Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Mẹ đến gần, phía đằng sau, quàng tay ôm cổ ông, gục đầu vào lưng ông Hạnh:

– Anh thấy em chưa đủ khổ hay sao! Anh nghĩ em sung sướng lắm phải không. – Mẹ siết chặt vòng tay về phía trước áp gương mặt nức nở trong vòm ngực anh. Hai con người tưởng như là một, giờ là hai số phận đặc biệt, gần nhau mà xa lạ biết chừng nào. – Ai chia rẽ chúng ta, ai đẩy chúng ta đến bi kịch này! Anh biết em khổ thế nào không. Trời ơi, sao chúng ta phải chịu khổ thế này chứ!

– Đánh nhau khủng khiếp lắm Thắm ạ. Anh tưởng anh chết rồi ấy chứ. Đơn vị anh gần như chết cả, tay một nơi, chân một nơi không đứa nào được chôn đầy đủ. Anh về được là may đấy. Khi ở trại Nho Quan, anh vẫn còn bị méo mồm cơ. Bây giờ thì hết rồi. Một tai anh giờ vẫn không nghe thấy gì đâu Thắm ạ.

Mẹ ôm chặt ông nức nở:

– Mình sẽ ở với nhau, em van anh, anh đừng nói càn nữa nhé, anh hiểu không?

Ông Hạnh đưa tay gạt những sợi tóc vương trên mặt Thắm:

– Thằng Mã nó làm gì em. Nó làm gì em, anh bắn bỏ mẹ nó ngay!

– Bây giờ ông ấy là bố của con em, anh tha cho ông ấy. Mình sẽ về ở với nhau anh nhé. Mình sẽ ở với nhau, anh không còn phải đi đâu hết

– Đừng khóc nữa Thắm ơi, con trông thấy nó cười đấy!

Nói được đôi lời với nhau, dù chẳng đâu vào đâu, mẹ cũng thấy lòng dịu nhẹ.

Các người thấy đấy, mẹ tôi không phải là con đĩ mà cuộc đời đã xô đẩy mẹ tôi. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Mẹ tôi, thân gái yếu mềm, mẹ biết làm gì bảo vệ được tình yêu của mẹ! Người ở chiến trường, kẻ hậu phương. Trời ơi làm sao cưỡng lại được kẻ chủ mưu lạm dụng, chiếm đoạt? Giờ đây ông Mã đã là cha của tôi, ông ta mất tất cả sự nghiệp danh vọng vì quan hệ bất chính với mẹ tôi. Ông ta có trách nhiệm, ông ta yêu mẹ con tôi, ông ta không hối hận, vậy thì mẹ tôi làm sao có thể vô tư ruồng bỏ ông ấy, cha tôi được?

Hình như ông Hạnh chẳng hiểu những gì đang diễn ra từ mẹ. Ông hồn nhiên. Ông lơ đãng. Ông vô tâm.

Ông Hạnh ngồi trên chiếc ghế, mẹ tôi vẫn quàng tay ôm ông. Ông đưa với chùm nhãn trên bàn, ăn.

Ông đứng dậy ra khỏi vòng tay mẹ. Ông ngó nghiêng, Ông khom lưng thận trọng bước từng bước dài như người lính trinh sát trong rừng sâu thận trọng sợ dẫm phải mìn. Ông nhận thấy góc tối là chỗ an toàn, ông sợ hãi đứng nép vào xó nhà cạnh cái kiệu thóc. Trong góc tối căn nhà ngói cổ, lấp loáng mắt người bệnh tâm thần như con thú đang bị săn đuổi ánh lên sự run sợ ẩn trốn kẻ thù:

– Anh có làm gì đâu. Anh không biết. Anh có biết gì đâu.

– Thế mà trong thư anh bảo, anh luôn mong em được bình an. Anh không bao giờ để em phải khổ…

– Thôi đi, Thắm ơi. Bom nó giội dữ lắm, xác người văng lên cây, vùi xuống hố, tung tóe khắp nơi những mảng thịt, chân, tay mỗi nơi một thứ. Anh bị sức ép méo mồm, tai điếc. Em không nhìn thấy bụng anh đây này, em thấy không, vết thương đây này… Nó hành anh khổ lắm.

