Sao con biết?

— Ông ấy bảo thế, vì ông ấy biết thày oan.

— Sao con biết?

— Tại con nói với ông ấy rằng hôm có cướp thì thày sốt, mà chính con ngủ với thày suốt đêm. Nếu thày đi ăn cướp thì làm gì con chẳng biết!

Mẹ Tâm cười:

— Vì thế nên quan Huyện tin là thày oan?

— Vâng.

Mẹ Tâm ngậm ngùi, thở dài bảo:

— Không phải thế. Con là trẻ con, nói thì ai tin. Người ta nói gì phải có chứng cớ chứ.

— Thì con làm chứng mà lỵ.

— Thế ngộ con nói dối thì sao?

— Con nói thực chứ khi nào nói dối. Mà chả phải thế là gì? U cũng biết đấy nhé.

— Phải rồi chính sự thực là thế, nhưng người ta thường mắc tội oan vì tình ngay, nhưng lý gian. Người ta chỉ tin ở lý. Hôm ấy, chỉ có mẹ con ta biết rằng thày sốt ở nhà cả đêm, chứ người ngoài ai lấy lý mà đoán, cũng tin là thày đi ăn cướp.

Tâm chừng trừng nhìn mẹ, hỏi:

— Lý gì lại thế?

— Vì chập tối, có mấy người gọi cổng, thì u lại bảo là thày đi vắng.

— Thế lúc thày phải bắt thì thày khỏi sốt chưa?

— Buổi sáng, lúc con đi thi được một lát thì có người nhà cụ Bá gọi thày đến nhà cụ có việc.

— Việc gì, u có biết không?

— U đã kịp hỏi gì đâu. Thày đi khỏi nhà, thì u cũng đi. Lúc u về, thấy thày ngủ, nên u không muốn gọi. Độ một giờ sau, u thấy quan lính kéo vào, bắt thày dậy. U đang ngơ ngác, thì thấy người ta bảo thày can tội dắt cướp vào nhà cụ Bá đêm hôm trước.

— Thế thày u không kêu oan à?

— Có, nhưng ai nghe.

— À, ban nãy quan Huyện cũng hỏi chuyện cụ Bá.

— Thế à? Hỏi thế nào?

— Quan Huyện hỏi thày có quen cụ Bá và ghét hay yêu cụ Bá?

— Con nói thế nào?

— Con bảo không biết.

Mẹ Tâm thở dài, nói:

— Lão ấy ghét thày lắm đấy. Chắc việc này lão vu oan cho thày để trả thù.

— Thù gì, hở u?

— Con còn bé không nên biết.

Tâm cau mặt, hậm hự, nói:

— Nhưng sao quan Huyện bảo có bắt được cái giấy chính chữ thày viết cho bọn cướp kia mà.

— U không biết. Ban nãy, u về nhà mới nghe thấy người ta mách rằng tuần làng bắt được một thằng cướp, đánh nó nhừ tử, rồi khám túi nó thấy cái thư ấy.

— Nhưng thằng cướp ấy chết rồi.

— Phải, nó đau quá, nên không sống được.

— A, thế rồi chắc cụ Bá trình quan, nên quan mới bắt thày.

— Lại còn thế nào nữa. U lên Huyện theo thày, nhưng không được giáp thày, nên chẳng hỏi han được câu nào. Sáng hôm nay, u lạy van những người lính để xin vào nói chuyện với thày, nhưng người ta không cho.

— Người ta ác nhỉ!

— Rồi người ta giải thày con lên Tỉnh, đi bằng ô tô.

— Thế thày có trông thấy u không?

— Có, vì u khóc, gào tướng lên.

— Thày có bảo gì không?

— Thày có dặn một câu gì, nhưng đứng xa quá, u không nghe rõ.

Tâm ngậm ngùi, nhìn mẹ rồi hỏi:

— Rồi thế nào nữa?

— Rồi xe thày đi u chạy theo.

— Nhưng u chạy kịp sao được xe ô tô?

— Thì lúc u mê lên mà lỵ. U liều đấy. May có người bảo u chạy mau đến chỗ xe ô tô hàng, có một cái sắp đến giờ chạy.

— Thế là u cũng đi ô tô lên Tỉnh à?

— Ừ, u lên xe được một lát thì xe chạy.

— Rồi đến Tỉnh thế nào?

— Rồi u chẳng biết chỗ nào để tìm thày nữa. Tỉnh rộng mênh mông, biết người ta đem thày vào nơi nào.

Tâm buồn bã, nắm chặt lấy tay mẹ. Lúc bấy giờ, hai mẹ con đã đến nhà. Mẹ Tâm trỏ vào chân, nói:

— Khổ chửa, con xem, u đi rộp cả chân lên.

Tâm nhìn mẹ, âu yếm nói:

— Thế u không gặp thày à?

— Không; u hỏi thăm thì người ta bảo chắc thày bị giam vào trong đề lao.

— Đề lao là chỗ nào?

— Là chỗ giam người có tội, là nhà pha ấy mà. U đến đề lao, xin vào, nhưng người ta đuổi ra. Người ta bảo khi nào xử án thì đi mà xem. Khổ quá con ạ, Thật là thày con mắc tai vạ tự nhiên. Biết bao giờ thày con lại được tha về?

— Nhưng con đã bảo đến mai mà lỵ.

