Bác Trưởng gật đầu:
— Nhiều người biết thế, nhưng đâu chính kẻ cướp xưng ra thày anh, và lại có giấy má của chính tay thày anh viết nữa kia.
Tâm trừng trừng nhìn bác Trưởng, tỏ ý căm giận. Rồi dậm chân xuống đất, Tâm nói:
— Thế thằng cướp đâu hở bác?
— Nó chết rồi. Hôm qua tuần làng đuổi được một thằng cướp, rồi đánh nó đau quá. Khi sắp chết, nó mới thú thế.
Tâm lại xịu mặt, buồn bã:
— Không có lẽ nào, bác ạ. Thế này nhé, hôm qua, lúc cháu thi xong kỳ vấn đáp rồi, cháu mới về nhà. Lúc ấy độ vào khoảng bốn giờ chiều, u cháu còn ở chợ, mà thày cháu cũng đi ra đồng chưa về. Cháu ra để khoe các bài với thày cháu thì cháu thấy thày cháu ngồi tựa vào gốc đa đống Rố, có dáng mệt nhọc. Cháu hỏi thì thày cháu bảo đang lên cơn sốt. Cháu sờ đầu thày cháu, thấy nóng quá. Cháu mới dắt trâu và nói với thày cháu về nhà. Đi đường, thày cháu lao đao, lử đử, mấy lần suýt ngã. Nhưng may, về nhà được bình yên. Thày cháu lủi thủi lên giường, kéo mấy cái chiếu ra đắp. Lúc u cháu đi chợ về, mới luộc trứng đánh gió cho thày cháu.
— À, phải, tôi còn nhớ u anh mượn tôi đồng bạc đồng.
— Bác để cháu nói nốt cho bác nghe. Thế rồi thày cháu mãi không khỏi. Thày cháu bỏ bữa cơm, cứ nằm rên, mà người nóng như hỏa lò than. Lúc tối, ngoài ngõ có người gọi thày cháu, thày cháu không gượng dậy được, nên u cháu phải nói dối là thày cháu đi vắng?
— À, hay là vì thế mà người ta nghi cho thày anh chăng?
— Thế rồi thì cháu ngủ với thày cháu. Chính cháu nằm cạnh thày cháu mà cháu có được chợp mắt lâu đâu. Thỉnh thoảng thày cháu cựa hay rên, hay gọi, thì cháu lại phải dậy. Mãi đến sáng mới đỡ nóng. Nhưng mà thày cháu không dám đi làm vội. U cháu cũng nghỉ buổi chợ. Lúc cháu đi xem bảng thi, cháu sờ đầu thày cháu, thày cháu bảo: “Hôm nay tao không đi ra đồng. Chắc độ thì khỏi thật. Mày cứ yên tâm mà đi. Có đỗ phải về ngay báo tin nhé.”
— Cháu chờ từ sáng đến chiều mới có bảng. Lúc về, thì thày cháu phải bắt rồi. Thày cháu oan lắm bác ạ. Mai bác lên Huyện với cháu.
Được nói một hồi để tỏ bày hết các công việc Tâm như nhẹ nhàng cả người.
Bác Trưởng thở dài:
— Ừ, thảo nào, lúc bị bắt, tôi thấy thày anh tái mét mặt, ngồi sổm bó rò ở sân, gục mặt vào cánh tay, có lẽ chưa khỏi thực cơn sốt.
— Lúc ấy hồi mấy giờ, hở bác?
— Vào mười giờ sáng.
— Thế thì chắc thày cháu đang sốt, bác ạ.
Nói xong, Tâm thương cha, nức nở khóc, hỏi:
— Người ta có trói thày cháu không, hở bác?
Bác Trưởng lại thở dài, vỗ vai Tâm an ủi:
— Có. Nhưng trói không chặt.
— Khốn nạn thân thày, thày ơi! Thế mà người ta cứ đưa thày cháu đi à, hở bác?
— Phải, nhưng thày anh nhất định không chịu theo người ta.
— Phải rồi, tội gì mà đi.
— Nhưng không đi không được.
— Không đi thì người ta làm gì nổi, bác nhỉ.
— Người ta đánh chứ!
— Thế người ta có đánh thày cháu không?
— Có.
Tâm giật mình đánh thót, lại rưng rức khóc. Bác Trưởng động lòng, lắc đầu và rớt nước mắt. Tâm nghĩ đến cái cảnh cha đang ốm, rên, nằm yên trên giường, bỗng bị một lũ người lôi dậy rồi trói, rồi đánh, rồi lôi đi. Đau đớn làm sao. Bác Trưởng dỗ dành mãi, Tâm hỏi:
— Thế bác có biết người ta bảo thày cháu đi như thế độ mấy hôm thì về không?
