Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Anh nghĩ đến anh và em. Em yêu, dạo này em thế nào? Có nhiều người biết chúng mình yêu nhau, chờ nhau không? Có kẻ nào đến tán tỉnh em không và em có thay lòng đổi dạ? Anh làm sao biết được em đang nghĩ gì có còn yêu anh hay là em ân hận trót hứa hẹn với anh? Em của anh, (anh muốn nói ngàn lần như thế) dù thế nào cũng đợi anh về. Đợi anh về em nhé. Không lâu nữa đâu em, ác nghiệt quá rồi, chả lẽ cứ đánh nhau mãi sao, chả lẽ quân đế quốc không biết xót xa tính mạng của con em mình hay sao! Không lâu nữa đâu em, chỉ năm năm hoặc hơn thế một ít là cùng, giờ em mới hai mươi và anh vẫn còn trẻ. Xa anh, em gắng học, phải học tập để xây dựng nước nhà xây dựng quê hương, để được đi du học nước ngoài, em vẫn thường mơ như thế mà. Không còn cách nào khác, cũng như bạn anh, người bạn đã hy sinh, đêm nay anh lặng ngắm sao trời. Một ngôi sao rất sáng, anh nhớ hôm mình chia tay chúng mình cùng ngắm những vì sao, anh ngỡ đó là em. Anh nhớ em rất nhiều. Anh thầm nghĩ ngoài kia, dù ở nơi nào nhớ anh, em ngước sao trời và tin anh cũng đang nhìn về nơi ấy…”

“Chiến trường ngày…

Em muôn vàn yêu nhớ của anh,

Nghe nói mấy chị hôm trước đi cùng bọn anh về tới đơn vị bị chỉ huy kỷ luật. Ông thủ trưởng giận đùng đùng cho rằng các chị về chậm trễ là bởi đi theo trai. Lão ta lật tung ba lô tìm kiếm thư tình. Nghĩ mà thương quá, con gái giữa chiến trường toàn đàn ông, dăm ba cô gái như những bông hoa hiếm. Con gái con trai độ tuổi thanh xuân gặp nhau yêu nhau là chuyện thường tình chứ có sao! Thủ trưởng cay nghiệt quá, hay thủ trưởng muốn yêu mà không dám nên mới cay nghiệt như thế em nhỉ? Anh lại nghĩ đến em, ở nhà, đang độ rực rỡ nhất của đời người, tránh sao được những lời ong bướm, tránh sao được những phút xao lòng. Nếu có vậy anh thông cảm, tha thứ cho em nhưng cũng mong em hiểu cho rằng, người lính trận mạc chịu sao được kẻ tầm thường an phận ngồi nhà hẫng tay trên”

Mẹ không đủ nghị lực đọc hết tập thư dày.

29

Sáng hôm sau, mẹ một mình xuống viện Điều dưỡng thăm ông Hạnh.

Mẹ chuẩn bị rất nhiều quà, đầy hai cái làn. Nào lọ ruốc, nhãn trong vườn, bó hoa sen trong đầm, chiếc bút máy anh tặng hôm chia tay, cả chiếc áo của ông Hạnh ngày xưa, mẹ cũng mang theo. Mẹ muốn mượn đồ vật gợi lại trong anh những kỷ niệm, như thế tâm thần anh có thể sẽ trở lại bình thường.

Nhưng hôm đó ông Hạnh đang lên cơn kích động tâm thần. Ông bị nhốt riêng trong một căn phòng. Bác sĩ không cho mẹ vào thăm. Bác sĩ bảo, chị không nên gặp anh ấy lúc này. Mẹ bảo, tôi đợi ngày này đã ngót hai mươi năm, xin anh đừng bắt tôi đợi thêm một ngày nào nữa.

Bác sĩ mặc áo bờ lu, gương mặt khôi ngô, nghiêm nghị. Trước khi bước vào phòng giám đốc hội ý, bác sĩ dẫn mẹ ra phòng khách ngồi đợi.

