Sau cành Viôlét – Ngô Tất Thắng

Uyliam tự hỏi về thái độ của Hoài Phương, nhưng cũng không cần phải khó khăn gì, gã cũng đã hiểu được nỗi u uẩn trong lòng nữ điệp viên xuất sắc ấy. Đó là việc lưới tình báo đánh ra phía ngoài vĩ tuyến 17 liên tiếp bị sa bẫy công an Bắc Việt, trong khi mật lệnh của trung ương Cục tình báo liên tiếp đòi hỏi có những nhận định chính xác thái độ của Hà nội. Ấy là ngày trước khi lầu Năm góc quyết định leo thang đánh thẳng vào Thủ đô của cái đất nước bướng bỉnh này. Vả lại, các nguồn tình báo từ Viên Chăn, Nông Pênh, Bắc Kinh, Hồng kông đưa về toàn những tin mâu thuẫn nhau, có khi trái ngược nhau hoàn toàn. Ngay cả Uyliam, vốn bình tĩnh và sắc sảo là thế (gã vẫn tự cho đó là ưu thế tuyệt đối của mình) mà sau một ngày thảo luận căng thẳng với Hoài Phương về các nguồn tin này gã đã ra lệnh tống tất cả những tin đó vào sọt rác và dọa sẽ ra lệnh tống cổ tất cả bọn ăn hại. Từ Ha-oai về Việt Nam, gã mang theo cả lệnh của ngài Cônbi về việc rút Hồng Giang (thế mới biết không chỉ ở đây mới lúng túng mà ngay cả Cục cũng chưa biết nhận định như thế nào cho chính xác- Uyliam nhẹ cả người). Cho nên, khi Hoài Phương xin chuyển về làm một việc gì đó cho gần chiến trường hơn “chứ không thể hiểu nổi bọn xịa lô-can kia nữa rồi” thì Uyliam rất mừng. Không cần phải đắn đo quá lâu, gã nhận thấy người thay thế Hồng Giang đáng tin cậy nhất là Hoài Phương. Không thể tìm ai bảo đảm hơn vào chức vụ trợ lý đặc biệt của viên tướng áp-phe giỏi hơn cầm quân Sơn Hồng.

Vả lại, trong đội ngũ sĩ quan trung, cao cấp hiện nay, có rất nhiều người được đào tạo tại các học viện quân sự của Pháp. Hoài Phương đã từng ở Hà nội cũng như đã từng ở Pari, vậy thì biết đâu khả năng tuyệt đối ưu thế của cô ta lại chẳng giúp lợi trong ký ức về bọn cộng sản hoặc bọn gà trống Gô-loa vài khuôn mặt đang ăn lương sĩ quan Mỹ nhưng lấy tin cho đối phương. Nhất cử lưỡng tiện. Quyết định rồi, Uyliam đánh điện về Oa-Sinh-Tơn cũng như cho Hâygơ, một để xin ý kiến và một để thông báo. Bức điện từ bên kia Thái bình dương trả lời còn làm gã hào hứng hơn bởi một lẽ chính ngài Uyliêm Cônbi khen ngợi gã về hành động thông minh này. Gã biết một khi ông chủ đã để mắt đến, thì con đường danh vọng mở ra hoàn toàn sáng sủa.

Vụ Rồng lửa, thất bại, hậu quả tất nhiên trút lên đầu Hâygơ, song còn kế hoạch Zanxon Xiti dưới biệt danh Viôlét mà có làm sao thì chính gã sẽ phải chịu. Vì vậy gã quyết định tung nhanh Hoài Phương vào cuộc. Phải cho thiên nga vỗ cánh ngay, ý chí đó ám ảnh gã suốt thời gian về Sài gòn…

Khác với Uyliam, Thành muốn tìm hiểu Hoài Phương vì những lẽ khác. Ngay hôm mới xách cặp từ Sài gòn lên đón Uyliam, Thành đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp kỳ lạ của bà chủ tòa biệt thự này. Tối hôm đó, kiếm cớ bàn với bà chủ về việc bảo vệ Uyliam, viên đại úy háo sắc này đã ỡm ờ rồi giở khoa tán gái có tiếng ra. Từng được các đồng ngũ trong cục an ninh mệnh danh là người hùng của các hộp đêm Sài gòn, gã chắc mẩm cô ả mỹ miều kia sớm muộn cũng sẽ tự ngả vào vòng tay của gã. Không ngờ mới nói được mấy câu, viên đại úy tự phụ này đã bị đuổi thẳng. Thẹn quá hóa liều gã định dùng vũ lực. Nhưng biết đâu đôi bàn tay búp măng kia lại nặng hơn đấm sắt. Gã chưa kịp kêu lên thì đã thấy mình bị ngã lăn dưới đất. Chưa hết ngạc nhiên, gã bỗng rúm người lại, chống tay ba lần mới lảo đảo đứng dậy được. Hoài Phương, gò má đỏ lựng, nét mặt hầm hầm rút súng chỉ về phía cửa…

