Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Tên sách: Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi

Tác giả: Cal Newport

Tên sách tiếng Anh: Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World

LỜI GIỚI THIỆU

“Thành công không phải là phép màu nhiệm hay sự lừa gạt, nó chỉ đơn giản là học cách tập trung.”

— Jack Canfield

Đã bao giờ bạn ngồi xuống để làm việc và sau đó, không hề nhận ra mình lại kết thúc bằng việc dành một (vài) tiếng đồng hồ lướt Youtube, Facebook và tin tức? Tất cả chúng ta đều từng làm vậy. Có vẻ như có quá nhiều thứ lôi kéo sự chú ý của chúng ta trong thời đại này, nên rất khó để thậm chí đạt đến trạng thái tinh thần giúp hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Trong Làm ra làm chơi ra chơi, tác giả Cal Newport nhấn mạnh chủ đề “làm việc sâu” (deep work) đang ngày càng được chú trọng. Học cách làm thế nào để làm việc sâu – khả năng tập trung vào một nhiệm vụ khó nhằn mà không hề bị sao lãng – là chìa khóa để tạo ra những kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn.

Newport không hề đưa ra những lời khuyên xáo rỗng, mang tính lý thuyết hay giáo điều. Ông đề nghị chúng ta nên học cách làm quen với sự hời hợt và từ bỏ các công cụ truyền thông xã hội như Facebook, Instagram,… (Thậm chí, nếu bạn không muốn làm vậy thì lý lẽ của ông cũng rất đáng đọc). Nếu bạn đã từng dành một ngày làm việc trong tình trạng bị sao lãng bởi đám email và thông báo hiện lên liên tục rồi băn khoăn bạn đã làm gì cả ngày thì đây chính là cuốn sách dành cho bạn.

Trân trọng giới thiệu đến bạn cuốn sách vô cùng hữu ích này!

LỜI MỞ ĐẦU

Làng Bollingen thuộc bang St. Gallen của Thụy Sĩ, nằm gần bờ bắc Hồ Zurich. Năm 1922, bác sĩ tâm thần học Carl Jung đã lựa chọn địa điểm này để xây dựng nơi ông sẽ lui về ở ẩn. Ông bắt đầu với ngôi nhà có hai gác chính mà ông gọi là Tòa tháp. Sau khi trở về từ Ấn Độ, nơi ông nhận thấy mỗi ngôi nhà đều có một căn phòng để hành thiền, ông đã mở rộng khu nhà để có một văn phòng riêng. Nhận xét về không gian đó, Jung cho rằng: “Trong căn phòng đó, tôi được là chính mình. Tôi luôn mang theo chìa khóa phòng và không ai được bước vào khi chưa có sự cho phép của tôi.”

Trong cuốn Daily Rituals (tạm dịch: Nghi lễ hằng ngày), qua nhiều nguồn khác nhau từ Jung, nhà báo Mason Currey đã phân loại để mô phỏng những thói quen làm việc của một nhà thần kinh học tại Tòa tháp. Currey ghi lại rằng Jung thường thức dậy lúc 7 giờ sáng và sau khi thưởng thức bữa sáng thịnh soạn, ông sẽ dành hai giờ chuyên tâm ngồi viết trong văn phòng riêng. Buổi chiều, ông thường hành thiền hoặc dành thời gian đi bộ ở vùng ngoại ô quanh đó. Tòa tháp không có điện, do đó khi màn đêm buông xuống, nguồn ánh sáng chính là chiếc đèn dầu và nhiệt độ chủ yếu tỏa ra từ lò sưởi. Jung sẽ bắt đầu nghỉ ngơi rồi đi ngủ lúc 10 giờ tối. Ông cho biết: “Ngay từ đầu, tôi đã có cảm giác mãnh liệt khi được nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng làm việc khi ở trong tòa tháp này.”