Mẹ ngồi đó, hồi hộp, lo lắng, lòng bồn chồn nóng ran như lửa đốt. Cây phượng vô tâm hoa đỏ rực rỡ chói chang trong sắc nắng.

Tiếng loa trong viện Điều dưỡng vang lên: “Đồng chí Hạnh, mang phù hiệu số… đề nghị ra phòng khách gặp người nhà…” Tên ông Hạnh vang lên, tim mẹ như ngừng thở, chỉ một giây thôi, ngàn vạn mạch máu túa về, thổn thức, trái tim trở nên rộn ràng những nhịp mạnh.

Lần đầu tiên trong đời Hạnh có người nhà đến thăm. Trông anh kìa, chẳng có gì biểu hiện kẻ tâm thần. Cái dáng đi nghênh ngang hãnh diện làm sao, ngực ưỡn thẳng, lắc lư cái đầu, như nghé con mới lớn, bước những bước chân gấp gấp theo đồng chí y tá dẫn đường.

Mẹ đứng dậy đi về phía cửa để được đón anh sớm hơn giây giây phút phút. Nhưng kìa, bỗng dưng anh sững lại, trân trân nhìn mẹ. Bỗng dưng anh cau mày vằn vện, mặt ngầu lên có vẻ như tức giận.

Thất thần hoang dại, Hạnh bỏ chạy, kêu la:

– Anh em ơi, cứu tôi! Cứu tôi!

Tiếng ông Hạnh la làm náo loạn cả bệnh viện. Như một phản ứng dây chuyền, những người thương binh khác cũng lần lượt la hét, hô, gào.

Tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện có mặt buổi sáng hôm đó đều chạy ra khỏi phòng làm việc túa đến với các phòng bệnh trấn an tinh thần thương binh bệnh binh.

Một bác sĩ cùng ba bốn người hộ lý ngay tắp lự tóm lấy ông Hạnh, xích tay ông lại, đưa ông vào phòng giam giữ điều trị.

Họ tiêm thuốc an thần cho ông. Ông khóc nghều ngào như một đứa trẻ:

– Đồng chí ơi, cái Thắm nó bóp dái em, đau lắm các anh ạ.

Giữa thanh thiên bạch nhật, mẹ tôi lại được một trận bẽ bàng. Mẹ tôi tủi hổ đến mức không thể khóc được.

Bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh cho ông Hạnh giải thích với mẹ rằng, Hạnh bị bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh tâm thần phân liệt có rất nhiều dạng. Có dạng người bệnh biểu hiện lầm lì, sợ đông người, cứ ru rú trong buồng tối. Có người thờ ơ, lãnh đạm, không chuyện trò với ai. Trường hợp tâm thần của ông Hạnh là dạng bệnh Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Nguyên nhân là do sức ép ở chiến trường từ tiếng nổ quá lớn của bom tấn, bom tạ chẳng hạn. Hằng ngày, Hạnh bình thường như người khỏe mạnh, không có chút gì biểu hiện của bệnh. Nhưng khi bị ức chế, nhớ về quá khứ, nhớ về kỷ niệm, những điều đó kích động đến tâm lý, tác động đến não khiến Hạnh hoảng loạn và hoang tưởng. Ví dụ như, nghe thấy tiếng động lớn, tiếng nổ, Hạnh lập tức một bàn tay làm súng, một tay kia đỡ súng, lom khom, lom khom hệ trọng bước từng bước, nheo mắt ngắm, bắn phằng, phằng, phằng như bắn súng thật. Trong cơn hoang tưởng, ông không còn là con người nữa, mà là một con thú. Khi ấy ông không làm chủ được mình, mắt hoang dại như con vật. Trong tình trạng đó, nếu chúng ta không biết cách làm dịu thì rất có thể không lường trước được điều gì sẽ xảy ra với những người có mặt lúc ấy. Những điều tương tự như vậy là chuyện thường xuyên xảy ra trong bệnh viện này.

