Thì ra cái tên Rổ Bẫy rõ ràng dễ đoán quá mà Tâm không nghĩ ra. Vì từ khi Tâm biết ông cụ tên là Bẩy thì Tâm không để ý đến ông có cái gì khác người nữa. Đích là ông Bẩy là đầu đảng rồi. Tên Rổ Bẫy, chẳng phải là cái rổ, cái bẫy.
Rổ Bẫy chỉ là tên người, đảng Rổ Bẫy là đảng BẨY RỖ.
Nghĩ được ra thế, Tâm vui mừng, nhưng rồi thấy sợ, sợ đến nỗi lạnh toát cả người. Ai ngờ đâu chính Tâm đã lọt vào tay ông trùm đảng Rổ Bẫy bấy nay, mà Tâm không biết.
Nếu vậy, từ nay Tâm càng phải giữ gìn kẻo lỡ ra thì nguy đến tính mệnh.
XII. Bút và mực
Từ hôm Tâm biết ông Bẩy Rỗ là chúa trùm đảng Rổ Bẫy, thì càng căm giận và sợ sệt. Vì vậy làm việc gì, nói câu gì, Tâm cũng dè dặt, mà nhất là không bao giờ Tâm dám tỏ ra mặt như mọi ngày là nhớ nhà, mong mẹ, và ở với cha nuôi rất buồn tẻ. Trái lại, Tâm phải làm ra dáng yêu mến ông Bẩy, và quyến luyến ông, đến nỗi không muốn về nhà nữa.
Tâm rắp bụng viết thư báo ông Huyện hạt Tâm, để nhờ ông bắt hộ đảng cướp, nhưng không sao dò được tên làng Tâm hiện đang ở là làng gì.
Một hôm nhân ông Bẩy đi vắng, Tâm thọc tay vào phía dưới ngăn kéo bàn để lấy cắp hai tờ giấy. Một tờ Tâm làm phong bì, còn một tờ nữa, Tâm viết thư.
Nhưng không mực và bút chì viết bằng gì. Tâm nghĩ ba bốn hôm, mà không ra. Nếu Tâm mượn của ông Bẩy, thì sẽ bị nghi ngay, cho nên Tâm cứ phải kín đáo, mà kiếm cách. Tâm để ý đến tất cả những thứ có thể giúp Tâm làm mực được. Tâm lấy mảnh sành để cạo nhọ nồi, hòa với nước rồi vạch thử lên tường. Tâm lấy cả khói đèn và than mà trộn với nước. Nhưng những thứ mực ấy không thể dùng được, vì viết ra, trông chỉ hơi rõ thôi.
Có một lần, Tâm chơi hoa dâm bụt, mà rồi Tâm chế ra được một ít mực rất tốt. Hoa ấy có chất nhựa xanh như mầu chàm, áo dính vào nó không sao giặt sạch được. Tâm bèn chờ hôm ông Bẩy đi vắng rồi hái tất cả những hoa ở hàng rào. Tâm vò nát ra, cho vào cái niêu con, rồi đổ độ nửa gáo nước. Đoạn Tâm đem vào bếp, đun niêu ấy lên, cho đến lúc cạn gần hết. Tâm vắt những hoa và vứt đi. Ở đáy niêu còn một ít nước cốt đen kịt. Tâm mừng lắm, liền chắt ra đổ vào cái lọ.
Rồi tâm vót một cái que bằng tre cho rõ nhọn. Tâm thử chọc que vào mực để viết thì thấy chữ rõ không kém gì thứ mực Tâm thường mua. Tâm bèn cất tất cả các thứ vào một chỗ rất kín.
Nhưng rủi cho Tâm, Tâm chờ mãi, mà lần này ông Bẩy chưa đi vắng lâu. Đến mười hôm rồi, mà ông cứ ở nhà, Tâm thì cứ phải vui vẻ mà chuyện trò và chơi đùa cho ông đừng ngờ vực.
Một buổi chiều, Tâm nhìn thấy cái gậy dài dựng ở sân.
Tâm cầm lấy và múa may, rồi đập mạnh vào cây chuối. Ông Bẩy nhìn Tâm, cười và bảo:
— Con chớ nghịch dại thế, lỡ vô ý, đốc gậy vào mặt thì khốn.
Tâm mỉm cười, đáp:
— Con muốn học võ lắm.