Dù thật hấp dẫn khi nghĩ về Tòa tháp Bollingen như một căn nhà nghỉ dưỡng, nhưng nếu chúng ta đặt nó trong bối cảnh sự nghiệp của Jung vào thời điểm này thì rõ ràng, sự ẩn dật ven hồ không phải nhằm mục đích thoát khỏi công việc. Năm 1922, khi xây dựng ngôi nhà này, Jung đã không còn đủ tiền để đi đâu nghỉ ngơi. Chỉ một năm trước đó, ông đã xuất bản cuốn Psychological Types (tạm dịch: Các kiểu hình tâm lý), cuốn sách tiền đề củng cố sự khác biệt bấy lâu giữa tư duy của Jung và những ý tưởng của người bạn đồng thời cũng là người thầy của ông, Sigmund Freud. Phản bác lại Freud trong thập niên 1920 là một hành động táo bạo. Để hỗ trợ cuốn sách của mình, Jung cần phải nhạy bén và cho ra mắt hàng loạt bài báo cùng những cuốn sách thông minh nhằm thiết lập và củng cố thêm về tâm lý học phân tích (analytical psychology) – tên gọi trường phái tư tưởng mới của ông.

Các bài giảng và buổi tư vấn khiến Jung trở nên bận rộn khi ở Zurich, hẳn rồi. Nhưng ông không hài lòng với sự bận rộn đơn độc này. Ông muốn thay đổi cách hiểu của con người về sự vô thức và mục tiêu này đòi hỏi ông phải tư duy sâu sắc hơn, cẩn trọng hơn. Ông lui về Bollingen không phải để thoát khỏi cuộc sống chuyên môn mà là để tiến lên.

Carl Jung tiếp tục trở thành một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Dĩ nhiên, có rất nhiều lý do dẫn đến thành công đó. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi chỉ quan tâm đến cam kết của ông đối với các kỹ năng quan trọng góp phần tạo nên những thành tựu mà ông đã đạt được:

Làm việc sâu: Các hoạt động chuyên môn được thực hiện ở trạng thái tập trung – không bị phân tán tư tưởng nhằm thúc đẩy khả năng nhận thức đi đến điểm giới hạn. Những nỗ lực này tạo ra giá trị mới, cải thiện kỹ năng và rất khó để sao chép.

Làm việc sâu là hoạt động rất cần thiết để vắt kiệt từng giọt giá trị cuối cùng từ năng lực trí tuệ hiện tại của bạn. Từ nhiều thập kỷ nay, thông qua các nghiên cứu trong tâm lý học và khoa học thần kinh, chúng ta biết được rằng tình trạng căng thẳng về tinh thần đi kèm với làm việc sâu cũng là yếu tố cần thiết để cải thiện khả năng. Nói cách khác, làm việc sâu chính xác là nỗ lực quan trọng để đứng vững trong một lĩnh vực có liên quan đến nhận thức như tâm thần học vào đầu thế kỷ XX.

Thuật ngữ “làm việc sâu” (deep work) là do tôi tự nghĩ ra và chưa từng được Carl Jung sử dụng, nhưng những động thái của ông trong giai đoạn này vẫn được nhiều người ngầm hiểu theo ý nghĩa như vậy. Jung đã xây dựng một tòa tháp bằng đá trong rừng để thúc đẩy khả năng làm việc sâu chuyên môn – một nhiệm vụ đòi hỏi thời gian, sức lực và tiền bạc. Nó đã đưa ông đến với những mục tiêu xa hơn. Như Mason Currey đã viết, những đợt Jung thường xuyên lui về Bollingen làm giảm thời gian ông dành cho công việc lâm sàng: “Dù còn nhiều bệnh nhân đang trông cậy vào mình, Jung vẫn không ngần ngại trút bỏ thời gian.” Làm việc sâu cực kỳ quan trọng đối với mục tiêu thay đổi thế giới của ông.

Thực ra, nếu bạn nghiên cứu về cuộc đời của những nhân vật có tầm ảnh hưởng khác từ trước đến nay, bạn sẽ nhận thấy họ đều có điểm chung là làm việc sâu. Ví dụ, nhà lý luận Michel de Montaigne ở thế kỷ XVI từng làm việc trong một thư viện riêng được ông xây dựng ở tòa tháp phía nam, nơi có các bức tường đá của lâu đài Pháp bao quanh, trong khi đó, Mark Twain cũng đã viết phần lớn cuốn The Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer) tại một nhà kho ở Quarry Farm, New York. Twain say mê viết sách tới mức tự cô lập bản thân, gia đình ông phải thổi tù và gọi ông về khi đến giờ cơm.

