Chợt Tâm nghe tiếng cha gọi khe khẽ, hai mẹ con bèn nhìn trước nhìn sau, rồi đứng sát cửa sổ để hỏi chuyện. Tâm thấy cha khốn khổ thì thương quá, giàn giụa nước mắt. Cha Tâm nói:
— Tôi bị oan, vì tôi khờ. Hôm đó, cụ Bá nói tôi đến bảo rằng nghi cho tôi viết thư cho bọn cướp. Cụ đưa tôi cái thư bắt được trong túi tên cướp và bắt tôi chép ra hai bản để so chữ. Bây giờ tôi mới hiểu tôi bị tù tội là vì thế. Cụ lấy hai bản của tôi làm một bản bắt được trong túi tên cướp và một bản để so chữ, còn cái bản bắt được thực thì chắc đốt đi.
Tâm sực nghĩ tới lời hỏi của quan Huyện rồi rồn rã hỏi cha:
— Thày viết bằng giấy trong sách học của anh Tín và dùng mực của anh ấy phải không?
— Ừ.
— Người ta bảo bọn cướp có đảng, thì là đảng gì? Thày có biết không?
— Tên là đảng Rổ Bẫy.
Tâm mừng quá, nói to:
— Thế thì thày không lo.
Tâm nói to quá, nên bị ngay một roi vụt vào người. Rồi người lính đuổi cả mẹ Tâm và Tâm ra khỏi tòa án. Văng vẳng, Tâm còn nghe cha nói:
— Tâm học hành ngoan ngoãn, con nhé!
VIII. Người sẹo má
Vào cái cảnh đau đớn như cảnh nhà Tâm, thì ai có thể kiên gan mà không khóc được. Mà càng có người đến hỏi thăm bao nhiêu, mẹ Tâm càng khóc nhiều. Tâm thấy vậy, buồn khổ quá.
Đêm hôm ấy, trằn trọc, Tâm không sao ngủ được. Vậy mà Tâm không muốn nói chuyện với mẹ thêm một câu nào, dù Tâm cũng thừa biết rằng mẹ Tâm vẫn còn thức. Thành ra hai mẹ con vẫn nằm im mà hai người thỉnh thoảng lại thở dài. Mắt Tâm còn như trông rõ cha ở Tòa án, tai Tâm còn như văng vẳng nghe những lời khuyên răn của cha.
Cha Tâm xưa nay vẫn hiền lành, vậy mà tự nhiên bị bắt, rồi ngồi tù, rồi can án. Năm năm! Năm năm nữa, lâu quá!
Ai làm cho cha Tâm phải bắt? Cái gì làm cho cha Tâm bị án năm năm? Tâm quyết phải lên Huyện mới được.
Hôm sau, Tâm nói với mẹ để xin phép đi thì mẹ Tâm bảo:
— Bây giờ mới kêu thì có ích gì, vả quan Huyện có quyền về việc này đâu.
— U cứ cho con đi. Độ nọ, quan Huyện đã hỏi con nhiều điều, chắc nay ngài còn nhiều điều hỏi nữa. Vả ngài dặn thỉnh thoảng con cứ đến Huyện kia mà. Phải làm cho thày được tha chứ!
Mẹ Tâm cảm động, nắm chặt lấy tay Tâm:
— Thày được tha, ai chả muốn thế. Nhưng phải hiểu việc, nếu không, chỉ công toi. Con không nên đi nữa.
Thấy mẹ ngăn, Tâm khóc, nói:
— Thôi được, thế là thày chịu khổ trong năm năm!
Mẹ Tâm âu yếm nhìn Tâm, ôm Tâm vào lòng, trỏ ra sân và bảo:
— Đây kia, con có trông thấy không? Mấy hôm nay, vì trời nắng chang chang, đường trắng xóa, cây cối lá gục lả cả xuống, u thấy mệt lắm. Con đi một mình, u không đành lòng, mà u chưa được khỏe thực để đưa con đi.
— Chỉ vì có thế mà u không muốn cho con đi à? Thế sao ngày thường cũng nắng thế này, u không ngăn con đi học?
Mẹ Tâm cười, không đáp. Tâm vui sướng nói:
— Thế con đi nhé?
— Nhưng trời nắng lắm, con ạ.
— Trời nắng hay mưa, có dính dáng gì đến việc tù tội của thày đâu, hở u?
Nói đoạn Tâm với cái áo trắng dài và cầm mũ đi ra. Mẹ Tâm nói:
— Để u mua gì cho con ăn cái đã, kẻo ăn cơm từ sáng đến bây giờ rồi còn gì.
Tâm cười đáp:
— Thôi, u cho con năm xu và để con đi ngay mới chóng về được.