Ông Bẩy tỏ ý mừng. Tâm biết vậy, nói thêm:
— Bẩm thày, con có muốn đi học chữ làm gì. Con chỉ muốn được bỏ nhà trường, rồi tập múa gậy, múa dao.
Ông Bẩy cau mặt:
— Học những cái ấy sao có ích được bằng học chữ, con?
Tâm cười:
— Bẩm thày mỗi người có một cái thích riêng. Thích cái gì thì học cái ấy rất chóng. Ở trường, con chỉ thích đánh nhau, con thường kéo bè kéo đảng để bắt nạt những anh bạn bé và yếu.
Ông Bẩy gật gù, Tâm nói luôn:
— Giá có ai dạy con học võ ngay từ bây giờ, thì tất ngày lớn, con giỏi lắm. Mà biết đâu nghề võ không nuôi nổi một đời con.
— Ừ, thế bây giờ ví dụ con có người bạn có miếng bánh ở trong lớp mà con muốn ăn, thì con xin người ta thế nào.
Tâm nhìn ông Bẩy, đáp:
— Việc gì phải xin. Con chờ lúc giờ ra chơi, con lẻn vào lớp để lấy. Nếu người ấy đem ra sân, thì con bắt nạt để lấy. Người ấy mà không cho con, thì con đánh mà lấy.
Ông Bẩy khen:
— Được lắm, nhưng thế thì con tồi.
Tâm lắc đầu:
— Con vẫn làm thế, song chẳng có bạn nào dám ghét con.
Ai cũng sợ con một phép.
— Thế con có sợ người lớn hơn con?
— Không, vì bọn con có nhiều người.
— Thế là con ăn cướp à?
Tâm vênh mặt, đáp:
— Ăn cướp không phải là xấu. Đó là cách kiếm tiền.
Ông Bẩy cười ha hả, khen :
— Thế thì con giỏi lắm.
Rồi đến buổi chiều, Tâm chỉ mấy cánh rừng, nói với ông Bẩy :
— Ở đây nhiều rừng rú rậm rạp, thỉnh thoảng con xin phép thày đi chơi, để tập nhẩy, tập chạy, và tập đánh nhau với ác thú.
Ông Bẩy xoa đầu Tâm, bảo :
— Con không nên hấp tấp. Nếu con có chí ấy, rồi thày sẽ dạy con. Con cứ ở đây với thày, rồi lâu dần, thày sẽ cho con biết thày làm nghề gì.
Tâm mừng lắm, vì Tâm chắc sẽ được ông Bẩy đưa Tâm đi khắp mọi nơi, và Tâm biết cách ông thường làm việc. Lúc Tâm biết và thuộc hết các chỗ ấy là nắm chặt được đảng Rổ Bẫy trong tay.
Tâm nói:
— Con chỉ muốn theo Đảng Rổ Bẫy, đảng ấy giỏi lắm.
Ông Bẩy nhìn Tâm, hơi chột dạ:
— Con theo làm gì?
— Để kiếm ăn khỏi vất vả.
Ông Bẩy không đáp, có ý nghĩ ngợi phân vân.
Rồi từ hôm sau, ông không đả động gì đến câu chuyện ấy nữa, mà Tâm thì nóng ruột muốn biết công việc của ông.
Được một hôm ông đi vắng, Tâm mừng quá, bèn đem bút mực và giấy ra viết. Song, tai hại quá, lọ mực cạn hết cả, không còn một giọt nào. Tâm bực mình, nhìn lên hàng rào, thì chỉ còn trơ những lá xanh biếc. Đến một cái nụ cũng không có, Tâm không biết làm thế nào nữa.
Buồn bã quá, Tâm lấy muối vào giấy và trèo lên cây ổi để hái quả ăn. Lúc ăn xong, Tâm sợ cha nuôi về biết mình ăn nhảm thì mắng, nên Tâm tìm diêm để đốt tờ giấy có dính muối đi.
Nhưng lạ quá, lúc Tâm hơ tờ giấy lên ngọn lửa, thì tự nhiên có vết đen đen hiện rõ dần lên. Tâm không hiểu vì sao cả. Hay là tờ ấy có phép. Hay là vì nó có dính muối? Tâm bèn lấy ít muối khác, hòa với nước, bôi vào giấy, rồi hơ lên ngọn lửa. Thì quản nhiên, Tâm lại thấy những vết đen đen hiện lên.
Mừng rú lên, Tâm bụng bảo dạ:
— Thôi, chất này mà ta dùng để viết, thì ông thánh ăn cướp sống lại có bắt được thư, cũng không sao đọc được.
