Đảng Rổ Bẫy – Nguyễn Công Hoan

Học trò ai nấy im phăng phắc trông vào Tâm chờ câu trả lời. Tâm nhìn thẳng thày đáp:

— Vâng, nhưng thày con oan. Thày ở xa, thày không biết rõ.

Thày giáo mỉm cười, gật đầu:

— Tôi rõ cả. Nhưng anh Thắng, anh có cố ý nói anh Tâm không?

Thắng ngơ ngác đáp:

— Bẩm thày, con có biết thày anh ấy phải bắt đâu.

Thày quay lại Tâm, động lòng, nói:

— Vậy anh đã biết rằng anh ngờ oan cho bạn chưa? Trong khi nóng nảy, anh đã làm một việc rất vô lý. Anh đã nhận thấy chưa?

Tâm ngẫm nghĩ rồi đáp:

— Bẩm thày, nếu thế thì con chịu lầm.

— Nhưng từ nay hai người không được gây chuyện với nhau nữa nhé. Anh Thắng thấy anh Tâm lầm, có thù oán nữa không?

Thắng hiền lành, đáp:

— Bẩm không ạ.

Thày vui vẻ, nói:

— Vậy từ nay hai anh lại chơi với nhau như cũ nhé. Thế thì bây giờ anh Tâm lau chỗ chảy máu ở đầu anh Thắng đi. Coi không có thái dương có sẹo đấy.

Mọi người cười rầm.

Tâm vui vẻ lấy khăn lau máu cho Thắng, rồi nói:

— Anh tha lỗi cho tôi.

Thắng cười:

— Không hề gì, anh ạ.

Xong chuyện, các học trò cùng tản mỗi người một nơi.

Riêng Tâm vẫn ngậm ngùi, đứng thần ra ở góc trường.

Thấy vậy, thày giáo gọi Tâm, bảo:

— Anh vẫn còn tấm tức à?

Ngoan ngoãn, Tâm đáp:

— Bẩm không.

— Nhưng sao anh không vui vẻ như các bạn.

— Bẩm thày, tại con nghĩ đến thày con.

Thày cười, thương hại:

— Anh em bạn nào ai xấu bụng mà chế giễu anh đâu.

— Bẩm tại con tưởng anh Thắng nói con. Thày con mắc tiếng oan là ăn cướp, nên bây giờ ai tin là thày con đi ăn cướp, thì con uất ức không chịu được.

Gật gù, thày an ủi:

— Anh thật thà như thế rất tốt.

Rồi Tâm kể chuyện từ đầu đến đuôi việc cha bị bắt cho thày giáo nghe. Anh em bạn xúm quanh dần, ai nấy im lặng như để nghe một chuyện cổ tích.

Nói xong, Tâm khóc:

— Bẩm thày, thày làm cho con cái đơn.

Thày giáo ái ngại, nói:

— Được, nhưng để vài hôm nữa xem ra sao hãy hay.

Từ hôm ấy, ngày nào Tâm cũng chờ cha được tha về, nhưng càng mong mỏi, càng thấy buồn bã.

Mẹ Tâm, từ khi cha Tâm vắng nhà, thì suốt ngày long tong, chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, để nghe người này bàn, người khác sui. Nhưng rút cục, chẳng ai giúp cho một điều gì cả. Thành ra mất cả công việc.

Nhiều lúc, mẹ Tâm nóng ruột, thì muốn lên Tỉnh, nhưng ai coi nhà cho, vả để Tâm ở nhà một mình thì lại lo. Cho nên mẹ Tâm đành bó tay mà than dài thở vắn.

Ngày nào cũng như ngày nào, hết sáng đến trưa, hết trưa đến chiều, rồi đến tối mịt, lúc nào trong nhà Tâm cũng vắng vẻ buồn tênh. Cha Tâm như cột cái của nhà. Nay cột cái bị gẫy, thì nhà còn vững sao được.

Thỉnh thoảng mẹ Tâm đi lễ, và kêu ở các đền các phủ, thì cũng hơi yên lòng. Có một lần hỏi thày bói thì thày bảo thế nào cũng không hề gì.

Nhưng sự thực, cha Tâm vẫn bị giam ở đề lao trên Tỉnh, mà lúc nào mẹ Tâm và Tâm nghĩ đến nông nỗi một người tù phải ăn uống khổ sở, làm lụng vất vả, mà tội vạ không biết có thoát không, thì lại cùng nhau sụt sịt.

Có một hôm, thày Lý đến bảo mẹ Tâm:

— Này, mười hai tháng sau, lên mà xem tòa xử.

Mẹ Tâm sửng sốt hỏi:

— Xử thày cháu ấy à, ông?

— Phải. Hai mẹ con rủ nhau lên mà xem nhé!

— Ông nghe thày cháu có việc gì không?

— Tôi chả biết nữa.

Từ đó, hai mẹ con mong ngày mong đêm cho chóng đến hôm phiên tòa. Mẹ Tâm càng chăm kêu cầu, lễ bái.

Rồi đến ngày mười một, hai mẹ con nhờ người giữ hộ nhà để cùng nhau lên Tỉnh. Mẹ hỏi Tâm:

— Thế nào? Đố con biết thày có việc gì không nào?

Tâm trả lời phắt:

— Không.

— Tại sao con biết?

— Tại thày hiền lành, ai mà không biết thày có đi ăn cướp bao giờ đâu!

Mẹ Tâm nhìn Tâm, cảm động, thở dài nắm chặt lấy tay Tâm, nói:

— Phải rồi, con nói phải lắm.

Rồi hai mẹ con hăm hở lên đường, chứa chan hy vọng…

VII. Phiên tòa

Tờ mờ sáng, mẹ Tâm và Tâm đã chực sẵn ở cửa đề lao. Thấy lính bồng súng đi đi lại lại ở cổng và các góc tường, Tâm hơi run sợ bèn rủ mẹ ra đứng ở gốc cây tận đằng xa.

Một chốc, có một vài người lác đác đến đó, mẹ Tâm làm quen hỏi han mọi việc, và kể lể nỗi riêng của mình. Tâm thì nóng lòng sốt ruột, chỉ chờ cho đến khi cánh cổng sơn đen kia hé mở ra, người ta dắt cha Tâm đi, thì Tâm sẽ được gần gũi cha mà hỏi han trò chuyện.

Mặt trời cứ dần dần tung tóe các tia lửa. Ánh nắng chiếu vào chỗ có bóng râm. Tâm vừa mỏi, vừa nực.

Thỉnh thoảng, Tâm hỏi mẹ xem bao giờ người cai giải tù đi, thì mọi người đều nhìn Tâm mà cười thương hại, và bảo:

— Tý nữa.

Tâm bực dọc lạ thường, từ nãy mong mỏi đã bao nhiêu “tý” rồi, mà vẫn còn “tý nữa”, thì không hiểu còn “tý” đến thế nào nữa. Giá Tâm lớn thì quyết đánh liều chạy vào giục các thày quyền cho các thày ấy biết nóng ruột.

Nhưng bỗng hai cánh cửa đề lao mở toang ra. Tâm vui sướng, tưởng tượng như cái cổng nó cười vậy.

Những người đứng ngoài đều chăm chắm, yên lặng để nhìn cho kỹ về mé cửa. Bỗng người lính canh, hất tay nói to:

— Đứng dẹp cả sang bên đường.

Rồi năm sáu người lính nghiêm trang đi trước, kế đến một bọn độ mười lăm người tù. Tâm hồi hộp nắm lấy tay mẹ, không chớp mắt, cố trố lên nhìn. Nhưng Tâm không nhận ra ai là cha Tâm nữa. Người nào cũng giống người nào. Ai nấy đầu thì cạo trọc mà tóc thì dựng ngược lên. Nhất là đôi mắt thì Tâm thấy nó xếch và dài xoạc ra gần thái dương, mà mặt mũi đen đủi một cách dữ tợn.

— Thày đâu, hở u?

Cuống quýt, Tâm hỏi mẹ thì mẹ Tâm cũng đang nhớn nhác tìm tòi. Rồi Tâm thấy rõ những dây xích nó giàng chặt từng đôi tay một. Tâm nao nao trong lòng.

Bỗng mẹ Tâm trỏ, bảo:

— Kia, thày kia, đi ở hàng gần cuối đấy kia kìa.

Nhìn theo ngón tay, Tâm bỗng rật nẩy mình. Thì ra cha Tâm cũng đầu trọc, cũng mắt xếch xoạc, cũng đen đủi dữ tợn, vì cha Tâm là kẻ phải tù. Tâm vừa mới được trông thấy người tù, thế mà Tâm lại không nghĩ ra.

Bọn lính dẫn tù qua mặt, Tâm không thể dừng được, bèn gọi:

— Thày ơi!

Dứt lời Tâm, mẹ Tâm dắt Tâm mon men đến gần, nhưng khốn nạn, hai mẹ con đều bị mỗi người một roi vào lưng đánh đét.

Vừa đau, vừa sợ, vừa thương cha, nhưng Tâm đành đi chùn lại sau, mắt nhìn theo, không chớp. Tâm hỏi mẹ:

— Thày có trông thấy u với con không nhỉ?

Mẹ Tâm đáp:

— Không, vì chắc thày không ngờ là u con ta biết ngày xử án.

Mẹ Tâm và Tâm vừa đi vừa đố nhau chốc nữa quan xử thế nào. Tâm quyết cha được tha. Mẹ Tâm cũng yên trí thế. Đến tòa, mẹ con theo mọi người vào. Tâm thấy cái buồng lạ, ngơ ngác nhìn, nhất là vài ba người lính bồng súng đi bách bộ ở hiên càng làm cho Tâm rối cả gan ruột.

Tâm lẳng lặng theo mẹ đứng ở cạnh tường, vì trên các ghế, người ta ngồi đã chật cả. Tâm nhìn cái quầy cao trên bục và cái bán nguyệt bằng chấn song gỗ, chẳng hiểu là cái gì, nhưng không dám hỏi. Trông bốn bên, Tâm thấy một vài người làng quen và cả cụ Bá nữa.

Một chốc, bỗng tự nhiên cả tòa im lặng. Thì ra các quan đến, ngồi cả ở đằng sau quầy, và rồi Tâm mới hiểu cái chấn song gỗ bán nguyệt là chỗ tù đứng, mà người ta vẫn gọi là vành móng ngựa.

Xử xong một vài việc rượu lậu, quan tòa gọi tên cha Tâm.

Tâm nhận thấy mọi người đổ dồn cả mắt ra mé cửa, và thì thào.

Hai người lính dẫn cha Tâm vào đứng trước vành móng ngựa. Tâm nhìn rõ lắm. Nhưng nhìn rõ bao nhiêu, Tâm lại rầu gan nẫu ruột bấy nhiêu. Cha Tâm đen đủi, hốc hác và có dáng lù đù quá. Ngước lên nhìn mẹ, Tâm thấy mẹ đang lấy vạt áo chùi nước mắt. Tâm lắng tai nghe người ta nói khẽ với nhau:

— Đảng chúng nó tàn ác lắm, ước gì tòa phạt thật nặng vào.

Bực dọc, Tâm cố tìm xem ai vừa nói. Bỗng quan tòa hỏi:

— Người ta tìm được trong túi tên cướp cái thư chính tay mày viết, có phải không?

Cha Tâm đáp:

— Bẩm quan lớn, thư ấy không phải chữ con viết, con chỉ viết để so chữ con với chữ trong thư bắt được trong túi tên cướp mà thôi.

Quan tòa cười gằn:

— Phải, mày bao giờ cũng có quyền nói là mày hiền lành thật thà, dù chính tay mày đã giết người.

— Bẩm quan lớn, thực quả con oan.

Tâm chờ mãi, chưa thấy cha kêu là hôm đó bị sốt và có nằm ngủ với Tâm. Tự nhiên Tâm thấy hăng hái, mà giá không sợ bọn lính, thì Tâm đã quyết nhẩy xổ vào nói đầu đuôi cho quan tòa nghe rồi.

Quan tòa nói:

— Những chứng cớ rành rành ra đó mà mày còn kêu oan, thì thế nào mới là tội. Đây, giấy mày viết cho bọn cướp đây, còn bản của mày viết để so chữ thì đây, hai thứ chữ giống nhau như lột.

Nói xong, ngài giơ cho mọi người xem tờ giấy.

Tâm giương to mắt để nhìn, ngạc nhiên quá. Các quan tòa thì thào.

Quan tòa nói:

— Mày không xưng thêm được người nào làm chứng thì tòa phạt mày rất nặng.

— Bẩm lạy quan lớn xét cho, thực quả con không biết gì mà xưng cả. Con đã khai thực là con ốm.

Khấp khởi mừng, Tâm thấy câu nói ấy vững chãi lắm, chắc thế nào tòa cũng tha cho cha. Tâm đã tưởng tượng bao nỗi vui sướng khi cha con gặp mặt, cả nhà ríu rít kể lể nỗi đau xưa.

Nhưng không để cha Tâm nói hết câu, quan tòa bảo:

— Mày là tên cướp rất gan, vậy tòa phạt mày năm năm tù và mười năm biệt xứ.

Dứt lời, cha Tâm thổn thức khóc. Mẹ Tâm và Tâm choáng người, đều rú lên những tiếng thất kinh. Cả tòa quay lại nhìn. Tâm như mê dại bâng khuâng, không nghe, không trông thấy gì nữa.

Nhưng một người lính lại gần, đuổi mẹ con Tâm ra ngoài.

Mẹ Tâm dắt Tâm ra sân, đứng ở gốc cây bàng. Hai người cùng âm thầm đau đớn, nhưng biết làm thế nào?