Sau cành Viôlét – Ngô Tất Thắng

Trong phòng, ba viên tướng người Việt đã ngồi chờ sẵn. Sơn Hồng thiếu tướng cục trưởng tác chiến Bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa ngả hẳn người ra phía sau, nét mặt căng thẳng. Gã biết rằng cuộc họp này không báo trước điều gì vui, một khi ngài Hâygơ trong cú điện triệu tập đã nhắc tới Rồng lửa. Hai viên chuẩn tướng ngồi bên cạnh đang ghé đầu vào nhau, thì thào một điều gì đó. Đó là Quang Đán, cục trưởng tình báo và Huỳnh Vĩnh, tư lệnh cảnh sát. Hai viên tướng này thực ra đang đổ lỗi cho nhau và đoán già đoán non về thái độ của Hâygơ. Tuy bộ dạng bên ngoài khác nhau, song mỗi khi có tiếng động ở cửa lớn, cả ba lại ngồi thẳng lưng, bất giác cũng đưa tay sửa lại ve áo, quân hàm. Không thấy gì, chúng lại trở lại tư thế cũ, chửi thầm thái độ nịnh bợ của các chiến hữu ngồi kề. Đến khi Hâygơ, Uyliam và Sacli bước vào thì Hồng đã ngủ gà ngủ gật, còn Đán và Vĩnh đang trợn mắt gân cổ cãi nhau.

Giật mình, cả ba tên cùng đột ngột chồm dậy như một cái máy, sáu chiếc giầy rập vào nhau nghe đánh cộp. Ngay khi đó, một tiếng cạch thứ hai vang lên. Thì ra Sơn Hồng vì vội vàng đã để rơi chiếc can bịt bạc, kỉ niệm của lần thụ huấn tại Niu Yoóc.

– Ấy, các ngài cứ tự nhiên. Người Mỹ chúng tôi vốn rất coi trọng các chiến hữu đồng minh. Mời các ngài.

Hâygơ vừa đi vào vừa chỉ tay xuống ghế. Uyliam và Sacli lầm lì bước theo. Đợi cả ba người vừa đến đã ngồi vào chỗ, mấy viên tướng Sài gòn mới ngồi xuống. Đưa mắt nhìn lướt qua mặt mấy viên tướng ngụy quyền, Hâygơ bắt đầu nói:

– Như vậy là Rồng lửa đã thất bại. Vì sao Việt cộng lại tránh được đòn? Vì sao các phi đội UH.1 của Hoa kỳ trọng thương nhiều như vậy? Vì sao bom và lửa lại trút vào chỗ trống? Vì sao? Vì sao? Giọng Hâygơ rít lên vì không giữ nổi bình tĩnh. Trông hắn đứng dậy thật dễ sợ. Đôi mắt quắc lên, vằn đỏ những tia máu. Ngực áo hắn phanh ra, để lộ những túm lông đen sì, xoăn tít. Cả bộ ria cũng vểnh lên. Hắn nói nhanh bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ, nhấn trọng âm theo lối phát âm tiếng Anh. Sơn Hồng cúi gằm mặt khẽ mân mê vạt áo. Có lẽ cái cổ quá nhỏ để chứa một bộ mặt phì phị những thịt và lời quát mắng như búa bổ của quan thầy nên Hâygơ càng nói, hắn càng cúi thấp hơn. Thỉnh thoảng lại khẽ ngọ ngoạy. Huỳnh Vĩnh nhìn chằm chằm vào chiếc cặp tám ngăn để trước mặt, chốc chốc lại hếch sang Quang Đán. Gã này đang ngẩng mặt nhìn Hâygơ, hay chính xác hơn. đang nhìn mồm Hâygơ. Nét mặt gã chỉ hơi nhăn nhăn khi thấy từ cái lỗ to đen như một cái loa với hai hàm răng khập khễnh, nước bọt phun ra quá nhiều so với những câu nói cục súc của một viên tiểu chủ bang Vớc-gi-ni-a, nơi gã đã có hân hạnh theo học tại học viện an ninh quốc gia.

Sau một hồi ngắc ngứ, cái yết hầu Hâygơ dướn lên, rồi tụt xuống như vừa nuốt tuột cục giận nghẹn mãi nơi cổ vào trong bụng. Gã hắng giọng kết thúc bài diễn văn “nẩy lửa”:

– Các ông phải hiểu rằng hàng tỉ đô-la, hàng vạn binh lính của chúng tôi đến đây không phải để chết thay cho các ông. Trong vài ngày nữa, các ông phải tìm ra thủ phạm của vụ này. Phải tìm bằng được trước khi kế hoạch mới bắt đầu. Nếu không, chúng tôi sẽ tìm và tìm ngay trong đầu các ông.