Theo dòng lịch sử, hãy cùng xem xét trường hợp của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Woody Allen. Trong suốt 44 năm, từ năm 1969 đến năm 2013, Woody Allen đã viết và đạo diễn 44 bộ phim, nhận được 23 đề cử cho giải Oscar – một tỷ lệ phản ánh năng suất lao động nghệ thuật đáng ngưỡng mộ. Trong suốt thời gian này, Allen chưa từng sở hữu một chiếc máy tính nào; thay vì đánh máy tất cả các tác phẩm của mình và để tránh bị các thiết bị điện tử gây sao lãng, ông đã dùng chiếc máy đánh chữ thủ công kiểu Olympia SM3 do Đức sản xuất. Ngoài ra còn có Peter Higgs, nhà vật lý lý thuyết, cũng từ chối máy tính và làm việc bằng cách ngắt hết tất cả kết nối để cánh báo chí không thể tìm được ông sau khi biết ông đoạt giải Nobel. Ngược lại, J. K. Rowling dù vẫn sử dụng máy tính, nhưng bà lại tránh xa các phương tiện truyền thông xã hội trong suốt thời gian viết bộ tiểu thuyết Harry Potter – dù ở giai đoạn này, công nghệ đang nổi lên và rất phổ biến trong giới truyền thông. Cuối cùng, đội ngũ nhân viên của Rowling cũng lập một tài khoản Twitter dưới tên bà vào mùa thu năm 2009, khi bà đang viết cuốn The Casual Vacancy (Khoảng trống) và trong một năm rưỡi đầu tiên, dòng tweet[1] duy nhất bà đăng là: “Đây thực sự là tôi, nhưng tôi e rằng các bạn sẽ không nghe ngóng được gì từ tôi đâu, vì giấy bút mới là ưu tiên của tôi lúc này.”

Tất nhiên, làm việc sâu không hề bị giới hạn về lịch sử hay kỹ thuật. Bill Gates, Giám đốc Điều hành (CEO) của Microsoft, đã tiến hành “Tuần Suy nghĩ” hai lần mỗi năm và trong khoảng thời gian này, ông sẽ tự cô lập bản thân (thường là trong một ngôi nhà ven hồ), không làm gì khác ngoài việc đọc và suy nghĩ về những ý tưởng lớn. Trong Tuần Suy nghĩ năm 1995, Gates đã viết bản ghi chú “Internet Tidal Wave” (tạm dịch: Cơn sóng thần mang tên Internet). Chính bản ghi chú nổi tiếng này đã hướng sự chú ý của Microsoft tới một công ty mới nổi có tên Netscape Communications. Neal Stephenson là tác giả cyberpunk[2] nổi tiếng, người đã góp phần hình thành nên quan niệm phổ biến của chúng ta về thời đại Internet. Với bản tính lập dị, hoài nghi của ông, người ta gần như không thể tiếp cận với ông qua hệ thống điện tử. Trang web của ông không cung cấp địa chỉ e-mail mà lại đăng một bài viết giải thích lý do tại sao ông lại cố tình không sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Ông từng giải thích về sự thiếu sót này rằng: “Nếu tôi tổ chức cuộc sống của mình để có được những quãng thời gian liên tục, không bị gián đoạn, thì tôi có thể viết được nhiều tiểu thuyết hơn. [Nếu thay vào đó tôi thường xuyên bị gián đoạn] thì sao? Thay vì một cuốn tiểu thuyết sẽ trường tồn… thì lại có một loạt các e-mail mà tôi phải gửi cho từng người một.”

Sự phổ biến của làm việc sâu ở các cá nhân có tầm ảnh hưởng là điều quan trọng cần nhấn mạnh bởi nó tương phản với thái độ làm việc của đa số người lao động trí óc hiện đại – nhóm người đã sớm quên đi giá trị của việc này.

Tác giả: