Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Rồi một đêm, cũng như bao đêm ông ta mò đến nhà em. Con chó trung thành từ nhà anh sang bên nhà em ở bao năm cũng quen mùi ông ta. Nó mừng quýnh mỗi lần ông ta đến. Và mỗi lần, kẻ rình mò muốn ập bắt quả tang ông ta đang trai trên gái dưới với em, con chó nhà anh thính mũi sủa rền vang dữ dội báo cho ông ta mặc áo quần, và em ngồi dậy, châm đèn, hầu chuyện ông ta thản nhiên bên ấm nước trên bàn trà. Con chó xa anh, ở với em, nay đã thành chó đặc nhiệm trung thành của tên Mã.

Nhưng lần này, không thể ngờ.

Người ta bảo, bác cũng như cha, sểnh cha còn bác, còn chú. Bác Hai của em vốn sẵn lòng căm thù tên Mã. Tên Mã vẫn thường ngày thay anh đến với em. Tên Mã nhiều lần cho ông bác của em lên bờ xuống ruộng khi thì đi cải tạo tư tưởng, khi thì làm phu khuân vác, anh thợ hồ đánh vữa xây nhà vệ sinh công cộng… Với lý do bác em là thành phần phú nông cố hữu không chịu cải tạo. Bác em căm thù hắn. Hắn quan hệ bất chính với cháu gái người ta mà không nể người ta, lại còn hách dịch, hạch sách người ta bắt người ta khổ hơn người khác, làm nhục người ta trước mọi người. Tên Mã vuốt mặt không biết nể mũi. Dù có yêu em, thương em, bảo vệ em, bác em cũng không thể nào chịu nổi tên Mã.

Với bác của em, con vện vàng của anh từ ngày sang nhà em cũng quen hơi bác ấy. Đêm, bác em chui sang nhà em, mục sở thị đôi dép của người trai trên gái dưới ở ngoài hè nhà em. Đèn trong nhà em tắt. Cửa ngoài đường em đã kéo rào dấp ngõ. Ông bác em như kẻ trộm lẻn vào nhà, rình, nhìn qua liếp cửa. Con chó vện của anh không gâu sủa lấy một lời. Ông bác em chờ đội dân phòng đi tuần tra tới gần, mới hô hoán lên:

– Trộm! Trộm! Bà con ơi, nhà con Thắm có trộm! Bắt, bắt, bắt!

Nếu biết ông Mã ở trong nhà em, đội dân phòng cũng không ai dám xông tới. Nhưng đằng này, bác của em giả kêu có trộm. Em chẳng kịp mặc quần áo, bản năng mách bảo em, em trốn nhanh ra chuồng lợn, em nằm nép mình dưới bụng con lợn nái trắng ngần mà chẳng sợ nó cắn em. Mặc ông Mã loay hoay trong bóng tối trên giường. Mã vừa kịp xỏ cái quần lót, đội dân quân tự vệ ập tới. Đèn măng sông, bác ruột em thắp sáng, rõ như ban ngày. Người ta nhận ra ông Mã. Người nọ đùn đẩy người kia. Bác em quát:

– Các anh làm việc vì dân hay vì thằng ác nhân Tần Thủy Hoàng? Các anh có lập biên bản hay để tôi làm tường trình đưa lên huyện?

Bác em ra tay viết biên bản, đề nghị từng người ký tên xuống dưới.

Chó sủa váng trời, dân làng mất ngủ chạy tới xem. Vợ ông Mã cũng chạy đến, bà ấy nín lặng, đưa quần áo cho chồng mặc. Nhưng đến lúc bác em bắt ông Mã phải ký vào biên bản, bà ta bật khóc như phân bua với bàn dân thiên hạ:

– Bao nhiêu năm vào sinh ra tử, dốc dạ dốc lòng vì nước vì dân, giờ thiêu đốt, chết gục bởi một con đàn bà. Khổ quá mình ơi. Nhục quá mình ơi! Thế là mất hết tất cả rồi!

Dậu đổ bìm leo, thế là từ cái đêm hôm đó, cái đêm Mã bị bắt quả tang, người ta thi nhau kiện, thi nhau tố cáo ông ta. Đoàn thanh tra ty nọ ty kia nườm nượp về làng. Kế toán, thủ quỹ, thủ kho đục nước béo cò ăn ruỗng tài sản công nhưng trên văn bản giấy tờ đều có chữ ký duyệt của chủ nhiệm, chủ tịch xã Mã.

Em không bênh ông ta đâu mà sự thật tuy quyền sinh quyền sát trong tay nhưng Mã không hề vụ lợi tơ vương tham nhũng thứ gì. Điểm yếu của ông ta là vô sản, là dâm tặc.

Từ nông dân mà lên, nên ông ta hiểu dân, thương dân, hết lòng vì nông dân.

Từ nông dân mà lên nên trong quản lý ông ta nhiều hạn chế, khiến kẻ dưới quyền có cơ hội lạm dụng đục ruỗng công quỹ. Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ, về pháp lý Mã phải chịu trách nhiệm.