Thế là Tâm đi, cắm cổ đi. Mẹ Tâm nhìn theo, nghĩ đến bụng dạ Tâm, những cảm ơn Trời Phật. Giá khỏe mạnh, thì bà đã cắp nón đi trông nom cho Tâm rồi.
Tâm đến Huyện thấy ở phố có nhiều người chỉ trỏ vào mình và nói chuyện cùng nhau. Cũng có người rủ nhau đi theo Tâm. Tâm mặc kệ, đi một mạch đế chỗ quành vào dinh.
Người lính canh, vẫn người hôm nọ, trông thấy Tâm, toét mồm ra cười. Tâm đoán biết người ấy không cấm đoán Tâm như lần trước nữa.
Song, Tâm không cạy quen thuộc, mà cứ việc đi thẳng vào một cách tự do vô lễ. Tâm bèn cất mũ chào và hỏi:
— Thưa ông, quan Huyện có nhà không ạ?
Người lính lắc đầu:
— Không. Mà quan đi vắng thực, chứ không phải tôi nói dối.
Tâm cười:
— Quan đi từ bao giờ và bao giờ quan về, thưa ông?
— Có lẽ sắp về. Em đến kêu quan việc gì vậy?
— Không có việc gì cần, ông ạ. Tôi đến bẩm quan rằng thày tôi bị kết án năm năm.
Người lính cau mặt thương hại nói:
— Em chờ ở hàng cơm rồi quan về thì bẩm nhé.
— Vâng. Chắc hễ quan về thì có còi ô tô, tôi biết.
— Không, hôm nay quan không đi ô tô.
— Thôi được, chào ông, tôi xin ra hàng nghỉ một lát.
Tâm lững thững đi, ra ý nghĩ ngợi.
Tâm ngồi hàng uống nước. Một vài người làm quen lân la đến hỏi chuyện. Tâm kể lể đầu đuôi. Ai cũng ái ngại và khen Tâm có hiếu.
Tâm nóng ruột mong quan Huyện, nên độ nửa giờ Tâm lại đứng dậy vào Huyện hỏi thăm. Nhưng quan Huyện vẫn chưa về.
Trong bọn người nghe chuyện, Tâm nhận thấy một người săn sóc đến Tâm nhất. Người ấy trạc độ ngoài ba mươi tuổi, dễ nhận nhất là ở má bên phải có cái sẹo dài. Người ấy mời Tâm ăn quà và lúc Tâm vào Huyện thì người ấy cũng theo đi. Đến một chỗ vắng, người ấy bảo Tâm:
— Cậu chờ ở hàng nước thì phí công lắm. Nhà tôi ở gần đây, cậu về mà nghỉ ngơi cơm nước, tội gì. Rồi đến chiều mát, tôi đưa cậu ra Huyện. Tôi được gặp cậu bé như cậu, tôi quý hóa lắm. Tôi có mấy đứa con xấp xỉ tuổi cậu, nhưng chúng nó hư lắm. Cho chúng nó đi học, chúng nó chỉ trốn đi chơi, chúng nó đua anh đua em, nghịch hư nghịch dại. Cho nên tôi muốn đón cậu về nhà, để chúng nó nom thấy, cho chúng nó biết sửa mình.
Tâm đắc chí, theo người ấy về nhà.
Đi nửa đường, người ấy hỏi:
— Cậu bảo thày cậu bị quan Tòa nghi oan cho vào đảng cướp gì nhỉ?
— Đảng Rổ Bẫy, ông ạ.
— Thế cậu có hiểu Đảng Rổ Bẫy là gì không?
— Không. Tôi nghĩ mãi mà không biết. Người ta bảo đảng ấy to lắm, đã cướp bóc và giết hại rất nhiều.
Người sẹo má lắc đầu, đáp:
— Tôi không nghe ai nói thế bao giờ. Thế cậu định trình quan Huyện bắt à?
— Vâng.
— Nhưng biết họ ở đâu mà bắt.
— Ồ, ông không biết, chứ quan Huyện này, cái gì mà ngài chẳng biết. Hôm nọ ngài đã hỏi tôi rồi.
Ra ý nghĩ ngợi, người sẹo má không nói gì cả. Tâm thấy người ấy tử tế, lấy làm yên lắm, trò chuyện rất vui vẻ.
Chiều hôm ấy, cơm nước xong, Tâm xin ra huyện. Người sẹo má nói:
— Tôi đã chót hứa với cậu là đưa cậu đi. Nhưng hiện bây giờ tôi có một việc rất cần, không thể đi được ngay, vậy cậu có thuộc đường không?
