Sau cành Viôlét – Ngô Tất Thắng

CHƯƠNG CHÍN: SAU CÀNH VIÔLÉT

CẢM giác cuối cùng mà Hồng Giang còn nhận biết được là lượng nổ đặc biệt đã phá bung ngôi nhà của Sơn Hồng, hất anh ngã gần như đè lên xác Thành. Trong một cố gắng nhoài người lên khoảng năm phân, năm phân thôi để tìm chỗ trống cho hai lỗ mũi, anh lịm dần. Chân tay, thân hình cứ bị đè nặng lên, nặng lên mãi…

Khoảng thời gian còn lại trôi thật chậm, thật dài, dài bằng cả cuộc đời anh từ khi còn là cậu bé Rớt đến khi được nghe anh Chín đọc quyết định phong quân hàm thiếu tá tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu như một người nào đấy trong hoàn cảnh của Hồng Giang mà còn sống được, hẳn người đó sẽ hiểu, và chỉ có người đó mới hiểu những gì anh đang phải trải qua.

Hồng Giang tỉnh lại đúng lúc người chuyên gia phẫu thuật từ Paris đến nhún vai nói với Uyliam: “C’est fini. Il finira misérablement!”[7] Giữa những giấc mơ cuồng nhiệt và đẹp đẽ về những năm tháng đã qua, anh nghe thấy loáng thoáng câu nói ấy trong lẫn lộn những tiếng rao báo, đánh giầy, giọng nói của Uyliam và nụ cười của Hoài Phương. Anh muốn chồm lên, cãi lại người nào vừa nói. Không! Làm sao mà chết được. Anh còn nhiều món nợ phải trả. Nhiệm vụ đang chờ đợi anh. Anh vẫn nghĩ rằng, không thể chết, nếu như người ta tha thiết yêu cuộc sống, nếu như người ta còn có tuổi trẻ. Nhưng anh không thể nào nhấc đầu lên được. Ngay cả đôi mắt cũng không nhìn thấy gì ngoài một bầu sương mờ trắng dầy đặc bao phủ. Cổ họng khô cháy và tiếng nói đầu tiên anh gọi về từ cõi chết là tiếng “nước,… nư… ơ… ớc…” kéo dài. Ngay lập tức, anh thấy một vị mát lạnh, ngọt ngào thấm nhẹ trên đầu lưỡi. Vị đó vào đến đâu, anh biết đến đấy. Nhưng cả người anh như một quả cầu lửa so với những giọt nước hiếm hoi dùng để dập tắt nó. Anh cứ dướn mãi dướn mãi cái cổ họng bị vắt kiệt, chờ đợi hương vị ngọt ngào kia (bây giờ thì anh đoán đó là nước sinh tố). Nhưng tất cả đã tan biến đi không để lại một dấu vết. ([7] Thế là hết. Ông ta sẽ chết một cách thảm hại.)

Hồng Giang mở mắt ngỡ ngàng. Anh đang nằm trong một căn phòng trắng. Trần nhà trắng. Tường trắng. Màn trắng. Và đôi ba người mặc áo trắng đứng xung quanh giường, vẻ chờ đợi, lo lắng. Khuôn mặt đang cúi sát xuống kia cũng nhòe nhoẹt trắng. Mình nằm đâu đấy nhỉ? Hồng Giang vốn ghét màu trắng. Màu của những năm Ất Dậu hai triệu người chết đói, quan tài duy nhất là một nắm vôi bột phủ lên xác. Màu trắng, màu của bệnh viện và nhà điều dưỡng. Anh không thể nào quên được những con người làm việc trong những màu trắng ấy. Gần bác sĩ chẳng có gì thú vị cả…

– Trung tá! trung tá! tỉnh dậy đi. Máy bay đã chờ sẵn từ ba ngày nay rồi. – Tiếng thanh thanh của một người con gái đượm vẻ lo lắng, thúc giục. 

Hồng Giang từ từ mở mắt. Hoài Phương đang cúi sát mặt anh, gọi khe khẽ. Mấy sợi tóc mai mềm mại của cô lòa xòa qua trán, vương nhẹ trên má, trên trán anh. Hồng Giang cảm thấy rùng mình. Một cảm giác gì đó rất lạ, rất mới vội đến khiến anh bâng khuâng. Anh từ từ nhắm mắt lại cố giữ cho cảm giác đột ngột ngọt ngào ấy thấm mãi, lan mãi trong cơ thể. Anh nhận ra đang nằm trong bệnh viện. Ngay giữa Sài gòn, trong lúc bị thương phải tạm ngừng mọi hoạt động, sung sướng biết bao, thoải mái biết bao khi được một bàn tay mềm mại chăm sóc. Đó lại là một người con gái, một đồng chí, một… một gì nhỉ? Anh chưa biết cảm giác đó là gì. Chỉ cảm thấy nó đẹp lắm, cao quý lắm, không thể diễn tả bằng lời…

– Thế nào, trung tá? Mọi việc đều tốt đẹp cả chứ?