Bác sĩ còn nói rằng, ngay từ những ngày đầu chuyển về đây, trong một lần trốn viện, trên đường đi bộ về nhà, ông Hạnh gặp một người làng, họ đi qua và nhận ra ông ấy. Người làng là một phụ nữ. Chị ta kể hết sự tình về mẹ tôi cho ông Hạnh nghe rằng, mẹ tôi chửa hoang, rằng mẹ tôi đang ở với ông Mã. Câu chuyện đó đã ảnh hưởng lớn tới bệnh tâm thần hoang tưởng của ông Hạnh. Người đàn bà này đã phản bội ta. Thế mà cả quãng đời chinh chiến ta chỉ nghĩ về nàng, nhớ nàng, yêu thương nàng. Ta quyết chiến và ta đã gắng sống để trở về với nàng, bù đắp cho nàng những tháng ngày chia xa. Ta những tưởng nàng đau khổ vì nhớ ta, yêu ta. Sự thật, nàng không như ta nghĩ. Nàng hèn hạ sống với người đàn ông khác không mảy may ý nghĩ đợi ta trở về. Hôm nay, nàng là kẻ thù. Nàng đến để giết ta!

Ý nghĩ mông lung trong đầu khiến bộ não ức chế muốn nổ tung. Căn bệnh tái phát. Ông Hạnh lên cơn, la hét, ông ôm đầu chạy thục mạng về phía trong bệnh viện là vì thế.

Bác sĩ khuyên mẹ tốt nhất là không nên gặp ông Hạnh, đừng để ông ấy xúc động, rất không tốt cho bệnh của ông ấy.

30

Nghe lời bác sĩ, mẹ tôi không đến viện Điều dưỡng Thương bệnh binh để được gặp ông Hạnh nữa. Được điều trị được chăm sóc tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần, ông Hạnh đã khoẻ trở lại.

Những ngày thời tiết dễ chịu, ông Hạnh được giao công việc trông coi đàn bò đi gặm cỏ. Ai gặp ông Hạnh lúc này, thật khó biết được ông là thương binh tâm thần. Trẻ chăn trâu xúm quanh ông vui đùa. Ông kể chuyện chiến trường, chuyện tiếu lâm. Tác phong như ngày trẻ. Ông Hạnh hiền khô, cười như trẻ nhỏ.

Ông là người rất dễ gần nên nhiều khi trẻ con trêu đùa dữ, cà chớn, chọc ghẹo ông đến mức làm ông ức chế, nổi khùng. Bọn trẻ vô tình, chúng không hiểu rằng ông đang mang bệnh tâm thần, thần kinh rất yếu, sức chịu đựng có hạn. Những lúc ông Hạnh nổi khùng mắt ông vằn lên dữ tợn như một con thú dữ trong cơn sống mái với kẻ thù. Bọn trẻ sợ quá, bỏ chạy.

Nhất quỷ nhì ma, sau này khi biết quy luật căn bệnh của ông Hạnh, bọn trẻ thường xuyên trêu ông hơn. Chúng trêu ông đến khi ông tức giận gầm lên chúng hả hê sung sướng bỏ chạy.

Những lúc thấy bóng dáng ông Hạnh ở đâu đó, không phải ở trong bệnh viện, mẹ tôi đóng giả thành người khác, chiếc khăn mỏ quạ quấn kín mặt, chiếc nón lá cụp sụp tận cằm, mẹ lấp ló sau bụi cây, cột điện ngắm nhìn ông. Mẹ muốn nói với ông tất cả những gì vì ông mà mẹ đã trải qua, mẹ đã phải chịu đựng. Mẹ yêu thương ông, chăm sóc, bù đắp cho ông những tháng ngày còn lại. Chuyện riêng tư chỉ có mẹ mới hiểu mẹ. Mẹ muốn Hạnh hiểu. Hạnh yêu thương. Nhưng tại sao, ai đã nói trước những gì về mẹ với ông Hạnh? Họ biết gì chuyện của hai người, họ biết gì tâm tư của mẹ? Kẻ đó là ai? Ai độc ác biến mẹ thành kẻ thù, thành hiểm họa của ông?