Tâm gật đầu:
— Được, tôi có thể đi một mình. Ra đến đầu làng, theo bờ sông độ nửa cây số thì đã trông thấy cổng Huyện phải không, ông?
— Phải. Nếu không thuộc đường thì cậu ở lại đến mai hãy đi cùng tôi.
— Thế thì ông để tôi đi một mình bây giờ.
Nói xong, Tâm chào và ra đi, trong bụng hớn hở. Đồng năm xu của mẹ cho, Tâm vẫn còn giữ nguyên vẹn, thế mà Tâm đã được ăn uống no đủ. Chắc khi về tới nhà, mẹ Tâm lấy làm lạ lắm.
Trời vẫn còn nắng, mà cái nắng xiên khoai càng như thiêu như đốt. Thỉnh thoảng, một luồng gió nóng như ném lửa vào mặt. Mặt nước sông lóe chói như mặt gương. Nhìn xung quanh, cả cánh đồng bao la bát ngát, Tâm thấy cái gì cũng như chết nắng. Chẳng có một người nào. Dưới sông, một con thuyền nằm bệt một cách ươn hèn.
Tâm nhăn mặt, dim mắt cho đỡ chói, lặng lẽ đi. Bỗng thình lình, Tâm giật nẩy mình. Hai cái tay to lớn bịt chặt lấy mắt Tâm, Tâm chẳng trông thấy gì cả. Tâm vừa giẫy giụa thì một nắm giẻ đã nhét đầy mồm. Rồi mấy cái tay nữa ôm ghì lấy Tâm. Tâm mất cựa.
Tâm biết việc chẳng hay, sợ hết hồn. Nhưng không kêu, không nhìn, không cựa được, biết làm thế nào bây giờ? Trống ngực Tâm đánh thình thình. Nghĩ đến mẹ, Tâm giàn nước mắt.
Rồi Tâm thấy người ta trói hai chân, hai tay, trói chặt quá, đau lắm. Rồi người ta bịt mắt Tâm bằng một cái khăn. Tâm cố giương mắt ra, nhưng chẳng nhìn thấy gì cả.
Người ta đặt Tâm nằm ngay xuống đất. Lưng Tâm như bị áp vào chảo nóng. Rồi hai người khênh Tâm. Cả người Tâm bị mặt trời chiếu vào, nóng quá. Tâm im lặng để nghe xem người ta đưa đi đâu. Nhưng không sao đoán ra. Tâm quyết mình đã sa vào hang hùm. Tâm hối hận, tiếc rằng không chờ người sẹo má đến. Thôi thì đành!
Người ta đặt Tâm nằm trên một cái gì cứng chắc là gỗ, là phản. Tâm không thấy nóng nữa. Hẳn là Tâm được ở trong nhà. Nhưng Tâm nghe thấy tiếng mái chèo đẩy nước. Thì quyết là cái thuyền mà Tâm đã trông thấy khi nãy.
Vậy thì người ta sẽ chở Tâm đi đâu? Hay đi sang Tàu để bán cho bọn buôn người? Tâm đành nghe ngóng dần vậy.
Thật, Tâm có ngờ đâu gặp tai vạ, mà biết đâu chiều nay, mẹ Tâm không tựa cửa ngóng con, và đêm nay không nóng ruột, và ngày mai, không khóc sưng húp hai mắt lên?
IX. Tình cờ gặp gỡ
Lúc cựa, Tâm thấy chân tay không phải trói, mà mắt cũng không bị bịt nữa. Tâm vươn vai, chớp mắt, nhìn bốn bên, lấy làm lạ quá. Đây không phải là trong thuyền. Tâm đang nằm trong buồng đóng kín cửa của nhà ai ấy.
Cố nghĩ lại, nhưng Tâm không nhớ một điều gì. Lúc ấy, người ta khênh Tâm đi, rồi đặt Tâm nằm xuống, thì vừa lo, vừa sợ, vừa mệt, vừa thương mẹ, óc Tâm rối beng, rồi thiu thiu, Tâm ngủ lúc nào mất. Mà cũng không biết người ta đặt Tâm nằm đây từ bao giờ.
Tâm nghe xung quanh. Không có một tiếng động. Tâm ngồi phắt dậy, rồi rón rén ra mé cửa để xem, thì cửa gài then rất chặt chẽ. Quái, không biết người ta giam Tâm vào đây để làm tình làm tội những gì hay sao? Thế thì biết bao giờ Tâm được về với mẹ, biết bao giờ Tâm tìm ra được bọn cướp để minh oan cho cha? Bỗng Tâm đâm sợ. Tự nhiên Tâm thấy hình như cái buồng ấy nó lạnh lẽo ghê gớm quá.