Không mở mắt ra, anh biết người vừa hỏi đó là Uyliam. Vẫn cái giọng nói nhè nhẹ, nhưng hôm nay đã bớt đi chất thép lành lạnh mọi ngày. Có lẽ vì anh ốm nên gã thấy cần phải dịu dàng hơn chăng? Tuy rất bực bội bởi vì giọng nói của Uyliam đã xóa mất cảm giác dịu ngọt mà những sợi tóc mơn man trên má đã đem lại, Hồng Giang cũng cố mở mắt, gượng cười đáp:

– Vâng, thưa ngài. Không ngờ tôi lại phải nằm đây. Bây giờ là mấy giờ rồi? Đã đến tám giờ chưa? Đã đến giờ ra sân bay chưa?

– Ô, tôi biết. Trung tá luôn luôn là người thích bông đùa. Bây giờ mới là tám giờ của ngày thứ ba kể từ khi máy bay đặc biệt của phân cục đợi trung tá thôi mà.

– Trời! Tôi nằm đây đã ba ngày rồi sao? Còn công việc? Thằng Thành đâu rồi? Đã bắt được nó chưa? 

Uyliam cười lớn, quên cả nội quy quân y dã chiến của sư đoàn bộ binh Mỹ “Tia chớp nhiệt đới”. Nếu trên đời này có một kẻ nào luôn luôn muốn hành động thì kẻ đó là viên trung tá tình báo đang nằm liệt giường sau những chiến tích phi thường này. Càng ngày, gã càng phát hiện ra ở Hồng Giang nhiều đức tính bẩm sinh hoàn toàn phù hợp với nghề nghiệp. Dường như anh ta sinh ra để làm tình báo thì phải.

– Trung tá cứ yên tâm. Thằng chó đẻ kia đã về với quỷ Sa tăng rồi còn đâu. À, mà trung tá đã biết chuyện gì chưa? Uyliam nhếch mép cười mỉa – có một người nữa đang nằm cạnh phòng trung tá. Đó là ngài Hâygơ thân yêu của chúng ta. Vì vậy, trong chuyến bay về Ha-oai này, hai người tha hồ trao đổi công việc nhé. 

– Vậy ai sẽ thay? Thôi, đúng rồi. Xin chúc mừng trung tá tình báo Uyliam, chủ công ty tư bản thép Rôbớc Uyliam và con trai. Tôi nói thế ngài không phật ý chứ?

Hồng Giang đã đánh trúng điểm yếu của Uyliam. Khi còn là phái viên đặc biệt của CIA nằm bên cạnh tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Thái bình dương của Hoa kì, hắn rất kỵ những ai gọi cấp bậc của hắn. Nhưng mơ ước đã đạt. Thằng Hâygơ đa nghi kia đã phải nhường ghế sau khi bị cộng sản (hay là bọn “Chiến dịch Oa-téc-lô”) bắn gẫy cánh tay phải. Thế là bây giờ, một mình Uyliam độc quyền trên cái xứ sở tươi đẹp và giàu có như trong thần thoại này. Vậy thì việc gì phải giấu. Hơn nữa, nhóm tình báo từng làm cho Hâygơ mất ăn mất ngủ đã bị lôi ra ánh sáng. Chỉ tiếc viên trung tá đẹp trai kia lại về Mỹ mất. Để tránh khỏi phải trả lời câu hỏi rất thông minh và trúng ý của Hồng Giang, Uyliam làm như vừa sực nhớ ra:

– Xin báo trung tá một tin mừng. Có chai nào đưa ra đây, tôi sẽ nói cho biết. – Gã cười, làm ra vẻ tinh nghịch – trung tướng Nguyễn văn Thiệu đã ký quyết định thăng quân hàm đại tá cho anh, người hùng của tôi ạ.

Uyliam lục lọi khắp các túi. Không thấy đâu cả, gã cao giọng:

– Sác-li đâu? trung tá Sác-li? Thế đấy, đã lệnh phải đợi ngoài cửa, lại chuồn đi đằng nào mất rồi. – Gã phàn nàn như một người cha quát mắng người con trai hư với khách, mặc dù hiện giờ hai người đồng cấp, và chỉ mới hôm qua thôi, gã còn phải giữ ý trong khi quan hệ. – Đại tá tỉnh hẳn rồi chứ? Thế thì để tôi gọi điện thoại cho phi trường sẵn sàng. Thôi, cô Giên Rixta ở lại đây với đại tá, tôi phải đi một chút.