Rồi gã ngồi phịch xuống, vuốt vuốt cái cổ họng bị buộc làm việc quá nhiều so với thường ngày. Sau khi tu một hồi hết chai bia La-rue Sacli vừa mở đặt trên bàn, gã rút khăn tay, xì mũi ầm ĩ. Sơn Hồng vừa nhấp nhổm định đứng dậy thì Uyliam giơ tay nhẹ nhàng chặn lại. Hắn đứng lên, nở một nụ cười (dịu dàng đến nỗi Sơn Hồng lấy lại được nghị lực nâng cái đầu nặng chịch lên, còn Quang Đán thì rùng mình). Nhìn cả ba tên trong cặp mắt xanh hơi nheo nheo, gã nói:

– Thưa các ngài, có lẽ tướng Hâygơ – gã nghiêng người về phía viên tướng Mỹ- vì tình hình chung nên đã hơi nặng lời. Mong các ngài thông cảm, vì Rồng lửa là nỗi lo của tất cả chúng ta, và chắc chắn là các ngài lo hơn. Uyliam dừng lại một lát, dường như để cho bốn người ngồi trước mặt hiểu hết ý tứ của câu nói. Rồi hắn tiếp:

– Các ngài thừa hiểu rằng, trong chúng ta ngồi đây, hẳn có kẻ phản bội. À, tôi xin lỗi. Ý tôi muốn nói là có kẻ, vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho tên phản bội. Muốn biết tên phản bội đó là ai, ta phải tìm xem kẻ tiếp tay là ai. Tôi không muốn nói nhiều. Chỉ xin nhấn mạnh với các ngài rằng, nếu như vụ này không đưa ra ánh sáng trong vài ba ngày tới, thì không những kế hoạch mới bị đe dọa, mà chính tính mạng của chúng ta cũng cùng chung số phận ấy. Chắc chắn quốc hội Mỹ sẽ xem lại số viện trợ đã quá nhiều cho các ngài. Khi đó, tổng thống Giôn-xơn không còn cách nào khác phải tìm những người làm được việc hơn.

Uyliam nheo mắt, hơi nhún vai như muốn nói biết làm thế nào khác được. Hắn đổi giọng:

– Bây giờ đi vào cụ thể vấn đề. Hẳn các ngài cũng đã biết kế hoạch Viôlét, mật danh cuộc hành quân Gianxơn Xiti (cả bọn tướng Sài gòn ngơ ngác). Trước khi trao đổi, chỉ lưu ý các ngài một điều, mỗi vấn đề trong đó được vạch ra cách ta một đại dương, là kết quả của những bộ óc tài giỏi nhất trong lầu Năm góc. Vì vậy, các ngài phải lấy tính mạng của mình ra để đảm bảo cho sự toàn vẹn của nó. Còn bây giờ, ngài Sơn Hồng sẽ làm việc cụ thể với ông Hâygơ. Còn hai ngài – Uyliam quay về phía Quang Đán và Huỳnh Vĩnh – hai ngài sẽ đưa toàn bộ danh sách các nhân viên dưới quyền cho tôi. Chúng tôi sẽ giúp các ngài tìm ra sự thật. Các ngài nhớ rằng: phải đưa chính xác và đầy đủ. Có lẽ các ngài đã hiểu ý tôi? Chúc cho tình hữu hảo Việt – Mỹ!

Uyliam nâng cốc. Cả bọn đứng dậy. Hâygơ quay sang chạm cốc với Uyliam, mạnh đến nỗi ly rượu của tên trùm CIA sóng sánh, chỉ trực trào ra ngoài. Rồi mặc cho ba cái li của bọn tướng ngụy cùng lao tới, Hâygơ ngửa cổ, nốc một hơi. Đặt mạnh li xuống bàn, hắn lầm bầm:

– Bọn “guk”[1] ăn hại. ([1] Guk (gook – tiếng Anh) tiếng bọn xâm lược Mỹ gọi người Việt Nam)

Đột ngột, hệ thống loa gắn kín trong tường ở một nơi nào đó vang lên tiếng nói:

– Xin phép được vào báo cáo.

Hâygơ chợt cười, nhìn cả bọn, rồi nói to:

– Mời vào.

Một người Mỹ trẻ tuổi, cao dong dỏng, đeo kính trắng mở nhanh cửa, bước vào. Chợt trông thấy đông người, người Mỹ đó định thụt lại. Hâygơ cười khuyến khích, vẫy tay:

– Vào trong này, Chiến hữu cả mà – Quay lại gõ gõ mấy đầu ngón tay xuống bàn, nói với cả bọn vẻ đắc chí. Đây là sĩ quan phản gián. Chắc chắn anh ta sẽ mang đến nhiều tin thú vị… Ồ, anh bạn, nói đi xem nào? Anh mang đến cho chúng tôi một tin vui gì đấy?

– Thưa ngài, ả gián điệp chúng ta bắt được hôm qua, nay đã xác định được tên là Hoàng Lan, một giao thông viên của cộng sản. A.7 đã nhận ra nó.

Nghe đến hai tên Hoàng Lan, trừ Sơn Hồng vẫn đang tu nốt chai bia thứ tư, còn hai viên tướng ngụy kia đều tròn mắt, dỏng tai nghe. Đó là cái tên quen thuộc mà cơ sở nằm vùng trong cứ của Việt cộng đã báo ra từ lâu, nhưng cho đến nay, cả bộ tư lệnh cảnh sát và phủ đặc ủy trung ương (cục tình báo) vẫn chưa nắm được dấu vết.