– Người ta bảo anh chết rồi. Người ta làm lễ truy điệu cho anh. Em làm sao biết được. Hạnh, anh còn thương em không? Anh có còn muốn em được sống nữa không? Em xin anh, anh đừng bêu tên em, anh đừng như thế nữa…

Mẹ kéo tay ông Hạnh, kéo thật mạnh, lôi ông ra khỏi xó kiệu thóc đầy bóng tối, đẩy ông ngồi xuống chiếc giường đôi. Mẹ ngoảnh đi để khóc:

– Em đang sống bằng những kỷ niệm của ngày xưa. Nhờ nó mà em sống, anh đừng đánh mất, anh đừng cướp nó của em.

Thấy nồi cơm nguội đặt trên phản, ông Hạnh nhổm dậy, bước tới, mở nồi cơm, bốc một nắm thật to ăn nhồm nhoàm.

Mẹ đau đớn thốt lên:

– Trời ơi, có khổ thân tôi không!

– Anh có làm gì đâu!

Ông Hạnh đứng lên, trước khi đi, ông vét thêm một nắm cơm nguội nắm nắm trong tay vừa nói vừa ăn:

– Thắm ơi, thôi đi. Anh về đây.

Mẹ ngồi nguyên trên giường, xoay nghiêng, nhổm cổ, nhìn theo ông, người đàn ông lom khom như con gấu, bóng liêu xiêu đổ xuống đường làng đang trưa nắng chang chang, “trời nóng thế này. Đêm nay bệnh tật đau đớn lại hoành hành anh, chết mất.”

Những ngày hè nắng nóng ba chín bốn mươi độ, mẹ không để Hạnh có điều kiện gần gũi tôi. Hình như tình yêu con, khát khao che chở bảo vệ con mình lớn hơn tất cả mọi thứ tình: “Cút đi, đừng động vào con tôi” – Mẹ tôi hét lên như vậy mỗi khi thấy ông Hạnh đến gần tôi. Những lúc như thế trông ông Hạnh đần thộn lại càng đần thộn hơn, đến tội nghiệp.

Ông hẫng hụt, chơ vơ. Những lúc tỉnh táo, đầu óc thanh bạch mãnh liệt yêu cuộc sống, lại là lúc làm cho ông tức giận chính ông. Tại sao lúc này ông lại tỉnh! Tại sao ông lại là ông mà không phải thằng Hạnh hoàn toàn mất trí nhớ! Ông ao ước có một gia đình, có vợ có con. Ông yêu Thắm, ông vẫn còn yêu Thắm. Ông vẫn là ông mà tại sao ông không phải là ông? Cả Thắm nữa, em chẳng còn là em tự khi nào?

Ông Hạnh lững thững đi về phía con đê. Ông đứng đó con đê quai lồng lộng. Gió thổi bạt áo ông. Gió phấn khích rót vào tai ông lời thầm thì của gió của hương thơm giai điệu lúa đang thì con gái trên cánh đồng mướt xanh trải rộng dưới chân đê. Trời chiều như biển cạn xanh khiết một màu. Những đám mây phấp phới, mỏng tang như lụa, lướt lướt lướt trôi, nhẹ như con sóng nhẹ lớp lớp lang.

Trời tối sậm tự lúc nào ông Hạnh chẳng biết. Đàn bò ông chăn bỏ mặc ông, chúng tứ tán, lục tục tìm về chuồng trại. Tiếng một con bò kêu ở phía bụi rậm bờ ao dưới chân đê, phía trong làng. Con bò lạc đàn làm ông thức tỉnh. Ông chạy xuống chân đê, rẽ hàng rào chui vào bờ ao kéo con bò chui ra. Chưa kịp đặt tay vào cái dây thừng xỏ mũi con bò, ông ngã xuống, bất động, cứng đơ. Ông giẫm phải dây điện hở giăng khắp bờ ao dọa kẻ trộm đánh trộm cá ban đêm.

Bữa cơm tối hôm đó doanh trại viện Điều dưỡng điểm danh. Thiếu ông, người ta đổ xô đi tìm. Sáng hôm sau người ta thấy xác ông khô cứng bên mép ao.

Thế là xong một kiếp người! Vụt qua như một ánh sao băng.

