Đảng Rổ Bẫy – Nguyễn Công Hoan

Mọi người cười rầm. Cả người lính cũng vừa nhếch mép, vừa lẳng Tâm một cái rõ mạnh đến nỗi Tâm lại ngã dúi dụi.

Người ta cười rầm lên.

Người lính lại đuổi:

— Bước ngay!

Uất lên không chịu được, Tâm quyết gây chuyện với mọi người mà Tâm cho là kẻ thù cả. Song Tâm cho là vô ích, nên lại đứng dậy xoa đùi, dịu dàng nói tử tế với người lính:

— Ông làm ơn cho tôi vào hỏi quan.

Người lính thấy Tâm dại quá, bèn quát:

— Quan đi vắng! Phúc cho mày, nếu ngài có nhà thì mày chết rồi!

Bên tai, Tâm thấy những tiếng:

— Thằng bé ấy điên à?

— Sao nó dại dột thế!

Tức đầy ruột, nhưng Tâm không thèm đáp, Tâm lại nằn nì với người lính:

— Ông cho tôi vào với cha tôi vậy. U tôi đâu, ông làm phúc bảo tôi.

— Chỗ này không phải chỗ đùa của mày. Muốn tù theo bố mày thì bảo.

— Vâng, ông cho tôi vào tù càng hay.

Thấy Tâm đáp rất tự nhiên, ai nấy làm ồn ào:

— Nó điên thật. Đừng đánh nó, tội nghiệp ông ạ.

Tâm nói:

— Quan ở nhà chứ có đi vắng đâu. Ông nói dối tôi. Ông cho tôi vào đi!

— Tao thèm nói dối mày? Không đi, ông kia ông ấy ra thì chết bây giờ.

Biết rằng người lính dọa, Tâm mặc kệ, không sợ. Bỗng một tiếng còi ô tô đằng xa. Người lính cuống quýt, nói:

— Thôi chết! Quan về! Có bước ngay đi không.

Rồi anh ta lôi Tâm sềnh sệch như lôi con vật.

Người xem tản về gần hết. Tâm thấy cái ôtô quành vào, nhanh trí, chạy ra giữa đường liều nằm xoài ra. Xe bỗng dừng lại.

Người lính canh, sợ hãi, xám mặt, vội đến bẩm quan Huyện.

Quan Huyện xuống xe, nhìn Tâm. Người ta xúm cả lại để nghe.

Chẳng chút sợ hãi, Tâm lóp ngóp đứng dậy, chắp tay nhìn quan Huyện. Bỗng Tâm òa lên vừa khóc vừa nói:

— Bẩm quan lớn, thày tôi không phải kẻ cướp. Đêm hôm có cướp, chính thày tôi sốt. Tôi ngủ với thày tôi suốt đêm. Bẩm quan lớn, thày tôi không ăn cướp đâu. Có tôi làm chứng.

Quan Huyện nghiêm trang, nói:

— Ai bảo thày mày không ăn cướp?

— Bẩm quan lớn, tôi nói thực, tôi không dám nói dối đâu. Tôi làm chứng rằng đêm kia thày tôi sốt, tôi ngủ với thày tôi suốt đêm. Thày tôi bị bắt oan, xin quan lớn làm phúc tha cho thày tôi về.

Quan Huyện dịu lời, xoa đầu Tâm và dỗ dành:

— Được, thày mày không ăn cướp đâu. Tao cũng biết. Thày mày mặt mũi hiền lành lắm.

— Vâng, thế thì quan lớn tha ngay cho.

— Nhưng để đủ chứng cớ thì thày mày sẽ được tha, nghe chưa?

— Bẩm quan lớn, tôi làm chứng. Chính mắt tôi thấy thày tôi ở nhà.

Quan Huyện cười, thương hại:

— Được, ta biết thế.

— Vâng, thế thì xin quan tha cho thày tôi ngay. Thày tôi oan quá!

Quan Huyện lắc đầu, cảm động:

— Không thể được nhé. Thày mày bị giải lên Tỉnh sáng hôm nay rồi nhé.

Như nghe tiếng sét, Tâm nức lên một tiếng.

Rồi mê mẩn, Tâm hỏi:

— U tôi đâu, quan lớn ơi?

Văng vẳng, Tâm nghe thấy tiếng đáp:

— U mày theo thày mày lên Tỉnh rồi.

Thế là Tâm mê đặc, nằm gục xuống đất.

IV. Quan Huyện hỏi chuyện

Quan Huyện sai bế Tâm vào Huyện, và cho đặt nó nằm trên ghế. Ngài lại bảo lấy dầu bôi cho Tâm, và lay gọi.

Một lúc, Tâm tỉnh dậy, nhưng vẫn còn bàng hoàng lắm.

Quan Huyện đến gần ôn tồn, xoa đầu Tâm hỏi:

— Ta xem con rất có hiếu. Ta khen đó. Con đã đi học chưa?

Tâm sung sướng, tỉnh táo, đứng dậy lễ phép đáp:

— Bẩm quan lớn, con mới đỗ Sơ học Yếu lược hôm qua.

Bẩm thày con phải giải lên Tỉnh thật?

Quan Huyện thương hại, khẽ gật đầu:

— Chính ta giải lên từ sáng sớm. Vì hôm nay chủ nhật, nên ta không muốn chậm trễ. Nhưng con cứ yên tâm.

Tâm đăm đăm nhìn quan Huyện, rồi khóc:

— Thế thì thày con khổ quá. Thày con có ăn cướp bao giờ đâu!

Quan Huyện dỗ dành:

— Không ngại. Nếu thày con oan thì sẽ chẳng hề gì. Mà ta chắc thày con được tha nay mai.

Sửng sốt, Tâm giương hai mắt ngây thơ nhìn Quan Huyện:

— Quan lớn, chắc thày con được tha? Bẩm quan lớn bao giờ ạ? Quan lớn biết thày con oan mà!

Lúng túng, quan Huyện nhắc lại câu ban nãy:

— Phải, nhưng con hãy cứ yên tâm.

Rồi ngài hỏi lảng:

— Con được mấy anh em?

— Bẩm con có mỗi một mình.

— À, ta xem con mặt mũi sáng sủa, chắc con chăm học và ngoan ngoãn lắm.

Tâm tươi tỉnh đưa mắt nhìn xuống; nhưng không thể nào quên cha, Tâm lại hỏi:

— Bẩm quan lớn, thày con phải giải lên Tỉnh, thì ở đâu?

— Ở đâu, con không cần biết.

Tâm lại òa lên khóc:

— Thế thì con biết rồi, đích thày con lại bị giam trong nhà pha!

Quan Huyện ái ngại nhìn Tâm, thở dài. Tâm nói:

— Xin quan lớn thương thày con, mai quan lớn lên bảo người ta tha thày con ra.

Quan Huyện gật đầu và đáp cho Tâm yên bụng:

— Được, mai ta sẽ lên. Ta nói rằng đêm hôm có cướp, con ngủ cả đêm với thày con, mà thày con đang sốt.

Tâm vui sướng, nhìn quan Huyện bằng đôi con mắt thật thà, cầu khẩn:

— Vâng, chính thế.

Quan Huyện ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi ngài lấy bút chì và quyển sổ tay ra, và hỏi Tâm những câu vơ vẩn:

— Con có biết mặt thày chánh tổng con không?

Tâm chớp mắt mấy cái để nghĩ, rồi đáp:

— Bẩm quan lớn, không.

— Cái người vẫn cưỡi con ngựa hồng, và đội cái nón lông đen ấy mà.

Tâm nghĩ ra, nhanh nhẩu nói:

— À, bẩm quan lớn, đấy là Cụ Bá.

— Ừ, phải Cụ Bá. Thế Cụ Bá có đến nhà thày con bao giờ không nhỉ?

— Bẩm dễ thường không, vì thày con không quen.

— Con cố nhớ lại xem.

Lặng yên một lúc, Tâm đáp:

— Dễ thường không. Vả con đi học, con cũng chẳng biết.

— Con có nghe thấy thày con nói rằng thày con yêu hay ghét Cụ Bá không?

Tâm ngớ ngẩn, đáp:

— Con không biết.

— Thế con yêu hay ghét cụ Bá? Con nói thực.

— Bẩm quan lớn, Cụ ấy dữ lắm. Con sợ lắm.

— Cụ ấy dữ thế nào?

— Một buổi chiều, con ở nhà trường về, con đi với anh em bạn bên cạnh đường, mé tay phải, thế mà cụ ấy cũng giơ roi vút vào lưng con một cái.

— Cụ ấy bảo thế nào mà đánh con?

— Cụ ấy chẳng bảo gì cả, tự nhiên con thấy cụ ấy đánh như thế.

— Thế đánh xong, con có thấy cụ ấy bảo gì không?

— Bẩm có. Cụ ấy trỏ roi vào mặt con và nói: “Liệu hồn cả cái thằng bố mày ấy”.

Quan Huyện gật gù, cúi xuống biên. Rồi ngài hỏi:

— Thế con về có nói chuyện ấy với thày con không?

— Bẩm không, vì con quên.

— Được, không hề gì. Con có nhớ con phải đánh vào hôm nào không?

Tâm ngẫm nghĩ, rồi nói:

— Bẩm chắc vào hôm thứ ba, vì con nói chuyện với anh em bạn về bài ám tả.

— Thứ ba nào?

— Độ một tháng nay. À phải chiều hôm ấy, quan lớn vào trường con.

— Được rồi.

Quan Huyện lại biên, rồi hỏi:

— Thế chiều hôm ấy, thày u con có nhà không? Con thử nhớ kỹ lại xem nào.

Tâm đưa mắt nhìn lên và chớp mãi, rồi nói:

— Buổi sáng thày con đi ra đồng, u con đi chợ. Buổi chiều con chờ mãi, nhưng đến tối mịt thày u con mới về.

— Sao con nhớ.

— Vì hôm quan lớn vào trường con, có xem sách con và khen con; nên khi về nhà con chờ thày u con để khoe, mà mãi không về, nên con nóng ruột. Vì thế con mới nhớ.

— Thế hôm ấy thày u con về nhà, có cái gì khác không?

— Bẩm quan lớn, dễ thường không. Con chỉ nhớ rằng về muộn hơn mọi ngày mà thôi.

— Thế thày u con buồn hay vui?

— Thày con… phải, thày con không ăn cơm bảo rằng ốm. U con thì không vui vẻ như mọi ngày. À phải rồi, hình như hôm ấy thày con vừa cãi nhau với ai thì phải.

— Sao con biết.

— Vì đến tối, con thấy nhiều người đến chơi hỏi chuyện u con nên con nghe lõm bõm. Cũng có người đến tận chỗ thày con nằm mà thì thào.

— Con nghe thấy những gì?

— Bẩm con không nghe rõ nhiều, vì con mải học. Con thấy bác Tư con nói to bảo u con “cứ phải thì thôi, chứ ăn hiếp thế nào được”.

— Vậy mà sao con không hỏi u con xem chuyện gì à?

— Bẩm không. Vì hôm ấy con phải đòn.

— Tại làm sao?

— Tại con học to quá, át cả tiếng người lớn nói chuyện.

— Ai đánh con?

— Thày con.

— Thày con ốm kia mà?

— Vâng. Nhưng thày con cũng dậy được. Thày con không tìm được roi, thì vớ ngay cái thước cứ đánh vào lưng con mãi.

Quan Huyện cười, bảo:

— Chắc là thày con có điều gì bực mình.

Rồi ngài biên và hỏi tiếp:

— Thày con thường hay chơi với ai?

— Bẩm thày con thường hay chơi với ông bác con, cậu con.

— Người ngoài kia mà?

— Bẩm không ạ.

— Thật chứ?

— Vâng.

— Thày con có biết Quốc ngữ không nhỉ.

— Bẩm có.

— Phải, ta đã rõ. Vở học của con đóng hay mua sẵn nhỉ?

— Bẩm con đóng lấy cho khỏi tốn tiền.

— Trường con có anh học trò nào mua vở sẵn không?

— Có, chỉ có anh Tín có vở đắt tiền ấy mà.

— Anh Tín nào?

— Bẩm anh Tín con cụ Bá.

— Quan Huyện chống tay vào má, thở dài gặng:

— Chỉ có một mình anh ấy thôi à?

— Vâng.

— Thế thì được. Con viết mực màu gì?

— Bẩm mực đen.

— Ở lớp con ai viết mực xanh không?

— Bẩm nhiều lắm.

— Anh Tín viết mực gì?

— Bẩm mực xanh.

— Được, hay lắm, con có biết ta hỏi để làm gì không?

Ngơ ngác, Tâm đáp:

— Bẩm không.

Quan Huyện gật gù, cười và xoa đầu Tâm:

— Để ta biết rằng thày con oan, nghe chưa? Thày con oan thực. Người ta trình ta rằng thày con dắt cướp, lấy tang chứng ở một cái thư chính tay thày con viết cho bọn cướp.

Tâm trợn mắt, nhìn quan Huyện, có vẻ tức tối:

— Chính tay thày con?

— Phải. Ta đã so chữ thày con với cái thư ấy thì không sai. Mà chính thày con cũng nhận rằng thày con viết bức thư ấy. Nhưng ta biết thày con oan.