Đảng Rổ Bẫy – Nguyễn Công Hoan

XV. Việc chẳng thành

Ông Bẩy đi vắng lâu lắm mới về. Nhưng Tâm để ý như ông có dáng ngờ vực Tâm vậy. Không những ông không cho Tâm đi xem các nơi làm ăn khác của ông mà thỉnh thoảng ông hỏi Tâm những câu khiến Tâm phải chột dạ.

Một hôm, Tâm đang chơi ở ngoài sân thì ông gọi vào. Ông bảo Tâm ngồi trước bàn đèn và hỏi:

— Bây giờ thầy sai con đi một mình đến quả núi con đã xem hôm nọ, con có thể đi được không?

Tâm đáp phắt:

— Bẩm không.

— Không có lẽ. Thày thấy con có ý nhận xét kỹ càng đường lối lắm kia mà?

Tâm cười:

— Bẩm thế là thày lầm. Con thoạt mới đến thì lấy làm lạ, nên nhìn cẩn thận đấy thôi.

Ông Bẩy thở dài, bảo:

— Thầy nói với con chuyện này nhé.

Tâm mừng lắm, tươi cười đáp:

— Đã lâu, thày chẳng dạy con được gì.

— Chuyện này nói ra, thì buồn lắm con ạ. Thày hỏi thực con nhé. Con có biết nhà Sáu bán thuốc phiện không?

Tâm vờ ngơ ngác:

— Nhà Sáu, bẩm nhà Sáu nào?

— Cái nhà anh hôm ấy đến đây rồi sau thày đi vắng ấy mà? Con quên rồi à?

— Vâng.

Ông Bẩy cười:

— Thế thày hiểu cả rồi. Con thông minh lại hay nhớ dai mà con quên được người vào nhà này thì thật là vô lý.

Tâm luống cuống. Ông Bảy nói:

— Nhà này rất ít người ra vào, thì đáng lẽ ai vào đây, con quên sao được.

— Con không quên được. Là vì thày nói khẽ quá con không nghe rõ.

Ông Bẩy lại cười:

— Thằng Sáu chẳng phải người hiền lành. Thày biết nó dò thầy. Trước thày có ngờ đâu. Sau đày tớ thày báo cho thày biết tin ấy. Cho nên vội vàng thày phải đi bắt cho được nó. Nó đã chuộc lỗi nó bằng nhát dao giữa ngực rồi.

Tâm rợn người, tái mặt. Ông Bẩy nói:

— Nghĩa là không ai làm gì mà giấu được thày, mà kẻ có tội đối với thày, đều bị trừng phạt một cách đích đáng.

Tâm nhìn ông Bẩy, run lên cầm cập. Ông Bẩy nói:

— Thằng Sáu nay đã chết rồi. Thật là may cho thày.

Tâm hỏi:

— Nhưng bẩm thày có đích anh Sáu này dò la thày không? Hay lại người muốn xin nhập đảng?

Ông Bẩy cau trán nghĩ, bỗng lại như thường, lắc đầu:

— Quyết không. Thày đã xem xét công việc của hắn rất cẩn thận. Không khi nào thày lại phạt oan người ta bao giờ.

— Sao thày không bắt sống ?

— Bắt sống để cho nó trốn mất ấy à?

— Con tưởng bắt sống để hỏi nó xem nó định dò làm gì.

— Nó dò cho ông Huyện nào mà con gửi giấy báo độ nọ ấy mà.

Tâm giật mình đánh thót, mà ông Bẩy thì giương hai mắt trắng dã ra nhìn. Nhưng mạnh bạo, Tâm hỏi:

— Ông Huyện nào mà con báo?

— Con còn bé, thày thương hại, không nỡ làm đau đớn mà tội nghiệp. Nhưng thế đủ rõ là con đã làm gì, thày biết hết cả. Vậy từ nay thì chừa những cái dại dột ấy đi.

Tâm căm hờn nhìn ông Bẩy và rắn rỏi nói:

— Thế thì thày cũng chả giỏi. Con tưởng con ở ngay cạnh thày, thì con định làm gì, thày phải biết cả trước, chứ con đã làm rồi thày mới biết, thì có khi thày mắc nạn.

