Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Lòng an ủi lòng vậy thôi, chứ, dù chỉ là một cô gái mười sáu tuổi nhưng mẹ cũng đủ hiểu đủ biết chứ. Mẹ biết chân lý thuộc về kẻ mạnh. Tố cáo. Nhân chứng đâu, bằng chứng đâu, ai sẽ tin mẹ khi mà hệ tư tưởng phong kiến hà khắc với phụ nữ vẫn còn đậm trong mỗi người? Chỉ cần mẹ hé lộ, tâm sự với ai đó, việc vỡ lở ra thì chính mẹ sẽ là người bị dân làng tẩy chay, ruồng bỏ trước tiên. Thế hệ trước, các chị như chị Hải, chị Năm, chị Mỵ, các chị là nạn nhân của bọn dâm tà bỉ ổi này. Bọn chúng đã làm các chị phải sống khổ chết cực. Các chị, không ai dám nói lên sự thật. Và xã hội, không ai dám đứng về phía các chị bảo vệ các chị. Chị Mỵ, chị Hải, chị Năm ơi, đến bao giờ phụ nữ mới thực sự được bảo vệ? Đến bao giờ phụ nữ mới thực sự được quyền bình đẳng với đàn ông?

Năm ngón tay mẹ lững thững, hững hờ bò lên ngực, lướt qua núm vú, lừ lừ xuống bụng, lần lần tới chỗ ấy nhầy nhụa, nham nháp, đau. Năm ngón tay dừng lại ở nơi này. Những ngón tay hờ hững nhấc lên áp xuống như người nghệ sĩ buồn sầu mệt mỏi, hờ hững gõ những phím dương cầm rời rạc. Mặt đất, dưới lưng mẹ, những gốc ngô sắc nhọn vẫn đang rỉ máu. Những gốc ngô sắc nhọn đau đớn đâm mẹ đau hơn. Mẹ buông nhả chiếc áo dài màu trắng đang nắm chặt trong tay, nó bồng bềnh nở như vòng hoa trắng bên cái xác là mẹ. Mẹ chong mắt nhìn sâu bầu trời. Đôi mắt như đôi mắt chết chưa có người vuốt lại. Đôi mắt mở to vô hồn nhưng vẫn nhận ra rằng, dù u ám, trời vẫn sáng hơn mặt đất. Trời sáng hơn mặt đất nhưng trời xa vời vợi, làm sao mẹ có thể đến nơi được, làm sao mẹ có thể chạy trốn được khỏi mặt đất này? Mẹ có thể chạy đi đâu? Mẹ có thể đến với nơi nào? Nơi nào sẽ đón mẹ, nơi nào sẽ giang tay bao bọc, che giấu mẹ?

Mẹ úp đôi bàn tay dây bẩn lên mặt. Bầu trời ơi hãy xám lại đi, hãy đen kịt như tro, và trăng, và sao hãy ngủ quên, hãy ẩn trốn hãy chui hết vào mây đen kia đi để mọi vật không còn là mọi vật, để cái thân hình sống sượng chềnh ềnh há hốc mõm, ngáy gừ gừ kia lẫn tan trong cái tối đất tối trời tối lòng đen dạ quỷ. Và mẹ nữa, mẹ không thấy mẹ, ai không thấy ai, khi ấy mẹ sẽ bỏ chạy. Mẹ không vào chùa hay cắt tóc đi tu, mẹ vào mặt trận làm thanh niên xung phong. Mẹ đi tìm Hạnh, ở bên anh, mãi mãi bên anh. Sẽ là, mãi mãi bên anh…

Tên Mã vẫn thản nhiên ngáy đều. Mẹ lê dần thân xác tới mép sông. Sông mênh mông như biển cả và đen ngòm, thỉnh thoảng bên kia sông đất lở xuống dòng nghe như tiếng cá kình quẫy. Gió từ nơi rất xa, cuồn cuộn từng cơn, từng cơn ùa về, hun hút hú ngỡ như tiếng khóc ai oán của những oan hồn. Trong thinh không gió lộng sông dài, thảng thốt đan xen cánh chim đơn chiếc lạc chốn về, cất tiếng kêu buồn thảm. Mẹ thấy sợ, thấy cô đơn, cô đơn hơn con chim kia khóc kêu lạc tổ, yếu mềm hơn chiếc lá trong bão giông. Chợt nhớ về bà, mẹ xoay người về phía đất liền, những cây phi lao đơn chiếc bên bờ ruộng dựng đứng những lá kim quật gió. Thảo mộc hoang vu cúi gục đầu bạt ngàn rì rầm như những con chiên tâm huyết nguyện cầu. Đêm hôm không biết con đi đâu, ở nhà, bà một mình một bóng lo lắng ngóng đợi con… Mẹ rùng mình sợ chết. “Ta phải về, ta phải về thôi”.