Rồi nghĩ mãi, Tâm tìm ra được một cách dặn dò chỗ ở rất khéo. Tâm mới hòa muối và viết:
Bẩm quan lớn,
Tên con là Nguyễn văn Tâm, là con người bị tình nghi có chân trong Đảng Rổ Bẫy, đã bị tòa kết án năm năm.
Nay con hiện đang ở trong tay người tướng đảng cướp ấy. Con đã sắp được người ấy đưa đi các nơi làm ăn của đảng ấy.
Vậy xin quan lớn mau mau cho lính đi bắt hoặc quan lớn cho mật thám đi dò. Nếu không thuộc về hạt quan lớn cai trị, thì xin quan lớn cho ông quan hạt này biết.
Con không biết hạt này về đâu. Nhưng xin quan lớn nhìn kỹ những dấu nhà giây thép đóng ngoài phong bì này. Rồi đến chỗ trạm ở nơi phát thư này, quan lớn hỏi thăm nhà ông Bẩy Rỗ.
Nhưng sợ quan lớn bắt vào ngày ông Bẩy đi vắng, thì xin quan lớn cho người đi dò trước. Quan lớn bảo người nhà giả cách làm người bán thuốc phiện và dặn người ấy rằng khi đến nơi thì cứ xưng tên là Sáu. Con sẽ biết hiệu, và đưa giấy vạch đường sau.
Nay kính trình.
Viết xong, Tâm cất tờ giấy đi, rồi lấy nước than viết tạm dăm chữ: “HƠ LÊN LỬA THÌ RÕ” và đề phong bì gửi cho quan Huyện.
Rồi may sao, lại một hôm ông Bẩy đi vắng, Tâm thấy ngoài hàng rào có người đi qua, Tâm đưa năm xu và phong thư, nhờ người ấy mua tem và bỏ vào thùng hộ.
Từ hôm ấy Tâm vui vẻ khoan khoái, lạ lùng.
XIII. Kho tàng
Rồi Tâm được ông Bẩy Rỗ đưa đi các nơi để xem những chỗ làm ăn.
Lần đầu, Tâm được đứng ra phía ngoài cổng thì lấy làm khoan khoái lắm. Tâm ngắm đường xá, núi non mãi không biết chán. Tâm theo ông Bẩy đi. Đường thì cong queo, lên dốc, xuống dốc. Có lúc phải trèo qua những tảng đá lớn. Tâm nhận thấy ông Bẩy tuy đã già, nhưng còn khỏe lắm. Ông không tỏ ra sự mệt nhọc bao giờ; trái lại, mỗi lần Tâm thấy hoa mắt, ù tai mà thở, thì ông vẫn thoăn thoắt nhanh nhẹn, vịn hòn đá nọ, rẽ cành cây kia, rồi chui rúc vào những chỗ cheo leo, nguy hiểm.
Thỉnh thoảng qua những lối đi khó, ông phải chìa tay dắt Tâm đi. Thấy Tâm hổn hển thở, ông cười nói:
— Con còn ít tuổi yếu đuối quá, chưa đủ sức để học nghề thày, trông thấy con vất vả, thày thương quá.
Cố làm bộ vui vẻ, Tâm đáp:
— Thưa thày, con tưởng một hai lần trèo thế này rồi chân con nó quen đi, con sẽ không thấy mỏi mệt nữa.
Ông Bẩy gật đầu:
— Phải, con nên bền gan, hễ chóng chán thì làm gì cũng hỏng.
— Mà làm nghề của thày càng nên bền gan, phải bạo dạn và quen sự nhọc nhằn.
Ông Bẩy cười:
— Thôi, con đừng nói nhiều, vì thày thấy con vừa nói vừa thở. Đã mệt mà hay nói thì càng mệt thêm. Hay là thày đứng lại cho con nghỉ một chút.
Tâm đứng dừng lại, quay mình nhìn xuống. Cánh đồng như bàn cờ. Làng mạc chỉ là đống lá xanh rì đặt trên chiếc thảm hoa lý. Đường xá thì còng quèo, như con rắn dài màu son, nằm phơi nắng.
Tâm cố nhận mà không thấy nhà ông Bẩy đâu, bèn hỏi. Ông Bẩy đáp:
— Đứng phía này mà con hỏi nhà ta à? Nhà ta có ở trong những xóm này đâu. Nó về phía góc kia, lấp tảng đá này, không trông thấy.