Quăng quắc hai mắt nhìn Tâm, ông Bẩy thở dài nói:

— Thày không nỡ làm thiệt đời con. Đáng lẽ ra, thì thày giết quách con đi cho thày đỡ lo. Song, thày tiếc con quá. Vậy thày đã định giam con một chỗ kín cho đến ngày lớn, nếu thật con một bụng với thày, thì thày sẽ truyền nghề cho. Nếu không thì thày sẽ nghĩ cách xử.

Tâm luống cuống, rồi òa khóc. Ông Bẩy nói:

— Ai làm gì con mà con khóc?

Tự nhiên, Tâm thốt ra kêu:

— Thày u ơi?

Ông Bẩy nhìn Tâm gật gù:

— Tinh khôn can đảm thế mà cũng mau nước mắt thế à? Này, thày bảo: Từ nay con ở một mình, chứ không ở với thày nữa. Thỉnh thoảng thày mới ra thăm con mà thôi. Ở trong ấy, sẽ có đủ đồ dùng và muốn giải trí bằng cách gì cũng sẵn cả… Con đừng oán thày, con không làm gì nên tội, nhưng mà bây giờ thày thả con ra, thì thà thày cầm ngay con dao tự đâm vào cổ. Thật là bất đắc dĩ thày mới giữ con như thế này. Con nên vui vẻ mà chịu lấy số phận. Rồi thày không để cho gia đình con túng quẫn đâu.

Tâm nhìn ông Bẩy. Thấy ông vuốt râu đắc chí thì Tâm lại càng tức bực. Nhưng Tâm biết làm sao để ra được khỏi nhà giam này?

Ông Bẩy nói:

— Từ mai trở đi, con không ở nhà này nữa.

— Thày cho con đi đâu?

— Đi đâu, con hỏi làm gì vội?

— Con muốn biết trước.

— Con phải đi thuyền bốn hôm ra đến cửa bể. Rồi đến cù lao cách bờ chín mười cây số.

Nghe nói, Tâm nao nao cả lòng. Thế này thì có lẽ Tâm bị chết già ở đó, còn mong mỏi gì về được.

Mà ở giữa bể, Tâm làm cách gì thông được tin với quan Huyện.

Ông Bẩy nói:

— Đáng lẽ thày không cho con biết trước. Song thày nghĩ cho con biết trước cũng chẳng hề gì. Cho con biết trước, để con biết vì sao con không được ở nhà này nữa. Đã biết vì sao, thì con mới biết sợ thày. Nghe chưa?

Tâm cúi đầu không đáp. Hai tiếng “nghe chưa” làm cho Tâm đau đớn đến tận đáy lòng…

XVI. Cơn tai nạn

Một buổi sáng, Tâm vừa ngủ dậy, chợt có hai người bịt mặt, lại gần Tâm. Một người giơ lưỡi dao sáng quắc, nói:

— Hễ nói, ta đâm chết.

Tâm sợ hết hồn, không dám nhúc nhích.

Tức thì một người lại ôm lấy Tâm, lấy khăn buộc ngang mắt. Thế là Tâm không trông thấy gì nữa. Tâm hiểu biết rằng lần này ông Bẩy sai đem Tâm đi một nơi khác, mà không muốn cho Tâm biết đường. Tâm im lặng, thì thấy một người lấy cái gậy, gõ vào đầu Tâm, nghiến răng nói:

— Bé mà bé hạt tiêu, liệu hồn!

Đau nhưng Tâm không dám kêu. Một lát, Tâm ra dáng hiền lành, hỏi:

— Các ông định đưa cháu đi đâu?

Khốn nạn, Tâm chẳng được một câu trả lời; trái lại, một cái tay có năm ngón như năm quả chuối ngự đã tát mạnh vào má Tâm, khiến Tâm điếng người đi. Một người đắc chí, cười khanh khách, nói:

— Rồi cháu đi đâu, cháu khắc biết. Cháu định đưa các ông đi chỗ nào, thì các ông cũng đưa cháu đi chỗ ấy.

Tâm vơ vẩn nghĩ mãi câu ấy mà không hiểu. Nào Tâm có định đưa đảng Rổ Bẫy đi đâu đâu. Một người nói:

— Kẻo rồi lại hiện làm ma về kêu oán nhé.

Tâm giật nẩy mình. Rồi họ nói chuyện cùng nhau:

— Tôi đã bảo cứ bẻ cổ nó đi có hơn là dìm xuống sông không?

Tâm hết hồn. Đích là họ giết Tâm rồi. Tâm sực nhớ lại ngày trước ông Bẩy có giao hẹn với Tâm. Thì ra nay ông định cho Tâm chết, chứ không phải ông chỉ cho Tâm đi chỗ khác mà thôi.

Bỗng Tâm rớt nước mắt, thút thít khóc, thì thình lình một cái bạt tai thật mạnh làm Tâm ngã dúi dụi. Nhưng may quá, Tâm đã nghe rõ ràng tiếng ông Bẩy quát:

— Không được thế.

Rồi ông Bẩy lại, nắm lấy tay Tâm, dắt đến ghế ngựa, bảo Tâm ngồi đó, rồi hỏi:

— Con có oán gì thày không?

Tâm không đáp, vì cho là đáp cũng vô ích.

— Bất đắc dĩ thày mới xử con tàn nhẫn, con đừng oán thày nhé.

Tâm cũng chẳng đáp, bởi vì Tâm cho rằng đến nông nỗi này thì còn mong gì sống nữa. Tâm có mỗi một mình, lại là trẻ con. Đảng Rổ Bẫy làm gì chẳng nổi. Thôi đành vậy, biết làm thế nào?

Một lát, Tâm ngửi thấy mùi đồ ăn thơm ngào ngạt. Rồi dễ đến năm bảy người kéo nhau tới. Họ mời nhau ăn uống no say.

Tâm cố mở mắt nhìn qua lần vải, nhưng không thấy gì. Tâm chỉ biết rằng họ cười nói vui vẻ, mà thỉnh thoảng, có ai đả động đến Tâm, thì họ đều cho là Tâm đáng tội chết lắm, mà còn mong rằng Tâm bị đau đớn ê chề rồi mới được chết, để làm gương cho kẻ khác.

Mỗi khi nghĩ như thế, thì Tâm lại rùng mình.

Khi mọi người ăn cơm xong, ông Bẩy nói:

— Thôi, sắp làm việc đi kẻo muộn.

Tức thì một người nắm lấy hai tay và hai chân Tâm, rồi một người trói. Họ trói bằng giây thừng rất to, và xiết chặt đến nỗi Tâm đau điếng người lại. Đoạn, Tâm thấy người ta bỏ Tâm vào trong cái bị rồi khâu lại.

Tâm co ro nằm co quắp, khó chịu quá. Thôi thế là xong. Cứ bề ngoài, còn ai đoán rằng trong cái bị này có người sắp bị chết oan nữa.

Độ nửa giờ sau, ông Bẩy nói:

— Anh em ai nấy xong cả chưa?

Mọi người đáp:

— Bẩm đã.

— Thế ta lên đường thôi.

Một tiếng vâng đều nhau; Tâm thấy người ta nhắc cái bị vào quang rồi gánh. Đòn gánh mềm, Tâm nẩy lên nẩy xuống, cọ vào dây quang, rất khó chịu.

Bỗng tự nhiên, cái bị rơi xuống đất, Tâm bị đau điếng người, rồi tiếng gót chân chạy tán loạn.

Tâm không hiểu việc gì cả, sợ, trống ngực thình thình, lo lắm.

Thì có gì đâu, Thật là một việc may mắn lạ thường cho Tâm, lúc sắp đến cõi chết, lại có người đến cứu.

Nguyên từ ngày Tâm gửi thư về báo quan Huyện, thì quan Huyện có cho Sáu vào dò la và chụp ảnh được mặt ông Bẩy.

Rồi ngấm ngầm, quan Huyện sai đi rình, xem đảng Rổ Bẫy làm việc những thế nào.

Hôm nay, nhân bọn ấy tụ họp ở đây, mà may nhất là có cả ông Bẩy ở nhà, nên bọn quan Huyện nhất định bắt sống hết.