Công và tội, lý và tình, cấp trên kéo dài thời gian để tìm giải pháp hợp lý nhất kỷ luật ông ta.

Còn em, ngay đêm ấy, mẹ chuẩn bị quần áo cho em, đưa em sang làng bên trú ẩn nhà người quen. Mẹ loan tin em đã bỏ đi mất tích. Mẹ mang gạo tắc tế cho em. Em phải sống chui lủi trong buồng kín như địa ngục tăm tối. Em ao ước được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhìn thấy đồng ruộng tươi xanh. Em thèm một đêm được đối diện với bầu trời với Hằng Nga sáng tỏ. Chỉ một lần thôi em được đếm sao. Chỉ một lần thôi lội xuống dòng sông gột rửa, em ngửa mặt lên trời em cầu nguyện, em gọi anh, em sám hối. Hay lang thang đâu đó một mình dưới ánh trăng như con ma mò mẫm trong màn đêm, như linh hồn đã chết khát khao tìm lại thân xác mình.

Thế là em quyết định bỏ trốn nhà người quen.

Em ra đầm Vạc rộng mênh mang bên con đường ngày ngày bà con đi chợ qua. Cái đầm Vạc từng chứng kiến hai đứa mình đêm chia tay. Cái đầm Vạc rậm rày cỏ cây lau lác, lác đác đom đóm non nhấp nháy soi chúng mình đêm ấy, tiếng oạp oạp, lõm tõm của những chú ễnh ương giả tiếng động của người trêu ghẹo làm em ngượng không dám thể hiện tình yêu, không dám để anh hôn…. Cái đầm Vạc mênh mông, cỏ cây hoang dại tốt ngợp trời, đêm, em nhớ anh, Hạnh của em, đầm Vạc nơi chúng mình thường bắt cào cào châu chấu, nơi mình cùng nhau lặn ngụp mò củ ấu, cái củ ấu dại gai nhọn phải lấy gạch ghè dập bẹp mới lấy được cái ruột nõn nà bùi và ngậy. Đầm Vạc đêm ấy mình có nhau. Hạnh ơi, em cần nó như em cần anh. Thế là em băng băng một mình lội xuống đầm. Em lò dò tìm gò đất nhô cao, ngụy trang làm nơi trú ẩn. Ngày, em cuộn tròn trong tổ như con chim ấp trứng nở sinh con. Em lắng tai nghe tiếng người qua lại, người ta bàn tán, người ta kháo nhau, thế là biết tình hình giờ ông ấy ra sao, ở chỗ nào, số phận em sẽ đến đâu. Đêm, em hiển nhiên nằm trên cỏ ngắm sao trời. Em trở nên cứng cỏi, thâm trầm. Hình ảnh anh, kỷ niệm anh sống động bao quanh em. Đầm Vạc trở nên ấp áp yêu thân, gần gụi như mái nhà của anh như anh che chở em, đầu óc em không còn chỗ để nghĩ về ông ta, tên Mã hợm hĩnh, tên Mã dâm tặc, tên Mã ngu dốt, tên Mã huênh hoang. Đầm Vạc thế giới của những kỷ niệm của mộng mơ tuổi thơ. Anh sẽ trở về, thương em, yêu em, tha thứ cho em.

Và một đêm cũng như bao đêm, em mông lung suy nghĩ về anh về thân phận của em về những gì em đang gánh chịu. Có tiếng động xa xa, tiếng xào xào của cỏ bị con vật gì như con lợn, con trâu con chó giẫm đạp lên. Em lắng nghe, em căng mắt, em khom người nhìn qua kẽ cỏ lau. Hay là bọn dân quân bí mật vây bắt em? Hay là thế nhỉ? Em sợ quá mắt nhắm nghiền, hai hàm răng giữ chặt cái lưỡi, cái lưỡi giống như cái đầu tên tội phạm, khi có lệnh khai đao, lưỡi dao sẽ phập xuống, đứt rời ra. Cái lưỡi của em, nếu là lũ dân quân đến bắt em, hai hàm răng sẵn sàng nghiến đứt, kết liễu đời tại đây. Em chết, thể xác em họ muốn làm gì kệ họ, nhưng linh hồn em nhất quyết ở lại nơi này đợi anh. Anh sẽ phải trở về. Anh trở về tim em, linh hồn em ở nơi này.

Trăng như sữa ôi, lòng dạ hẹp hòi không chịu tỏa sáng.

Em nhận thấy không phải bọn dân quân mà là con lợn nhà ai xổng chuồng lội xuống đầm gặm bèo tây, tìm chuột. Em lười nhác nằm im không chuyển chỗ. Nếu con vật giẫm phải em, có chết em cũng thật đáng chết.

Con lợn đến gần em, hình như cái mõm nó chạm vào mạng sườn em. Em mở mắt ra nhìn, ôi không phải con lợn con trâu hay con bò mà là ông Mã. Đúng là ông Mã, ông ấy thấp lùn tè đen nhẻm như da trâu, chẳng nói chẳng rằng thản niên nằm bên em.