***

Chỉ còn mười lăm phút nữa, chiếc xe chở Hồng Giang và Hâygơ sẽ xuất phát, Hoài Phương ngồi im lặng bên giường của Hồng Giang. Biết nói gì bây giờ. Có năm ngày gần đồng chí của mình, thì mất ba ngày im lặng, còn lại là hằn thù, rình rập. Vừa kịp nhận ra nhau, anh ấy đã phải đi nhận nhiệm vụ mới. Anh Cả đã đặt rất nhiều hy vọng vào chuyến đi này, mặc dầu chính Hoài Phương cũng không biết Hồng Giang sẽ đi đâu và làm gì. Cuộc đời của một chiến sĩ tình báo là như vậy đấy. Cô ngồi im lặng bên anh. Trước lúc chia tay, có lời nào nói hết được tâm trạng của mình. Đột ngột, Hồng Giang bóp nhẹ tay cô. Cô để yên bàn tay mình trong bàn tay to lớn ấm áp. Thế là đủ cho họ hiểu nhau rồi. Nhìn mắt anh, Hoài Phương biết anh đang muốn nói điều gì đó. Cô vừa rất nóng lòng được nghe, lại vừa sợ anh sẽ nói ra. Thôi anh ạ, sắp đến giờ đi rồi. Nói mà làm gì.

– Cô ở lại, còn nhiều công việc phải làm lắm đấy. Rất khó khăn. À, tình hình chú bé thế nào?

– Anh cứ yên tâm. Chú bé chỉ bị thương và đã được chuyển ra R.

Đôi mắt Hồng Giang sáng lên. Anh lại hỏi tiếp:

– Anh Cả chỉ nhắn: Trung ương rất tin tưởng và nhiều hy vọng vào đại tá – Hoài Phương đỏ mặt. Sự bối rối về cách gọi làm đôi gò má cô ửng hồng, trông lại càng duyên dáng. Ngay cả đến lúc chỉ có hai người, cô vẫn quen với cách xưng hô cũ. Mà sao anh ấy không dặn gì cho riêng mình nhỉ? Nhưng thôi, mọi tình cảm lúc này đều làm anh bận lòng trước khi đi xa. Nghĩ vậy, Hoài Phương cố mỉm cười – Còn mọi việc, chắc liên lạc đã nói lại hết cả rồi.

– Mà còn cái này. Suýt nữa thì quên mất. – Nói đến công việc, Hồng Giang hoạt bát hẳn lên. Anh cố lần lần túi áo, rút ra một chiếc bút bi. Đó là chiếc bút bi đặc biệt, ba tác dụng, quà tặng, hay nói đúng ra thì đó là chứng chỉ tốt nghiệp của anh khi rời Prin-xbớc. – Cô trao lại cái này cho anh Cả. Nhớ làm thế nào đến tận tay anh Cả đấy.

– Vâng, sẽ đến tận tay – Hoài Phương suy nghĩ hơi lâu, vẻ đắn đo. Sau khi cất kỹ chiếc bút bi Hồng Giang đưa, cô rút ra một chiếc bút khác, giống đến nỗi Hồng Giang kinh ngạc tưởng cô làm trò ảo thuật. Nếu tự tay anh cầm lấy, xoay mở nắp bút ra và một bông hồng xanh biếc mở ra, anh sẽ không bao giờ tin trên đời này lại có một chiếc bút thứ hai hệt như chiếc bút của anh đến như thế. Hoài Phương chăm chú nhìn anh, rồi lại nhìn chiếc bút, mỉm cười mà môi dưới trề ra như muốn khóc – Anh Cả dặn đó là dấu hiệu bắt đầu, mà cũng là… là… cũng là kết thúc phương án hai.

Hồng Giang gật đầu, im lặng. Gần bốn mươi tuổi đời, chưa lúc nào anh nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình, tự tay vun quén cho mình một tổ ấm. Anh không có thời gian, nhưng thực sự anh cũng chưa nghĩ đến việc làm quen các cô gái… cô gái đang ngồi bên anh kia. “Chị Sáu” đó, nghe giọng anh đoán chắc là người Hà Nội. Giá như đây không phải là Sài gòn… Anh sẽ ngồi lâu lâu một chút để nói chuyện với người con gái ấy về quê hương, về công việc, về… về những gì đang đến trong anh. Như những cơn mưa đầu hè, anh cảm thấy phải nói một điều gì đó, dù chỉ một câu một chữ thôi cũng được. Như bầu trời phải gửi xuống đất những giọt nước mát lành khi đã nặng trĩu hơi nước đến ngột ngạt…

Kìa, cô ấy đã xem đồng hồ. Mắt vẫn không rời anh, cô từ từ đứng lên, dáng điệu uể oải biết mấy. Người cô hơi cong cong xuống vì anh vẫn đang nắm chặt lấy bàn tay thon nhỏ, mềm mại. Mấy sợi tóc mai xõa xuống trán, xuống mắt cô. Nói đi. Nói đi chứ! Anh cảm thấy cổ họng khô khốc, bị vật gì chẹn cứng đến ngạt thở. Nói đi. Kìa! Vì sao cô ấy nhắm nghiền mắt lại?

Anh nói, thì thào như phải đẩy nó ra từ thẳm sâu trong lồng ngực, tay vô tình siết chặt bàn tay thon mềm: “Em! Chờ nhé!”

Phía ngoài đường vang lên tiếng còi xe. Đã đến lúc lên đường vào những trận chiến đấu thầm lặng mới.

Hà Nội, 3-1978
Nha Trang, 8-1978