Quan Huyện cùng lính tráng tất cả ngót hai mươi người, đã canh phòng cẩn thận xung quanh nhà ông Bẩy Rỗ.

Tuy nhiều người, và có súng ống, nhưng bọn này cũng sợ cướp, vì không biết chúng nhiều người hay ít. Vì vậy không ai dám bàn nhau ập vào; thì may quá, đảng Rổ Bẫy kéo nhau ra.

Người trong đảng Rổ Bẫy vừa mở cổng, thì thình lình thấy quan quân súng ống đứng lố nhố cả trước mắt. Đang khi không ngờ, và gặp điều sợ bất thình lình như thế, ai mà còn giữ được can đảm nữa. Bởi vậy đảng Rổ Bẫy chỉ còn kế chạy thoát thân. Quan quân ùa vào đuổi. Ông Bẩy chống cự, một mình địch với năm người lực lưỡng, mà vẫn hăng hái như thường.

Tâm nằm trong bị, chẳng hiểu là việc gì, song cũng ngờ là đánh nhau lôi thôi. Một lát, một tiếng súng nổ làm cho Tâm hết hồn.

Quan Huyện hôm ấy mặc quần áo quan binh, trông rất gọn gàng nhanh nhẹn. Ngài ra hiệu cho quân lính. Chẳng mấy chốc, trong đảng Rổ Bẫy có hai người bị thương, nằm gục xuống đất, và bị trói. Cũng có một vài người xé hàng rào chạy thoát.

Trong làng lúc bấy giờ mới nổi trống liên thanh ba tiếng một. Chỉ có ông Bẩy Rỗ là không ai có thể tới gần được.

Ông tránh đạn, tránh lưỡi lê, nhanh thoăn thoắt

Nhưng bên quân lính, dần dần dùng cả sức vào một ông Bẩy. Sau cùng, ông Bẩy thấy đuối, bỏ chạy.

Ông chạy vào buồng tối, thụt vào hang đào sẵn rồi chực đậy nắp lại. Nhưng chẳng may ông chưa kịp đậy kỹ nắp, thì bị lính tìm nhận được cửa hang và giữ chặt lấy nắp.

Thành ra một mình ông Bẩy lúng túng ở miệng cái hang rất hẹp, không có đủ chỗ để giở hết sức ra chống chọi với quan quân.

Độ ngót nửa giờ sau, ông mệt lả, giơ tay xin chịu trói.

Ông Bẩy Rỗ bị xích tay, chân rất chặt chẽ.

Quan Huyện sai đi tìm Tâm, nhưng sục cả trên nhà dưới bếp, mà không thấy Tâm đâu.

Rồi quan Huyện mới sai cởi bị ra, thì Tâm mới hiểu chuyện.

Tâm nhìn quan Huyện, nhìn ông Bẩy, thì sực nghĩ đến cha. Quan Huyện hỏi ông Bẩy:

— Có phải anh là Bẩy Rỗ, chúa đảng Rổ Bẫy không?

Ông Bẩy không chút sợ hãi, đáp:

— Vâng, bây giờ tôi đã sa vào lưới pháp luật thì pháp luật cứ làm tội, tôi không ân hận gì.

Quan Huyện lại hỏi:

— Cha đứa bé con này có dính dáng đến đảng Rổ Bẫy không?

— Không. Tôi bị bắt, thì sao cha thằng Tâm lại không được tha.

— Thế anh có quen thuộc với thày chánh tổng tổng thằng Tâm không?

— Không. Đó là một chuyện thù hằn riêng.

Quan Huyện hỏi Tâm:

— Con nghĩ thế nào?

Tâm ngoan ngoãn, chắp tay đáp:

— Con chỉ mong sao cho thày con được tha, còn con không thù hằn ai hết. Sắp đến kỳ khai trường rồi, mà nhờ quan lớn cứu cho, con lại được đi học, thì con đã lấy làm may lắm rồi.

Quan Huyện nhìn Tâm, xoa đầu, khen:

— Con thật tốt bụng, đáng khen lắm.

Nói đoạn, ngài truyền cho lính giải đảng Rổ Bẫy đi…

• 1935