Mẹ Tâm thở dài, ôm con vào lòng, nói:

— Con còn bé dại, không hiểu việc. Quan Huyện bảo thế là dỗ dành con yên tâm đó. Thế làm thế nào con giáp được quan Huyện?

— Hôm qua con đi thi về, con nghe thấy tin thày phải bắt và u đi theo thày, con khổ quá.

— Khốn nạn, đêm hôm qua ngủ một mình có sợ không con?

— Không. Sáng hôm nay con dậy sớm, thổi nấu cơm ăn.

— Con thổi cơm?

— Vâng. Nhưng vừa sống vừa khê.

Mẹ Tâm cười, thương hại:

— Khốn nạn con tôi! Sao nữa?

— Con vào Huyện. Người lính và hàng phố cứ bảo con điên, con lăn xả vào, người ta đẩy con ngã mấy lần, nhưng con cứ liều.

Nước mắt chạy quanh, mẹ Tâm hỏi dồn Tâm nói:

— Rồi ô tô quan Huyện về, con nằm lăn ra đường cho nên xe đỗ, quan Huyện xuống xe. Con hỏi quan Huyện về tin thày. Quan Huyện tử tế lắm, hỏi chuyện con mãi.

— Ừ, nhưng con đừng nói với ai rằng con được vào huyện nhé.

— Vâng. Nếu mai thày chưa được tha, thì bao giờ nhỉ?

— Còn chờ phiên tòa xử. Nếu quan trên xét ra thày oan thì được tha, nếu không thì làm tội.

— Tội gì?

— Người ta bỏ tù thày chứ làm gì!

— Thế làm thế nào cho quan trên xét thày oan nhỉ?

— Làm thế nào? Chỉ trừ khi nào quan trên bắt được bọn cướp ấy, mà bọn cướp ấy nhận là không quen thày.

— Được, để con giục quan Huyện đi bắt cướp.

— Đừng nói càn.

Rồi Tâm mơ màng nghĩ đến chuyện bắt cướp để minh oan cho cha. Bỗng Tâm nói:

— Hay là u với con đi bắt cướp đi.

— U là đàn bà, con là trẻ con, làm thế nào được.

Bực mình, Tâm ngả đầu vào lòng mẹ, nhắm mắt lại, nghĩ ngợi. Được một lát, Tâm ngáy khò khò…

VI. Đồ ăn cướp

Hôm thứ hai, Tâm đi học, chán nản quá. Tâm chỉ muốn xin phép ở nhà để mẹ đỡ buồn mà thôi.

Đến chiều, lúc giờ chơi, anh em xúm quanh hàng quà, anh thì ăn dưa hấu, anh thì ăn vải. Bỗng anh Tuệ thấy anh Thắng đang nhồm nhoàm miếng dưa; thì lui lủi rình đằng sau, thò tay giật mạnh, rồi chạy.

Thắng đuổi theo, vừa cười vừa nói:

— A, đồ ăn cướp!

Tâm đang đứng ở bậc thềm nhìn các bạn chơi “tíu tít”, chợt nghe Thắng nói thế thì động lòng, quay lại. Lúc ấy Thắng cũng nhìn Tâm, vừa cười vừa bảo:

— Đồ ăn cướp!

Thế là hơi tức sung lên, Tâm quyết không tha bèn hầm hầm chạy lại ngáng chân Thắng. Bị ngáng bất ngờ, Thắng ngã xoài, chảy cả máu đầu rồi Tâm cứ mạng mỡ Thắng mà “ục” mãi.

— Bảo ai ăn cướp! Bảo ai ăn cướp!

Anh em vừa can gỡ Tâm ra. Nhưng Tâm vẫn hăng hái đấm đá huyên thiên.

Thắng đau, kêu rầm. May quá, thày giáo chạy ra, gọi cả mọi người vào, hỏi tội. Trước hết, thày thấy Thắng đau, nên hỏi Thắng:

— Thế nào?

Thắng vừa khóc vừa nói:

— Bẩm thày, con đang ăn dưa, anh Tuệ chạy đến giật dưa của con rồi chạy, rồi tự nhiên anh Tâm, anh ấy đánh con.

Cho là Thắng giấu tội, Tâm vẫn hung hăng, mặt đỏ nói:

— Bẩm thày, anh ấy nhiếc con.

Bạn bè ngạc nhiên nhâu nhâu lên bênh Thắng, mỗi người một điều. Nhưng thày giáo bắt im, mà mọi người vẫn xì xào, nhìn nhau. Thày hỏi tất cả:

— Các anh thấy ai đánh ai trước?

Ai cũng cùng một loạt đáp:

— Bẩm thày, anh Tâm đánh anh Thắng trước ạ.

Thày nghiêm sắc mặt nhìn Tâm; Tâm không chịu được uất ức, bật khóc:

— Bẩm thày, sao anh ấy nhìn con, mà cười lại nhiếc con là đồ ăn cướp?

Thắng cãi:

— Tôi bảo anh đâu mà anh động lòng?

Thày bảo:

— Im! Tại làm sao anh bảo thế là anh Thắng nhiếc anh?

Lau nước mắt, Tâm nói:

— Bởi vì thế là anh ấy bảo thày con là kẻ cướp.

Cả thày giáo lẫn các bạn đều ngạc nhiên. Nhưng một lát, thày cười, bảo:

— Phải, tôi hiểu rồi, anh Thắng không có ý gì chế nhạo anh đâu. Có phải thày anh mới phải bắt về tội ăn cướp không?