Mùa nhãn chín, cả làng, nhà ai cũng treo đồ loang xoảng trên cây buộc vào cột nhà để thỉnh thoảng kéo dọa dơi ăn nhãn. Đêm không ngủ, mẹ tức giận, băm bổ ra sân hùng hục kéo dây thừng cho cái cối đá treo trên cây nhãn trong cái vỏ thùng lương khô kêu choang choang. Mẹ kéo liên hồi, kéo hùng hục, mồ hôi ướt như tắm. Đàn dơi sợ hãi bay ràn rạt. Tiếng choang choang, bục bục đuổi dơi ăn nhãn của mẹ làm hàng xóm cũng lục tục dậy làm theo. Người ta sợ dơi bên nhà mẹ chạy sang cây, ăn nhãn nhà họ. Thế là cả một dàn đồng thanh rộn rã khắp làng choang choang, bục bục đuổi dơi ăn nhãn đang mùa chín rộ. Một đêm cả làng không ngủ.

Nằm trong viện Điều dưỡng ông Hạnh cũng không ngủ được. Nghe tiếng bục bục choang choang từ ngoài làng vọng lại, ông Hạnh ngỡ mình đang ở chiến trường, trận chiến bắt đầu, bom nổ ùng oàng. Ông giơ hai tay nắm vào nhau như khẩu súng lục, hô: Bắn! Bắn! Bắn!

Choang choang, bục bục, bắn bắn, những chiến binh trong viện Điều dưỡng bệnh tâm thần cũng đồng thanh la hét “Xung phong, xung phong, anh em ơi, bắn, bắn, bắn!!!!”. Một đêm, cả bệnh viện lẫn xóm làng náo loạn như một trận địa.

Trưa. Mẹ đi chợ bán nhãn về, dưới bóng nhãn mát rượi sân nhà, mẹ thấy ông Hạnh đang chơi bi với con trai. Mẹ đứng lặng ngắm nhìn. Lần đầu tiên trong đời mẹ thấy hình ảnh này. Như thể thấy chồng mình, bố của con trai mình đang làm trẻ con say sưa chơi trò chơi với con trai. Ông Hạnh hồn nhiên nheo mắt, xoáy những viên bi bắn xa quay tít. Thằng bé ngưỡng mộ tít mắt cười thán phục. Hạnh cũng hạnh phúc cười theo.

Nhớ lại lời bác sĩ, nhớ tiếng gào của Hạnh kẻ mắc bệnh tâm thần. Lo lắng cho con, uất hận trào lên cổ mẹ. Ném phựt đôi quang gánh xuống đất, mẹ túm áo ông Hạnh, lôi xềnh xệch vào nhà, ấn ông ngồi xuống ghế.

Ông Hạnh ngơ ngác như đứa trẻ không biết vì sao, tội tình gì mà bị mắng.

Mẹ rót chén nước cho ông. Đẩy chùm nhãn trên bàn về phía ông Hạnh. Mẹ hỏi:

– Cứ thấy em là anh làm sao thế! Em đã làm gì sai? Em đã làm thế bao giờ mà anh bêu em khắp thiên hạ?

– Thắm buồn cười thật, anh có làm gì đâu. Thắm với anh bạn từ thuở nhỏ, anh có làm gì đâu.

– Anh không làm gì? Tôi làm gì anh? Anh dựng chuyện, anh bôi tro trát trấu vào mặt tôi. Còn con tôi nữa, tôi cấm anh động đến con tôi. Anh tránh xa con tôi ra.

Hạnh bối rối. Anh ngồi trên ghế ngọ nguậy gãi đầu gãi tai ngó ngoáy như một con sâu.