Nhưng, mẹ vừa chạy chưa được nửa bước, tiếng đàn ông ồm ồm như tiếng lão Đại Hải[*] bật lên:

– Này. Cứ thế em đi?
(* Một nhân vật trong vở kịch Ni cô Đàm Vân của cố nhà văn Học Phi)
Mẹ giật thột. Sững lại. Đồ quỷ. Mã chìa cho mẹ chiếc áo con, trong màn đêm đen tối cái áo con quấn vòng quanh chiếc áo dài giống như một búi vỏ bào. Vẫn chưa hết bủn nhủn chân tay vì sợ, mẹ giật lấy mớ áo quần, lẩn trong bãi ngô, lần lượt mặc quần, xỏ áo, cài từng khuy.

Bãi ngô xanh lực lưỡng như đoàn quân chờ lệnh, rì rào. Mẹ căng thẳng bước từng bước giữa những luống ngô. Mồ hôi vã ra, mẹ sợ. Mẹ bước nhanh hơn. Mẹ chạy gằn. Khi vừa cảm giác có vẻ như đã an toàn, mẹ ào chạy. Nhưng Mã nhanh hơn. Mẹ chạy soàn soạt quạt vào lá ngô. Như gà mất trứng, Mã bật dậy, vội vã đuổi theo. Bước chân roàn roạt, đạp gục những thân ngô, thanh quản hắn ngân lên tự đắc:

– Em định bỏ tôi ư?

Nhưng mẹ vẫn chạy. Hắn rút ngắn khoảng cách rồi vươn người choàng hai tay vồ mẹ phía sau lưng, thở, đứng vững, siết chặt và thục mạng. Hùng hục và quần quật, quần nát “tiểu đoàn ngô”. Những thân ngô xanh mướt mỡ màng như những chàng lính trẻ măng tơ mơn mởn tuổi dậy thì gục ngã lên nhau tạo thành tấm thảm đệm dưới thân thể mẹ. Mã thô bỉ như con lợn phàm ăn háu đói vục mặt vào chậu cám, tợp, tợp. “Tiểu đội ngô” đau đớn, ứa máu nhựa in dấu lên thân thể nàng. Những chiếc lá măng tơ ram ráp, những cạnh lá sắc như dao cứa vào cổ vào mặt tên khốn nạn.

– Mẹ ơi cứu con! Mẹ ơi! – Mẹ muốn hét lên nhưng miệng lại câm lặng.

Con lợn no nê hổn hển thở.

Mẹ xộc xệch. Bơ phờ. Rũ rượi. Mẹ khều khào bỏ chạy…

– Em là của tôi. Của tôi rồi đấy! – Thứ âm thanh sắc nhọn như mũi dao vút theo nàng, cắm phập tim nàng.

Mẹ chết đứng, rít qua kẽ răng rất nhỏ:

– Thằng đê tiện!

Những hạt máu đỏ tươi gieo trên cát. Những giọt máu nhòe loang lổ như cánh hoa hồng tàn rụng in trên áo quần nhàu nhĩ. Nhàu nhĩ mang hình kim, như gai của những bông hồng.

4

Mã.

Mã chủ tịch xã có cái lý lịch ban đầu như sau:

Mười tám tuổi, là dân quân tự vệ, giữ chức xã đội trưởng. Hai mươi tuổi, tòng quân trong chiến dịch Điện Biên, biên chế trong đơn vị chủ lực. Mã chiến đấu dũng cảm, được tặng thưởng huân chương. Thủ trưởng sư đoàn hứa, giải phóng Điện Biên sẽ đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Mã không đẹp. Lùn, tàn nhang to như những con muỗi, đậu đầy mặt. Không phải mắt lươn, đuôi mắt Mã dài tít tận đến thái dương. Mã nói chậm, giọng nhỏ nhưng rất đanh. Hễ cười là lộ cả hàm răng trắng, đều như hạt na, trông không hề đểu.

Một lần tập trận vượt sông trong đêm, Mã làm mất súng. Sư trưởng muốn dằn mặt cho Mã bớt kiêu ngạo nên đề nghị kỷ luật. Nào ngờ, hồ sơ cho thấy tội Mã nặng lắm, rất có thể tử hình. Sư trưởng phát hoảng, ông đề nghị đơn vị tìm nhân chứng minh oan, kết hợp xét thành tích chiến đấu cùng quá trình rèn luyện của Mã thì cuối cùng Mã thoát chết, cũng không phải ngồi tù. “Đùa với lửa” – sư trưởng hú vía, suýt mất thằng em. Thế là từ đó tình đệ tử thêm gắn bó keo sơn.

Sư trưởng đến tuổi nghỉ hưu, Mã cũng xin xuất ngũ. Mã trở về làng với lý lịch chói lòa cốp con dấu đỏ chót.

Mã quê Hùng Cường, cái bãi nổi chênh vênh giữa sông Hồng năm nào cũng chịu cảnh nước nhấn chìm tất cả những mái nhà, người người phải dạt vào đê mắc võng dựng lều cơm niêu nước lọ. Người Hùng Cường dạn dày sông nước ai cũng đỏ au màu da bánh mật.

Mã lấy vợ. Ở rể thành người làng, được cấp trên tiến cử làm xã đội trưởng, từ đó cứ thế Mã tiến quan, trên nể, dưới tin, ai cũng sợ.