– Sao biết tôi ở đây?

– Sao biết chỗ này anh sẽ đến mà đến trước anh?

Chẳng còn cách nào khác, cũng chẳng còn ai khác, hai con người cô đơn, òa vỡ. Chúng em ôm nhau, òa vào nhau, tan trong nhau, khổ trong nhau, khóc cho nhau, thương cho nhau.

Trọn một tháng trời em và ông ấy ở với nhau như thế mà không ai hay biết.

Trọn một tháng màn trời chiếu cỏ, bắp sen, rau sống, con ếch con ngóe đốt nướng, đầm Vạc che chở nuôi sống chúng em. Người chợ qua đường đồn rằng em tự vẫn chết trôi sông rồi.

Em nói điều này có thể anh không tin và cũng chẳng phải mình anh không tin mà cả nhân loại cũng sẽ không tin, rằng, một tháng trời bên nhau, òa vào nhau, tan trong nhau như vợ như chồng nhưng lòng em vẫn một mực yêu anh, nghĩ về anh. Ông ta như chiếc gậy giữa đường cho em chống để em thoát qua quãng đường lầy lội.

Ngày chia tay, cũng ở nơi đầm Vạc này, ông ta nói với em:

– Cấp trên không muốn kỷ luật anh, nhưng còn ngại dư luận, nên quyết định điều anh chuyển vùng một thời gian. Anh lên Tây Bắc phụ trách công tác tổ chức nơi bà con quê mình xây dựng vùng kinh tế mới. Anh lên đó ổn định sẽ quay về đón em.

– Ông đi đi, đừng hy vọng tôi chịu xa cái nơi này!

– Tôi cần em.

– Ông an tâm, ở đâu cũng có đàn bà…

– Giờ mà em vẫn nói đùa được. Tôi cần em, tôi phải có trách nhiệm với em.

– Tôi không cần ông trách nhiệm. Ông lo cho ông trước đi!

Kẻ quân phiệt, ngạo mạn như ông ta, mấy ai chịu nhục, chịu hèn. Ông ta đang lên voi bỗng chốc xuống chó. Cống Tên Lửa, con đê bối sừng sững ngăn nước lũ, trữ nước cho mùa hạn vẫn còn kia di tích, đồng ruộng tốt tươi, nhàn hạ dân làng là sáng kiến của ông ta, là thành quả trí tuệ của ông ta. Ông đi đến đâu người ta cũng kính thưa kính gửi. Vậy mà, trong phút chốc, ông trở thành tội phạm, người ta khinh bỉ ông, người ta báng bổ ông, người ta kỷ luật ông, người ta đua nhau phát đơn kiện ông những chuyện từ xửa từ xưa đời nảo đời nào ông không còn nhớ. Nhục chứ. Quá nhục. Từ chỗ em, đầm Vạc, ông không về nhà mà ra bãi sông Hồng, ông ôm cái thành cống Tên Lửa, đập đầu. Ông khóc.

– Đời còn dài, còn cơ hội làm lại, chết bây giờ, để tiếng muôn đời không rửa sạch được đâu… – Tiếng ai đó làm ông ta thức tỉnh.

Mã lên miền Tây Bắc công tác tại vùng kinh tế mới của bà con tỉnh nhà. Còn em trơ trẽn trở về nhà.

27

Mẹ tôi trơ trẽn trở về nhà.

Mẹ không thể ngờ rằng, những ngày tháng ẩn mình nơi đầm Vạc, một sinh linh bé nhỏ là tôi được cấu thành, lớn dần trong bụng mẹ.

Ngày tôi sinh ra là một ngày mưa bão. Nơi tôi sinh ra là căn buồng tối của mẹ tôi, giống như con chó cún, lúc sắp sinh con, chó mẹ tự lo liệu mọi bề, lo lót ổ và lo dọn ổ. Mẹ chuẩn bị sẵn những chiếc khăn mỏ quạ, con dao, phích nước nóng đầy và một cái chậu, kim khâu, cái gối xinh xinh bên cái gối vỏ đỗ dài hơn.

Nghe thấy tiếng mẹ tôi rú như mơ, bà tôi chạy vào buồng, soi đèn chỗ mẹ tôi nằm.

Thấy mẹ tôi cởi truồng nhầy nhụa, bà tôi nghiến răng:

– Mày chửa với ai

Trong cơn đau đớn, mẹ tôi cáu giận:

– Chửa với cả làng!

– Tổ sư cha cả làng nhà mày!

Bà ngoại đặt tên tôi là Làng. Sau này, mẹ tôi đổi tên tôi là Hoàng với cái nghĩa “mẹ đẻ ra ông Hoàng, ngồi trên cả làng”.

Tôi lớn lên mà không hề biết tôi có bố. Một lần, kỳ nghỉ phép, ông vào nhà, trốn trong buồng tối của mẹ tôi. Tôi còn bé quá, chẳng cảm nhận được đó là bố.