Thấy tên nhân viên phản gián ngừng lại không nói nữa, Hâygơ giục:

– Thế nào? Nói tiếp đi chứ?

– Thưa ngài, chỉ có thế thôi ạ. Cho đến giờ phút này, sau những trận đòn liên tục, ả vẫn không khai. Tôi trực tiếp theo dõi, thấy ả nói mê, tôi nghĩ đó 1à mật hiệu liên lạc của bọn chúng. Nhưng có thể tôi lầm, vì đã là con gái, thì ả nào chẳng thích hoa.

– Cứ loanh quanh mãi. Nói ngay đi, ả nỏi mê những gì?

– Thưa ngài, ả chỉ nói mỗi một từ: Viôlét.

Cả bốn tên Mỹ cùng giật nẩy mình như điện giật. 

CHƯƠNG HAI: CHÚ BÉ

Đó là một cái hẻm bình thường như trăm ngàn cái hẻm khác của đô thành Sài gòn. Rời khỏi mặt đường nhựa láng bóng, phút đầu tiên con hẻm đón bạn bằng một cái rãnh tối, lõng bõng nước tranh chỗ với giấy loại, vỏ đồ hộp, thùng sắt tây hỏng và trăm thứ nổi lều bều. Nếu bạn đi xe gắn máy chưa quen lái, quen đường, con hẻm sẽ kỉ niệm bằng một mảng da đầu gối bị trầy, một vết sẹo nhỏ cùi tay, trên mặt… Lui vào trong là những chiếc xe lam đỗ im lìm, lẫn giữa những góc, những chái nhà lụp xụp làm bằng tôn, bằng hòm viện trợ Mỹ. Cả hẻm này không có lấy một ngọn điện. Chỉ khi bạn bước thấp bước cao, thỉnh thoảng lại cúi ôm lấy móng chân bật máu, mới biết mình đang bước trên con đường lát sơ sài bằng đá hộc, đã bị tháo đi nhiều chỗ. Vào giữa căn hẻm, nếu đi ban ngày, bạn sẽ thấy một căn nhà nổi bật hơn cả, tuy bức tường trông ra hẻm làm bằng gỗ thông đã mốc thếch, và cái khung cửa quá thấp đến nỗi khi bước vào, bạn phải coi chừng nếu không cúi lom khom thì nó sẽ chào bạn không lấy gì làm lịch sự… căn nhà nổi bật hơn mọi nhà trong hẻm, chính vì đó là một quán sách, quán Thăng Long với hai câu thơ viết bằng mực Tầu trên giấy hồng điều như đôi câu đối Tết “Từ thuở mang gươm đi mở nước. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Tuy chỉ có ba giá sáu tầng, song sách được bầy biện cẩn thận theo trình tự vấn đề: Khoa học tự nhiên xã hội, con người, thanh niên, phụ nữ, đạo đức, tiểu thuyết ái tình, chưởng, trinh thám… có cả.

Chủ quán là một người đàn ông đã ngót nghét năm muơi tuổi, mảnh khảnh, ít nói. Bà con trong hẻm thường gọi ông là ông Hai Bắc kỳ. Mấy cô cậu học trò thường ghé vào mua sách của ông thì gọi ông là bác Hai sách. Không mấy người rõ tên thật của ông, chỉ biết ông di cư vào đây năm năm tư, trước cũng là chủ quán sách ngoài Hà nội. Ông mang theo một đứa con trai, giờ khoảng mười, mười hai tuổi gì đó. Nó không có mẹ. Ông bảo nó thế và nó cũng đi nói lại với bạn bè như vậy. Trong chòm xóm nghèo bên sông Thị Nghè này, ai cũng khen ông lành lành, tốt bụng, tri thức… Riêng việc ông bắt thằng Hải, con ông, đi đánh giầy là không mấy ai hiểu nổi. Anh Tài xích lô bên cạnh nhà nhiều lần sang thưa chuyện với ông Hai Bắc kỳ, xin cho thằng nhỏ đến trường. Nhưng khi nghe ông bảo: “Tôi cũng muốn vậy, ngặt nỗi túng quá anh ạ”, thì anh Tài ngồi thừ người, hết nói. Anh sang vì thấy thằng nhỏ sáng dạ, lanh lẹn, không được học thì tiếc cho nó quá. Nhưng… anh cũng không thể gửi tiền cho nó được. Và lần nào cũng vậy, khi anh Tài ra về, ông Hai lại tiễn sang tận nhà, rồi vỗ vào vai anh cười lớn:

– Thôi, đâu có đó, chú Tài ạ. Không học ở trường thì học ở nhà. Không có tiền thì đi đánh giày kiếm tiền mua tập vở, cây viết.

Ai cũng bảo tiếng cười đó nghe to nhưng trầm, cười vui nhưng chịu không thấu.

***