Tuy vậy, nếu cho rằng Thành để ý tìm hiểu nữ đại úy chỉ vì thất bại trong cuộc tình thì quá đơn giản. Trong cái đêm nằm đếm sao trên bầu trời cao nguyên ấy, gã giật mình nhận ra rằng khuôn mặt trái xoan hồng mịn ấy quen quen. Hình như đã gặp đâu rồi thì phải. Hút hết bao Cápstan mà gã vẫn chưa nghĩ ra. Không phải vì trí nhớ quá tồi. Nếu như tối hôm nọ, gã được Uyliam cho mượn bản hồ sơ lý lịch của Hoài Phương thì hẳn gã cũng được thấy nhiều điều hay. Tuy nhiên, suy nghĩ của Thành không đi đâu xa ngoài mấy khuôn mặt gã đã gặp ở các hộp đêm (mà ngay những khuôn mặt ấy bây giờ cũng lẫn lộn hết). Cho đến lúc mệt quá thiếp đi, đầu gục vào cánh tay trái để trên bàn gắn máy điện thoại, tay phải đặt vào bao súng, Thành vẫn thấy vưởng vất đâu đây hình ảnh người con gái ấy.

***

Chiều hôm Uyliam về Sài gòn, bên cạnh làn sóng điện của đài “Gươm thiêng ái quốc”, bộ phận kiểm tra vô tuyến và ngay cả những người chơi vô tuyến nghiệp dư đều nhận thấy một tín hiệu lạ, phát đi trong thời gian rất ngắn. Ngay lập tức, cục an ninh, cục tình báo quân đội, phòng tình báo – thông tin sôi sục. Cả bộ tư lệnh cảnh sát, phủ đặc ủy trung ương tình báo…cũng náo động hẳn lên. Các chuyên viên mật mã được tập trung, vắt óc tìm lời giải của bài toán đố trên không trung này. Qua một đêm, cả mấy cơ quan đặc biệt đều tìm ra một kết luận giống nhau: làn sóng bí ẩn kia được phát ra từ một nơi cách Sài gòn từ 150 kilômét đến 300 kilômét, bằng sóng cực ngắn. Nội dung như sau “Bệnh nhân đã về. Cho bác sĩ đón ngay tìm siêu vi trùng. Thuốc chợ đen đang mắc[6] lắm, Mua ngay kẻo lỡ”. ([6] Mắc: đắt – Tiếng miền Nam.)

Mạng lưới đài hiện đại được lệnh báo động canh trên tất cả các sóng liên tục hai mươi tư trên hai mươi tư giờ một ngày đề tìm lại tín hiệu lạ kia…Cũng trong ngày hôm xuất hiện làn sóng điện lạ kia, Hoài Phương và Thành được lệnh về Sài gòn gấp, chỉ sau Uyliam hai chuyến bay…

***

Sau khi trình diện Uyliam và Hâygơ, Hoài Phương tự tay lái chiếc Pơgiô trắng đi dạo. Giữa đường phố ồn ào, đông nghịt ôtô xe máy các loại, chiếc Pơgiô lao vun vút, mấy lần xuýt quệt phải những chiếc xe đi ngược chiều. Hai lần chiếc Hác-lây của quân cảnh rượt theo chặn đầu, đòi xét giấy. Nhưng khi bắt gặp nụ cười ngạo mạn đưa ra gần như đồng thời với tấm các của phân cục CIA, cả bọn đều lè lưỡi, lẳng lặng chuồn. Lượn vài vòng, Hoài Phương dừng lại gần vũ trường Đêm mầu hồng. Chiếc xe chưa kịp tắt máy, từ trong một hẻm gần đó đã thấy ló ra hai cái mặt nghiêng ngó. Hoài Phương vẫy chúng lại gần, dặn coi xe sau khi đã rút nửa chừng tấm các đen và quăng cho tiền mua thuốc lá.

Càng đến gần vũ trường, khách qua đường càng nhận thấy quả thật Đêm màu hồng. Không hẳn là những ống đèn tuýp nhiều mầu nhấp nháy liên tục, tạo ra một quãng sáng hư ảo. Có lẽ vì sau lớp cửa quay, có biết bao nhiêu cô gái “đợt sống mới” môi má đỏ choét, mắt tô xanh lét, mặc váy ngắn hoặc quần ống loe nhẩy nhót. Bước vào trong, một mùi thơm thoang thoảng, hơi ngây ngất xộc vào mũi Hoài Phương. Một anh bồi thắt nơ đen ở cổ chạy lại, miệng cung kính hỏi nhưng mắt lại lúng liếng đưa tình:

– Thưa…(anh ta lúng túng không biết nên gọi cô hay bà)…thưa cô dùng gì ạ?

Anh ta chìa tấm giấy kê các món ăn.

– Một chai Napôlêông!- Hoài Phương bật ngón tay đánh tách, tay kia rút trong túi bao thuốc cong ngón tay út lấy một điếu. Từ cách rút thuốc cho đến cách châm lửa đều rất kiểu cách.

Không rõ vô tình hay hữu ý, người ta thấy một lát sau đại úy Thành cũng có mặt tại đây, ngồi cách đó mấy bàn. Gã gọi một chai Napôlêông và vừa tợp từng ngụm lớn, vừa nhìm chằm chằm vào cái ức trắng ngần lộ ra dưới làn áo “hy vọng”, mốt mới Pari, của Hoài Phương. Hoài Phương nhìn lại, mặt đối mặt. Đại úy Thành đọc thấy trong cái nhìn ấy cả sự khinh bỉ lẫn ý thách thức. Nhớ lại đêm Đà Lạt, không hiểu máu hay rượu trào lên cổ, lên mắt làm gã cảm thấy nóng bừng. Gã cầm cả chai rượu có hình viên tướng đội mũ ba cạnh ngồi trên lưng ngựa trắng tu ừng ực, nhân đó lảng tránh ánh mắt của Hoài Phương cứ đưa mãi vào mặt.

Ngồi một mình ở bàn bên này, Hoài Phương không buông tha gã. Cô vẫn dán chặt đôi mắt vào cái trán thấp một mẩu, vào đôi môi thâm xì cứ trề xuống. Không những thế, cô ta lại còn vừa nhìn vừa cười chúm chím khiến Thành càng lúng túng. Hàng nghìn lần trong đời gã dùng câu cửa miệng: “Anh là tù binh, là nô lệ của em” một cách trơn tru, nhưng phải đến tối nay, gã mới thực sự hiểu thế nào là tù binh, là nô lệ cho một người con gái. Cái nhìn ấy như trăm nghìn sợi dây vô hình trói chặt lấy người gã. Cúi xuống liếc đồng hồ, nét mặt Thành thoáng bối rối đảo mắt về phía cửa ngay, rồi quát anh bồi:

– Thêm một chai! Đưa đồ nhậu nghe.

Hoài Phương tính toán: như vậy là gã đang chờ đợi ai đó. Cuộc gặp gỡ kia đã được tính toán trước, nhưng không tính tới một người thứ ba. Đó là mình. Thành chưa nhận ra khuôn mặt quen quen của nữ đại úy thiên nga kia là ai. Nhưng Hoài Phương thì không còn nghi ngờ gì nữa về lai lịch gã đại úy háo sắc…

Năm ấy, Hoài Phương còn đang là một nữ sinh hoạt động trong “đội biệt động thành Hoàng Diệu”. Trong một buổi tối bàn kế hoạch dưới những bóng cây lòa xòa trên đường Cổ Ngư, Hoài Phương để ý ngay đến một thanh niên ăn nói ngọt ngào, đôi mắt không nhìn thẳng vào một ai bao giờ luôn đảo đi đảo lại dưới vầng trán thấp. Lúc ấy, mọi đội viên còn đang bàn tán về một tin: trong đơn vị có kẻ phản bội. Buổi họp chỉ quyết định một điều: Trừ một vài người rút vào hoạt động bí mật (sẽ do cấp trên chỉ định sau), còn tất cả phải chuyển ra hoạt động trong vùng tự do. Ngay sáng hôm sau, Hoài Phương có mặt tại Sở mật thám Pháp. Mẻ lưới dăng ra nhưng không cất được một chiến sĩ nào. Dù sao thì Hoài Phương, tức Hélène Phương, cũng được khen ngợi vì sau đấy không thấy các vụ tung tạc đạn, treo cổ, ám sát của “đội biệt động thành Hoàng Diệu” nữa. Một tháng sau, một nữ đặc vụ có khuôn mặt hao hao giống Hoài Phương bị đâm chết ngay cửa ô Quan Chưởng với mẩu giấy ghim trước ngực “Vì tội phản bội Tổ quốc, đội biệt động thành Hoàng Diệu tuyên án xử tử con chó săn Hoài Phương, tức Hélène Phương, trung sĩ phòng nhì Pháp – Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Sau vụ này, Hoài Phương được gửi đi Pari. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất gặp Thành…