— Không, người ta chỉ bảo thày anh ăn cướp vì chính thày anh đã viết giấy hẹn bọn cướp.
— Hẹn gì hở bác?
— Hẹn đến nhà ông Chánh ăn cướp, mà thày anh đưa đường hộ.
— Thày cháu sốt, thì đưa đường thế nào? Hôm qua cướp lúc nào, cả nhà cháu có biết tý gì đâu! Xưa nay thày cháu hiền lành, có biết ăn cướp thế nào! Thày cháu oan lắm, bác ơi. Bây giờ người ta đưa thày cháu đi đâu?
— Lên Huyện.
— Chắc thày cháu phải ngồi tù đấy, bác nhỉ?
— Hẳn thế!
— Nếu ngồi tù thì ngày phải làm lụng khổ sở tối phải cho chân vào cùm, bác ạ. Thế ngồi tù thay có được không nhỉ, bác?
— Không.
— U cháu bao giờ về, bác có biết không?
— Tôi không kịp hỏi. Vì lúc ấy cuống lên, còn nhớ gì mà dặn.
Ngồi đó ít lâu, bác Trưởng lại bảo Tâm sang ăn cơm và sang nghỉ bên ấy. Nhưng nhất định Tâm không nghe, đáp: – Bây giờ thày cháu còn đói, còn khổ bằng mười cháu ấy. Thôi bác để cháu ở nhà coi nhà.
Rồi bác Trưởng về. Tâm đi tiễn rồi đóng và chặn cổng cẩn thận. Tâm thương cha, nhìn chỗ cha nằm, thấy những chiếu xộc xệch, thì bùi ngùi, không hiểu rồi sau này bao giờ cha con mới được sum họp.
III. Tôi làm chứng
Sáng hôm sau, Tâm dậy rất sớm, tìm nồi và gạo, để thổi cơm ăn. Thương hại quá! Đã mười hai tuổi đầu, mà vì từ thủa bé chưa hề phải vào bếp bao giờ, nên Tâm rất lóng ngóng, cơm thành ra vừa sống vừa khê. Lại còn nỗi không có đồ ăn, nên Tâm cố nhắm mắt nhắm mũi mới nuốt được một bát cơm nhạt.
Ăn xong, Tâm vội vàng đi lên huyện. Muốn chóng được biết tin cha bị tai nạn thế nào, Tâm cố đi rảo cẳng cho chóng tới nơi. Tâm chỉ lạy trời đi nửa đường gặp cha mẹ về, thì vui vẻ biết ngần nào.
Người làng Tâm, ai cũng nhìn theo, ái ngại. Có người hỏi đi đâu, thì Tâm ngây thơ đáp:
— Tôi lên Huyện để kêu oan cho thày tôi.
Nghe câu nói thật thà, ai cũng phải buồn cười mà không tin.
Nhưng mà Tâm lên Huyện thực. Việc này, Tâm đã định bụng ngay từ lúc nghe thấy một người tinh nghịch, xui đùa Tâm thế. Nhưng bé dại như Tâm tưởng người ta xui khôn.
Vả quan Huyện đã lầm mà bắt cha Tâm, thì Tâm tưởng còn gì phải hơn là Tâm đến tận Huyện mà làm chứng rằng cha Tâm không đi ăn cướp.
Đi đã được xa, song Tâm không thấy mỏi, vì lòng ngổn ngang, đang sốt sắng cố mong cho chóng tới Huyện.
Tâm biết đường, vì Tâm đã đến trường Huyện thi Sơ học Yếu lược. Huyện ở cách trường thi ngót một cây số, mà hôm trước bạn bè đã trỏ cho Tâm cái lô cốt và ngọn cờ tam tài phấp phới ở cổng vòm rồi. Cho nên bây giờ Tâm cứ theo đường cũ và nhìn cái lô cốt mà đến.
Chẳng mấy chốc, Tâm đã qua nhà trường. Hôm ấy chủ nhật, nên các cửa đóng, mà sân cũng lặng lẽ. Tâm nhớ lại buổi hôm trước, chỗ ấy ồn ào, tấp nập, mà chính nó đã làm cho Tâm được những phút sung sướng. Nhưng bây giờ, Tâm được sung sướng lại không được gặp cha mẹ để báo tin. Trái lại, chẳng may về nhà Tâm thấy cha tù tội, mẹ vất vả, thì lòng Tâm bây giờ cũng lạnh lẽo chẳng khác gì cái sân trường buồn bã này.