Người làng bảo, Mã đổ đốn mọc tật gái gú là do đám cán bộ Đội. Đám cán bộ Đội vận áo đại cán từ đâu trống rong cờ mở hăm hở đến làng lập cội lập rễ, cứ đêm đến là hô hào kêu gọi già trẻ gái trai tập trung sân đình kêu gọi truy tố những gia đình bà con làng xóm có của ăn của để. Mấy anh Đội mới qua lớp thoát nạn mù chữ, mặt non, máu gái. Nhìn thấy gái làng mình mắt mũi liền đảo điên, đứng ngồi không yên, ngứa chân ngứa tay muốn sờ muốn nắn. Nên sau này, khi Đội rút khỏi làng, dân gian mới có câu “Đội về Đội dựa vào mông. Đội đi đội để trống đồng ai mang”. Không hiếm những cô gái ngậm bồ hòn uống mật cóc tự tử, người nhà giả loan tin các cô bị cảm nhập tâm để bịt miệng thế gian. Ngày tháng ấy, hàng loạt các cô gái bị đột tử, ngỡ như làng có ma, đêm đêm dân làng đốt vía đuổi tà ma, ác quỷ.

Những người đàn bà được Mã chà đạp đầu tiên phải kể đến các chị em trong Ban chấp hành Hội phụ nữ xã. Mười lăm chị, chả chị nào thoát, có chị còn lấy làm hãnh diện. Nên mới có giai thoại, bà con trong làng gọi chị em trong ban chấp hành Hội phụ nữ là “Ban chấp hành Thủ trưởng”.

5

Mỵ là một cô gái nghèo cùng trang lứa với những cô gái nghèo “Đội về Đội dựa vào mông” ấy. Những cô gái thôn quê cuộc sống đơn sơ, ước mơ hạn hẹp, mộc mạc thật thà như củ khoai hạt thóc. Mỵ lớn lên trong bầu không khí trong lành của thiên nhiên, dòng sông, bãi bồi, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay không phải của nhà cô, với những vườn cây, rặng nhãn bên đường, những hiểu biết về cuộc đời, về thế giới xung quanh có được tự bản năng, thu lượm được từ những buổi đi làm thuê làm mướn, từ câu chuyện bét nhè của ông bố say. Những cô gái thôn quê, những ước mơ nho nhỏ, ngày nối ngày mong sao đủ cơm ăn, áo mặc, đến tuổi hẹn hò có người đến ngỏ, lấy chồng, đó là hạnh phúc lớn nhất của một cuộc đời.

Không chỉ riêng Mỵ, mà cả tầng lớp nông dân như cô, những anh Đội về làng là sự kiện trọng đại đáng nhớ trong đời. Lần đầu tiên trong lịch sử, những cô gái con nhà nghèo khó như Mỵ được “lên ngôi”, được quan tâm, được ưu đãi. Cán bộ Đội về làng là cơ hội thay đổi số phận cô.

Cơ hội thay đổi số phận Mỵ?

Đêm đầu tiên bần nông tố khổ, trước đông đủ người làng, già trẻ, gái trai, Mỵ dám đứng lên cất giọng thẽ thọt khiến mọi người phải chăm chú lắng nghe:

– Thưa các anh Đội. Mẹ em đói quá. Bố em đói quá, đi mò cả ngày được một giỏ tép, không kịp mang về nhà, ăn sống hết…

Đội xót xa:

– Khổ quá, trời đất, thế thì khổ thật.

– …

– Khổ như vậy là do ai? Do ai em có biết không!

Mỵ ngừng nhai gấu áo, oà khóc.

Có tiếng người rỉ tai nhau:

– Cả đời đi làm thuê, được đồng nào thằng bố nốc rượu bằng sạch, có ruộng bao giờ.

Thắm – tên mẹ, ít hơn Mỵ vài tuổi thấy khiếp quá, ăn sống nuốt tươi một con tép, hai con tép, ba con tép đã thấy ọe mật xanh mật vàng, huống hồ ăn sống cả một giỏ tép. Hình dung cảnh bố mẹ Mỵ ăn sống một giỏ tép, Thắm lợm giọng, nôn thốc nôn tháo. Mùi mít chín trong dạ dày thơm nức bay khắp sân đình. Mọi người ồ lên nháo nhác. Đội hít hít, hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Báo cáo Đội, con bé nhà tôi thương chị Mỵ quá… – Ông Hai giải thích – Nó khóc nghẹn, bữa tối ăn cái gì nôn hết ra cái nấy. Khổ quá, xin lỗi, tôi xin lỗi các vị!

– Ai cho phép các vị cho trẻ con đến đây? Đây đâu phải chỗ cho trẻ đến. Các vị rất vô tổ chức.

Ông Đội xuống tận nơi, đưa tay kéo má Thắm:

– Xinh xắn thế này mà hư. Trẻ con, biết gì mà theo đến đây?

Thắm sợ, đái cả ra quần, cầm cập run như con chuột ngập nước len lét nép vào ông Hai.

Ông Hai vội vàng dắt Thắm đứng dậy, về.