Đám ma ông Hạnh do viện Điều dưỡng Thương bệnh binh tâm thần tổ chức. Mẹ không cho phép bố tôi được gặp ông Hạnh lần cuối. Đám ma ông Hạnh, cha cũng không được đi đưa. Không phải là vợ, mẹ tôi không được phép để tang ông Hạnh. Mẹ tôi đội khăn tang, mặc áo xô trong lòng. Tôi và mẹ đứng bên lĩnh cữu ông Hạnh. Chúng tôi đi sau xe tang.

Hằng năm chúng tôi làm mâm cơm cúng giỗ ông Hạnh.

Di ảnh ông Hạnh được rửa từ thẻ chứng minh quân nhân mẹ tôi trang trọng đặt trên bàn thờ, dưới tấm hình của bà tôi. Bố tôi im lặng, không phản đối gì.

Bố ở với chúng tôi những năm cuối cuộc đời.

Vì bố, vì tình yêu tình thương, tình người, mẹ cả và chúng tôi, hai gia đình xích lại gần nhau hơn.

Ông Hạnh mất mẹ tôi già đi rất nhanh, thần sắc mẹ đổi khác nhiều. Bố tôi càng thương mẹ. Bố muốn bù đắp cho mẹ tôi nhưng bố hơn mẹ quá nhiều tuổi. Tuổi già sức yếu, bố tôi không bù đắp được gì cho mẹ.

Ngày bố sắp đi xa, bố không còn biết gì, khi ấy mẹ tôi xin phép mẹ cả được đưa bố về bên nhà mẹ cả để việc ma chay thuận bề gia thất.

Trước giây phút cuối của cuộc đời, bố tôi tỉnh táo lạ thường.

Bố ra hiệu bảo mẹ tôi lại gần, nằm xuống bên cạnh.

Bố chìa cánh tay chỉ còn lớp đồi mồi bọc xương cho mẹ ngả đầu vào. Phều phào nói: “Mình tha lỗi cho tôi”.

Bố trút hơi thở cuối.

Hôm phát tang, con trai cô Tỏi cũng đến nhưng cô Tỏi thì không.

Khi cha còn sống, con trai cô Tỏi căm ghét bố. Vì bố, anh ta phải chịu biết bao điều tiếng, cơ cực. Anh ta quyết không nhận cha.

Nay bố mất, anh ta đến cúi lạy. Anh ra khóc gọi, bố ơi bố bỏ con!

Bố tôi hưởng thọ chín mươi tuổi.

Bố mất. Nghĩa là bố đã hoàn thành vai diễn của mình. Vai diễn trong vở kịch “Gia đình tôi”. Vở diễn “Gia đình tôi” bố tôi là nhân vật trụ cột, mẹ cả mẹ hai là hai nhân vật chính. Cô Tỏi, và nhiều cô khác trong “Ban chấp hành thủ trưởng” là những nhân vật tô điểm. Tôi, chính tôi, dù được sống cùng bố cùng mẹ nhưng tôi cũng chỉ là một nhận vật phụ. Tôi may mắn hơn con cô Tỏi, tôi ghét bố nhưng không đến mức căm thù.

Đám ma bố tôi cả làng háo hức kéo nhau đến. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta đến không chỉ để đưa tiễn bố tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Người ta đến còn là để được tận mắt đếm xem có bao nhiêu đứa con hoang dám đến chịu tang cha. Họ chen nhau tới gần để nghe rõ tiếng than khóc, họ điểm danh kháo nhau còn thiếu con nhà này nhà nọ không đến để tang cha.

Cha tôi có ý nguyện khi chết chôn cạnh mộ ông Hạnh. Hai người đàn ông làm nên cuộc đời mẹ. Sau này mẹ cũng nằm cạnh đó luôn. Mẹ tôi không đồng ý. Mẹ bảo, ở dưới đó chỉ có mẹ và ông Hạnh ở bên nhau chứ nhất định là không có bố.

Đêm, tiếng chó sủa lưa thưa, tiếng người lao xao trong gió vọng vào nhà, mẹ lầm rầm:

– Ông Hạnh à. Ông đừng tưởng chỉ mình ông sốt ruột. Tôi sốt ruột hơn ông cơ đấy. Cứ ở đấy đợi tôi, tôi với ông sắp được đoàn tụ rồi. Hay là ông muốn nói chuyện với tôi? Vào trong này, chứ tối lắm tôi làm sao mà ra ngoài đó với ông được.