Đi quá một chỗ quành, Tâm đã bắt đầu thấy mấy cái mái ngói đỏ sẫm hiện ra ngoài tầng lá xanh biếc. Rồi những nhà tranh xám, những tường vôi trắng, san sát như chen nhau thành dẫy ở hai bên đường cái nắng chang chang.
Tâm hồi hộp. Chính trong khóm nhà ấy, đêm qua, Tâm đã gửi hai thứ của báu, tức là hai cha mẹ. Tâm muốn chạy cho mau tới.
Nhưng Tâm không chạy vì Tâm chán nản quá. Đến bây giờ mà vẫn chưa gặp cha mẹ Tâm về, thì còn mong nỗi gì.
Bước chân vào phố Huyện, Tâm có ý nhòm kỹ vào các hàng cơm, để tìm mẹ. Gặp mẹ, Tâm sẽ được òa lên khóc, chạy lại ôm lấy mẹ, gục mặt vào vai mẹ mà kể lể nỗi mình từ chiều hôm qua đến nay. Gặp mẹ, Tâm sẽ được biết rõ đầu đuôi việc cha phải bắt, và hỏi tại sao mẹ Tâm và cả đến cha Tâm nữa, không ai kêu rằng oan để quan Huyện tha cho. Gặp mẹ, Tâm sẽ được rõ lúc cha Tâm bị trói thì đã khỏi sốt chưa, phải đánh có đau không, và hiện nay đã thật khỏe mạnh như cũ chưa.
Tự nhiên, Tâm nghĩ bấy nhiêu điều, nước mắt cứ ràn rụa ra, rồi Tâm nức nở khóc.
Người hàng phố ai thấy thằng bé con ôm áo lên mặt mà gào cũng đổ ra xem, hỏi nhau và đi theo. Thì ai hiểu được!
Người ta tưởng là một đứa phải đòn. Người ta lại tưởng là một đứa bị lạc.
Nhưng người ta thấy Tâm quành vào phía cổng Huyện thì ai nấy ngơ ngác nhìn nhau và đứng dừng cả lại.
Ở cổng Huyện, người lính canh, đang bồng súng trên vai, đứng vắt chân chéo kheo, cũng tròng trọc nhìn Tâm khóc. Lúc thấy Tâm đi tới gần, người ấy không khỏi lấy làm lạ.
Người ấy tưởng Tâm đi lầm đường, bèn đứng chắn cổng và hỏi:
— Đây không phải chỗ mày đi! Ra ngay!
Khóc lóc, Tâm nói:
— Thưa ông, phải, tôi vào đây.
Người lính trừng mắt, hỏi:
— Mày có biết đây là đâu không mà dám láo?
— Có, thưa ông, đây là Huyện.
Thấy Tâm cứ tự do đi vào, người lính cầm tay, lôi mạnh ra. Nhưng Tâm khóc to hơn. Người ta kéo vào xem, vòng trong vòng ngoài. Tâm cứ lăn xả vào, nên bị người lính dúi mạnh, ngã xoài ra đất. Tâm vừa nằm cong queo vừa chắp hai tay vái lấy vái để:
— Lạy ông, ông làm phúc, cho tôi vào.
— Mày hỏi ai? Liệu hồn! Đừng dở khôn dở dại mà tù thì chết!
— Lạy ông, tôi không dại.
Nói đoạn, Tâm lóp ngóp bò dậy, mặt mũi, quần áo lấm bê bết. Người lính hỏi:
— Mày vào đây làm gì?
— Thưa ông, tôi hỏi quan Huyện.
Mọi người giật mình, nhìn nhau, cùng muốn biết rõ chuyện gì. Nhưng người lính bảo:
— Mày muốn sống thì ra ngay!
Rồi người ấy trợn mắt, giơ báng súng trước ngực Tâm và dọa:
— Không đi thì tao cho cái này bây giờ!
Nhưng Tâm chẳng hề sờn lòng, cứ chen người lính:
— Tôi hỏi quan Huyện.
— Quan trẻ con với mày à?
— Không. Tôi hỏi quan để kêu oan cho thày tôi.
Mọi người đang im lặng, thấy Tâm nói câu ấy thì hiểu ngay rồi bảo nhau:
— À, nó là con thằng cướp hôm qua đấy mà.
Tâm nghe tiếng, tức quá, lau nước mắt, cau mặt, giận dữ nhìn mọi người. Tâm chỉ muốn có sức mạnh để ra vả ngay vào miệng ai đã dám bảo cha Tâm là kẻ cướp. Tâm hất hàm, cà khịa:
— Ai bảo tôi là con thằng cướp?