Mẹ tôi gần đất xa trời, lúc nào cũng lo lắng sợ tôi quên ngày giỗ ông Hạnh:

– Con nhớ, hứa với mẹ là không được bỏ giỗ. Ông Mã còn có nhiều con, chứ ông Hạnh, mẹ trông cậy ở con. Chỉ có mình con.

Những ngày cuối cùng của cuộc đời, mẹ tôi luôn miệng trò chuyện với ông Hạnh. Toàn những chuyện ngày trẻ, tôi không thể nào hiểu nổi. Mọi người đến thăm, thấy vậy, bảo:

– Người âm về gọi cụ rồi. Cậu chuẩn bị tinh thần, cụ sắp đi đấy…

Tôi không thể nào hiểu nổi, mẹ gặp được người âm, mẹ gặp ông Hiểu, mẹ gặp ông Hạnh, tại sao mẹ không gặp bố tôi? Hay là ông bố tôi bị giam trong địa ngục bởi những tội lỗi của ông trên trần gian? Hay là, hay là…?

Mẹ bảo tôi mang võng bạt Trường Sơn của ông Hạnh mắc vào cái cột ngoài hiên cho mẹ nằm cho thoáng.

Tôi rải chiếc chiếu xuống thềm nằm bên cạnh mẹ. Mẹ nói chuyện với ông Hạnh suốt đêm. Mẹ ơi, mẹ lẫn quá rồi.

Đêm khuya quá. Không gian như ngừng trôi. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi nén lặng đến gần mẹ, khẽ gọi: “Mẹ ơi, con đưa mẹ vào nhà mẹ nhé, ở ngoài này nhiều muỗi lắm”. Không thấy mẹ trả lời. Ghé sát vào tai mẹ, tôi lại gọi: “Mẹ ơi, mẹ vào nhà nằm mẹ nhé”. Mẹ vẫn thản nhiên im lặng. Mắt mẹ mở to không chớp, nước mắt mẹ tràn ấm thái dương. “Mẹ, mẹ làm sao thế mẹ ơi!”. Tôi lay gọi. Tôi ôm chặt mẹ. Tôi ghé sát tai vào ngực mẹ. Tôi hốt hoảng “Mẹ ơi mẹ đừng đi! Mẹ ơi mẹ đừng chết!”

Một lần nữa tôi áp tai lên ngực mẹ, tôi nín thở lắng nghe hơi thở nhẹ. Tim mẹ đã ngừng đập.

Tôi đau đớn vục mặt vào lòng mẹ. Tôi ngửa mặt lên trời gọi ông Hạnh. “Ông Hạnh ơi, mẹ tôi bỏ tôi về với ông rồi!”. Tôi gọi Quận em gái tôi, sau cùng tôi mới gọi bố.

Đáp lại lời tôi là những vì sao chi chít sát bên nhau. Mẹ từng bảo với tôi rằng, mỗi vì sao mang một vị thần, mỗi vì thần ứng với một số phận. Tôi quỳ gối giữa sân, hai tay ôm chặt lồng ngực tôi nức nở: “Mẹ ơi, vì sao nào là ông Hạnh, vì sao nào là bố? Vì sao nào yếu ớt Quận em con? Mẹ sẽ đứng chỗ nào, mẹ ơi, mẹ đứng ở chỗ nào, mẹ đợi con, mẹ nhé, con sẽ đứng bên mẹ, mãi mãi bên mẹ, mẹ ơi!”

Khóc hả nỗi đau. Tôi vuốt mắt cho mẹ. Đôi mắt hiền từ nhắm lại. Tôi ôm chặt mẹ, áp má vào ngực mẹ, nằm bên mẹ, khi nào trời sáng bạch tôi mới thông báo với họ hàng.

Tôi vục đầu vào lòng mẹ. Mẹ bình yên trôi trong đêm, trôi trong đêm, trôi trong giấc ngủ êm đềm. Tôi nín lặng khô dòng nước mắt. Trong thinh không nghe du dương tiếng mẹ thầm thì, ngày xưa, ngày xưa, mẹ trẻ đẹp nhất làng…

Ngày xưa, ngày xưa mẹ có một mối tình… Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa ấy…

Mẹ của con, con của mẹ…

Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa ấy,…

– Mẹ ơi!

Hà Nội, mùa thu 2012.
Quảng Ninh, tháng Tư 2013.